Tôi luôn thắc mắc mãi một điều tại sao người Việt và người Hoa không thích nhau? Tại sao làn sóng bài Hoa ngày càng mạnh? Tại sao ngày càng nhiều người Việt ghét Tàu? Tại sao sau cuộc chiến, người Việt dễ “cho qua”, dễ bắt tay choàng ôm những cựu binh Pháp- Mỹ, nhưng với người Tàu lại khó “ôm” đến vậy?
Tại sao ta vẫn luôn nhắc mãi tội ác “thực dân Pháp” với “đế quốc Mỹ” nhưng quan hệ Việt - Pháp, Việt - Mỹ vẫn nồng ấm.
Tại sao đến mấy chiếc tàu Trung Quốc đâm bắn ngư dân Việt cũng phải gọi tránh là “tàu lạ”, đến mấy chữ “quân Trung Quốc” trong tấm bảng di tích “sư đoàn 337 đánh bại và chặn đứng quân Trung Quốc xâm lược” cũng bị đục bỏ, đến mức những người lính hi sinh trong chiến tranh biên giới 1979 cũng không được gọi là liệt sĩ chống quân Trung Quốc xâm lược, đến mức người dân xuống đường biểu tình, mặc mấy chiếc áo in biểu ngữ “Hoàng Sa- Trường Sa” cũng khiến chính phủ sợ ảnh hưởng làm phật lòng “người bạn 16 chữ vàng” mà tình “đồng chí” Việt - Trung vẫn không thắm nồng?
Câu chuyện biển Đông dường như chưa bao giờ nguội. Cố lắng được dăm bảy năm lại kéo tàu gây hấn. Chiến tranh thì không thể, bởi thế giới giờ đâu phải thích là đánh, mạnh là thắng. Đối thoại và ngoại giao ư? “Một nghìn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây” chẳng lẽ vẫn chưa đủ cho người Việt nhận ra “đứa” nào dễ bắt tay cho qua còn “thằng” nào thì chớ dại dây vào?
Thế cục biển Đông không thể thắng bằng đối thoại ngoại giao kiểu “16 chữ vàng”. Cũng không thể hô xung phong tòng quân mà thắng được. Lòng dân thì không thiếu, ngọn lửa hừng hực ấy luôn âm ỉ trong mọi con dân Việt, cho dù ở đâu, dù dưới sắc cờ nào, không cần phải thổi cũng sẵn sàng bùng cháy, miễn là đừng bưng thau nước lạnh hắt tạt vào.
Câu chuyện biển Đông cũng như anh nhà quê bị hàng xóm ăn hiếp. Yếu thế mà vung dao thì chỉ thiệt thân. Đối thoại kiểu van xin thì cho dù có 16 hay vạn tỉ chữ vàng cũng chỉ... mất thêm vàng mà thôi! Càng bị hiếp càng hãi, đến mức con cái trong nhà nổi giận văng vài câu tỏ sự bất bình cũng bị bịt miệng trói tay, bị bố cho ăn tát vì sợ cái thằng hàng xóm nó nghe thấy.
Muốn trị thằng hàng xóm phải tìm kiếm cho mình một người bạn lớn, lớn mạnh hơn cái thằng hàng xóm ấy. Khi đó người bạn ấy cho dù chẳng cần làm gì, chỉ khoanh tay đứng cạnh thì thằng hàng xóm đã vãi ra quần không dám ho he hăm dọa ta nữa.
Cho dù chủ trương ngoại giao “muốn làm bạn với tất cả các nước”, nhưng lâu nay Việt Nam vẫn thiếu một người bạn lớn. Một người bạn lớn đủ làm thằng hàng xóm khiếp sợ. Người bạn lớn không chỉ là chìa khóa cho thế cuộc biển Đông, mà còn là điểm tựa cho nhiều thế cuộc khác.
Sẽ hình dung ra sao nếu suốt cuộc đời không tìm nổi cho mình một người bạn lớn. Ngay cả đến khi có được chai rượu ngon cũng không gặp bạn, phải ngồi nhậu với thằng hàng xóm chuyên gây sự thì quả là... bi kịch!
Câu chuyện biển Đông và quan hệ Việt - Trung chỉ được giải quyết ổn thỏa trên một khái niệm láng giềng khác, một người bạn khác, một cách thắng khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét