Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

Sông Dương Tử ở Trung Quốc “biến mất”?

SGTT.VN - Sông Dương Tử, con sông dài nhất Trung Quốc đã gây ra các trận lụt lịch sử vào mùa hè năm nay, “bỗng dưng biến mất” không lý do trên các công cụ tìm kiếm của các trang mạng xã hội Trung Quốc!
Sông Dương Tử còn có tên gọi khác là Trường Giang.
Cụ thể là trên mạng xã hội Weibo, người dùng không tìm ra kết quả từ cho khóa “Chang Jiang” (长江, nghĩa là Trường Giang, một tên khác của sông Dương Tử). Thay vào đó là dòng chữ “"Theo pháp luật, quy định và chính sách, kết quả tìm kiếm này không thể hiển thị. "
Lý do chính thức từ khóa trên bị chặn thì không ai biết, nhưng lời giải thích khả dĩ nhất là để ngăn người dùng internet tìm kiếm thông tin về tin đồn cái chết của cựu Chủ tịch nước Trung Quốc Giang Trạch Dân, 84 tuổi, rộ lên từ hôm thứ ba 6.7. Tên của ông tiếng Trung là Jiang Zemin, trùng với từ “Jiang” trong “Chang Jiang”.

Các tin đồn xuất hiện khi ông Giang Trạch Dân vắng mặt trong buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 90 vào ngày 1.7 vừa qua. Lần cuối ông xuất hiện trước công chúng là trong lễ quốc khánh kỷ niệm 60 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, vào tháng 10.2009.
Ngoài từ khóa "Jiang" (sông), những từ khác như “cái chết”, “nhồi máu cơ tim”, “bệnh viện 301” (bệnh viện nơi các nhà lãnh đạo cấp cao điều trị), "tiên đế", "thái thượng hoàng" cũng bị chặn. Bên cạnh đó, các nhà kiểm duyệt dịch vụ internet cũng xóa những tin đã đăng về vị cựu chủ tịch này.
Ông Giang Trạch Dân ở sân bay O'Hare (thành phố Chicago, Mỹ) năm 2002.
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc ngăn người dùng internet tìm kiếm thông tin về các nhà lãnh đạo hàng đầu của đất nước. Có thời gian, từ khóa "cà rốt" (tiếng Trung là hulobo) trên công cụ tìm kiếm Google ở nước này đã bị chặn, bởi vì một trong ba ký tự của từ trùng với tên Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao).
Hôm nay 7.7, truyền thông nhà nước Trung Quốc lên tiếng đã bác bỏ “nguồn tin không có thẩm quyền” cho rằng ông Giang Trạch Dân đã qua đời. Tuy vậy, những lời đồn đại vẫn tràn lan trên các trang mạng xã hội Twitter và Google+, thậm chí người sử dụng mạng Trung Quốc vẫn có thể đọc được những thông tin này trên Weibo nếu có phần mềm vượt tường lửa.
TUYẾT HẠNH ( THEO WSJ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét