Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

Gặp người Việt đầu tiên phá thủy lôi tối tân của Mỹ

(Dân Việt) - Gặp ông trên căn gác nhỏ nằm khuất sâu trong đường Trần Phú, quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng, chúng tôi thấy mình thật may mắn vì hiếm khi được gặp một nhân vật lịch sử như thế.

Ông là đại uý Trương Thế Hùng - người đầu tiên phá thủy lôi tối tân của Mỹ ở Việt Nam.
Dù đã bước sang tuổi 81 nhưng đại úy Trương Thế Hùng - nguyên Đội trưởng Đội 8 Công binh Hải quân vẫn khỏe, nước da đỏ au và trí nhớ của ông thì vô cùng minh mẫn. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân ở Nghệ An và nhập ngũ ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp năm 1948.
Năm 1955, ông là một trong 6 người được cử sang học lớp tập huấn thủy lôi tại Trung Quốc; năm 1966 ông lại được học tiếp phá thuỷ lôi do 3 chuyên gia Liên Xô huấn luyện.
Ông Trương Thế Hùng với bằng khen phá thủy lôi từ tính của Mỹ .
Đọ sức với thủy lôi từ tính
Đúng vào đêm 26 rạng ngày 27.2.1967, giặc Mỹ đã thả thủy lôi phong tỏa các cảng, cửa sông miền Bắc. Chúng thả thủy lôi xuống các sông Nhật Lệ, sông Gianh, Cửa Ròn, Cửa Suốt, Cửa Hội, Lạch Trường, Sông Mã thực hiện chiến dịch phong tỏa ngăn chi viện của ta cho miền Nam.
Trước tình hình này, Bộ tư lệnh Hải quân đã cử đồng chí Trương Thế Hùng (lúc đó là Đội trưởng Đội công binh 8) dẫn đội công binh vào tiền trạm. Đang trên đường đi vào Quảng Bình, ông phát hiện thấy 2 quả thuỷ lôi dài 1,8m, đường kính 480m, gồm loại thuỷ lôi từ tính nhãn hiệu MK52 và loại thuỷ lôi gây nổ bằng âm thanh nhãn hiệu MK50 lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Ngay lập tức, ông Hùng xin ý kiến của Bộ tư lệnh Hải quân. Sau đó ông cùng tổ công tác nhận được chỉ thị: Bằng mọi cách phải tháo cho được thủy lôi.
...Lần giở những bức ảnh cũ cảm tưởng như vẫn còn nguyên cái cảm giác căng thẳng lúc đó, ông Hùng tâm sự: “Đó thực sự là nhiệm vụ rất nặng nề, một thách đố vô cùng cam go đối với cả tổ công tác. Đây là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với với thuỷ lôi Mỹ, chưa hề biết về cấu tạo, nguyên lý hoạt động của nó”.
Tháo thuỷ lôi Mỹ bằng cách nào? Ông Hùng suy nghĩ quả thuỷ lôi được chuyên chở trên ô tô, lại đi qua nhiều vùng có sắt thép mà vẫn không bị cảm ứng từ nổ nên có thể tháo được. Mà cũng không thể có cách nào khác là phải tháo bằng được nên đành phải chấp nhận rủi ro, mạo hiểm tính mạng.
Ngày 16.3.1967, ông bắt đầu tháo gỡ quả thuỷ lôi MK52. Giây phút ông Hùng đặt mỏ lết lên chiếc ngòi nổ đầu tiên dính đầy bùn đất, cả tổ ngộp thở bởi nó có thể nổ bất cứ lúc nào. Chưa bao giờ thời gian lại trôi qua chậm chạp đến thế. Chưa bao giờ ông Hùng cảm nhận nhiệm vụ có sức nặng đến thế. Nhưng cả Bộ tư lệnh và Quân khu IV đang chờ kết quả từng phút giây.
Chiếc mỏ lết vặn nó cực kỳ khó khăn, ông phải nhích dần, nhích dần từng tý một. Tháng 3 trời lạnh thế mà mồ hôi người ông cứ tầm tã như tắm. Ngòi nổ thứ nhất được tháo, rồi đến số 2, 3, 4… Mỗi lần tháo ở vị trí nào là tôi phải hô to để các đồng chí ở sau nghe thấy, nếu chẳng may có chuyện gì.
Khi tháo xong, ông mang ra xa và đề nghị các đồng chí chụp lại để sau này nghiên cứu. Chiếc ốc thứ 8 cũng là chiếc ốc cuối cùng được tháo xong, cả tổ ôm nhau nước mắt giàn giụa vì sung sướng. Xong quả thứ nhất, ông Hùng và anh em lại tháo quả thứ hai, cũng căng thẳng và hồi hộp không kém vì mỗi quả có một nguyên lý hoạt động khác nhau. Cuối cùng họ đã thắng Mỹ ngay trong những phút giây sinh tử nhất của đời binh nghiệp.
Tối 17.10.1967, địch ném xuống bến phà An Dương, Hải Phòng một quả bom từ trường. 21 giờ, mất điện, ông Hùng cùng đội phải mò mẫm tìm hiểu và đến 4 giờ sáng hôm sau mới tiến hành tháo gỡ. Đây cũng là quả bom từ trường đầu tiên mà công binh Hải quân tháo gỡ thành công. Cũng từ đó ở đâu có thuỷ lôi của địch thả xuống là ở đó có hình bóng ông Hùng can trường và sáng tạo.
Nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh
Ông Hùng bảo, vinh dự nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông là hai lần được nhận hai giải thưởng lớn. Lần thứ nhất là ngày 20.10.1976, Đội 8 của ông vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Còn với riêng ông, niềm hạnh phúc lớn lao không thể kể xiết, sau gần 20 năm nghỉ hưu, bỗng một ngày ông được mời lên Hà Nội nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I “do có thành tích đóng góp về giải pháp khoa học công nghệ phá thuỷ lôi từ tích và bom từ trường giai đoạn 1967-1972”.
Không bao giờ tôi quên được kỷ niệm sâu sắc nhất của đời mình. Một đại uý như tôi mà được nhận giải thưởng mang tên Bác kính yêu thì chẳng còn vinh dự nào bằng!
Lần phá thuỷ lôi đầu tiên ở Nghệ An là tiền đề cho việc nghiên cứu thuỷ lôi Mỹ của quân đội ta. Cụ thể là ngay sau lần tháo gỡ thành công quả thuỷ lôi đầu tiên, Bộ Quốc phòng lệnh chuyển hai quả thuỷ lôi còn nguyên vẹn lên Bộ để Bộ mời tuỳ viên quân sự các nước đến thông báo hành động của Mỹ, giới thiệu trình độ của chiến sĩ QĐND Việt Nam và nghiên cứu cách phá thuỷ lôi Mỹ.
Trên cơ sở nghiên cứu tính năng cấu tạo của hai quả thuỷ lôi đầu tiên được tháo gỡ này, lực lượng công binh, hải quân đã nghiên cứu, chế tạo được những phương tiện rà phá, huấn luyện phương pháp rà phá thuỷ lôi hiệu quả, góp phần rà phá hàng ngàn quả thuỷ lôi của Mỹ để dần dần làm trong sạch và lưu thông con đường vận chuyển chiến lược trên sông, đánh bại âm mưu phong toả của biển của Mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét