Thứ Tư, 6 tháng 7, 2011

Khi lãnh tụ Venezuela hít đất thì thiên triều hít bụi

Từ Caracas tới Bắc Kinh


Nguyễn Xuân Nghĩa

Hôm 30 vừa qua, Tổng Thống Hugo Chavez của Venezuela xuất hiện trên truyền hình để thông báo với quốc dân là ông đang trị bịnh ung thư.
Chuyện lý thú là ông không phát biểu tại thủ đô Caracas mà nói 15 phút trên truyền hình của Cuba, nơi ông qua đó chữa bệnh. Ban đầu thì còn giấu kín bệnh lý chứ bây giờ thì nói thật, dù chỉ một phần.
Lý thú hơn nữa là Bắc Kinh lại theo dõi rất sát chuyện này!
Nhưng vì sao lại nói tới Caracas và Bắc Kinh trên cột mục định kỳ về kinh tế của quý độc giả? Vì thưa rằng kinh tế cũng là chính trị. Và rằng Bắc Kinh đã bỏ rất nhiều tiền nuôi nấng quan hệ khắng khít với chế độ độc tài này. Chuyện ấy cũng ly kỳ như ông “Lú” Trọng hay chú Ba Dũng của Hà Nội bỗng dưng... “chuyển qua từ trần” vậy!
Nuôi mãi con ngựa mà nó lại bốn vó giữa dòng thì có phải là phí không nào?

***
Cho đến nay, chính quyền Cộng Sản Bắc Kinh vẫn giữ im lặng trước sự kiện lãnh đạo Venezuela lâm trọng bệnh. Việc kế nhiệm một lãnh tụ độc tài thường xảy ra sau hậu trường hắc ám và việc người anh hay phó tổng thống xứ này sẽ lên cầm quyền từ lúc lâm thời cho đến khi Hugo Chavez... lâm tử là một vấn đề đáng cho Bắc Kinh theo dõi vì có khi họ sẽ tuột tay ở Caracas.
Nhưng theo dõi một cách kín đáo thôi.
Nếu thiên triều bức xúc nhiều quá thì người ta thấy ra sự thật vô cùng bất tiện: Bắc Kinh đầu tư rất mạnh vào các chế độ độc tài và mục nát nhất. Các chế độ ấy là Bắc Hàn, Miến Ðiện, Angola, Sudan, Zambia, hay cả Iran và Libya (30 tỷ đô la cho Gadhafi chứ không ít). Vì vậy, việc các đấng con trời xâm nhập vào một tiền đồn chống Mỹ tại Mỹ Châu La Tinh là xứ Venezuela này không là điều ngạc nhiên.
Nhưng khác với thời hoang tưởng của Mao là khi mà đảng Cộng Sản Trung Quốc cấy hạt nhân “cách mạng vô sản” vào các nước nhược tiểu - trong đó có ba nước Ðông Dương và một chuỗi quốc gia Ðông Nam Á - để đòi lãnh đạo khối “phi liên kết”, lãnh đạo Bắc Kinh thời nay lại thực tiễn hơn nhiều. Họ chỉ đầu tư khi có lợi về kinh tế, tại các quốc gia có tài nguyên thiên nhiên mà Trung Quốc rất cần để tiến hành công nghiệp hóa.
Việc một xứ này đầu tư vào xứ khác để cùng khai thác và chia nhau thành quả là bình thường. Nhưng trong tiến trình đó, Trung Quốc đi sau các nước Tây phương nên gặp cảnh “trâu chậm uống nước đục” vì chỉ còn loại thị trường xương xẩu có vấn đề, thí dụ như bị thế giới tẩy chay hay cấm vận - như Bắc Hàn, Sudan, Miến Ðiện hay Iran...
Con trời vốn dĩ sành ăn, họ biết rằng những miếng gần xương nhất cũng là những miếng “ngon” nhất!
Vì vậy, rất đáng trách mà cũng thuộc diện “kinh tế chính trị học vô đạo”, Bắc Kinh bắt tay các chế độ hung đồ - “rogue regimes” - và tiếp tay phường vô lại để vơ vét tài nguyên của người dân nghèo khốn ở nơi đây: Loại dự án “bô-xít” của Việt Nam nằm trong diện đó!
Mà chưa hết, họ khai thác rồi thải ra từng núi rác về xã hội và về môi sinh cho đời sau gánh vác: Nạn khai thác lao động và ô nhiễm môi trường là đặc sản Trung Quốc. Các nước dân chủ mà dính vào trò bẩn ấy là bị dư luận ở nhà tố cho sặc gạch, tẩy chay cho hết khách. Hoặc bị dàn luật sư bầy trận để đòi bồi thường thiệt hại lên tới bạc tỷ. Bắc Kinh khỏi lo chuyện ấy, nên cứ phơi phới đi tới!
Ðó là về bối cảnh chung.
Về xứ Venezuela, Bắc Kinh cứ... cứng như bin là kín như bưng mà tung hoành vô tội vạ nên ít ai kiểm tra được sự thật. Chỉ còn cách thu lượm thông tin ở nhiều nguồn khác nhau để vẽ ra một phần của bức tranh toàn cảnh.
Venezulea là một xứ thuộc loại giàu năng lượng nhất thế giới - trữ lượng có xác định về dầu thô là hơn 210 tỷ thùng và về khí đốt là 180 ngàn tỷ thước khối. Vì vậy xứ này không thể nằm ngoài tầm nhắm của Thiên triều. Cho nên, từ 2005 đến nay, với Venezuela, họ đã đầu tư trực tiếp, cung cấp tín dụng đặc biệt (“với màu sắc Trung Hoa”) và hứa hẹn nhiều hợp đồng lên tới ngạch số tổng cộng là gần 50 tỷ đô la.
Tương đương với gần 50% tổng sản lượng GDP của Việt Nam chứ không ít!
Một số tín dụng - tiền cho vay - được Venezuela thanh toán bằng dầu. Chút nữa xin sẽ nói sau.
Một số khác, chừng 10 tỷ đô la, là loại có “màu sắc Trung Hoa” nên cần giải thích ngay: Cho vay... bằng đồng Nguyên. Là đồng “Yuan”, mà truyền thông cứ gọi là “Nhân dân tệ” hay “Renminbi”, tội cho nhân dân Trung Quốc dường nào! Tức là Bắc Kinh bấm nút in bạc cho Venezulea một “tín khoản” - “line of credit” - cỡ 10 tỷ đô, để Hugo Chavez thoải mái mua đồ Trung Quốc theo điều kiện của Bắc Kinh, mà không có rắc rối gì về nhân quyền.
Nhân đó Bắc Kinh tri hô cho bàn dân thiên hạ biết khả năng phổ biến của đồng Nhân dân tệ, một bước cạnh tranh với đồng bạc xanh của Mỹ! Kinh tế cũng là chính trị mà...
Bây giờ mới đến chuyện dầu.
Khác với dầu của Libya là loại “thanh” và “ngọt”, tức là có hàm lượng sulfure rất thấp và giá trị rất cao, dầu của Venezuela là loại “đậm” và “chua” nên phải chế biến tốn kém hơn trước khi đem vào nhà máy lọc dầu thành xăng. Khi đầu tư vào Venezuela, Bắc Kinh cũng học nghề chế biến - “học nghề” là cách nói lịch sự về nghệ thuật ăn cắp mà khỏi trả tác quyền - loại dầu đậm này và nhân đó cài vào các dự án liên doanh. Thí dụ như một dự án lọc dầu có nhật lượng là 400 ngàn thùng một ngày tại Quảng Ðông.
Dại gì mà không làm vậy khi Venezuela bán dầu và đầu tư vào Mỹ dưới thương hiệu Citgo! Tức là vẫn học lóm công nghệ - technology - của Mỹ đế, qua trung gian Venezuela! Dù là hạng bét thì cũng khỏi trả royalty. Khôn thấy mẫu thân!
Vì trang báo có hạn, người viết xin khỏi liệt kê danh sách chừng một tá dự án thuộc loại ma quỷ của Bắc Kinh trong hệ thống kinh tế chính trị Venezuela. Nhưng tin chắc là giới hữu trách của Mỹ cũng biết mà khỏi cần đọc báo Người Việt!
Bây giờ, sau khi nuôi con mòng cho béo thì Hugo Chavez lại ngất ngư sức khỏe và xứ Venezuela có khi lại đổi chủ trong điều kiện bất thường. Vốn dĩ kẻ cặp hay gặp bà già - xin lỗi các bà già trên toàn thế giới - nên nếu có cảnh đổi chủ thì rất dễ có chuyện... quịt nợ!
Một giả thuyết hoàn toàn không hoang tưởng: Khi đảng Cộng Sản Việt Nam hết lãnh đạo cái xứ khốn khổ này thì người dân Việt Nam có cúi đầu chấp hành những cam kết bất công và bất chánh của Hà Nội với Bắc Kinh không? Vì thế, nếu chế độ Hugo Chavez lâm vào nội loạn, dân Venezulea sẽ nổi dậy như đã từng làm vào năm 2002. Khi ấy, họ sẽ phủ nhận loại quyết định bán dầu mà bán nước của Hugo Chavez. Có khi còn tràn vào khu vực kinh doanh của Trung Quốc để biến thành bình địa.
Làm Bắc Kinh lỗ vốn!
Ngay trước mắt thì có thể lỗ 15 tỷ đô la. Không nhiều nếu so với lượng đầu tư hải ngoại của Trung Quốc, riêng năm 2010 đã lên tới gần 60 tỷ đô la. Không nhiều mà vẫn đáng kể. Còn đáng kể hơn nếu dân Venezuela chất đồng Nguyên thành đống để dâng cho... bà Hỏa! Rất là mất mặt Thiên triều!
Nước Mỹ vốn quen với cảnh cờ hoa bị đốt, hình lãnh tụ bị treo làm người nộm, họ coi đó là quyền tự do phát biểu của Ðệ nhất Tu chính án. Chứ Thiên triều đầy mặc cảm thì không chịu được: Lại là âm mưu Mỹ đế sau khi can thiệp vào Libya làm Thiên triều mất béng 30 tỷ!
Ðó là chuyện trước mắt.
Về dài nếu Venezuela có loạn, bị nội chiến, đổi chủ hoặc chế độ phải thỏa hiệp thì tính chất hung đồ của Hugo Chavez không dứt cũng giảm. Venezuela sẽ giã từ chiến lược Chavez để thoát khỏi tình trạng bị cô lập hiện nay.
Lý do là vì Hugo Chavez mà quốc gia giàu tài nguyên này bị tụt hậu, nhất là về kỹ nghệ hóa dầu và năng lượng - tương tự như Iran. Cũng nhờ Venezuela bị cô lập, Bắc Kinh có một sân chơi bất bình đẳng và lén chui vào chơi bẩn. Mai đây, nếu xứ này có thay đổi về chính trị, chế độ mới tại Caracas sẽ thay đổi chánh sách kinh tế và đầu tư. Họ cần hình thái làm ăn sạch sẽ và tiến bộ hơn. Từ đó, giới đầu tư Tây phương sẽ trở lại và Bắc Kinh hết trò ma bùn độc diễn.
Vì thế, căn bệnh của Hugo Chavez không là chuyện nhỏ, mà là điều khiến Thiên triều phải quan tâm.
***
Theo truyền thống, chúng ta chỉ nên luận về thiên hạ sự để nhớ đến chuyện nhà. Chuyện Việt Nam. Vì vậy, lời kết ở đây là một nhắc nhở:
Cách đây đúng 15 năm, khi còn là tổng lý Quốc Vụ Viện, Thủ Tướng Lý Bằng của Trung Quốc đã cầm đầu một phái đoàn tham dự đại hội đảng Cộng Sản Việt Nam. Phái đoàn rất hùng hậu vì có chừng 150 doanh gia cầm cặp tham quan khắp nơi. Họ lặng lẽ đi rải phân để bón lên một tầng lớp lãnh đạo có quan điểm hữu nghị với Thiên triều.
Nói về kinh tế chính trị, thời ấy, trung bình ngân sách một tỉnh thì chỉ có chừng một triệu đô la, với vài trăm ngàn “đầu tư” ở từng nơi thì họ đã cấy và từ đó nuôi được khá nhiều người, từ cấp huyện ủy trở lên. “Phát huy dân chủ từ cơ sở” mà... Rồi yên tâm là trung ương đảng của Hà Nội từ nay biểu quyết những điều “có lợi cho đôi bên” mà toàn dân không biết. Có biết cũng đành chịu!
Ðôi khi còn ăn theo, hơn là dại dột đi làm cách mạng dân chủ và đòi bảo vệ tổ quốc: Làm kinh tế vốn dĩ vẫn khôn hơn làm chính trị!
Bây giờ chúng ta hiểu vì sao mà Hà Nội kềm chế phản ứng của người dân và chủ trương “đối thoại song phương” với Bắc Kinh trước những gì đang xảy ra ngoài Ðông hải. Vì vậy người Việt cũng nên quan tâm đến biến động tại Venezuela!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét