Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

Làm, không làm - đều là trạng thái


Mẹ Nấm Tất cả những thành công của một quá trình nào đó, những gì gọi là “cơ hội” không bao giờ có đóng góp và “cơ hội chủ nghĩa” không thể có thành quả bền vững, nếu không nói là gần như thất bại hoàn toàn. Bởi không dựa trên một sức mạnh thật sự để hành động.

Trong một status gần đây trên Facebook tôi có đăng thế này:

“Mình cực ghét các bạn hay "nhân tiện" hô hào, các bạn có ý thức được việc mình nói sẽ làm ảnh hưởng đến sự an toàn của những người trong nước thế nào không?”

Đã có hơn 132 comment tham gia tranh luận, với nhiều ý kiến khác nhau. Tán thành có, phản đối nhiều và lửng lơ không thiếu.

Số đông đều có một điểm chung khi tranh luận là “lạm dụng ngôn ngữ” (Xin hiểu theo nghĩa hay của cụm từ này) và khẳng định cá nhân là chính. Lời nói đã phát ra, hơn thế nữa nó lại được gõ ra rõ ràng, không cách gì “lấy lại” được.

Tôi chưa đủ “cùn” để nói với mọi người rằng:”Đấy, thế đấy, tôi nói vậy, ai nghe được thì nghe, ai đọc được thì đọc…hiểu thế nào thì mặc, tôi không quan tâm!”.  Tôi cũng chẳng đủ “lỳ” để mặc kệ ai muốn bàn ra tán vào gì. Hơn nữa, tôi càng không đủ thông thái để dụng hết nghĩa của những từ tôi đã viết, càng không đủ giỏi để dạy bất cứ ai - trừ con cái tôi. Bởi thế, xin có vài lời về cái status vừa rồi.

"Hô hào" – Một động từ có nghĩa khá rộng. Khả năng viết lách của tôi, nhận thức xã hội của tôi, tôi đã hiểu động từ này được xem như là việc kêu gọi người khác làm những việc mà mình muốn (hoặc những việc thiếu tính thực tế ở thời điểm kêu gọi) nhưng không có điều kiện và khả năng để làm - trong chừng mực ngắn gọn của status mà tôi đưa ra - tôi muốn nói đến khía cạnh này.

“Nhân tiện” hay “tiện thể” hay từ nào có nghĩa tương đương nhưng khác chính tả…Tôi dùng từ này để chỉ sự “cơ hội” có tính toán thời điểm. Đó là hai từ mà nhiều người để ý và “bình xét” nhất. Còn khúc sau, tôi sẽ nói lại khi có dịp. Tại sao tôi lại thẳng thắn phát biểu thế?

Trong những lần biểu tình chống Trung Quốc, từ tháng 6 đến đầu tháng 7 này, đã có rất nhiều lời kêu gọi đưa ra, và có cũng không ít những lời "hô hào" mang tính "nhân tiện".

Sao lại phải nhân danh lòng yêu nước để "nhân tiện hô hào" như thế?

Những người tham gia tuần hành - biểu tình là những người ý thức được trách nhiệm công dân của mình với Tổ quốc, ý thức được hành động của mình, và quan trọng nhất là ý thức được ý nghĩa của việc tuần hành - biểu tình. Còn tác dụng thực sự của những cuộc biểu tình tuần hành vừa rồi như thế nào, ảnh hưởng của “nó” ra sao với tiến trình đấu tranh dân chủ. Chắc chưa phải lúc nói ra hết. Nhưng có sự “đính kèm” như thế nào thì những lời “hô hào” mới đưa ra trong lúc này chứ?

Tự do - dân chủ có hay không?

Những người trực tiếp trải nghiệm họ sẽ nhận thấy điều đó, và bản thân mỗi con người ấy sẽ là một bằng chứng sống hiển nhiên. Sao cứ phải nhân tiện giăng khẩu hiệu trong cuộc biểu tình vì những thứ ấy?

Nhà nước hèn - thực hư ra sao, ai cũng thấy, sao cứ phải nhân tiện để hô hào những điều mà ai cũng biết?
Điều quan trọng ở đây, là khi tuần hành như thế để biết được nhà nước đang ở đâu đối với dân, để kiểm chứng những tuyên bố mang tính sống còn của nhà nước như “do, vì của dân” chẳng hạn.

Chống Trung Quốc - là chống bằng ý thức, bằng nhận thức, và hành động cụ thể chứ không phải từ sự hô hào suông.

Cá nhân tôi đã thấy hình ảnh một đảng viên của một đảng bị xem là "khủng bố" tại Việt Nam, bị bắt giữ 9 ngày vì phát áo kêu gọi người Hà Nội cảnh giác với âm mưu xâm lược của Bắc Kinh cùng slogan "vì Thăng Long ngàn tuổi, chống hiểm họa Bắc triều", đã xuất hiện trong một buổi tiệc "sườn xám" sau đó không lâu.
Sao lại có kiểu chống “lửng lơ” và bài không triệt để thế?

Hay miệng nói và việc làm không đi đôi, vậy thì đòi hỏi một xã hội văn minh tiến bộ làm sao được?

Đây có thể được xem là một kiểu "nhân tiện hô hào" hay không?

Cá nhân mỗi người phải ý thức được việc mình làm, nhất là những người có hành động và phát ngôn mang tính "tuyên ngôn".

Đã dấy lên phong trào bài Hoa ở Việt Nam, và thực sự lúc này cần phải tỉnh táo hơn bao giờ hết. Lã Thanh Huyền - một diễn viên Việt Nam mặc áo sườn xám ở "thời điểm nhạy cảm" và bị "ném đá".

Sẽ có ý kiến cho rằng, yêu nước và đấu tranh mỗi người một kiểu thể hiện. Miễn là có tác dụng…Xin thưa, nếu không có sự đồng thuận, liệu các “kiểu” thể hiện đó có triệt tiêu lẫn nhau hay không?

Tôi không bàn nhiều đến phương pháp, bởi điều đó thuộc về trình độ, nhận thức từng cá nhân. Nhưng có một điều ai cũng phải tuân thủ, đó là với mỗi thời điểm hãy suy nghĩ, nói và hành động như nào cho hợp với hoàn cảnh thực tại và có tác dụng đẩy nhanh tiến trình đi tới mục đích cuối cùng.

Tôi biết có thể khi nói về những lời "hô hào nhân tiện" sẽ làm đụng chạm đến nhiều cá nhân và nhiều tổ chức, nhưng để đi đến mục đích cuối cùng là vì một Việt Nam thực sự có tự do, dân chủ - một Việt Nam giàu mạnh, thì cần rất nhiều nỗ lực và "sự nhìn lại" của tất cả mọi người.

Phải biết đặt mục tiêu cuối cùng và lâu dài nhất lên trên hết, cùng một góc nhìn nhân văn thì mới có sự thay đổi thực sự.

Tất cả những thành công của một quá trình nào đó, những gì gọi là “cơ hội” không bao giờ có đóng góp và “cơ hội chủ nghĩa” không thể có thành quả bền vững, nếu không nói là gần như thất bại hoàn toàn. Bởi không dựa trên một sức mạnh thật sự để hành động.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét