Gã nhà quê (danlambao) - Là một người đã từng cầm bút, viết bài cho một số tờ báo lớn trong nước cách đây hơn 15 năm, lúc mà đa số những người được gọi là ‘phóng viên’ của hàng trăm tờ báo trên cả nước chưa biết ‘viết báo’ là gì, và những người được gọi là ‘biên tập viên’ cũng chưa biết ‘lọc tin’ là gì, tôi có thể nói hồi đó viết sướng thật. Viết nhiều khi không cần phải ‘lách’, thậm chí thỉnh thoảng ‘chọc vào vùng cấm’ mà vẫn lọt tin.
Rồi báo chí đổi mới, những phóng viên và biên tập viên được đào tạo bài bản hơn, được gắn liền với cái gọi là ‘nhiệm vụ chính trị được giao’ thì những người cầm bút như tôi dần dần không còn chỗ đứng trong làng báo Việt. Đúng hơn là bị dạt sang lề trái (nói theo kiểu bây giờ) nhường chổ cho những cây bút lề phải.
Và tôi rất buồn (buồn cười) khi đọc bài trả lời phỏng vấn của ông Bộ Trưởng trên tờ báo Việt Weekly và Phố Bolsa TV với câu hỏi: ‘Khi nào VN có báo chí tư nhân?’. Cái kiểu trả lời đó vô tình (hay có dụng ý) xúc phạm đến hơn 80 triệu dân VN khi cho rằng dân trí VN còn thấp, những người viết báo không có tính chuyên nghiệp (điển hình là 17.000 phóng viên của báo chí lề phải) và cần xây dựng một lộ trình gắn liền với luật lệ.
Nếu tôi nhớ không lầm thì ‘luật báo chí VN’ đã có từ lâu, còn lệ thì tùy thuộc vào ông Tổng biên tập của tờ báo là ai(?) và đường lối, chủ trương của tờ báo là gì(?). Và cái thuở ban đầu bỡ ngỡ chập chững bước vào giai đoạn Đổi mới, ngoài những bản tin chính thống, việc chọn bài để đăng của một tờ báo không gắn liền với nhiệm vụ chính trị mà là, thứ nhất bài viết có ‘sạch lỗi chính tả không’, thứ hai là phải hay (theo nghĩa chung chung) và sau cùng đó phải là tin mà độc giả quan tâm. Hội đủ 3 tiêu chuẩn này thì bài được đăng ngay. Vì vậy, sự xâm nhập của những cây viết tự do vào làng ‘báo chí cách mạng’ không phải là ít. Và nhiều tờ báo có được uy tín như ngày hôm nay là cũng nhờ vào những cây viết tự do hồi đó.
Thời kỳ Đổi mới thứ hai của báo chí VN sau khi đã hình thành xong bộ khung, đi từ báo xuất bản định kỳ mỗi tuần mấy số, lên báo ngày (vd; tuổi trẻ, thanh niên…) và xây dựng được một đội ngũ phóng viên nòng cốt, và những biên tập viên riêng có trình độ chính trị cao thì những bài viết của những cây bút tự do dần dần không còn chỗ đứng trên các trang báo bởi phải trải qua nhiều khâu đọc và chọn khác nhau. Thời kỳ này, ngoài một số điều kiện như ở thời kỳ đầu, còn có một điều kiện đặt lên ưu tiên hàng đầu là phải thật ‘sạch’ hiểu theo nghĩa bóng nếu muốn lọt qua khâu ‘kiểm duyệt’ của những người có trách nhiệm của tờ báo.
Và thời kỳ Đổi mới sau cùng của báo chí VN là đặc quyền của những phóng viên và biên tập viên của từng tờ báo.
Nói dòng dài như vậy để khẳng định một điều sau nhiều giai đoạn Đổi mới của báo chí VN, con số 17.000 phóng viên (con số theo ông Lê Doãn Hợp) được đào tạo bài bản cùng với nhiệm vụ chính trị được giao, lạng quạng là mất việc ngay mà chưa được gọi là ‘chuyên nghiệp’ thì không biết ông Hợp cần đến những phóng viên cỡ nào? Còn những người cầm bút tự do thì họ không ‘chuyên nghiệp’ theo kiểu báo chí cách mạng nhưng mà ‘quá chuyên nghiệp’ khi một góp phần không nhỏ cho một số tờ báo có được uy tín, có được nhiều độc giả như ngày nay.
Ông Hợp nói dân trí VN còn thấp. Cho dù ông Hợp là Bộ trưởng đi chăng nữa thì ông vẫn là người VN, không thể tách rời khỏi cộng đồng người VN vì vậy khi nói dân trí còn thấp thì chính ông thừa nhận mặt bằng kiến thức của ông ‘không ra gì’ thì ông có xứng đáng để lãnh đạo một bộ hay không?
Đúng là tự vạch áo cho người xem ‘rận’.
Một lãnh đạo cấp bộ thừa nhận mình ‘dốt’ (dân trí thấp) thì tốt hơn hết là nên về quê cày ruộng cho xong.
*
Bài liên quan đã đăng: Bộ trưởng Lê Doãn Hợp lại nói về 'lề phải'
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét