(Bài chia sẻ của Nguyễn Chính Kết trong cuộc “Hội Ngộ Dân Chúa” do Nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân tổ chức tại Little Saigon, các ngày 3-5/6/2011)
Bàn về hiện tình của đất nước và của các tôn giáo tại Việt Nam, đã có biết bao bài viết trên các website dân chủ và tôn giáo. Nói chung, bài nào cũng đều mô tả tình trạng bi đát, đau thương và tụt hậu của đất nước về mọi phương diện với rất nhiều dữ kiện chứng minh. Vấn đề là nguyên nhân nào đã dẫn đất nước và các tôn giáo tới tình trạng bi đát và đau thương như vậy?
+++
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bi đát của đất nước
Đất nước là một gia đình lớn với rất nhiều khía cạnh tương tự như một gia đình nhỏ. Một gia đình tan nát, thảm sầu, bất hạnh… bình thường là do đâu? Lỗi chủ yếu thường là từ cha hoặc mẹ, hoặc do cả hai không có tinh thần yêu thương, nghĩa là ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân, chỉ lo tìm những thú vui cho riêng mình, sống trụy lạc, đồi bại, không lo lắng cho hạnh phúc gia đình, không quan tâm đến những nỗi khổ của những thành viên trong gia đình. Tóm lại là thiếu đạo đức, thiếu tình thương. Cũng vậy, một đất nước đi đến thảm trạng như hiện nay, cũng xuất phát từ bản chất vô đạo đức của giới lãnh đạo.
Cổ nhân nói: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”: Ở trên mà vô đạo, ở dưới sẽ xem thường đạo đức, từ đó sinh ra loạn, bất ổn, bất hạnh. Trong một nước, nếu hệ thống chính quyền vô đạo đức, gian trá, tàn bạo, thì nó sẽ là bộ máy làm băng hoại đạo đức cả nước. Thảm trạng của đất nước hiện nay phát sinh từ bộ máy đó.
Bộ máy làm băng hoại đạo đức
Nguyên nhân của thảm trạng tại Việt Nam hiện nay là do tinh thần vô đạo đức của giới lãnh đạo, kéo theo sự sút giảm trầm trọng về đạo đức của người dân. Điều này không chỉ tai hại trong hiện tại, mà còn kéo dài nhiều thập niên trong tương lai, sau khi chế độ cộng sản không còn nữa. Và cũng phải mất nhiều thập niên mới khôi phục lại được tinh thần đạo đức của dân tộc như thời tiền cộng sản. Tình trạng sa sút đạo đức ấy là do bộ máy cai trị vô thần và vô đạo của cộng sản, chính nó là thủ phạm làm băng hoại đạo đức của cả dân tộc, gây nên biết bao thảm họa cho dân tộc. Chúng ta thử phân tích vấn đề này.
a) Chính trị bá đạo
Hồ Chí Minh và những tay trùm cộng sản cộng tác với ông đã sử dụng chính trị bá đạo để cướp chính quyền, để bảo vệ quyền lực hầu thống trị nhân dân. Để thực hiện được những mục đích chính trị cần phải đạt, chính trị bá đạo chủ trương gạt ra ngoài mọi ý niệm hay tư tưởng đạo đức, luân lý, vì nó cản trở từ trong nội tâm, không cho phép con người làm điều ác. Họ dùng câu “mục đích biện minh cho phương tiện” để biện minh cho những hành động tàn bạo, độc ác của họ. Câu này mà áp dụng cho những mục đích thật tốt cũng không phù hợp với đạo đức, huống gì áp dụng cho những mục đích xấu. Như chúng ta đã chứng kiến, cộng sản có rất nhiều mục đích xấu. Chính Đức Giáo Hoàng Piô XI, trong thông điệp Divini Redemptoris (1937), đoạn 58 cũng xác nhận: “Chủ nghĩa cộng sản xấu ác từ bản chất” ().
Họ chủ trương cướp chính quyền không phải để người dân được ấm no hạnh phúc như những lời mị dân của Hồ Chí Minh, mà để có thể bóc lột người dân, biến người dân thành những nô lệ hầu phục vụ cho cá nhân và đảng phái của họ, để họ có thể ăn trên ngồi trốc và làm giàu trên xương máu của nhân dân. Điều này nói ra trước đây khoảng 20 năm thì nhiều người không tin. Nhưng đến nay, CSVN đã tự lột mặt nạ giả nhân giả nghĩa của họ khiến mọi người đều nhìn thấy bản chất xấu xa của chế độ:
̶̶ Những vụ công an tra tấn đến chết người khi điều tra người dân dù họ phạm những tội rất nhẹ như vi phạm luật giao thông;
̶̶ những vụ cướp bóc đất đai, nhà cửa và tài sản của người dân nghèo, của các tôn giáo;
̶̶ những vụ đàn áp dã man dân oan biểu tình;
̶̶ những phiên tòa bất công vi phạm trắng trợn luật tố tụng đối với những người bất đồng chính kiến;
̶̶ những vụ bán đất bán biển cho ngoại bang, cho Trung cộng khai thác bauxít ở Tây Nguyên rất nguy hiểm cho sinh thái và an ninh tổ quốc;
̶̶ đàn áp những người phản đối Trung cộng chiếm đất chiếm biển của đất nước;
̶̶ v.v…
Những vụ việc đó cho thấy rõ ràng bộ mặt thực của CSVN là một đảng cướp đầy gian trá, lưu manh, tiểu nhân, bần tiện, tham lam, độc ác, bán nước, hại dân…
b) Quan niệm về đạo đức và sự thật của người cộng sản
Khi nhận ra các đảng viên, những người theo hoặc ủng hộ họ không thể gạt bỏ vấn đề đạo đức, cộng sản liền cải tổ lại quan niệm về thiện ác. Họ phỏng theo mô hình tiêu chuẩn đạo đức của một số tôn giáo là: Điều gì hợp ý Thượng Đế là thiện, điều gì ngược ý Thượng Đế là ác. Và họ đổi lại thành: Điều gì hợp với mục đích của đảng cộng sản là thiện, điều gì ngược với mục đích của đảng là ác. Vì thế, rất nhiều điều thiện hảo trong nền đạo đức thông thường bị cộng sản coi là tội ác vì nó bất lợi cho mục đích cướp chính quyền, hoặc cho việc bảo vệ quyền lực đã cướp được, hoặc bất lợi cho quyền lợi của đảng cộng sản. Ngược lại, rất nhiều điều bị coi là ác, là tội lỗi trong nền đạo đức thông thường lại được người cộng sản coi là tốt, là thiện vì nó có lợi cho mục tiêu của chế độ. Có biết như thế, ta mới hiểu tại sao một người ra lệnh giết oan ức một lúc cả hàng mấy trăm ngàn người dân vô tội như ông Hồ Chí Minh, mà vẫn được người cộng sản suy tôn là người đạo đức, chính vì việc giết người ấy có lợi cho sự cai trị của chế độ cộng sản.
Quan niệm về sự thật cũng vậy. Họ chủ trương: Điều gì phát biểu có lợi cho chế độ cộng sản thì điều đó là sự thật; điều gì nói ra bất lợi cho chế độ cộng sản thì điều đó là gian dối, giả trá, xuyên tạc. Chính vì thế, dù mọi người đều cho rằng cộng sản là vua dối trá đến nỗi có thành ngữ “nói dối như vẹm”, thì người cộng sản vẫn tuyên bố rằng họ tôn trọng “sự thật”, chủ trương nói “sự thật”. Nhưng “sự thật” của họ chỉ có nghĩa là những gì nói ra có lợi cho đảng cộng sản. Thật vậy, nước cộng sản nào cũng đều có nhà xuất bản “Sự Thật” dù viết ra toàn những điều dối trá. “Sự Thật” ở đây phải hiểu theo nghĩa của cộng sản.
c) Lương tâm con người bị sai lạc, thui chột
Hiện nay, các cán bộ cộng sản ngang nhiên cướp đất đai nhà cửa của dân chúng, số dân oan bị cướp đất đai nhà cửa lên đến cả hàng trăm ngàn gia đình. Thế mà nhà nước cộng sản không coi việc ăn cướp đó là tội lỗi: không hề có những phiên tòa xử những cán bộ cộng sản cướp đất cướp nhà, trái lại còn dung dưỡng bảo vệ họ, là vì: nếu nhờ cướp đất cướp nhà của dân mà cán bộ cộng sản có phương tiện để sống, để làm giàu, để trung thành với đảng, thì điều đó có lợi cho chế độ cộng sản, nên hành động ăn cướp đó là thiện, là tốt.
Cứ “bắt nạt” lương tri và lý trí, ép nó phải nhìn nhận những hành động vô đạo đó là tốt, thì họ cảm thấy an ổn lương tâm (cách giả tạo), bất chấp bao người bị giết hay đau khổ tận cùng. Tương tự như những người đạo đức mù quáng hay vị luật trong các tôn giáo, khi họ giữ đúng theo lề luật của tôn giáo là họ an tâm, bất chấp hành động giữ luật đó đi ngược lại đòi hỏi của tình yêu hay lương tri. Chẳng hạn những người khủng bố bằng bom tự sát, họ làm hàng trăm người chết oan uổng, nhưng họ cảm thấy hãnh diện vì nghĩ rằng mình đã làm theo luật của tôn giáo, và họ nghĩ rằng Thượng Đế sẽ thưởng cho họ ở đời sau. Hoặc khá nhiều người không hề áy náy lương tâm khi làm ngơ trước một tai nạn của đồng loại, vì khi ấy họ bận đi chùa hay đi dự thánh lễ mà họ cho là lề luật đòi buộc. Đối với họ, tuân giữ luật tôn giáo còn quan trọng hơn cả việc cứu người.
Quan niệm như thế khiến lương tâm của người cộng sản dần dần bị thui chột, khiến họ trở nên vô cảm và vô trách nhiệm trước đau khổ của đồng loại, mà chỉ quan tâm đến lệnh của đảng, của cấp trên. Thi hành tốt lệnh của cấp trên chẳng những họ cảm thấy lương tâm an ổn, mà chính họ cũng được chế độ để cho an ổn và được khen thưởng nữa. Nói khác đi, lương tâm của họ được đào luyện để trở nên vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, để chỉ còn biết mù quáng tuân theo lệnh đảng. Thật vậy, trong chế độ cộng sản, khi người dân đồng loạt biểu tình cách ôn hòa để phản đối nhà nước đàn áp hay xâm phạm quyền lợi chính đáng của họ, thì quân đội và công an cộng sản, nếu có lệnh từ trên, sẵn sàng nã súng vào nhân dân. Vì đối với cộng sản, người đạo đức là người đặt đảng ở địa vị tối thượng, và sẵn sàng tuân lệnh đảng.
Chính quan niệm này khiến các cán bộ đảng thoái hóa khủng khiếp về mặt đạo đức trước cách nhìn của chúng ta, nhưng họ vẫn tự đánh lừa mình rằng họ đạo đức.
d) Tìm những người vô đạo đức cộng tác
Với chính trị bá đạo, khi muốn có người trung thành để cộng tác mật thiết với mình, đảng cộng sản phải tìm cho ra hoặc đào tạo nên những người giống mình, nghĩa là có tâm địa độc ác và gian trá như mình, đúng như cổ nhân nói: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Vì nếu là người đạo đức theo nghĩa của các tôn giáo chắc chắn không thể cộng tác với họ để làm những điều mà mình cho là ác, bất công. Vì thế, trong bộ máy của cộng sản, chỉ những người tàn ác giống họ mới sẵn sàng làm theo những lệnh truyền mang tính bất nhân, tàn nhẫn của cấp trên. Chỉ những người loại này mới có thể tồn tại và thăng tiến trong địa vị xã hội, còn những người đạo đức theo nghĩa tôn giáo, hoặc những người làm theo lương tâm ngay thẳng thì dần dần bị đào thải. Vì thế, những người không có lập trường tâm linh hay đạo đức vững chãi thì chấp nhận cộng tác với người cộng sản để được dễ dàng tiến thân trong xã hội. Khi dấn thân làm việc trong bộ máy của cộng sản, chắc chắn những người này sẽ bị bộ máy ấy làm biến chất, thoái hóa về mặt đạo đức, và có thể trở thành những người xấu ác theo nghĩa thông thường. Tuy nhiên, họ vẫn được bộ máy ấy đề cao là đạo đức, thứ đạo đức cộng sản. Theo thời gian, bộ máy cai trị và điều hành đất nước dần dần chỉ gồm toàn những con người gian xảo, dối trá, sẵn sàng làm những điều thất đức, độc ác. Cộng sản luôn luôn ưu đãi những thành phần này, vì họ có lợi cho sự tồn tại của chế độ.
e) Chế độ thưởng phạt mặc nhiên trong xã hội bị đảo ngược
Trong các xã hội dân chủ, vấn đề đạo đức tương đối được tôn trọng, việc thưởng phạt mặc nhiên trong xã hội đều theo tiêu chuẩn: ai làm điều thiện thì được mọi người tán thưởng, tín nhiệm, nể phục, dễ thăng tiến trong xã hội; ai làm điều ác thì bị mọi người khinh chê, bất tín nhiệm, khó mà thăng tiến được trong xã hội. Nhưng trong chế độ cộng sản, những người sống theo lương tâm thường bị thiệt thòi, bị chê là dại dột, dễ thất bại trong công việc. Còn những người lươn lẹo, gian dối, thủ đoạn, sẵn sàng “thượng đội hạ đạp”, thì được coi là khôn ngoan, dễ thăng tiến. Vì thế, trong dân gian có lưu truyền câu: “Lương tâm không bằng lương tháng”, hoặc nói theo giọng miền Nam: “Lương tâm không bằng lươn(g) lẹo”. Chế độ thưởng phạt mặc nhiên trong xã hội thuận lợi cho điều ác như thế thì việc xuống cấp đạo đức trong xã hội là chuyện đương nhiên. Chỉ những người trung thành với tinh thần tôn giáo mới thoát được tình trạng xuống cấp này cho cá nhân hoặc gia đình mình, nhưng họ phải trả giá rất mắc cho việc sống đúng theo lương tâm.
f) Tôn giáo cũng bị thoái hóa đạo đức
Ngay cả những vị lãnh đạo tôn giáo, là những người có trách nhiệm rao giảng đạo đức cũng bị ảnh hưởng bởi chế độ thưởng phạt trái khoáy này trong xã hội. Những vị nào dám sống, dám nghĩ, dám nói, dám làm theo đòi hỏi của lương tâm, dám lên tiếng chống bất công xã hội, không chấp nhận tuân hành những điều ác do các cán bộ nhà nước yêu cầu, thì họ bị bạc đãi, bách hại, bị gây nhiều khó khăn khi thi hành chức vụ mình. Những vị này rất ít khi được nhà nước chấp nhận cho lên chức hay nắm những chức vụ quan trọng trong tôn giáo dù được Giáo Hội nhìn nhận rất xứng đáng.
Trái lại, những vị dễ bảo trước những yêu cầu của nhà nước, sẵn sàng thỏa hiệp với điều ác, thì được nhà nước ưu đãi, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong công việc, lại được nhà nước dễ dàng chấp thuận cho lên chức hoặc giữ những vai trò quan trọng trong Giáo Hội. Để gia tăng số vị thuộc loại dễ bảo và dễ thỏa hiệp này, cộng sản sẵn sàng gài bẫy những vị khó bảo hoặc lừng chừng để họ phạm những lỗi mà bề trên và các tín đồ của họ khó chấp nhận như lỗi về sex, về tiền bạc, v.v… Nạn nhân bị gài bẫy chắc chắn không muốn sự việc bại lộ, nên buộc phải làm theo yêu cầu của cộng sản vì sợ cộng sản sẽ công khai hóa những lầm lỡ bị coi là tồi bại của mình.
Hậu quả của chính sách “cây gậy và củ cà rốt” và kế “gài bẫy” được nhà nước cộng sản áp dụng trong lãnh vực tôn giáo tạo nên sự xuống cấp đạo đức trong hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo. Đây là một sự thiệt hại rất lớn cho các tôn giáo, khiến các tôn giáo bị biến chất đúng như chủ trương của cộng sản đối với tôn giáo.
g) Biến chất tôn giáo
Tôn giáo đúng nghĩa phải mang tính “chống ác khuyến thiện”, nghĩa là ngoài việc khuyến khích các tín hữu thực hành điều thiện, còn phải chống lại những hành động gian ác, những bất công và tệ nạn đang ngày càng tràn lan trong xã hội vốn do chế độ gây ra. Chính tính chất chống ác khuyến thiện này của tôn giáo khiến tôn giáo trở thành nguy hiểm, bất lợi cho chế độ. Vì thế cộng sản chủ trương phải tiêu diệt tôn giáo. Nhưng kinh nghiệm nhiều thập niên ở Bắc Việt và nhiều quốc gia khác cho cộng sản thấy không thể tiêu diệt tôn giáo bằng phương pháp bách hại cách tàn bạo được. Ngày nay, họ áp dụng một chính sách tinh vi, hữu hiệu và thâm độc hơn rất nhiều, đó là biến chất các tôn giáo, nghĩa là làm cho các tôn giáo bị thoái hóa thành những tôn giáo bề ngoài vẫn là tôn giáo, nhưng thực chất không còn là tôn giáo đúng nghĩa nữa. Giống như quả trứng bị rỗng ruột: nhìn vào ai cũng tưởng đó là quả trứng, nhưng thực chất chỉ là vỏ quả trứng. Chính sách này đánh lừa được những người nhận định hời hợt, thậm chí lừa được cả quốc tế.
Nhiều vị lãnh đạo tôn giáo vô tình hay hữu ý cộng tác với cộng sản trong chính sách biến chất này, nhất là những vị dễ bảo, chấp nhận thỏa hiệp, những vị bị gài bẫy, những vị sợ bị cộng sản gây khó khăn, những vị muốn được cộng sản tạo điều kiện dễ dàng cho việc hành đạo của mình, hoặc muốn được cộng sản chấp thuận cho mình lên chức trong Giáo Hội. Để biện minh cho thái độ thỏa hiệp ấy, những vị này thường chủ trương “tôn giáo không làm chính trị”. Theo chủ trương này thì sự ác nào do ai gây ra thì tôn giáo cứ việc chống, trừ những sự ác hay bất công do chế độ gây ra thì không được chống, vì chống như thế là chống chế độ, mà chống chế độ tức là làm chính trị, mà làm chính trị là điều các tôn giáo không được phép làm. Rõ ràng đây là ngụy biện.
Thực ra, tôn giáo không những không bao giờ cấm tu sĩ hay giáo dân chống lại sự ác, chống lại những bất công xã hội, mà trái lại còn khuyến khích làm điều đó, dù sự ác đó do chính nhà nước hiện hành gây ra. Tôn giáo chỉ cấm các tu sĩ tham gia thứ chính trị đảng phái nhằm nắm được thế quyền trong xã hội, chứ không hề cấm họ chống bất công xã hội, dù việc chống ấy có liên hệ đến chính trị. Nhiều vị lãnh đạo tôn giáo đã dựa vào câu “tôn giáo không làm chính trị” đồng thời giải thích câu ấy một cách sai lạc để biện minh cho thái độ thỏa hiệp với sự ác hoặc câm miệng làm thinh của mình, mà quên đi một nhiệm vụ quan trọng trong bản chất của tôn giáo ̶̶ mà mình đang là những vị lãnh đạo ̶̶ là phải chống lại sự ác và bất công xã hội. “Giáo huấn về xã hội” của Giáo Hội công giáo xác định rất rõ ràng về bổn phận của mọi tín hữu là phải chống lại những bất công xã hội.
Thực tế cho chúng ta thấy hiện nay, rất nhiều vị lãnh đạo tôn giáo chấp nhận thỏa hiệp với nhà nước cộng sản và sẵn sàng làm ngơ như không có trách nhiệm gì trước những tệ nạn và bất công tràn lan trong xã hội. Đây là một sự xuống cấp về mặt đạo đức trong tôn giáo, cụ thể là trong hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo.
h) Lương tâm dân chúng bị thoái hóa
Trong xã hội cộng sản, rất nhiều người dân làm không đủ sống, nên bản năng sinh tồn khiến họ phải làm sao để có thể sống được, bất chấp phải làm những điều trái đạo lý, đúng như người đã xưa nói: “Bần cùng sinh đạo tặc”. Việc thông thường và dễ dàng nhất đối với công chức là ăn cắp của công; đối với cán bộ là nhận hối lộ; đối với cảnh sát khu vực là đòi “tiền cà-phê” những người giàu có trong vùng; đối với cảnh sát giao thông là chặn xe dọc đường, gây khó dễ để tài xế hối lộ hầu sự việc được giải quyết nhanh chóng; đối với nhà giáo là phải kín đáo “bán điểm” cho những học sinh lười học nhưng lại muốn có điểm cao; đối với người dân thì phải khai gian để đỡ bị đánh thuế, đỡ bị để ý, hoặc hối lộ để được chấp thuận, để công việc được xuôn xẻ… Nhà nước một phần không có khả năng kiểm soát hết, một phần chấp nhận mặc cho những người dưới quyền làm bậy để có thể “nắm tẩy” họ (với những bằng chứng vi phạm luật) hầu khi cần có thể áp lực buộc họ phải tuân phục mình.
Trong một xã hội mà những ai có những hành động yêu nước (như các sinh viên chống Trung cộng xâm lăng), chống bất công xã hội, đòi nhân quyền, đòi tự do dân chủ (như Lm Nguyễn Văn Lý), v.v… thì đều bị khủng bố, bị vào tù, bị mất việc làm, bị đuổi học, thân nhân bị liên lụy… thì tinh thần yêu nước, trách nhiệm đối với quê hương, sự nhạy cảm trước khổ đau của đồng loại dần dần bị thui chột.
Khi cứ phải làm trái lương tâm để tồn tại, để thăng tiến, lương tâm của người dân dần dần chấp nhận những hành động trái đạo đức trên như là quy luật của cuộc sống, như là chuyện dĩ nhiên, và cuối cùng mất hẳn ý thức rằng đó là một điều xấu nên tránh.
Kết luận
Trong chế độ cộng sản, xã hội và tôn giáo bị thoái hóa nhiều mặt: kinh tế, chính trị, văn hóa, đạo đức, v.v… Nhưng bình diện mà tôi đặc biệt quan tâm là tinh thần của người Việt, nhất là tinh thần đạo đức đã bị xuống cấp trầm trọng nơi người dân, kể cả hàng ngũ tu sĩ trong các tôn giáo.
Sau khi đất nước thoát ách cộng sản, rất nhiều bình diện có thể phục hồi trong một vài năm, nhưng có những bình diện sẽ kéo dài rất lâu và phải mất nhiều thập niên để phục hồi. Làm cho tinh thần xuống cấp như hiện nay, chế độ cộng sản phải mất 36 năm. Nhưng làm cho nó lên trở lại như trước phải lâu gấp 5, gấp 10 lần. Tinh thần mà xuống cấp thì đất nước của chúng ta khó mà ngóc đầu lên nổi trước thế giới.
Vì thế, điều đáng ưu tư nhất hiện nay cho đất nước và Giáo Hội tại Việt Nam là sự thoái hóa đạo đức, xuống dốc tinh thần do chế độ cộng sản gây ra. Sự thoái hóa này là sự di hại trầm trọng và rất lâu dài cho những thế hệ sau chúng ta. Và đó cũng chính là nguyên nhân đã dẫn đất nước và Giáo Hội cũng như các tôn giáo tới tình trạng bi đát như được trình bày trong rất nhiều bài viết đã đăng trên các báo chí cũng như trên các website.
Thiết tưởng các quốc gia dân chủ và tự do trên thế giới, đang vì quyền lợi của mình mà giúp cho chế độ độc tài Cộng sản Việt Nam tồn tại, nên hiểu rằng làm như thế là họ đang làm hại cho cả dân tộc Việt Nam, không chỉ thế hệ hiện tại mà còn nhiều thế hệ khác trong tương lai. Nước nào cũng có quyền yêu quê hương đất nước của mình trên hết, nhưng nếu vì muốn lợi cho đất nước của mình mà làm cho một đất nước khác phải lụn bại nhiều thế hệ, thì đất nước ấy cũng chỉ là một đất nước “ích kỷ” và “tiểu nhân” mà thôi.
Little Saigon, ngày 5/6/2010
Nguyễn Chính Kết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét