Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

“Lật mặt” đồng bằng sông Hồng để khai thác than? - Lo cho cây lúa

Mặc dù dư luận tỏ ra lo ngại song Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam (TKV) vẫn đang nôn nóng triển khai dự án khai thác thử nghiệm bể than đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), có tổng trữ lượng 210 tỷ tấn, nằm chủ yếu ở 3 tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định. Nỗi lo đặt ra là giữ đất trồng lúa như thế nào, làm sao không gây sụt lún khi đây là vựa lúa lớn của đồng bằng Bắc bộ, chỉ đứng thứ hai sau vựa lúa ĐBSCL, giúp đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước.

Than hay thóc?

TKV cho biết vẫn đang đề nghị Thủ tướng phê duyệt dự án thăm dò, khai thác mỏ than, trước mắt là 3 điểm: Khoái Châu (Hưng Yên), Kiến Xương, Tiền Hải (Thái Bình). Dự kiến trong quý 3-2011, Thủ tướng sẽ xem xét đề án trên.

Hiện tại, ở các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên và Nam Định, các dự án khoan thăm dò vẫn đang án binh bất động. Song theo ông Ngô Xuân Chiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải (Thái Bình), người dân ở đây lo lắng không biết việc triển khai dự án khoan thăm dò than có thu hồi ruộng để làm công trình, việc bồi thường cho bà con sẽ như thế nào. Ở tỉnh Hưng Yên, nhiều người lo ngại việc thu hồi ruộng để làm dự án, lắp đặt máy móc thăm dò sẽ không còn nơi để trồng trọt, nông dân sẽ không có việc làm.

Tuy nhiên, cùng một địa phương, mỗi cơ quan hiện lại có một quan điểm khác nhau về việc có nên khai thác bể than hay không. Ông Phạm Văn Nam, Trưởng Phòng kế hoạch thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình, lo ngại: “90% dân số Thái Bình sống ở nông thôn, trong đó 76% chỉ quen làm ruộng. Bây giờ đột ngột thu hồi ruộng trên diện rộng bà con sẽ trở tay không kịp”.
Khai thác than dễ dẫn đến nguy cơ sụt lún. Trong ảnh là hiện trường khai thác than tại một mỏ than ở Quảng Ninh. Ảnh: MINH ĐIỀN

Theo ông Nam, lo ngại lớn nhất vẫn là hậu họa của việc khai thác khí hóa than ngầm. “Chắc chắn khai thác sẽ gây sụt lún đất mặt trên diện rộng. Đất canh tác sụt thì sẽ kéo theo sụt cả đê điều, sông hồ. Trong đề án nói nếu sụt lún 1m đất ruộng sẽ bù lấp 1,2m phù sa nhưng lấy phù sa ở đâu?”.

Ngược lại, Sở Công thương tỉnh Thái Bình lại nôn nóng triển khai đề án. Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, khẳng định, Thái Bình vẫn còn là vùng thuần nông nên cần đẩy mạnh công nghiệp. Hiện nay, một năm Thái Bình thu nội địa chỉ 1.000 tỷ đồng nhưng chi khoảng 2.500 tỷ đồng. Trong khi mỗi năm làm ra 1,1 triệu tấn thóc, chỉ sử dụng khoảng 500.000 tấn. Do đó, khai thác bể than là cơ hội để Thái Bình phát triển.

Vẫn còn lo ngại

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Khắc Vinh, Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam, vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là nên khai thác như thế nào để không ảnh hưởng tới diện tích đất lúa của đồng bằng Bắc bộ.

Phía TKV khẳng định, đề án khai thác bể than ĐBSH sẽ không ảnh hưởng tới diện tích đất trồng lúa cũng như hoạt động sản xuất nông nghiệp bên trên ở các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định vì khai thác theo công nghệ khí hóa than ngầm trong lòng đất, ở độ sâu dưới 250m, không khai thác kiểu lộ thiên như ở Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), lại cho rằng, khai thác than ở ĐBSH không thể nói không ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống của hàng vạn nông dân. Trong đó, nguy cơ lớn là gây sụt lún.

TS Nguyễn Khắc Vinh cũng thừa nhận, do điều kiện thủy văn, địa chất ở vùng ĐBSH rất phức tạp nên không chỉ gây khó khăn, trở ngại cho việc khai thác bể than bên dưới mà quá trình khai thác cũng có thể gây ra sụt lún tức thời, sụt lún lâu dài, sụt lún tại chỗ và sụt lún lan tỏa, có thể biến cả vùng đồng bằng phì nhiêu sông Hồng thành hồ chứa nước nhiễm mặn do nước biển tràn vào, ảnh hưởng tới hàng chục vạn dân.

GS-TS Trần Văn Trị, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, cho rằng cùng với sụt lún, việc khai thác than ngầm ở bên dưới sẽ biến ĐBSH thành rỗng ruột, sẽ rút hết nguồn nước ngầm dùng để canh tác, sinh hoạt bên trên, cộng thêm khí oxy đốt bên dưới để khí hóa than sẽ dẫn tới hậu quả nặng nề là hạn hán trên diện rộng, không thể trồng lúa được nữa.

Phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo an ninh năng lượng là cần thiết nhưng việc khai thác bể than cần phải có những bước đi phù hợp, thăm dò chính xác, tính toán kỹ lưỡng, không thể vội vàng vì sẽ ảnh hưởng tới khoảng 180.000 hộ dân ở Bắc bộ, ảnh hưởng cả mặt xã hội và văn hóa. 
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho rằng việc khai thác than ở vùng ĐBSH sẽ ảnh hưởng cả về an ninh lương thực lẫn môi trường. Theo ông Ngọc, hiện nay ĐBSH có khoảng 560.000ha đất lúa. Mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 6,4 - 7 triệu tấn thóc. Mặc dù sản lượng không nhiều, không thể thừa để xuất khẩu như vựa lúa ở ĐBSCL, nhưng với sản lượng hiện nay, vựa lúa ĐBSH cùng với các vựa lúa khác vừa đủ để cân đối, đảm bảo an ninh lương thực. 



PHÚC HẬU


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét