Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

Bẫy đàm phán song phương

Hội nghị an ninh Sangri-La ở Singapo vừa kết thúc được báo giới đánh giá là Việt Nam cùng Philippines có quan điểm lên án Trung Quốc mạnh mẽ trong cách hành xử trên biển Đông. Một mặt bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt cam kết các biện pháp hoà bình và nói rằng quân giải phóng Trung Hoa không can dự vào sự leo thang căng thẳng vừa qua. 
Cần tránh bẫy đàm phán song phương để tránh bị bẻ đũa

và cũng tránh việc "ngàn năm công tội" với con cháu

          Thế nhưng ngay sau khi kết thúc hội nghị, các hãng tin đã loan báo Philippines cáo buộc Bắc Kinh vi phạm thô bạo thoả thuận ký năm 2002 giữa Trung Quốc và ASEAN.
          Báo SGGP ngày 7-6 loan tin Philippines cáo buộc Bắc Kinh vi phạm thô bạo một thỏa thuận ký năm 2002 giữa Trung Quốc và ASEAN nhằm ngăn chặn các vụ xung đột tại quần đảo Trường Sa có tranh chấp trên biển Đông. Đây là động thái mới nhất trong hàng loạt phản đối việc Trung Quốc xâm nhập khu vực mà nhiều nước cùng tuyên bố chủ quyền này. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, vụ đối đầu mới nhất tại quần đảo Trường Sa trên biển Đông gần bờ biển của Philippines là thách thức nghiêm trọng nhất đối với những nỗ lực nhằm giải quyết tranh chấp một cách hòa bình kể từ năm 1995, thời điểm Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng đảo Mischief mà Manila tuyên bố chủ quyền. Chính phủ Philippines có tài liệu chứng tỏ từ tháng 2 tới nay, Trung Quốc đã 6 lần thâm nhập các khu vực mà Manila tuyên bố chủ quyền bên trong và gần quần đảo Trường Sa. Trong số này, vụ thâm nhập nghiêm trọng nhất vào ngày 25-2, khi tàu hải quân Trung Quốc nổ súng vào ngư dân Philippines tại cồn san hô Jackson .
          Vì sao ngay sau khi kết thúc hội nghị Sangri-La , Philippines lại mạnh mẽ hơn trong việc phản đối Bắc Kinh?, đấy là vì tính hai mặt của Trung Hoa. Nếu ngồi trên bàn hội nghị ông Lương Quang Liệt, Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc nói theo đuổi “sự phát triển hoà bình”. Nhưng sự thật trên biển Đông lại một lần nữa khiến Philippines phản đối. Đấy là gây hấn. Sự lá mặt, lá trái của hành vi này không được khu vực chấp nhận. Nhưng nhìn kỹ vào vấn đề, thấy rõ Trung Quốc đang đi từng bước để xé bỏ thoả thuận ký năm 2002 giữa Trung Quốc và ASEAN. Một khi thoả thuận trên vô dụng, Trung Quốc sẽ áp đặt khuôn phép của mình lên biển Đông, luật chơi hoàn toàn do Bắc Kinh áp đặt bằng phương pháp đàm phán song phương.
          Nhiều nhà nghiên cứu sáng suốt chỉ ra đó là cái bẫy mà các nước trong khối ASEAN cần tránh.
          Nhớ lại rằng, để đàm phán được đường biên giới trên bộ với 12/14 nước có đường biên với mình, Trung Quốc đã đưa ra sáng kiến Tổ chức hợp tác Thượng Hải năm 1996. Tổ chức trên lập ra không gì khác ngoài việc vận động hành lang đảm bảo lợi ích cốt lõi đường biên giới trên bộ có ích nhất đối với Bắc Kinh. Và những nước như Kazakhstan, Kyrgyzstan , Tajikistan …đều ngồi vào bàn đàm phán tay đôi với Trung Quốc. Tất nhiên, trên bộ làm như thế có vẻ thuận chiều, bởi khó diễn ra đàm phán đa phương. Nhưng đọc lại các tài liệu lịch sử, các nước nhỏ một khi ngồi vào đám phán tay đôi với Trung Quốc thường lùi lại đường biên vào sâu trong nội địa so với đường biên trước đây cha ông họ đã giữ.
          Đấy là một cách bẻ đũa ngoạn mục mà lịch sử Trung Hoa xem như thành tựu.
          Có hai nước mà Trung Quốc khó tiến triển về đường biên trên bộ, ấy là Nga và Ấn Độ. Với Nga, lãnh đạo đất nước của những khu rừng taiga này không dễ gì rơi vào quỹ đạo tổ chức Thượng Hải. Và các đàm phán nếu không tiến triển, có một phương pháp thông minh mà các nhà đàm phán vẫn thường làm là “giữ nguyên hiện trạng”. Trung Quốc đàm phán với Nga là nhằm lấy những phần đất mà Trung Quốc tuyên truyền Sa Hoàng từng xâm chiếm. Nhưng khi không đạt, luận điểm “giữ nguyên hiện trạng” được đưa ra, tất nhiên Nga đồng tình bởi Nga đang quản lý khu đất Trung Quốc đang cố công tuyên truyền là của mình.
          Cũng là cách đó nhưng Ấn Độ có 3.500km đường biên với Trung Quốc lại khác. Ấn Độ có nền tảng ngoại giao kiên định, khôn khéo, đã đẩy mạnh thông tin trên trường quốc tế rằng; Ấn Độ là nạn nhân của Trung Quốc. Và các vòng đàm phán về đường biên giới, thấy không đòi được đất, Ấn Độ đi đến định đề “giữ nguyên hiện trạng”, tất nhiên Trung Quốc đồng ý, bởi Bắc Kinh đang quản lý vấn đề “hiện trạng” đó. Nhìn thật kỹ, Ấn Độ vẫn thắng về mặt trận ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của các cường quốc.
          Trên biển Đông có vẽ khác hoàn toàn, bởi nó theo luật biển của Liên Hiệp Quốc. Nhưng đường lưỡi bò 9 đoạn do Trung Hoa vẽ ra là có ý đồ rõ rệt. Các bước đi sẽ là lần lượt đưa các tranh chấp sập bẫy theo ý Bắc Kinh.
          Liệu Trung Quốc có muốn các nước có chung vùng biển Đông đi vào chấp thuận “giữ nguyên hiện trạng”,  hẳn nhiên là Trung Hoa đã chấp bút ký vào thoả thuận năm 2002 với ASEAN rồi.
          Các nước ASEAN cần chiến lược rõ ràng như Ấn Độ với quan hệ quốc tế rằng, ASEAN là nạn nhân của Trung Quốc. Không thể bị bẻ đũa riêng lẻ.
          Có như thế, Việt Nam, Philippines và các nước khác trong khối ASEAN mới mong có những vòng đàm phán đa phương thu được kế quả như Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa…trong ngoại giao.
Cu Làng Cát

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét