Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc (phần 2)

Tác giả: CHRISTINA LIN
Về mặt chiến lược, nhà nước mỏng manh của Iraq đại diện cho một "vết rạn" trong liên minh Trung - Nga đang nổi lên kéo dài từ Iran ở phía Đông tới Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Tây.
Cùng lúc đó, Iraq nổi lên như một quân bài tự do giữa các lợi ích an ninh và chiến lược của Trung Quốc. Gần đây, Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã điều chỉnh ước tính trữ lượng dầu Iraq lên 143,1 tỉ thùng - tăng 25% so với các ước đoán trước đó và xếp trên Iran với 137 tỉ thùng. Trung Quốc đã tăng cường các danh mục đầu tư của họ ở Iraq và giờ đây là nhà đầu tư dầu khí hàng đầu của nước này.

Ví dụ vào tháng 11/2008, CNPC và Tổng Công ty Công nghiệp Bắc Trung Quốc đã thành lập một liên doanh và ký hợp đồng phát triển 20 năm với khu khai thác dầu al-Ahdab. Trong tháng 6/2009, CNPC và BP đã trúng thầu hợp động dịch vụ kỹ thuật cho khu khai thác Rumaila mệnh danh "siêu khủng" với trữ lượng đã xác định vào khoảng 17,7 tỉ thùng. Hai tháng sau đó, Sinopec đã mở rộng phạm vi hoạt động ở nước này bằng cách theo đuổi mua lại hãng dầu Addax của Thụy Điển hoạt động tại Iraq. Cuối năm 2009, CNPC thành lập một liên minh với hãng Total, Pháp và Petronas của Malaysia để phát triển mỏ dầu Halfaya. Và trong năm 2010, Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi quốc gia Trung Quốc đã hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Thổ Nhĩ Kỳ trong hợp đồng 20 năm để phát triển mỏ dầu Maysan ở phía nam Iraq.
Iraq gần đây sản xuất khoảng 2,5 triệu thùng dầu/ngày (bpd), với mục tiêu đạt 4 triệu thùng vào năm 2015. Tuy nhiên, gần đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế thông báo, nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc sẽ tăng 11,3 triệu bpd vào năm 2015, điều đó có nghĩa là nước này sẽ vẫn phụ thuộc nhiều vào các nhà cung cấp chính hiện tại: Ảrập Xêút, Angola và Iran.
Hơn nữa, an ninh tiếp tục là vấn đề tại Iraq. Ví dụ, vào ngày 27/9/ 2010, Trung Quốc đã gặp phải vấn đề khi chính quyền địa phương vây ráp các cơ sở al-Ahdab của CNPC, yêu cầu xem hợp đồng của công ty với chính phủ Iraq và đưa ra cáo buộc quản lý yếu kém. Nói chung, người Trung Quốc không tương tác với cộng đồng hay tạo việc làm địa phương, thay vào đó họ nhập khẩu phần lớn công nhân dầu khí. Vụ việc này đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự gắn kết với cư dân địa phương và tiếp tục thách thức tính hợp pháp của Baghdad trong số các chính quyền tỉnh. Việc thiếu duy trì một đạo luật khai thác hydrocarbon ở tầm quốc gia là một vấn đề khác, nhiều công ty nước ngoài từ Trung Quốc và các nơi khác đã ký thỏa thuận với chính quyền khu vực người Kurd để phát triển những vùng giàu năng lượng ở phía bắc Iraq.
Ảnh: Reuters
Về mặt chiến lược, nhà nước mỏng manh của Iraq đại diện cho một "vết rạn" trong liên minh Trung - Nga đang nổi lên kéo dài từ Iran ở phía Đông tới Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Tây. Qũy đạo ấy sẽ tiếp tục diễn ra trong quá trình tái thiết kể cả Trung - Nga hay liên minh Mỹ - phương Tây sẽ đóng vai trò chính trong cấu trúc an ninh khu vực.
Ảrập Xêút sẽ vẫn là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy chính của Trung Quốc trong tương lai gần với sản lượng hiện tại vào khoảng 10,9 triệu bpd, hơn gấp đôi nước sản xuất lớn thứ hai trong OPEC (Iran, ở mức 4 triệu bpd). Cùng lúc đó, Trung Quốc cũng thực hiện đa dạng hóa các nhà cung cấp khác (Iraq, Iran, Angola, Trung Á) và tài nguyên (khí tự nhiên cùng với năng lượng mặt trời, phong điện, điện hạt nhân và thủy điện).
Biển Đen và Địa Trung Hải
Thổ Nhĩ Kỳ là một giao điểm quan trọng khác trong chiến lược Con đường Tơ lụa của Trung Quốc. Ngoài việc giáp cả Biển Đen và Địa Trung Hải, nước này còn là thành viên NATO, hưởng lợi một liên minh thuế quan với EU (và triển vọng cuối cùng sẽ gia nhập liên minh), được coi là hành lang vận chuyển năng lượng trong điểm cho 12 dự án đường ống dẫn đa quốc gia. 8 trong số này đang tồn tại: ống dẫn khí Blue Stream, ống dẫn dầu Baku-Tbilisi-Ceyhan (BTC), mạng lưới dẫn khí Nga - Thổ Nhĩ Kỳ (Turusgas), ống dẫn dầu Kirkuk-Iskenderun, hệ thống dẫn khí Baku-Tbilisi- Ezurum, dẫn khí Iran-Thổ Nhĩ Kỳ, hệ thống dẫn khí Ảrập và mạng lưới dẫn khí Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp - Italy.
Bốn dự án khác được đề xuất hoặc trong giai đoạn lên kế hoạch gồm: hệ thống dẫn khí Nabucco, dẫn khí xuyên Caspi, hệ thống dẫn dầu Samsun- Ceyhan và hệ thống dẫn khí Iraq - Thổ Nhĩ Kỳ. Vị trí địa chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ là rất lý tưởng cho những mạng lưới đường sắt kết nối châu Âu với Trung Đông và châu Á, nước này cũng đã có một thỏa thuận kết nối lưới đạn với Ai Cập, Iraq, Lebanon, Jordan, Libya và Syria. Theo nhà phân tích Selcuk Colakoglu thì, Bắc Kinh "muốn sử dụng Thổ Nhĩ Kỳ về mặt hậu cần để tiếp cận châu Âu và xây dựng Con đường Tơ lụa hiện đại".
Thực tế là, gần đây Trung Quốc đã nâng cấp quan hệ song phương của họ với Thổ Nhĩ Kỳ trở thành "hợp tác chiến lược" khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo tới thăm Ankara vào tháng 10/ 2010. Chuyến công du của ông diễn ra tiếp theo một cuộc tập trận không quân chiến đấu chung mang tên Đại bàng Thổ Nhĩ Kỳ, do lực lượng không quân quân đội Trung Quốc (PLAAF) và không quân Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện từ 20/9-4/10 cùng năm. Tập trận Đại bàng Thổ Nhĩ Kỳ theo truyền thống là cuộc diễn tập NATO giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và các thành viên NATO khác cũng như Israel. Tuy nhiên, Ankara dường như đã thay thế Israel bằng Trung Quốc. Trong chuyến công du của ông Ôn tới Ankara - chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Trung Quốc trong tám năm qua - ông đã ký các thỏa thuận hợp tác chiến lược liên quan tới thương mại, xây dựng đường sắt, cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc, và trao đổi văn hóa. Những thỏa thuận này còn kêu goi hai bên thực hiện thương mại song phương trong đồng tiền riêng của mình, không bao gồm đồng đô la Mỹ.
Khi Washington và Israel ngày càng quan ngại về việc Bắc Kinh mở rộng quan hệ quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, thì các vấn đề an ninh đã được đặt ra liên quan tới việc những bí mật quân sự như công nghệ, hoạt động... từ Mỹ và NATO có khả năng bị tiết lộ với Trung Quốc. Hơn thế nữa, Ankara và Bắc Kinh đã bày tỏ sự quan tâm trong việc tổ chức các cuộc diễn tập chung trong tương lai. Theo một chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc diễn tập không quân đề cập ở trên chỉ là sự "khởi đầu" và quân đội hai bên dường sẽ tiếp tục hoạt động hợp tác như vậy "bất cứ khi nào thích hợp". Tương tự như vậy, một nguồn tin Trung Quốc đã bày tỏ hy vọng rằng "Không quân Trung Quốc thường xuyên được đào tạo tại Thổ Nhĩ Kỳ và hai nước sẽ phát triển thành công trong nhiều lĩnh vực hợp tác khác".
Thực tế là, Bắc Kinh có ý muốn duy trì sự hiện diện quân sự ở sườn nam của NATO tại Thổ Nhĩ Kỳ. Họ cũng hy vọng xâm nhập thị trường quốc phòng nội địa của Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn thế nữa, cả Ankara và Bắc Kinh đều quan tâm tới việc ổn định Afghanistan sau khi Mỹ và NATO rút quân. Điều này có thể giải thích vì sao các máy bay Su -27 của PLAAF trên đường tới Thổ Nhĩ Kỳ đã chọn địa điểm tiếp dầu tại căn cứ không quân Gayem al-Muhammad gần thị trấn Birjand, Iran - nơi đối diện với một căn cứ lớn của Mỹ ở thị trấn Heart, biên giới Afghanistan và Iran.
(Còn tiếp)
Nguyễn Huy (Theo thecuttingedgenews)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét