Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

Xung đột Trường Sa và trạng thái hòa bình mong manh trên biển

 Trần Vinh Dự


Hình: Reuters
Quốc kỳ Trung Quốc và một đĩa vệ tinh tại một khu nhà do Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa
Vào cuối năm 2007, Trung Quốc thành lập một đơn vị hành chính là huyện Tam Sa để quản lý Trường Sa. Vụ việc này đã dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ ở Việt Nam. Trong bối cảnh đó, tôi đã viết một bài nghiên cứu dài dưới tựa đề “Xung đột Trường Sa và trạng thái hòa bình mong manh trên biển” (nghiên cứu không phổ biến). Vì các nội dung này về cơ bản vẫn có tính thời sự, xin giới thiệu lại với các bạn đọc một số phần quan trọng nhất của tài liệu này.
Đó là:

- Mối đe dọa mang tên Trung Quốc
- Được và mất của Trung Quốc khi chiếm Trường Sa của Việt Nam
- Bảo vệ chủ quyền bằng Tự Vệ Chủ Động


(Một số nội dung trong các phần giới thiệu trong lần này đã được cập nhật so với bản năm 2007)
  Mối đe dọa mang tên Trung Quốc

Vào cuối năm 2007, Trung Quốc thành lập một đơn vị hành chính là huyện Tam Sa để quản lý Trường Sa. Vụ việc này đã dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ ở Việt Nam. Trong bối cảnh đó, tôi đã viết một nghiên cứu dài dưới tựa đề “Xung đột Trường Sa và trạng thái hòa bình mong manh trên biển” (nghiên cứu không phổ biến). Vì các nội dung này về cơ bản vẫn có tính thời sự, xin giới thiệu lại với các bạn đọc một số phần quan trọng nhất của tài liệu này. Đó là:

- Mối đe dọa mang tên Trung Quốc
- Được và mất của Trung Quốc khi chiếm Trường Sa của Việt Nam
- Bảo vệ chủ quyền bằng Tự Vệ Chủ Động


(Một số nội dung trong các phần giới thiệu trong lần này đã được cập nhật so với bản năm 2007)

Mối đe dọa mang tên Trung Quốc

Năm 1994, Gallagher trong một nghiên cứu mang tên Mối Đe Dọa Ảo của Trung Quốc ở Biển Đông đăng trên tạp chí International Security [1] đã phân tích khả năng quân sự trên mặt biển của của nước này cùng các hạn chế về chính trị và quân sự của họ trong việc cưỡng đoạt Trường Sa bằng vũ lực. Dựa trên số liệu thu thập được tới thời điểm đó, ông cho rằng mặc dù về số lượng vũ khí - khí tài áp đảo các nước trong khu vực, khả năng quân sự của Trung Quốc không đủ mạnh để lấn át các loại vũ khí hiện đại được phương Tây bán cho các đồng minh ở ASEAN. Điều này khiến cho việc tấn công và cố thủ ở các đảo Trường Sa là một nhiệm vụ rất khó khăn.

Tuy nhiên, kết luận của Gallagher có lẽ không còn chính xác nữa vì trong hơn 10 năm qua, Trung Quốc đã không ngừng đầu tư cho việc mua vũ khí - khí tài quân sự của các nước thuộc Liên Xô cũ, đồng thời tự sản xuất được nhiều loại vũ khí hiện đại. Các số liệu cập nhật nhất về tương quan lực lượng quân sự của ASEAN so với Trung Quốc dẫn trong báo cáo Sức Mạnh Quân Sự Truyền Thống của Châu Á, 2006 của CSIS [2] được trình bày trong các bảng dữ liệu đính kèm trong phần phụ lục.

Cán cân quân sự ở Biển Đông có lẽ đã nghiêng nhiều hơn về phía Trung Quốc so với hồi 1994. Nhưng như thế không có nghĩa Trung Quốc sẽ dễ dàng sử dụng các chiến lược khiêu khích hoặc thôn tính. Có 3 lý do khiến cho các chiến lược này vẫn khó khăn:

Thứ nhất, các khối lợi ích trong nước ưu tiên mục tiêu cải cách và phát triển không ủng hộ các quyết định khiêu khích cực đoan và chiến tranh. Wu và Bueno de Mesquita trong một nghiên cứu định lượng đáng chú ý năm 1994 [3] cho thấy các mâu thuẫn lợi ích ở Trung Quốc đã dẫn tới một tình trạng độc đáo về khả năng tiến hành chiến tranh ở Biển Đông. Trong nghiên cứu của mình, hai ông đã khảo sát các khối lợi ích có ảnh hưởng nhất trong hệ thống quyền lực của Trung Quốc. Tuy nhiên, hai ông đã nhận định rằng về mặt quyền lực chính trị thực tế, mức độ sẵn sàng khiêu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông khá cao.

Nhưng các nhóm bảo thủ (như quân đội và các nhóm bảo thủ trong Đảng) lại thường không sẵn sàng sử dụng quyền lực của họ trong khi các nhóm đổi mới lại rất năng động trong việc này. Kết quả là nếu dựa trên quyền lực chính trị được sử dụng, thì khả năng chủ động khiêu chiến của Trung Quốc là thấp vì những nhóm cấp tiến không muốn bất ổn định và luôn sẵn sàng lên tiếng nhằm bảo vệ ổn định. Nói nôm na là nếu các khối lợi ích của Trung Quốc đều lên tiếng như nhau thì kết quả sẽ là nền chính trị Trung Quốc là một nền chính trị hiếu chiến. Tuy nhiên trên thực tế thì các nhóm đổi mới lại thường lên tiếng nhiều hơn và vì vậy đã giữ cho nền chính trị Trung Quốc ở tư thế một chính thể tương đối ôn hòa.

Có vẻ như kết luận này của Wu và Bueno de Mesquita vào năm 1994 vẫn còn nguyên giá trị vì các khối lợi ích của Trung Quốc không có chuyển dịch nhiều trong thời gian qua, hoặc nếu có thì là sự mạnh lên của các nhóm ủng hộ tăng trưởng kinh tế chứ không phải các nhóm chủ trương cứng rắn (hardliners).

Một điểm khác ràng buộc khả năng đơn phương khiêu chiến của Trung Quốc là các nước tranh chấp trong khối ASEAN đã trở nên cứng rắn hơn. Thí dụ trường hợp Philippines năm 1995 chỉ biết đứng nhìn hải quân Trung Quốc chiếm bãi Mischief thì vài năm sau họ đã sẵn sàng bắn trả c và không ngần ngại đánh chìm các tàu đánh cá của Trung Quốc trong vùng biển mà họ khẳng định chủ quyền, thậm chí đưa cả máy bay chiến đấu ra xua đuổi tàu Trung Quốc.

Một điều đặc biệt đối với Philippines là họ có hiệp định an ninh tay đôi với Mỹ, theo đó nếu an ninh quốc gia của Philippines bị xâm hại thì Mỹ sẽ bảo vệ. Việc Philippines cần làm, và họ đã làm, là chứng tỏ cho Trung Quốc thấy việc khiêu chiến trên Biển Đông sẽ dễ dàng leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang toàn lực với Philippines và như thế Mỹ sẽ phải ra tay [4]. Có lẽ chính phản ứng mạnh mẽ từ các nước tranh chấp là sức ép lớn nhất buộc Trung Quốc phải xem xét lại các thiệt hại do một chiến lược khiêu khích gây ra và khiến cho họ nghiêng nhiều hơn theo hướng đàm phán - mua chuộc.

Cuối cùng, tác động của các bên thứ 3 có ảnh hưởng cực lớn tới việc thực hiện thành công một chiến lược quân sự ở Biển Đông. Trung Quốc đã rất khôn khéo trong việc lợi dụng các điều kiện quốc tế để thực hiện các chiến lược thích hợp. Điển hình nhất là việc họ chiếm Hoàng Sa vào năm 1974. Khi đó Mỹ đã bỏ rơi Miền nam Việt Nam và các quan tâm của thế giới nói chung còn đang đổ dồn về cuộc chiến trên đất liền giữa Nam và Bắc Việt Nam.

Tương tự như vậy, họ đã chiếm một số đảo ở Trường Sa từ tay Việt Nam năm 1988 khi mà Liên Xô và khối Đông Âu đang tan rã và là tâm điểm thu hút sự chú ý của thế giới. Trung Quốc đã không chiếm Trường Sa vào năm 1979 trong khi họ thực hiện cuộc xâm lược trên đất liền. Lý do là nếu thực hiện cuộc chiến ở Trường Sa, họ sẽ thu hút hải đội cực mạnh của Liên Xô tới khu vực và nếu phải giao chiến với hải quân Liên Xô thì chắc chắn họ sẽ thua, thậm chí có thể sẽ mất luôn cả Hoàng Sa.

Trong điều kiện như hiện nay, xu thế chung của quốc tế là duy trì hòa bình để phát triển (mặc dù vẫn có các cuộc xung đột quân sự cục bộ). Vì thế thiệt hại về ngoại giao, kinh tế và lòng tin quốc tế sẽ lớn hơn rất nhiều so với vài thập kỷ trước. Điều này tạo ra một cản trở lớn cho việc thực hiện các chiến lược quân sự có mức độ khiêu khích cao trên Biển Đông.

Với các lý do trên, kịch bản xảy ra một cuộc chiến tranh trên Biển Đông là khó có thể xảy ra trong ngắn và trung hạn, nhất là giữa Trung Quốc và Philippines và giữa các nước ASEAN có tranh chấp. Riêng đối với Việt Nam, do không có lợi điểm về hợp tác quốc phòng với nước lớn như Philippines, cũng không có năng lực quân sự đủ mạnh để ít ra cũng làm cho

cuộc xâm lược trên biển không kết thúc quá chóng vánh, Việt Nam phải đi theo một con đường khác nếu muốn bảo đảm rằng Trung Quốc không dùng vũ lực cưỡng chiếm Trường Sa.

Xem thêm:

[1] Gallagher M.G., 1994: “China's Illusory Threat to the South China Sea,” International Security, Vol. 19, No. 1., pp. 169-194.
[2] Cordesman A.H and Kleiber M., 2006: “The Asian Conventional Military Balance in 2006,” Special Report, Center for Strategic and International Studies (CSIS).
[3] Wu S.S.G. and Bueno de Mesquita B., 1994: “Assessing the Dispute in the South China Sea: A Model of China's Security Decision Making,” International Studies Quarterly, Vol. 38, No. 3., pp. 379-403.
[4] Austin G., 2003: “Unwanted Entanglement: The Philippines’ Spratly Policy as a Case Study in Conflict Enhancement?” Security Dialogue, Vol. 34, p.p 41-54.
Hình: Reuters
Hải quân Việt Nam tuần tra trên quần đảo Trường Sa, hình chụp ngày 13/4/2010

Được và mất của Trung Quốc khi chiếm Trường Sa của Việt Nam

Có một thực tế là trong lịch sử đã xảy ra nhiều trường hợp mà quyết định tiến hành chiến tranh không dựa trên phân tích duy lý (tính đến chi phí - lợi ích), hay ít ra cũng không dựa trên cách tính chi phí - lợi ích thông thường. Những quyết định này nhiều khi dựa trên vấn đề ý thức hệ hay thậm chí cả những tham vọng kỳ quái của một vài lãnh tụ chính trị nào đó.

Điều đáng mừng là xu hướng chung của thế giới hiện nay không còn tạo điều kiện thuận lợi cho những quyết định không duy lý nữa, trừ một số quốc gia tự tách mình khỏi dòng chảy chung của nhân loại. Trung Quốc cũng là nước đang vận động theo xu hướng chung này. Nếu giờ đây có ai nhìn họ như là những kẻ đi theo chủ nghĩa bành chướng thời cổ xưa thì có lẽ là đã khinh thường họ. Giới lãnh đạo chính trị Trung Quốc hiện nay là một đội ngũ có bản lĩnh và trí tuệ. Để lãnh đạo đất nước Trung Quốc đi những bước dài trong khoảng 30 năm qua, giới lãnh đạo Trung Quốc không thể là những kẻ ngông cuồng chỉ biết chạy theo mục tiêu bành trướng. Theo nhận định của tôi thì cỗ máy chính trị của họ là một cỗ máy thực dụng và triệt để duy lý. Vì vậy, để phân tích mối đe dọa của họ đến đâu và đối sách của các bên thì cách tiếp cận thích hợp dựa trên những suy luận duy lý.

Loại ra ngoài kịch bản Trung Quốc điên cuồng theo đuổi mục tiêu bành trướng bằng mọi giá, thì vấn đề còn lại sẽ là bài toán chi phí - lợi ích của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông sẽ như thế nào. Có lẽ lợi ích trực tiếp nhất của họ sẽ là dầu khí. Tuy nhiên, tới giờ này thì vẫn chưa có bất cứ một phát hiện nào về dầu mỏ hoặc khí đốt ở vùng Trường Sa. Có quan điểm cho rằng nếu chiếm được Trường Sa thì Trung Quốc có thể mở rộng phạm vi đặc quyền kinh tế và lấy đi vùng biển có dầu mà Việt Nam đang khai thác. Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc đã thực hiện động thái này rồi chứ không chờ tới khi chiếm được Trường Sa. Trung Quốc từ lâu đã hợp tác với công ty Crestone của Mỹ để thực hiện việc thăm dò và khai thác dầu khí ngay tại khu Từ Chính của Việt Nam trên các lô 133, 134, và 135.

Như vậy, lợi ích gia tăng (increased benefit) của việc chiếm được Trường Sa tại thời điểm này là không rõ ràng, nếu không muốn nói là tương đối ảo. Đương nhiên có thể chính quyền Trung Quốc có nhiều thông tin tốt hơn là các nguồn thông tin như của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tôi nghi ngờ khả năng này.

Mặt chi phí của phương trình là vấn đề cực kỳ thú vị. Chi phí của phía Trung Quốc phụ thuộc vào việc Việt Nam sẵn sàng đi xa tới đâu trước các động thái gây hấn của họ. Vì khả năng phòng thủ của hải quân Việt Nam trên các đảo này không đáng kể so với năng lực tấn công hùng hậu của hải quân và không quân Trung Quốc, tôi cứ giả định một cách có lợi cho họ rằng chi phí quân sự trực tiếp liên quan đến cuộc chiến là bằng không. Vậy họ còn phải chịu các phí tổn gì khác?

Nếu Việt Nam thể hiện ra là một quốc gia bạc nhược với một chính phủ bạc nhược và sẽ không có phản ứng gì đáng kể thì quốc tế cũng sẽ không có phản ứng gì đáng kể. Cuộc xâm lược tiếp theo khi đó cũng chỉ như việc trao quyền kiểm soát từ tay nước này sang tay nước khác, và vì thế, cộng đồng quốc tế không có lý do gì phải bận tâm. Do đó, các khoản chi phí khác cũng sẽ bằng không hoặc gần bằng không. Trong trường hợp này, quyết định duy lý của Trung Quốc sẽ là tấn công và chiếm giữ các đảo của Việt Nam. Kịch bản này có lẽ gần gũi với bi kịch xảy ra cho Việt Nam vào năm 1988 khi chúng ta đánh mất một loạt các đảo ở Trường Sa vào tay Trung Quốc.

Trong trường hợp Việt Nam sẵn sàng phản ứng, thì chi phí của Trung Quốc sẽ tùy vào mức độ phản ứng của Việt Nam. Có nhiều mức độ phản ứng khác nhau, dưới đây tôi chỉ liệt kê ra 4 trong số đó:

Mức độ 1- phản đối về ngoại giao: Thí dụ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, quyết liệt phản đối họ trên mọi mặt trận ngoại giao có thể. Tìm mọi cách cản đường Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế. Tóm lại là biến mình thực sự trở thành một cái gai trong mắt Trung Quốc.

Mức độ 2- ngừng mọi hoạt động giao thương với Trung Quốc:

Kim ngạch buôn bán giữa hai nước năm 2010 là 25.13 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất sang Trung Quốc 5.12 tỷ USD, ngược lại Trung Quốc xuất sang Việt nam 20.01 tỷ USD. Trung Quốc hàng năm nhập khoảng 5 triệu tấn dầu thô từ Việt Nam. Giả sử sau quyết định khiêu chiến của Trung Quốc, Việt Nam có thể tuyên bố ngừng giao thương (và vì thế Việt Nam phải chấp nhận thiệt hại hết sức nặng nề về kinh tế) trong khoảng 10 năm, thì phía Trung Quốc sẽ thiệt hại một khoản giao thương không dưới 300 tỷ USD.

Mức độ 3 – thường xuyên tìm cách quấy nhiễu các vùng khai thác dầu của Trung Quốc ở gần (hoặc trên) thềm lục địa Việt Nam: Giả sử sau cuộc thôn tính, Việt Nam liên tục gửi hải quân tuần tiễu và quấy nhiễu các vùng khai thác dầu của Trung Quốc, khả năng là các công ty khai thác dầu của nước ngoài sẽ bỏ đi (giống trường hợp BP bỏ Việt Nam ra đi năm vừa rồi). Để bảo vệ các cơ sở thăm dò và khai thác của mình, Trung Quốc phải liên tục duy trì các tàu quân sự trong vùng biển khai thác. Điều này làm chi phí thăm dò - khai thác tăng lên rất nhiều. Tôi không có số liệu cụ thể để ước định khi đó liệu việc thăm dò khai thác dầu khí có còn là hoạt động mang lại lợi nhuận đối với Trung Quốc nữa hay không.

Mức độ 4 – tiến hành cuộc chiến tranh ở biên giới trên đất liền: Chiến tranh biên giới giữa hai nước không phải là câu chuyện xa xưa và Trung Quốc hiểu điều này. Nếu phía Việt Nam quyết tâm gây tổn thất kinh tế cho Trung Quốc ở các thành phố gần biên giới thì họ hoàn toàn có thể làm được. Để bảo vệ các thành phố và cơ sở kinh tế, Trung Quốc sẽ phải thực hiện cuộc chiến tranh biên giới và như thế sẽ có những thiệt hại tiếp theo mà quy mô là chưa lường trước được.

Tóm lại của phần viết này là nếu Việt Nam có thể cho Trung Quốc thấy mình sẵn sàng thực hiện các hoạt động trả đũa đáng kể thì khi đặt lên bàn cân các chi phí và lợi ích của việc thôn tính Trường Sa, họ sẽ không muốn làm. Đương nhiên, phía Việt Nam không thể thuyết phục được Trung Quốc tin rằng Việt Nam sẽ trả đũa ở mức độ ghê gớm như vậy nếu chỉ thông qua vài phản ứng yếu ớt có tính ngoại giao mỗi khi họ có động thái thử thách phản ứng của Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét