Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

Tan tác đoàn tàu câu mực Hoàng Sa

SGTT.VN - Thuyền trưởng Đỗ Văn Xin – một trong những đầu lĩnh của đoàn câu mực Hoàng Sa ở Đà Nẵng, người chỉ huy cứu nạn trong bão Chanchu năm 2006, nhân vật “Người đương thời” của Truyền hình Việt Nam – cách đây hai năm đã phải bán tàu, giải nghệ. Đoàn câu mực Hoàng Sa – Đà Nẵng hơn 120 chiếc tàu đã tan tác…
Trùm câu mực giải nghệ
Tại ngôi miếu có hình chiếc tàu mũi hướng ra biển thờ các hương linh bỏ mình trên biển cả, chiều nào thuyền trưởng Xin cũng ngồi thẫn thờ... Ảnh: Huỳnh Anh
Thuyền trưởng Đỗ Văn Xin, biệt hiệu Xin “nhà quê”, gốc ngư dân Hội An, mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Năm 12 tuổi anh được bà ngoại đưa ra Đà Nẵng theo ngư dân làng chài Thanh An – Thanh Thuỷ phụ việc trên tàu. Năm nay 50 tuổi, tính ra tuổi nghề của Đỗ Văn Xin gần 40 năm, trong đó, thời gian chinh chiến ở Hoàng Sa lên tới trên 20 năm, chủ yếu là nghề câu mực.

Được tín nhiệm giao chỉ huy một tổ đánh bắt gồm bốn tàu câu mực Hoàng Sa, năm 2006, đoàn tàu câu mực 29 chiếc này của Đà Nẵng gặp nạn trong bão Chanchu. Con tàu ĐNa 90152 của thuyền trưởng Đỗ Văn Xin may mắn không bị chìm. Bão vừa ngớt, Đỗ Văn Xin ngay lập tức chỉ huy các tàu còn lại tìm kiếm những người sống sót và thi thể bạn nghề. Khi những nỗ lực cuối cùng đã tắt, các thúng câu mực trên tàu của anh đầy... xác người ướp bằng những hạt muối cuối cùng, anh cho tàu hướng mũi vào bờ để tàu cứu nạn SAR 412 ra đón.
Buổi trưa ngày 23.5.2006, ngày tàu SAR 412 vào tới đất liền, cũng chính là buổi trưa tang tóc nhất của đoàn câu mực Hoàng Sa – Đà Nẵng. Hàng ngàn thân nhân từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên – Huế… đội nắng khóc than trên đường Bạch Đằng cạnh cảng. Đoàn câu mực Hoàng Sa đi 29 chiếc về 11 chiếc, 33 người sống sót và 15 thi thể may mắn trở về đất liền. Hơn 250 người khác nằm lại ở Hoàng Sa! Anh Xin nói: “Trận Chanchu cũng kinh nhưng quen rồi, chỉ hơn tháng sau là anh em tụi tui đi biển lại. Tui nói thiệt, đi ngang qua Cát Vàng lính Trung Quốc bắn chéo chéo cũng không sợ, gặp bão cũng lờn… Anh thử tưởng tượng đoàn câu mực của mình ra Biển Đông thì các tàu Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines… trong khu vực đó cũng phải nể. Họ toàn tàu hiện đại, mình chỉ có cái thúng chai bập bềnh mà cũng không thua…” Nói tới đó, thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm biển khơi bỗng lặng thinh.
Hoàng Sa từ Đà Nẵng, theo kinh nghiệm của anh Xin, đi hai ngày hai đêm thì tới. Đi từ Lý Sơn ra càng gần hơn. Hoàng Sa có nhiều cá, mực, là chỗ thân thuộc bao đời này của ngư dân Đà Nẵng và Lý Sơn. Dân Đà Nẵng chuyên nghề câu mực, dân Lý Sơn chuyên lặn vú nàng từ lâu đã thành làng nghề. Lúc cao điểm nhất, đoàn câu mực Đà Nẵng ở Hoàng Sa có trên 120 chiếc tàu. Hàng năm, mùng 10 tháng giêng, bạn nghề từ Quảng Nam, Quảng Ngãi… hàng ngàn người tập trung về bến, chỗ đường ven biển Nguyễn Tất Thành bây giờ, chuẩn bị chuyến ra khơi đầu năm vui như hội. Vậy mà bây giờ, cả đoàn chỉ còn lại sáu chiếc tàu nhỏ. Thuyền trưởng lừng danh Đỗ Văn Xin, ngư dân câu mực Hoàng Sa dày dạn kinh nghiệm, cũng đã phải bán tàu giải nghệ.
Chết vì thương lái Trung Quốc
Giống như nhiều ngư dân khác trong đoàn câu mực Hoàng Sa, thuyền trưởng Đỗ Văn Xin phải bán tàu, thất nghiệp ở nhà nuôi gà và buôn bán phụ vợ. Ảnh: Huỳnh Anh
Năm 2009, anh Đỗ Văn Xin, một trong những ngư dân cuối cùng còn cầm cự của đoàn câu mực Hoàng Sa, đành phải nuốt nước mắt bán đi chiếc ĐNa 90152 từng nuôi sống gia đình anh và nhiều gia đình bạn nghề khác ở Quảng Nam.
Thời hoàng kim của nghề câu mực xà (trước bão Chanchu), nhiều gia đình ngư dân ở Thanh Khê đua nhau vay mượn tiền đóng tàu. Tàu đóng mới, đi chừng sáu chuyến biển đã lấy lại vốn, bạn câu mỗi chuyến đi cũng kiếm được vài chục triệu đồng. Đó là thời điểm thương lái Trung Quốc đột ngột đẩy giá mực xà lên cao chất ngất. Thương lái trong nước mua sáu, thương lái Trung Quốc mua lại mười. Chỉ một mùa mực, toàn bộ các đầu nậu đều trở thành “con chạy” cho thương nhân Trung Quốc. Mỗi lần đoàn câu mực Hoàng Sa về, hàng trăm tấn mực xà ùn ùn đổ qua cửa khẩu Tân Thanh, xe tải chở mực nối đuôi hàng đàn trên quốc lộ. Thấy gia đình này trúng mực, gia đình kia cũng dốc sức đóng tàu, bao nhiêu tiềm lực của ngư dân Thanh Khê đổ hết vào đoàn tàu câu mực Hoàng Sa. Anh Xin kể: “Họ giỏi thiệt, cũng con mực xà của mình, họ thuê bãi tập kết ở cửa khẩu Tân Thanh, sau khi đem qua biên giới và đưa trở lại Việt Nam con mực trắng tinh, thơm phức, to hẳn ra với giá bán cao gấp nhiều lần giá mua mực thô của Việt Nam”.
Mực xà Hoàng Sa có đặc điểm phơi khô lên có màu hơi đen, vị hơi nhẫn, thị trường trong nước không chuộng vì chế biến không tốt. Ngư dân câu mực cũng hiếm khi ăn mực xà tươi tại tàu vì đặc điểm đó nhưng giai đoạn hoàng kim, nó từng là sản phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa. Đùng một cái, năm 2007, thương nhân Trung Quốc không chịu “ăn hàng” nữa. Mực xà rớt giá từ 100.000 đồng/kg xuống còn 18.000 đồng/kg. Dân câu mực ngã ngửa. Mực đánh về không đủ tiền dầu, tiền lương thực, nước đá. Năn nỉ ỉ ôi thương nhân Trung Quốc cũng không chịu mua. Đoàn câu mực Hoàng Sa nổi tiếng của ngư dân Đà Nẵng bắt đầu tan tác. Các chủ tàu bán đổ bán tháo trả nợ ngân hàng. Những người bạn nghề táo tác trở về quê Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… kiếm sống bằng nghề lưới ven bờ hoặc làm nghề khác.
Thuyền trưởng Đỗ Văn Xin nói, làm nghề quen rồi, không đi nhớ biển lắm nhưng giờ nếu bảo vay ngân hàng để đi thì thà giải nghệ còn hơn. Biết là biển của mình nhưng đành phải bỏ trống cho người khác khai thác. Bây giờ, chiều chiều trên con đường tuyệt đẹp Nguyễn Tất Thành, đi ngang qua ngôi miếu thờ các hương linh bỏ mình trên biển cả có hình chiếc tàu mũi hướng ra biển, nếu nhìn thấy vài ba người đàn ông ngồi chơi ở đấy thì chắc chắn đó là những ngư dân trong đoàn câu mực Hoàng Sa đã bỏ nghề trở thành thất nghiệp...
NGUYỄN MINH SƠN
Nghề câu mực xa khơi
Đằng sau mỗi chuyến đi là ngổn ngang  bao nỗi lo toan, tính toán của bao người trong cả một hệ thống các mối quan hệ như một dây chuyền vận động phức tạp, mà sự gãy đổ do cơn bão Chanchu khiến việc phục hồi dây chuyền này sẽ vô cùng khó khăn.
Câu mực xà ở biển sâu
Loại tàu câu mực của ngư dân Đà Nẵng
Nghề câu mực xà, có nơi gọi là mực vôi hoặc mực bê đen, hình thành ở các vùng biển miền Trung cách nay chưa đến 10 năm. Loại mực này người Việt Nam không ăn vì không ngọt, phơi khô thì rất cứng, thế nhưng thị trường Trung Quốc thì bao nhiêu cũng không đủ. Có người nói Trung Quốc mua về làm thuốc gì đó, chứ ăn sao được mà ăn; người khác thì bảo Trung Quốc mua về tẩy rửa trắng bóc, đánh thành sợi rồi tẩm gia vị thành hàng cao cấp. Người Việt Nam không biết đến mực xà, đơn giản là vì ven bờ không có giống mực này, chúng chỉ sống ở vùng biển rất sâu, như anh Hà Văn Đến ở Bình Minh (Thăng Bình, Quảng Nam) nói, sâu đến 2.000 mét. Vùng biển Đông có chỗ nào sâu như vậy không? Chúng tôi đã vào internet và tìm kiếm thì thấy nằm trong dãy đứt gãy Thái Bình Dương có chỗ sâu nhất là 11.000 mét, vùng biển Đông giáp Philippines có độ sâu trên dưới 6.000mét. Chính vì vậy các chuyến câu mực thường phải kéo dài 30-60 ngày vì phải đi rất xa mới đến vùng biển có giống mực này sinh sống. Ban ngày không thấy chúng, nhưng ban đêm chúng kéo lên từng đàn.
Mực xà không đánh lưới mà phải câu. Một tàu lớn chở theo 20-30 thuyền viên, mỗi người một thúng, thả xuống giữa biển, thúng này cách thúng kia 1-2 cây số, người đầu người cuối cách nhau hai ba chục cây số là thường.
Một mình một thúng giữa trời nước mênh mông nhưng tối đen và yên tĩnh, khó nghề nào khác có được. Nhiều người chính vì điều này mà gắn bó với nghề, mỗi khi về nhà họ lại nhớ không thôi cái cảm giác giữa trời giữa nước lặng phắt , mênh mông ấy.
Câu đêm đến 4 giờ sáng thì ngưng, bọn mực như lặn xuống tận đáy biển sâu 6.000 mét ấy để trú. Người nào câu được bao nhiêu thì tự xẻ mực, rửa sạch, chờ tàu đến đón, phơi mực lên giàn, cho mực đã khô vào túi của riêng mình. Ai làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu.
Khi tàu vào bờ thì cân rồi trả cho chủ tàu 20%, một phần góp lại tương đương người thu nhập cao thứ nhì cho tài công, phần còn lại trả chi phí như dầu, nhớt, và toàn bộ chi phí ăn uống sinh hoạt cho chuyến đi dài. Như chuyến đi bị cơn bão Chanchu này, mỗi người chi phí hết 5 triệu đồng. Mỗi ký mực khô 25.000 đồng, nếu được 400kg thì được 10 triệu đồng, thường thì chỉ 300kg. Trả chủ tàu, trừ chi phí xong còn chừng 3 triệu đồng cầm về cho vợ con. Có chuyến phải lỗ hoặc chỉ được vài trăm ngàn.
Nỗi khổ bạn nghề
Thợ máy Nguyễn Văn Cảnh và con út trong ngày trở về đất liền, sau bão Chanchu.
Trước đây, không năm nào nghề câu mực không mất 5-7 người! Có người ngồi câu một mình một thúng giữa màn đêm mênh mông của đại dương, ngủ quên gió thổi lạc mất, tàu quay lại tìm hàng chục ngày không ra. Có người nằm trong thúng đến hơn một tuần mới có người tìm thấy. Rồi nửa đêm gió dông nổi lên, lốc xoáy lật úp thúng. Nguy hiểm vậy nhưng hồi đó giá nhiên liệu chưa lên, mực lại cao giá nên ai cũng ham. Kể từ khi giá dầu lên, thu nhập như giảm đi một nửa.
Nay thì mỗi thúng đã có một máy bộ đàm cá nhân nên mọi chuyện đã khá hơn nhiều. Thế nhưng công việc một thân một mình giữa biển kéo dài suốt đêm là một công việc chẳng hề dễ dàng. Những người bám trụ với nghề có thể nói là những người chăm chỉ, thương vợ thương con hết mực, nhất là đức tính kiên nhẫn, không kiên nhẫn không theo được nghề này. Phần lớn họ đều nghèo khó, không có thuyền bè hoặc ngư lưới cụ để đánh bắt ven bờ như ngư dân bãi ngang. Hết đi bạn cho nghề câu mực lại đi bạn cho nghề câu cá ngừ đại dương; hết đi cho thuyền Đà Nẵng thì đi cho thuyền Phan Thiết, Nha Trang. Làm ở đâu cũng chỉ thu nhập một - hai triệu đồng mỗi tháng. Thì cũng như bao người ở quê lên thành phố đi phụ hồ hoặc làm thợ xây, nhưng hơn một điều là trời nước bao la, không gian thoáng mát, cá mực không thiếu.
Nỗi khổ chủ tàu
Mỗi chiếc tàu, chủ tàu đầu tư trên dưới 1 tỉ đồng. Họ là những người năng động, biết quán xuyến tổ chức. Chỉ riêng việc đứng ra chịu vay ngân hàng, thường là 2 chiếc để đi biển có đôi, là 2 tỉ đồng, để gánh vào mình bao nỗi lo mà mới nghe kể thôi chúng tôi đã ngợp như phải làm một việc quá sức mình.
Không kể tiền lãi, cứ đều mỗi tháng phải lo trả 10-20 triệu đồng, chỉ riêng việc tìm cho đủ bạn để đi cho đầy một chuyến tàu là một việc không thể dành cho người nóng tính. Kể từ khi xăng dầu lên giá, thu nhập của bạn nghề hẹp lại, họ đâm lười đi. Họ không đi nhưng thuyền thì không thể nằm bến, vì vậy mà năn nỉ. Bạn nghề yêu cầu gì cũng chiều, cần vài triệu để lại cho vợ con sống mấy tháng, cần dăm triệu sửa lại cái nhà, một ít để gởi con nộp học phí đại học... chủ tàu phải có để ứng trước cho bạn, ai không mạnh tiền, đừng nghĩ đến nghề này. Có đủ 20 người là mừng như được của. Càng đông người đi thì số phần trả cho chủ tàu càng cao. Nhưng nào có dễ.
Để tàu ra khơi cần, phải đổ cho đầy 10.000 lít dầu, 10 thùng dầu nhớt, 1 tấn gạo, 30 bình gas, 10 két thịt hộp, vài chục cây thuốc lá, rồi cà phê, nước bò húc, bia, rượu... cộng hết lại chừng 100-120 triệu đồng. Đã đành là toàn bộ chi phí này bạn nghề phải chịu, phải trả lại sau khi cân mực, thế nhưng sự đời đâu có êm xuôi như mình nghĩ.
Bà Ánh, chủ tàu ĐNA90247, một trong mười chiếc tàu bị đắm trong bão Chanchu, thở dài nói: "Chạy đến bạc tóc mới đủ 100 triệu đồng mua sắm cho bạn nghề ra khơi. Chỗ này thì lấy nợ, chỗ kia thì vay tiền, hứa sẽ trả cho người ta tin đâu phải chuyện dễ. Rồi ngày tàu về, đâu phải bạn nào câu cũng đủ chi phí, đâu phải lần nào cũng trời yên biển lặng. Không đủ chi phí thì bạn lại bỏ đi làm với tàu khác, cái nợ ấy mình phải gánh. Vay ngân hàng 5 năm rồi mà đã trả được đồng vốn nào đâu, tiền lãi thôi đã chóng mặt. Tôi một tàu đã thế này, không biết bà Lê Thị Huệ có đến 4 tàu thì chạy đến cỡ nào. Vậy mà bây giờ chồng chết theo một chiếc tàu chìm. Không biết bà ấy có trụ nổi?".
Bây giờ Đà Nẵng có 10 tàu chìm và mất tích, mỗi tàu 60-70 triệu tiền xăng dầu ghi nợ ở đại lý, bao nhiêu đại lý đang mất ăn mất ngủ? Rồi các đại lý gạo, đại lý gas, các tiệm tạp hoá lớn cũng vậy. Ai giúp họ, những người trong hệ thống các mối quan hệ của nghề câu mực xa khơi ấy, vượt qua đận khó khăn này?
TRUNG HỒ
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét