Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

Việt Nam đang dư thừa nhà máy lọc dầu?

Tác giả: TRẦN THỦY
VEF.VN - Cả nước hiện có gần 10 dự án lọc hóa dầu với tổng công suất trên 60 triệu tấn/năm. Hiện nay giá dầu thô đang tăng cao trong khi chi phí đầu tư các dự án lọc dầu lớn. Nếu không tính toán cẩn thận thì rủi ro sẽ khó tránh khỏi, nhất là với các dự án sinh sau đẻ muộn, dự án có công suất nhỏ, công nghệ lạc hậu.
Theo thông tin từ Bộ Công thương, cả nước hiện có gần 10 dự án lọc hóa dầu với tổng công suất trên 60 triệu tấn/năm đang được đầu tư và xin cấp phép đầu tư.

Trong số đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) là chủ đầu tư của 3 dự án lớn: Dung Quất (Quảng Ngãi), Nghi Sơn (Thanh Hoá), Long Sơn (Bà Rịa -Vũng Tàu) và đang nghiên cứu xây dựng dự án lọc dầu số 4 tại Quảng Ninh. Tổng công suất ước tính trong các dự án của PVN có thể lên tới 40 triệu tấn/năm.

Ngoài ra tại các địa phương khác cũng đang có 4 dự án với tổng công suất trên 20 triệu tấn đang được xúc tiến.
Băn khoăn những dự án
Hiện nay, mới có duy nhất Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã đi vào hoạt động với công suất 6,5 triệu tấn/năm và đang nghiên cứu mở rộng, lên 10 triệu tấn/năm, còn tất cả hiện vẫn đang là các dự án. Các công trình lọc dầu của PVN đều đã được nghiên cứu nghiêm túc và hầu hết đã được các cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt.
Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn liên doanh giữa PVN với các đối tác là Công ty Idemitsu (IKC), Công ty hóa dầu Mitsui (MCI) và Công ty dầu mỏ quốc tế Cô Oét (KPI) có vốn đầu tư khoảng 7 tỷ USD, hiện đang trong quá trình thu xếp vốn, được tạo nhiều điều kiện thuận lợi, việc thực hiện đầu tư dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2015, công suất 10 triệu tấn/năm, nguồn dầu thô được đối tác phía Cô Óet đảm bảo cung cấp trọn đời dự án.

Dự án lọc dầu Long Sơn sẽ xây dựng tại đảo Long Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu), PVN đang tìm kiếm đối tác liên doanh với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD. Nguồn dầu thô cung cấp dự kiến là từ Vênêzuêla nơi PVN đang đầu tư vốn khai thác.
Hiện nay duy nhất mới có Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã đi vào hoạt động với công suất 6,5 triệu tấn/ năm. (Ảnh: Trần Thuỷ)
Còn các dự án khác vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Điển hình nhất là Dự án lọc dầu Cần Thơ do Công Ty cổ phần Đầu tư Thương mại Viễn Đông và Công ty Semtech Limited B.V.I (Mỹ) góp vốn đầu tư. Liên doanh này được Thủ tướng chấp thuận từ 17/4/2008 và đã được UBND TP Cần Thơ cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 21/5/2008, công suất 2 triệu tấn dầu thô/năm. Tổng vốn đầu tư khoảng 538 triệu USD.
Tuy nhiên sau khi dự án đã được thẩm định tính khả thi thì nhà đầu tư đã thay đổi quy mô dự án với lý do lựa chọn công nghệ mới, giảm diện tích đất của dự án từ 250 ha xuống còn 50 ha, vốn đầu tư từ 538 triệu USD xuống còn 350 triệu USD và mấy ngày sau đó Công ty Semtech Limited quyết định rút lui ra khỏi Liên Doanh. Đến nay dự án này vẫn chưa được triển khai. UBND TP Cần Thơ đã nhiều lần gia hạn cho dự án này, chẳng hạn như đến ngày 30.6.2010 là hạn chót, nếu không triển khai sẽ đề xuất Chính phủ thu hồi giấy phép, sau đó lại tiếp tục gia hạn cho chủ đầu tư dự án cơ hội cuối là đến ngày 30.6.2011. Đến nay đã qua thời điểm 30.6.2011, nhưng chưa thấy có thông tin dự án sẽ thực hiện như thế nào.

Dự án lọc dầu Vũng Rô (Phú Yên) có công suất giai đoạn đầu 4 triệu tấn/năm, giai đoạn 2 nâng lên 8 triệu tấn/năm, vốn đầu tư 1,7 tỷ USD , chủ đầu tư là Tập đoàn Technostar Management Limited (Anh quốc) và công ty TNHH Tell Oil (Nga). Nguồn dầu thô nhập khẩu từ Trung Đông. Dự kiến nhà máy đi vào hoạt động vào năm 2011. Dự án được cấp phép từ 2008, nhưng đến nay (7/2011) công trình này vẫn chưa khởi công và mới đây có thông tin nhà đầu tư vừa xin nâng công suất lên 8 triệu tấn/ năm ngay từ đầu và vốn đầu tư cũng nâng lên là 2,5 tỷ USD.

Tại Khánh Hòa, từ 2008, Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và các đối tác đã đăng ký đầu tư dự án tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong với số vốn ban đầu 2 tỷ USD. Nhà máy sử dụng diện tích 300 ha mặt đất và 300 ha mặt biển. Công suất thiết kế của tổ hợp Nam Vân Phong đạt 200.000 thùng mỗi ngày, tương đương 10 triệu tấn/năm. Dự án dự kiến khởi công năm 2011và đi vào hoạt động từ cuối 2013 nhưng đến nay vẫn chưa thể khởi công.
Ngày 8/3/2011 vừa qua, sau khi tổ chức họp về phân kỳ dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong, thì ngày 14/3/2011, Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Petrolimex nghiên cứu tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành, tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp Báo cáo đầu tư; có thể thuê tư vấn có đủ kinh nghiệm, năng lực để trợ giúp thẩm tra, lựa chọn nguồn nguyên liệu, công nghệ, đặc biệt tập trung luận chứng xác định quy mô công suất tối ưu, phương án thu xếp vốn, phương thức thực hiện dự án và tính toán hiệu quả kinh tế; trình Bộ Công Thương thẩm định lại, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Năm 2006, Công ty cổ phần Hapaco (Hải Phòng) đã ký biên bản thỏa thuận với công ty Avagor GMBH (Đức) cùng nghiên cứu dự án xây dựng một nhà máy lọc dầu tại KCN Đình Vũ, Hải Phòng với công suất 1 triệu tấn/năm, tổng số vốn đầu tư 130 triệu USD. Dự kiến đến tháng 10/2006 sẽ kết thúc giai đoạn khảo sát, sau đó hai bên sẽ ký hợp đồng triển khai dự án. Thời gian xây dựng nhà máy dự kiến là 2 năm, phấn đấu đi vào hoạt động trước năm 2010.
Nhưng đến 2009 Hapaco lại đưa ra dự án lọc dầu công suất 5 triệu tấn/năm, trên diện tích 170 ha địa điểm KCN Nam Đình Vũ, vốn đầu tư 1,8 tỷ USD, Hapaco góp 20%, số còn lại kêu gọi các đối tác nước ngoài tham gia. Theo Hapaco thì  phía đối tác từ Cộng hòa liên bang Đức đã hoàn thành việc lập dự án, đang trình các Bộ, ngành và thành phố để đưa vào quy hoạch tổng thể, kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia sau khi có sự phê chuẩn của Bộ Công thương và Chính phủ.
Hiện nay giá dầu thô đang tăng cao, chi phí đầu tư các dự án lọc dầu lớn, trong khi lợi nhuận từ lọc dầu không cao, hiện chưa tới 20 USD/tấn dầu thô, vì vậy không ít ý kiến lo lắng cho các dự án lọc dầu, nhất là những dự án ngoài PVN. Những dự án không thuộc PVN như nêu trên đều không nằm trong nhóm dự án quan trọng quốc gia, ngân sách Nhà nước không hỗ trợ, không được ưu đãi trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ trực tiếp cho nhà máy...
Ngoài việc phải huy động nguồn vốn lớn lên tới hàng tỷ USD, thì việc lựa chọn mục tiêu, công nghệ cho từng dự án cụ thể, lựa chọn phương thức tổ chức, quản lý, đào tạo nhân lực có trình độ... đều là những vấn đề nan giải mà các dự án phải giải quyết lâu dài.
Dư thừa công suất?
Việt Nam đang dư thừa nhà máy lọc dầu? (Ảnh: Trần Thuỷ)
Với tổng công suất lọc dầu từ các dự án trên cả nước đã lên tới trên 60 triệu tấn/năm, một số ý kiến quan ngại là đã quá dư thừa so với nhu cầu trong nước, cần có quy hoạch cụ thể để tránh bị dư thừa và lãng phí đầu tư. Trong chiến lược dầu khí VN, dự báo nhu cầu các sản phẩm lọc dầu trong nước, giai đoạn 2011-2015 dao động trong khoảng từ 15 đến 20 triệu tấn/năm, tổng nhu cầu dự báo đến năm 2025 chỉ là 27 triệu tấn/năm. Tổng công suất như trên đã cao gấp hơn 2 lần nhu cầu.

Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Toản, nguyên Viên trưởng Viện dầu khí Việt Nam, dẫn số liệu thống kê của Cơ quan thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, nhu cầu dầu thô trung bình của thế giới năm 2005 là 5 thùng/người/ năm. Năm 2005, nhu cầu dầu của Trung Quốc là 1,5 thùng/ người /năm và Thái Lan là 4,6 thùng/ người/ năm.

Giả thiết đến năm 2015 kinh tế Việt Nam phát triển bằng với Trung Quốc năm 2005 và dân số 100 triệu người thì nhu cầu của ta lúc đó sẽ là 21 triệu tấn/ năm, còn nếu bằng với Thái Lan (2005) thì nhu cầu sẽ là 65 triệu tấn/năm. Dự báo trong chiến lược 27 triệu tấn/năm cho năm 2025, tức là bằng khoảng hơn một nửa mức tiêu thụ của Thái Lan năm 2005, là quá thấp.

Hơn nữa, với trữ lượng dầu được công bố đến thời điểm hiện nay, Việt Nam có thể xếp vào nhóm nước nghèo về tài nguyên dầu mỏ, thậm chí đến sau năm 2020 còn có thể xếp vào loại rất nghèo về tài nguyên dầu mỏ. Nhóm nước nghèo này thường chọn chiến lược phát triển hạ nguồn, dùng nguồn lợi từ lọc hóa dầu và dịch vụ phân phối các sản phẩm lọc hóa dầu để giải quyết vấn đề an ninh năng lượng.

Phát triển lọc hóa dầu để đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới mục tiêu biến nước ta thành "trung tâm cung ứng và dịch vụ xăng dầu cho thị trường khu vực (Nam Trung Quốc, Lào, Campuchia, Đài Loan, Hàn Quốc...) là điều cần hướng tới bởi Việt Nam rất có lợi thế về vị trí địa lý. Thái Lan, một nước rất ít tài nguyên dầu mỏ đã xây dựng chiến lược dầu khí của mình theo hướng này. Bởi vậy công suất bao nhiêu không thành vấn đề.
Vấn đề chính là tính hiệu quả của các dự án. Việt Nam nằm trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương  hiện có nhiều nhà máy lọc dầu và đang dư thừa công suất. Nếu các dự án không tính toán cẩn thận về hiệu quả, thì rủi ro sẽ khó tránh khỏi, nhất là với các dự án sinh sau đẻ muộn, dự án có công suất nhỏ, công nghệ lạc hậu, ông Toản nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét