Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

Công việc Ðài Loan bị hút sang Trung Quốc

TAIPEI (Bloomberg) - Một thập niên trước đây, Wu Wen-nan lãnh $726 một tháng khi làm việc ở một cơ xưởng tại Ðài Loan thuộc công ty Foxconn Technolgoy Group, công ty sản xuất iPhone và iPad cho Apple Inc.
Một phụ nữ Ðài Loan tìm hiểu iPad đời mới nhất, do Apple sáng chế, nhưng được
sản xuất tại Trung Quốc, Ðài Loan hoặc Nam Hàn. Nhiều công việc sản xuất tại Ðài
Loan bị hút sang Trung Quốc vì giá nhân công rẻ. (Hình: Sam Yeh/AFP/Getty Images)

Ngày nay, ông đi bán báo dạo và sống nhờ tiền giúp đỡ của cơ quan từ thiện.
“Tôi mất việc sau khi công ty dời cơ xưởng sản xuất sang Trung Quốc,” theo lời ông Wu, 47 tuổi, trong khi bán báo ở một trạm xe điện ở Taipei.
Lâm vào tình trạng không nhà từ năm ngoái, ông đã thất nghiệp kể từ khi bị cho nghỉ tại công ty Foxconn 10 năm trước đây.
Ông Wu thuộc vào thế hệ người Ðài Loan sống nhờ vào sự thành công của đảo quốc này trong việc sản xuất cho các công ty ngoại quốc, từ quần áo cho đến búp bê Barbie của công ty Mattel Inc. trong thập niên 1960, sang đến máy điện toán và máy điện thoại của công ty HTC Corp. trong ba thập niên vừa qua.
Sự chậm trễ của các nhà soạn thảo chính sách trong việc giảm thiểu luật lệ đầu tư và đẩy mạnh lãnh vực tài chánh, chuyển vận cũng như du lịch khiến cản trở tạo ra công ăn việc làm và kềm hãm phát triển lợi tức người dân.
Với sự gần gũi hơn trong mối liên lạc với Trung Quốc, nhiều doanh gia Ðài Loan kéo sang đầu tư ở lục địa, nơi có nhân công rẻ và mọi điều kiện dễ dàng. Trong khi đó, chính quyền Ðài Loan lại không có nỗ lực thay thế khu vực sản xuất bằng cách phát triển các kỹ nghệ mới, đưa đến việc quốc gia này nay đứng sau Singapore và Hồng Kông.
“Các nỗ lực hiện nay của Ðài Loan quá trễ và quá ít để thay đổi tình hình,” theo lời Chu Wan-wen, một nhà nghiên cứu tại viện Academioa Sinica do chính phủ Ðài Loan tài trợ. “Khả năng của Ðài Loan trong lãnh vực dịch vụ quá giới hạn vì chính phủ mở ra lãnh vực này quá trễ.”
Ðài Loan bãi bỏ lệnh cấm đầu tư vào lục địa năm 1991. Từ đó, giới hữu trách chấp thuận 38,685 dự án đầu tư, tạo ra ít nhất 7.7 triệu công việc làm ở lục địa, với chỉ riêng công ty Foxconn đã thuê hơn 1 triệu người, theo dữ kiện của Bộ Kinh Tế Ðài Loan.
Trong khi đó, Ðài Loan chỉ có 2.9 triệu công việc trong ngành sản xuất, tính đến Tháng Năm vừa qua.
Mức thất nghiệp ở Ðài Loan là 4.4%, tuy chỉ gần bằng một nửa con số ở Mỹ, điều này vẫn là một sự yếu kém lớn nếu so sánh với các nền kinh tế cạnh tranh trực tiếp với Ðài Loan như Hồng Kông và Nam Hàn.
“Ðây không phải là vấn đề của từng thời kỳ kinh tế mà là vấn đề cấu trúc kinh tế,” theo lời Mark Williams, một kinh tế gia tại công ty Capital Economics Ltd. ở London và là cựu cố vấn về Trung Quốc cho Bộ Tài Chánh Anh.
“Rất nhiều công ty lớn sang lục địa lập cơ xưởng, trong khi không có đủ việc mới tạo ra ở Ðài Loan,” ông Williams cho hay. (V.Giang)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét