Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

TỔ QUỐC LÂM NGUY, SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH “LUẬT ĐOÀN KẾT DÂN TỘC” VÀ KIẾN NGHỊ XÂY DỰNG “TƯỢNG ĐÀI BIỂN ĐÔNG”

Ngô Tự Lập
Nhà thơ, nguyên Giám đốc Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh.
 
Sau một thời gian ngắn ngủi tương đối yên ổn, một lần nữa đất nước ta lại phải đối mặt với họa xâm lăng. Đâu là kế sách chống lại quân xâm lược. Ai cũng thấy rằng sự nổi giận không đủ, chúng ta cần phải có những chiến lược, sách lược tỉnh táo và thông minh cả trong đối nội lẫn đối ngoại. Ai cũng thấy rằng một nền quốc phòng vững mạnh chỉ có thể có nếu đựa trên sự phát triển và thịnh vượng của đất nước trong mọi lĩnh vực, như kinh tế, văn hóa, giáo dục, chính trị, xã hội. Nhưng cái gốc sâu xa nhất và vững chắc nhất, đó là sự đoàn kết của toàn dân tộc. Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước với những chiến không hiển hách chứng minh điều đó. Vì thế, tôi nghĩ đã đến lúc Quốc hội phải nhanh chóng ban hành Luật Đoàn kết dân tộc.

Tại sao phải ban hành Luật đoàn kết dân tộc trong khi chúng ta đã có một số chính sách ít nhiều liên quan đến vấn đề này?
Chúng ta cần Luật Đoàn kết dân tộc do tính chính danh của nó. Mặc dù Quốc hội ở đâu cũng do một hay một vài chính đảng cụ thể chiếm đa số, tiếng nói của Quốc hội, thể hiện qua Hiến pháp và Luật, vẫn được coi là tiếng nói của người dân, là ý chí của dân tộc, chứ không phải là tiếng nói của một đảng hay một phe phái cụ thể. Các chính đảng có thể cầm quyền dài hay ngắn, nhưng giá trị của Luật, với tư cách là ý chí của dân tộc, không phụ thuộc vào độ dài thời gian cầm quyền của các chính đảng.
Cũng cần phải lưu ý rằng Luật Đoàn kết dân tộc không phải là nhằm thu hút Việt Kiều. Luật Đoàn kết dân tộc cần thiết ngay cả khi không có Việt Kiều. Luật Đoàn kết dân tộc cũng không phải là một sách lược vụ lợi ngắn hạn, mà phải là ý chí đoàn kết lâu dài và cao thượng của dân tộc. Nếu không thể hiện được tinh thần và các giá trị cao thượng mà mọi người Việt Nam đều chấp nhận và trân trọng, thì chính sách không thể đoàn kết được người dân, dù ở trong nước hay ngoài nước, thậm chí ngay cả những người đang tham gia bộ máy cầm quyền. Mặc dù được gọi tên bằng những cách khác nhau, Luật Đoàn kết dân tộc chính là cách mà cha ông ta nhiều lần sử dụng như là kế sâu rễ bền gốc, là nền tảng của sức mạnh quốc gia.
Luật Đoàn kết dân tộc phải như thế nào?
Tất nhiên, việc xây dựng luật phải do một tập thể bao gồm các chuyên gia và những nhà hoạch định chính sách có thẩm quyền thực hiện, nhưng chắc chắn nó phải được xác lập trên nguyên tắc nền tảng: Thượng tôn lợi ích dân tộc. Nói cách khác, phải đặt lợi ích dân tộc lên trên mọi lợi ích nhóm, phe phái, giai cấp, tôn giáo, ý thức… Trên cơ sở nguyên tắc cơ bản này, Luật sẽ quy định quyền và nghĩa vụ của mọi người Việt Nam (dĩ nhiên cần phải định nghĩa) trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Luật cũng sẽ mở đường cho việc đánh giá công bằng mọi đóng góp của mọi cá nhân trong mọi lĩnh vực, từ văn hóa, nghệ thuật, khoa học đến kinh tế và quân sự, ngay cả trong trường hợp các cá nhân có quan điểm đối địch lẫn nhau, trong quá khứ cũng như tương lai. Bởi vì, nói cho cùng, tất cả những con người ấy đều là người Việt, và tất cả những gì đã diễn ra đều là lịch sử Việt Nam. Với một quan điểm thực sự cao thượng và vì lợi ích dân tộc như vậy, Luật đương nhiên cũng sẽ là luật hòa giải dân tộc.
Trong số những người có công với nước, tôi muốn nhắc đến trường hợp các quân nhân của quân đội Sài Gòn đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974. Rất nhiều người, trong đó có cá nhân tôi, tin rằng chúng ta nên sớm tôn vinh họ như những liệt sĩ quên mình vì nước. Cũng xin nói rằng việc tôn vinh công lao của những người khác chính kiến, thậm chí của kẻ thù không có gì là quá mới mẻ hay mâu thuẫn, mà là truyền thống lâu đời của dân tộc ta. Sĩ Nhiếp, viên quan cai trị do Trung Quốc phái đến, chẳng hạn, thậm chí được tôn vinh là “Nam Bang học tổ”. Trong lịch sử hiện đại, chúng ta cũng đã tiếp nhận và trọng dụng nhiều hàng binh, chúng ta đã hòa giải và kết bạn với Pháp, Nhật, Mỹ và cả Trung Quốc. Mới đây, chúng ta cũng hoan nghênh nhiệt liệt sự trở về và góp sức xây dựng đất nước của cựu Phó Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, tướng Nguyễn Cao Kỳ, một trong những chỉ huy cao nhất của những người lính đã ngã xuống vì Hoàng Sa.
Cá nhân tôi nghĩ rằng do nhiều lý do lịch sử, chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội để có một Luật đoàn kết dân tộc ngay sau năm 1975. Mặc dù đáng tiếc, chúng ta cũng không thể thay đổi quá khứ. Bây giờ, một cơ hội, đồng thời cũng là một yêu cầu cấp bách, lại đến và tôi thực sự tin tưởng rằng nếu chúng ta không bỏ lỡ, đây sẽ là khởi đầu cho một mùa xuân mới của đất nước trong đoàn kết và thịnh vượng. 
Trong khi chờ đợi một Luật Đoàn kết dân tộc ra đời, tôi đề nghị xây dựng một Tượng Đài Biển Đông với cùng thông điệp. Tôi không dám đi sâu vào vấn đề nghệ thuật điêu khắc, nhưng tôi hình dung một phiến đá lớn, vững chắc, đặt trên bệ mô phỏng hình nước Việt. Trên một mặt của phiến đá khắc bản đồ Việt Nam và Biển Đông, trên mặt kia khắc tên tất cả những người đã đóng góp xây dựng và bảo vệ Biển Đông của Tổ quốc, từ các vị đô đốc và chiến sĩ thời phong kiến, đến những liệt sĩ trong thời đại chúng ta - đặc biệt là những người lính của Lữ đoàn 125 trong kháng chiến chống Mỹ, những người lính hải quân Sài Gòn hy sinh tại Hoàng Sa năm 1974 và những người lính hải quân Nhân dân Việt Nam hy sinh năm 1988. Cung với tượng đài là một cuốn sách chuyên về lịch sử khai phá, bảo vệ và phát triển Hoàng Sa Trường Sa. Ngoài thông điệp đoàn kết, tượng đài sẽ là một tài liệu sống động, rất có ích cho công việc giáo dục lịch sử và địa lý dân tộc cho các thế hệ mai sau.    
Mặc dù đất nước ta còn nghèo, tôi không nghĩ rằng tài chính là một vấn đề đối với việc xây dựng một tượng đài như vậy, đặc biệt nếu so sánh với ý nghĩa và thông điệp của nó. Nhưng nếu sự đóng góp tài chính là cần thiết, tôi tin rằng rất nhiều cơ quan, công ty và cá nhân sẽ ủng hộ dự án. Cá nhân tôi, nếu có nhu cầu ủng hộ, tôi xin là người đóng góp đầu tiên, với số tiền là mười triệu đồng.
 
Ngô Tự Lập
(Nhà thơ, nguyên Giám đốc Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh). 
 
 Tác giả gủi cho viet-studies ngày 28-6-11

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét