Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

Biển Đông sôi động trước ngày khai mạc Diễn Đàn Khu Vực Đông Nam Á 2011


Gần một năm trước đây bà Hillary Clinton đã  khiến Ngoại Trưởng Trung Quốc Dương Thiết Trì sửng sốt khi lên tiếng tại Hà Nội trong Diễn Đàn Khu Vực Đông Nam Á rằng Hoa Kỳ có mối quan tâm chiến lược ở biển Đông. Ông này bực tức bước ra khỏi phòng họp khi lời phát biểu nói trên được nhiều nước ASEAN hưởng ứng.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Clinton sẽ trở lại Diễn Đàn Khu Vực Đông Nam Á lần  thứ 18 tại Bali thuộc Indonesia vào hôm 15-07-2011. Đây cũng là chuyến chuẩn bị cho chương trình công du của Tổng Thống Obama tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á vào tháng 11-2011[1] .
Người ta sẽ không ngạc nhiên khi tình hình tranh chấp tại biển Đông trở nên sôi động trong những ngày sắp tới: một bên là những vận động quân sự và ngoại giao, mặt khác là các quả bóng thăm dò, và cuối cùng vì có nhiều thay đổi sâu sắc trên trường quốc tế ảnh hưởng đến biển Đông.
Mới đây trong tháng 05-2011 tổng thống Phi Luật Tân đã cảnh báo với Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Quốc về một nguy cơ chạy đua vũ trang giữa các nước trong khu vực do tranh chấp tại biển Đông[2]. Vẫn theo ông này, các quốc gia thành viên ASEAN vốn tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa cần phải có một tiếng nói chung để tạo nên tầm ảnh hưởng lớn hơn khi đứng trước các nước khác bên ngoài khối cũng đòi chủ quyền trong khu vực – ý chỉ Hoa Lục.
Trung Quốc đang tăng áp lực lên Việt Nam và qua đó thăm dò thái độ của Mỹ. Vào ngày 26-05 ba chiếc tàu hải giám của Hoa Lục cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Sự kiện này rất giống như việc tàu hải quân không vũ trang USS Impecable của Hoa Kỳ bị 5 tàu Trung Quốc khiêu khích và áp sát đến gần đứt dây siêu âm vào tháng 03-2009[3].
Trong những ngày qua nhiều nhóm ngư dân Việt Nam đã bị hải quân Brunei[4], hải quân Indonesia[5] và Trung Quốc bắt giữ. Báo chí Phi đăng tải bài viết tố cáo Việt Nam củng cố tiền đồn tại Trường Sa[6]. Các sự kiện liên tiếp xảy ra  trước ngày khai mạc Diễn Đàn Khu Vực như để nhắc nhở rằng biển Đông không những chỉ là vấn đề giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, mà chính trong nội bộ các quốc gia Đông Nam Á cũng có tranh chấp trong đó đối thủ lớn nhất là Việt Nam.
Trong khi đó tình hình quốc tế thay đổi vô cùng nhanh chóng mang lại ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến khu vực.
Sau khi Hoa Kỳ hạ sát Osama Bin Laden, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã công khai lo ngại rằng Mỹ sẽ chĩa mùi dùi chính từ chống khủng bố san ngăn chặn sự bành trướng của Hoa Lục. Người ta không lạ trong những ngày sắp tới Bắc Kinh sẽ tăng cường áp lực nặng nề lên Việt Nam nhằm thăm dò trong Diễn Đàn Khu Vực liệu Hoa Kỳ có thực sự thay đổi chiến lược, và sẽ can thiệp đến mức độ nào tại biển Đông?
Trung Quốc hy vọng Mỹ bị vướng bận với chiến tranh Do Thái – Palestine và phong trào quần chúng tại Trung Đông. Nhưng mặt khác Bắc Kinh lại lo sợ rằng Cách Mạng Hoa Lài sẽ mang đến những ảnh hưởng bất ngờ ở Hoa Lục.
Trung Quốc lợi dụng mối rạn nứt giữa Mỹ-Pakistan nhằm chen chân tranh giành ảnh hưởng đồng thời tạo thêm khó khăn cho Hoa Kỳ – Ấn Độ tại Trung Á. Nhưng đồng thời Bắc Kinh cũng e ngại bị tình hình bấp bênh trong khu vực đưa đẩy bất ngờ trở thành một đối tượng của khối Hồi Giáo cực đoan.
Vụ sóng thần tại Nhật Bản làm chậm lại các chương trình xây lò nguyên tử để giải quyết nạn thiếu điện tại Hoa Lục. Giá dầu thô tăng lên 100 USD khiến cả Trung Quốc lẫn các nước ASEAN càng quan tâm đến nguồn năng lượng tại biển Đông. Hoa Lục sản xuất khoan khổng lồ có khả năng khai thác ở độ sâu 3000m trị giá 932 triệu USD trong lúc Việt Nam và Phi Luật Tân chuẩn bị cho thăm dò dầu hoả trong thời gian sắp tới.
Trung Quốc chế tạo hoả tiễn diệt hàng không mẫu hạm, máy bay tàng hình và cho vào hoạt động chiếc tàu sân bay đầu tiên trong chương trình tổng cộng gồm 5 chiếc. Mỹ đáp trả với loại máy bay tàng hình không người lái tầm xa X-47B và chiến lược phối hợp không-hải lực ở Thái Bình Dương, vốn được so sánh có tầm quan trọng giống như kế hoạch tổng hợp không-lục quân tại Âu Châu nhằm ngăn chận quân đội Xô Viết vào thế kỷ 20.
Thủ tướng Trung Quốc viếng thăm và cho Indonesia vay 9 tỷ USD cộng thêm 10 tỷ USD tín dụng.  Hoa Kỳ có chương trình cung cấp cho Philippines chiến đấu cơ F-16 cùng ba chiến hạm thuộc loại đời cũ. Việt Nam cũng đặt mua và nhận hàng từ Nga tàu ngầm, hoả tiễn địa-không và địa-hải, tàu chiến trang bị hoả tiễn và các loại máy bay chiến đấu.
Trong khi đó khối ASEAN đang gặp nhiều vấn đề nội bộ: giữa Thái-Miên về biên giới; giữa Lào-Việt-Thái-Miên về các đập thuỷ điện ở thượng nguồn sông Cửu Long; về vai trò của Miến Điện vốn bị nhiều nước trên thế giới tẩy chay, nhưng lại sắp trở thành chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2014.
Sau cùng chúng ta cũng không loại bỏ trường hợp Mỹ-Hoa đang thăm dò thành phần lãnh đạo mới tại Việt nam liệu lập trường có thay đổi thêm cứng rắn hay nhân nhượng tại biển Đông?
Các động thái trên đây vẫn chỉ là những bước dạo đầu cho một ván cờ vô cùng phức tạp.
© Đoàn Hưng Quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét