Một hình ảnh vừa xảy ra giữa ban ngày, tại một đô thị sầm uất nhất Việt Nam đã tạo ra nhiều tâm tư cho những ai lo lắng về đạo đức xã hội: Hàng chục người thi nhau “hôi của” người gặp nạn thay vì cứu giúp!
Không giằng được túi xách, hai tên cướp tẩu thoát bỏ lại nạn nhân với chiếc túi rách toạc, tiền bay tung tóe ra đường. Những người quanh đó và nhiều người đi đường đã dừng xe, thay vì đuổi cướp hoặc cứu giúp người gặp nạn họ đã ồ ạt “hôi của” và số tiền rơi ra đường đã biến mất chỉ sau 2 phút trước ánh mắt bất lực của nạn nhân.
Câu chuyện này xảy ra cùng thời điểm chàng KS cơ khí Lê Văn Tạch bị tạm ngưng việc sau khi kiên trì tố giác lỗi kỹ thuật xe Toyota Việt Nam mà mục tiêu là vì sự an toàn của cộng đồng. Hơn 7,3 vạn xe được triệu hồi sửa chữa cũng đồng nghĩa ngần ấy nguồn nguy hiểm được hạn chế tác hại khi lưu thông trên đường. Thế nhưng dù xã hội đã ghi nhận việc tố giác của người kỹ sư này là can đảm, có trách nhiệm nhưng một số đồng nghiệp người Việt cùng công ty lại tỏ ra bất đồng với KS Tạch chỉ vì họ cho rằng hành động của anh là “ăn cháo đá bát”, ảnh hưởng đến “nồi cơm” của họ! Chính vì sự bất đồng được gọi tên “mâu thuẫn cá nhân” này, KS Tạch đã bị ngưng việc!
Hai số phận khác nhau, một người may mắn khi thoát khỏi bọn cướp, một người là anh hùng khi giúp phát giác các lỗi kỹ thuật bảo đảm chất lượng xe hơi nhưng cuối cùng đều bị “lâm nạn” bởi những người xung quanh mình, những người lẽ ra đã phải trợ giúp, đồng hành và là chỗ dựa cho họ. Mổ xẻ nguyên nhân, người thì gọi thẳng hành động của những người xung quanh đó là vô lương tâm, kẻ thì cho đó là biểu hiện của sự thiếu đạo đức.
Điều nguy hiểm hơn là sự thiếu vắng đạo đức ấy còn tạo nên một tâm lý xã hội không tốt: Con người nghi kỵ nhau, phòng ngừa nhau dẫn đến việc ai cũng bo bo nghĩ cho mình và những tấm gương dấn thân, quên mình vì cộng đồng sẽ ngày càng thưa vắng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét