Mẹ Nấm - Cầu bình an và sự vững vàng kiên định cho những người mà mình biết như anh Định, anh Điếu Cày, anh Ba, anh Thức, anh Vũ, Tiến Trung, Thanh Nghiên..... Ngay từ đầu và cho đến lúc này đây, với mình, họ là những tảng đá góc tường cho niềm tin vào một xã hội thực sự tốt đẹp hơn...
“Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường “
(Tv 117, c. 22)
Hôm nay lễ Bổn mạng hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, thánh lễ cầu nguyện bình an cách riêng cho những người được xem như những viên đá lót đường đầu tiên.
Trong thánh lễ, ở đoạn hiệp lời cầu nguyện của giáo dân, có ý xin bình an cho quê hương đất nước, cho dân tộc. Một lời cầu nguyện thực sự cần thiết ở giai đoạn này.
Bỗng nhiên mình nghĩ, nếu có vị nào ở ban an ninh tôn giáo tham dự thánh lễ này, liệu họ sẽ nghĩ thế nào về tâm tình của những lời cầu nguyện như thế. Nghĩ ở đây, tức là suy nghĩ nghiêm túc ấy, chứ không phải kiểu suy nghĩ chụp mũ là người Công giáo "khoác áo dân chủ" như họ đã từng phát biểu trước khi kịp nghĩ.
Cầu bình an và sự vững vàng kiên định cho những người mà mình biết như anh Định, anh Điếu Cày, anh Ba, anh Thức, anh Vũ, Tiến Trung, Thanh Nghiên..... Ngay từ đầu và cho đến lúc này đây, với mình, họ là những tảng đá góc tường cho niềm tin vào một xã hội thực sự tốt đẹp hơn.
Có thể và hơn thế, những người nhắc trên “bị” coi là hoạt động chính trị (hoặc các hành vi tương tự khác) thì hành vi của họ để chứng minh rằng để xây dựng một xã hội tốt đẹp không nhất thiết là phải chờ đủ gạch - một loại vật liệu phổ biến được sản xuất theo 1 khuôn mẫu - như xây một bức tường. “Bức tường xã hội” xây xong (nhưng chưa hoàn chỉnh) chắc chắn còn xù xì thô ráp. Vấn đề là tổng hòa của bức tường đứng vững và tiếp tục được làm đẹp.
Còn nhớ hôm mình bị giữ (à quên, nói theo ngôn ngữ các anh là "được mời làm việc") tại công an phường Tân Thới Nhất, quận 12, Sài Gòn, khi trao đổi về các hoạt động và mục đích tổ chức "Sự kiện truyền thông Công giáo" tại Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT), lúc đầu, anh Nam đã nói:
- “Thiệt ra các ông cha DCCT tổ chức sự kiện đó là có ý tốt cho giáo dân mình, họ muốn giáo dân có điều kiện tiếp xúc và học hỏi...” v.v và v.v.
Nói một hồi đến chuyện mình phát biểu, rồi đến blogger Tạ Phong Tần phát biểu, tự nhiên anh hỏi:
-“ Vậy em có biết tại sao cô Tần lại gia nhập đạo không? Để có ai đụng vô thì sẽ la lên là đàn áp tôn giáo này kia kia nọ... Ai họ làm gì cũng có mục đích hết, các ông cha DCCT cũng là những kẻ khoác áo thầy tu mà thôi.”
Mình trả lời bằng một câu hỏi:
- Cám ơn anh, có những chuyện anh nói thì em mới biết, mà anh có cho rằng khi nghĩ đi thì cũng nên nghĩ lại không anh? Ai vi phạm pháp luật thì sẽ bị bắt thôi, quan trọng là pháp luật được vận dụng như thế nào nữa.
Ô, vậy té ra khi khái niệm về tôn giáo tín ngưỡng nói chung, “sách giáo khoa chính thống” nói rằng, khi niềm tin con người đối với thế giới như thế nào đó (?) thì tín ngưỡng xuất hiện, tôn giáo ra đời. Liệu có mâu thẫn gì không?
Không thể chối bỏ được rằng chủ thuyết Marx-Enghen… luôn coi Công giáo là “đối tượng” nên việc bị chụp mũ luôn luôn của nhưng người Công giáo khi tỏ thái độ hoặc có hành động cũng không là điều khó hiểu. Vậy mà, chính sách tôn giáo họ luôn nói, đạo và đời phải gắn kết này nọ, xem ra khó lòng tin lắm.
Rõ ràng là trong xã hội này muốn lên tiếng vì những điều đúng đắn thường luôn luôn khó, bởi con người luôn phải đứng trước việc lựa chọn quyền lợi và sự an toàn bản thân mình, gia đình mình lên trước. Còn với những người mà mình biết, họ đã chấp nhận hy sinh mọi thứ để làm một viên đá lót đường. Thật đáng được ngợi ca và chúng ta hãy cầu nguyện cho họ.
Phêrô và Phaolô, một vị đã chối bỏ Chúa, vị kia lại đảm nhận trách nhiệm săn lùng những người tin Chúa để loại bỏ, nhưng họ đã được chọn làm những viên đá góc tường. Rõ ràng là mỗi viên đá đều có tác dụng riêng và sự nặng nhọc riêng.. Với những viên ở góc, sự nặng nhọc càng tăng hơn.
Hôm nay lễ Bổn Mạng hai thánh tông đồ được xem như những người tiên phong của Hội thánh, chỉ xin duy nhất một điều bình an cho tất cả những người chấp nhận làm viên đá lót đường trong xã hội này.
Họ xứng đáng là những tảng đá góc tường vững chải.
Một lời chúc bình an, khôn ngoan, kiên định và vững vàng cho những người bạn, người em của mình đã chọn hai thánh Phêrô và Phaolô làm quan thầy của mình.
P/s: Tặng mọi người bài hát này, như một lời nhắn nhủ:
Giữa cuộc đời trăm vạn nẻo đường
Xin chọn con đường yêu thương
Đường yêu thương cho ta gặp nhau
Cùng chung bước đến an vui
Chấp nhận nhau dù khác biệt nhau để không còn xa lìa.
Sống gần nhau và sống vì nhau giúp nhau qua khổ đau
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét