Rất nhiều tàu cá Trung Quốc đồng loạt xâm chiếm, tranh giành ngư trường thuộc chủ quyền Việt Nam. Theo các lão ngư, tàu cá Trung Quốc đi theo từng nhóm 20-30 chiếc là một hiện tượng bất thường so với lối đánh bắt truyền thống.
Ông Nguyễn Văn Ái ở H.Phù Mỹ (Bình Định) là một lão ngư nổi tiếng. Năm nay ông Ái 62 tuổi nhưng đã có thâm niên gần 50 năm cùng tàu cá của mình hiện diện trên các vùng biển thuộc chủ quyền nước ta. Khát vọng vươn ra khơi xa luôn cháy bỏng trong ông, và ông đã nỗ lực biến nó thành hiện thực. Đội tàu cá của ông Ái có thể nói là “khủng” nhất ở miền Trung. Trong số 4 chiếc do 4 người con trai của ông làm thuyền trưởng đang hành nghề lưới vây ở khu vực biển Trường Sa với 75 lao động, chiếc lớn nhất có công suất lên đến 900CV. Mỗi chuyến ra khơi từ 15-20 ngày, sản lượng đánh bắt của đội tàu đạt gần 200 tấn hải sản các loại.
Tàu hải quân Việt Nam xua đuổi tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển phía nam Việt Nam (tháng 6.2009) - Ảnh: Xuân Cường |
Cần có chính sách hỗ trợ khi ngư dân bị Trung Quốc tịch thu tài sản để họ yên tâm ra khơi bám biển - Ảnh: Hiển Cừ |
Ông Ái cho biết thêm, trước đây mỗi khi chạy tránh gió bão, tàu cá của ông đều chạy ngang qua một số đảo của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép, có khi chạy gần đảo 2-3 hải lý cũng không vấn đề gì. Thế nhưng, trong khoảng thời gian 2 tháng nay thì tình hình đã đổi khác, rất bất lợi. “Việc đi lại giờ khó khăn hơn rất nhiều, hở ra là họ nổ súng bắn, rượt đuổi. Tàu của tui mỗi khi chạy tránh gió phải ra xa hơn 30 hải lý nên luôn đối mặt với rủi ro, bất trắc. Ngư dân tụi tui không thể chấp nhận được điều này, vì đây là vùng biển của Việt Nam mà”, ông Ái bức xúc.
Tàu cá Trung Quốc không chỉ đi từng đoàn đông đảo mà còn có cả tàu hải quân hộ tống, như vậy họ đã lộ rõ ý đồ xâm lấn biển thuộc chủ quyền Việt Nam | |
Lão ngư Nguyễn Văn Ái |
Đe dọa, làm ngư dân kiệt quệ
Lão ngư Dương Văn Tám (ở P.6, TP Tuy Hòa, Phú Yên), người đã gắn bó với đại dương vài chục năm nay, cho biết: “Ngày trước chỉ thỉnh thoảng mới thấy tàu cá Trung Quốc lấn sang vùng biển của mình đánh bắt, nhưng nay chuyến biển nào tụi tui cũng nhìn thấy tàu cá Trung Quốc. Họ vào vùng biển của mình đánh bắt nhưng được tàu hải giám của họ yểm trợ. Trong khi tụi tui đánh bắt trong vùng biển thuộc chủ quyền của ta lại bị tàu hải giám Trung Quốc rượt đuổi. Có lần tàu cá nhà tui bị tàu hải giám Trung Quốc rượt đuổi, phải cắt bỏ giàn câu, bỏ chạy. Sau khi họ đi, mình mới dám quay trở lại để tìm giàn câu. Nhiều khi máy định vị báo vùng biển đó nhiều cá, nhưng khi cho tàu chạy đến đã thấy tàu cá Trung Quốc dàn hàng ngang có mặt trước rồi, lại có tàu hải quân bảo vệ nữa. Tàu Trung Quốc bây giờ ỷ đông ăn cướp trắng trợn quá”.
Sáng 30.5, trao đổi với PV Báo Thanh Niên, anh Nguyễn Thanh Nam - người phụ trách trực Icom cộng đồng thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, các tàu cá của ngư dân địa phương đang hoạt động trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa của VN báo về, từ nửa tháng qua liên tục “đụng đầu” với hàng loạt tàu cá của Trung Quốc tràn sang đánh bắt theo kiểu giã cào. Trong khi đó, tàu kiểm ngư của Trung Quốc lại ráo riết hoạt động, rượt đuổi tàu cá, khống chế, tịch thu tài sản của nhiều ngư dân ta.
Ngư trường đánh bắt dựa theo thời tiết hằng năm được chia thành 2 mùa vụ. Mùa vụ cá nam (ngư trường từ miền Trung trở vào) từ tháng 4 đến tháng 10, mùa vụ cá bắc (ngư trường từ miền Trung trở ra) từ tháng 11 đến tháng 3. Trong số tàu thuyền nước ta hành nghề khơi xa ở vùng biển Trường Sa, tàu đánh bắt cá ngừ đại dương chiếm đa số. Việc tàu cá Trung Quốc đang đồng loạt xâm chiếm ngư trường giữa mùa vụ cá nam không chỉ gây ra nhiều bất lợi đối với hoạt động khai thác hải sản của bà con ngư dân nước ta mà còn ảnh hưởng đến chủ quyền lãnh hải. (Ông Nguyễn Hữu Hào, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định) |
Chỉ trong vòng mấy ngày đầu tháng 5 vừa qua, tại xã Bình Châu đã có ít nhất 2 trường hợp, đó là tàu QNg-50615TS do ngư dân Trần Văn Thoa làm thuyền trưởng, trên tàu có 14 ngư dân và tàu QNg-90019 TS do ngư dân Võ Đào làm thuyền trưởng, trên tàu có 8 ngư dân bị Trung Quốc tịch thu tài sản, ngư cụ như máy định vị, máy dò, Icom, bộ đàm… gây thiệt hại trên gần 320 triệu đồng. Thuyền trưởng Võ Đào lên tiếng: “Hoàng Sa là vùng biển của mình mà Trung Quốc lại cấm đánh bắt. Trong khi đó, tàu cá của họ lại ngang nhiên đánh bắt, chiếm lĩnh ngư trường truyền thống của mình. Thật ngang ngược!”.
Còn tại huyện đảo Lý Sơn, vào hôm 9.5 tàu cá QNg-66101TS do ngư dân Lê Vinh (xã An Vĩnh) làm thuyền trưởng, trên tàu có 11 ngư dân cũng bị Trung Quốc tịch thu tài sản, ngư cụ khi đang hành nghề tại gò Xà Cừ (quần đảo Hoàng Sa của VN), ước tính thiệt hại 160 triệu đồng.
Theo nhận định của cơ quan chức năng ở Quảng Ngãi, nếu như các năm trước phía Trung Quốc nhiều lần bắt giữ, tịch thu tàu cá, đòi tiền chuộc và đánh đập ngư dân khi họ đang hành nghề hợp pháp trên vùng biển Hoàng Sa, với ý đồ đe dọa để ngư dân không dám đến vùng biển này khai thác hải sản nữa, nhưng bị Nhà nước VN lên án mạnh mẽ thì năm nay Trung Quốc đã đổi “chiến thuật”. Đó là chỉ tịch thu tài sản, hải sản làm cho ngư dân kiệt quệ về tài chính, không còn khả năng hành nghề nữa, qua đó làm nhụt chí những tàu cá khác mỗi khi ra Hoàng Sa và các vùng biển truyền thống khác.
Kiên quyết giữ ngư trường
Việc hàng loạt tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam trong thời gian gần đây chưa hẳn là để khai thác hải sản trái phép mà có thể chỉ thăm dò, nếu ngư dân VN thụt lùi thì họ sẽ tiến tới chiếm ngư trường. Lão ngư Dương Chính (ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) - một ngư dân đã từng ngang dọc vẫy vùng khắp vùng biển Trường Sa - Hoàng Sa nói rằng, ngày trước đánh bắt ở vùng biển này rất ít gặp tàu cá Trung Quốc, còn bây giờ họ đi cả tốp vài chục chiếc xâm phạm vùng biển chủ quyền của VN. “Trung Quốc cho lực lượng rượt đuổi, vây bắt tàu cá của ngư dân mình, hậu thuẫn cho tàu cá nước họ vô tư đánh bắt hải sản ngay trên vùng biển chủ quyền của VN là ý đồ hình thành các vùng đánh cá truyền thống của họ. Tui nghĩ các cơ quan chức năng của VN cần vào cuộc để chặn đứng hành động của Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển của ta”, lão ngư Dương Chính kiến nghị.
Theo đại tá Nguyễn Trọng Huyền, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Phú Yên, việc tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam với số lượng hàng trăm chiếc là để lấn át ngư trường, chiếm lấy vùng biển của ta. Để ngư dân nắm rõ vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam và vùng biển chồng lấn, BĐBP tỉnh Phú Yên phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền các văn bản pháp quy liên quan đến Luật Biên giới quốc gia, các chỉ thị, nghị định và chủ trương của Đảng, Nhà nước đến với ngư dân.
Đại tá Nguyễn Trọng Huyền cho biết: “Ngư trường mà ngư dân đánh bắt lâu nay là vùng biển của ta, ngư trường truyền thống của ngư dân và ở đây rất giàu hải sản nên chúng tôi vận động, khuyến khích ngư dân tiếp tục giữ lấy ngư trường, thường xuyên thông tin cho BĐBP về tình hình trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việc ngư dân bám ngư trường không những đem lại lợi ích kinh tế mà còn khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Chúng tôi đang tiếp tục tuyên truyền, vận động ngư dân tiếp tục bám biển, đi đánh bắt theo tổ để giúp nhau, nếu gặp tàu cá nước ngoài uy hiếp thì tương trợ đấu tranh”.
Cũng theo đại tá Nguyễn Trọng Huyền, trong những ngày qua, sau khi công luận và dư luận trong nước quyết liệt lên tiếng phản đối tình trạng tàu đánh cá Trung Quốc ngang nhiên lấn chiếm ngư trường, số lượng tàu cá Trung Quốc đánh bắt trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam đã giảm hẳn.
Trao đổi với PV Thanh Niên, đại tá Nguyễn Viết Châu - Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Bình Định, cho biết thời gian gần đây ngư dân phát hiện nhiều tàu thuyền nước ngoài hoạt động trên vùng biển miền Trung, trong đó chủ yếu là tàu cá Trung Quốc. Có những lúc các tàu cá Trung Quốc xuất hiện cách bờ biển Bình Định chỉ khoảng hơn 100 hải lý. “Gặp những trường hợp như vậy, BĐBP đã tìm cách xua đuổi, đồng thời có những hỗ trợ cần thiết cho ngư dân yên tâm ra khơi hành nghề đánh bắt hải sản, giữ vững chủ quyền biển đảo”, đại tá Nguyễn Viết Châu nói.
Đình Phú - Hiển Cừ - Đức Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét