Chuyên gia nổi tiếng về Biển Đông, ông Carl Thayer của Australia, bình luận rằng việc tàu giám hải Trung Quốc cắt cáp của tàu khảo sát của Việt Nam là sự thể hiện mức độ gây hấn ngày càng tăng của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Dưới đây là trích đoạn bài viết của các báo, hãng tin nước ngoài về sự việc.
Finacial Times
Báo này dẫn lời ông Carl Thayer, một chuyên gia về biển Đông, tại Học viện Quốc phòng Australia, nói rằng vụ việc mới nhất phản ánh sự leo thang trong hành động gây hấn của Trung Quốc đối với Việt Nam.
"Trung Quốc ngang nhiên khẳng định chủ quyền bằng những hành động như vậy và họ có ưu thế lớn hơn về hải quân để thực thi ý định", Thayer nói.
Nhà chức trách Trung Quốc thường xuyên bắt ngư dân Việt Nam trong những vùng lãnh hải tranh chấp, song đây là lần đầu tiên tàu giám hải Trung Quốc đụng độ một tàu khai thác dầu khí của Việt Nam trong nhiều năm qua.
Vụ chạm trán hôm 26/5 sẽ làm tăng sự bất an của những nước gần Trung Quốc tại Đông Nam Á, đối với các "hành vi gây hấn ngày càng tăng" trong vùng biển khu vực.
Một tàu hải giám của Trung Quốc tại Thanh Đảo. Ảnh: China Daily. |
Vụ xâm phạm này xảy ra chỉ một tuần sau khi Trung Quốc và Philippines cam kết "hành động có trách nhiệm" trong những vùng biển tranh chấp và nhắc lại cam kết về giải quyết các tranh chấp lãnh thổ bằng biện pháp hoà bình. Trong chuyến thăm Philippines của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, ông Lương Quang Liệt đã nói sẽ tránh những hành động đơn phương có thể dẫn tới căng thẳng.
Tổng thống Philippines, ông Benigno Aquino, nói rằng những vụ va chạm trong vùng biển tranh chấp này có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
Bloomberg
Hãng tin này dẫn lời ông James A. Lyons Jr, cựu tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, nói rằng các nước láng giềng của Trung Quốc - quốc gia có quân lực mạnh nhất châu Á - cũng đã bạo dạn hơn sau khi Mỹ khẳng định có lợi ích trong việc bình ổn tình hình Biển Đông. Ngày 5/4, Philippines gửi kháng thư ngoại giao lên Liên Hợp Quốc để phản đối yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc. Manila khẳng định rằng yêu cầu của Bắc Kinh "không có cơ sở về trên phương diện luật pháp quốc tế".
"Tuyên bố của Philippines giúp ai đó nói rằng các quốc gia Đông Nam Á sẽ không để bị chèn ép", Michael Green, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Mỹ, bình luận.
Trong một diễn đàn an ninh khu vực cách đây đúng một năm, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates từng phản đối các hành động "hăm doạ" các công ty hoạt động trong những vùng biển tranh chấp.
BBC
Trước đây Trung Quốc từng có nhiều hành động cản trở Việt Nam thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Đông.
Trực tiếp và gián tiếp, nước này đã gây áp lực lên các công ty nước ngoài muốn làm ăn với Việt Nam tại đây như BP hay ExxonMobil.
Tuy nhiên đây là lần đầu tàu Trung Quốc vào sâu và có hành động mạnh bạo như vậy trong vùng biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
AFP
Hà Nội đã tỏ ra cương quyết, khi phát ngôn viên ngoại giao Nguyễn Phương Nga bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc sau vụ va chạm, khẳng định rằng Bắc Kinh đã "đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo hai nước".
"Trung Quốc đang gây hiểu nhầm với ý định biến một khu vực không có tranh chấp thành một khu vực tranh chấp", bà Nga nói với các phóng viên và yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại.
... Việc Trung Quốc đang ngày càng thể hiện sức mạnh trên Biển Đông đã gây căng thẳng với các nước láng giềng cũng như với Mỹ.
Tổng thống Ben Aquino của Philippines nói: "Khi những vụ việc như thế này xảy ra, chúng châm ngòi chạy đua vũ trang trong khu vực. Và khi chạy đua vũ trang tăng lên, liệu đó có phải là mối nguy cơ đưa đến xung đột tăng lên?". "Ai được lợi?"
Minh Long (lược dịch)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét