Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

Ngư dân bị "trấn lột" giữa biển

SGTT.VN - "Đang ngủ trưa thì một chiếc tàu lớn áp sát vào. Thế rồi công sức 10 ngày đổ mồ hôi giữa biển khơi của 8 anh em bọn tui bị tàu kia trấn lột sạch sành sanh...". Vừa nói, anh Võ Đào (35 tuổi) ở xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) vừa thở dài thườn thượt kể cho chúng tôi nghe chuyện bị tàu kiểm ngư Trung Quốc bắt, thu hết hải sản và tài sản trên tàu.
Thế nhưng, chuyến đi biển vừa rồi, không chỉ tàu cá anh Đào bị kiểm ngư Trung Quốc uy hiếp như thế...

Lời kể của những nạn nhân  
Thuyền trưởng Võ Đào: "Chỉ sợ Trung Quốc bắt, thu tài sản, tàu cá... mình thành trắng tay.
Rót ly nước cho khách, anh Đào kể cho chúng tôi nghe phiên đi biển thứ ba trở về đất liền với bàn tay trắng và con tàu hư hỏng.
"Tàu cá tụi tôi ra khơi vào đầu tháng 5.2011. Đến vùng biển quần đảo Hoàng Sa ở khoảng 17o vĩ bắc, 11o kinh đông thì dừng lại đánh bắt. Trúng mánh nhờ gặp luồng cá nên mới 8 ngày, ghe bọn tôi đã kiếm được 4-5 tấn cá và hải sản các loại. Ai nấy khấp khởi mừng thầm, nghĩ sẽ về bờ sớm hơn thường lệ. Ai ngờ...", giọng đều đều, Đào nhớ lại.
Đến giữa trưa ngày 9.5, cả tàu sau khi lặn mệt nhọc cả đêm đã thả neo, lăn ra ngủ say như chết. Thế rồi vào khoảng 10 giờ 30 phút, cả 8 lao động trên tàu nghe tiếng va chạm mạnh. Hoảng hồn thức giấc dậy, cả tàu toát mồ hôi khi thấy tàu kiểm ngư Trung Quốc to lớn mang biển hiệu 309 áp sát vào tàu cá QNg 90 019 TS của thuyền trưởng Võ Đào. Hai người to lớn mặc áo màu xanh từ tàu kiểm ngư Trung Quốc nhảy lên tàu, một người đằng mũi, một người đằng lái.
Tàu cá QNg 90 019 TS của thuyền trưởng Võ Đào bị tàu kiểm ngư Trung Quốc "trấn lột" tài sản và hải sản giữa biển khơi ngày 9.5.
Lúc này, 8 ngư dân Gành Cả bị dồn về một phía. Hai người này (kiểm ngư Trung Quốc) xì xồ ra lệnh bắt ngư dân tàu QNg 90 019 TS tự lấy áo kéo lên trùm mặt và nằm úp xuống sàn tàu. "Bây giờ, bọn tôi chỉ nghe tiếng lịch kịch vận chuyển hàng từ tàu cá qua tàu kiểm ngư. Chẳng ai dám hó hé gì, không dám nói, không dám liều mạng kéo áo ra nhìn".
Sau hai giờ đồng hồ, nghe tiếng tàu kiểm ngư Trung Quốc bỏ đi, anh em trên tàu cá QNg 90 019 TS mới kéo áo ra khỏi đầu và hoàn hồn trở lại…
Ngư dân Phạm Hà nói buồn: "Khi tàu Trung Quốc đi rồi, cả tàu rã rời tay chân khi phát hiện 4-5 tấn cá chứa dưới hầm tàu – công sức của 8 đêm lặn biển đến chảy máu tai, đã bay đâu mất". Trong đó, gồm cá các loại, tôm, ni nhung (800.000 đồng/kg) cùng nhiều hải sản xuất khẩu có giá trị cao.
Ngoài ra, tàu cá QNg 90 019 TS còn bị lấy các loại tài sản khác, thậm chí đồ nghề sửa chữa tàu lúc hư hỏng cũng bị tàu Trung Quốc lấy. Theo anh Đào, tổng tài sản của tàu cá bị "trấn lột" ngày 9.5 khoảng 250 triệu đồng. Rất may, nhiên liệu và các máy móc điện tử khác không bị lấy đi. Vì vậy, anh Đào và 7 ngư dân trên tàu biết phương hướng đi tìm tàu cá bạn để mượn đèn, lưới, cước nhợ và đồ đánh bắt hải sản rồi ở lại trên biển hơn 10 ngày nữa để đánh bắt, gỡ gạc chút tổn phí chuyến ra khơi "dã tràng xe cát" hẩm hiu. Đến khi về cảng Sa Kỳ ngày 21.5, anh Đào mới báo cho cơ quan chức năng biết.
Bốn lần bị tàu nước ngoài bắt khiến gia đình anh Tiêu Viết Là khánh kiệt.
Theo lời kể của anh Đào, chúng tôi còn được biết, trong phiên biển vừa rồi, ngoài tàu QNg 90 019 TS bị kiểm ngư Trung Quốc "trấn lột" còn có tàu anh Chanh (33 tuổi) ở thôn Phú Qúi, xã Bình Châu cũng cùng chung số phận. Tuy nhiên, số lượng hải sản tàu cá anh Chanh ít hơn, vì chỉ mới đánh bắt được một ngày.
Sáng ngày 30.5, xác nhận với chúng tôi về thông tin hai tàu cá của xã Bình Châu, huyện Bình Sơn bị tàu kiểm ngư Trung Quốc lấy tài sản trên biển vừa qua, đại úy Nguyễn Quyết Chiến – đội phó trinh sát, Đồn biên phòng 288 tỉnh Quảng Ngãi, nói “thông tin đó là có thật”. Đó là tàu QNg 90 019 TS của thuyền trưởng Võ Đào, trên tàu có 8 ngư dân bị tịch thu tài sản vào ngày 9.5 và tàu QNg 50 615 TS của thuyền trưởng Trần Văn Thoa (hay còn gọi tên Chanh), trên tàu có 14 ngư dân, bị Trung Quốc khống chế và tịch thu tài sản vào rạng sáng ngày 6.5, với tổng giá trị trên 100 triệu đồng. Hiện nay, cả hai tàu này đã về cảng Sa Kỳ, trong đó, tàu QNg 90 019 TS về ngày 21.5 và tàu QNg 50 615 TS về ngày 29.5. 
Chỉ sợ trắng tay
Ngư dân Bình Châu (Quảng Ngãi) chuẩn bị ra khơi.
Trò chuyện với chúng tôi, các thuyền viên trên tàu QNg 90 019 TS cho hay, hai phiên biển đầu tiên của năm nay, họ cũng từng gặp tàu Trung Quốc. Có điều, họ đến rồi xịt vòi nước xua không cho ngư dân ta đánh cá, chứ không "trấn lột" như vừa rồi. Hỏi "có sợ không?", thuyền trưởng Đào nói chắc: "Sợ thì không bao giờ sợ rồi. Vì biển Hoàng Sa là của mình thì mình đánh bắt". Nhưng anh không khỏi chạnh lòng: "Chỉ sợ Trung Quốc bắt, thu tài sản, tàu cá... mình thành trắng tay, không còn phương tiện để ra khơi nuôi vợ con mà thôi".
Anh Đào có vợ và ba con nhỏ. "Nếu ảnh bị bắt, giam tù, xem như bốn mẹ con tôi đói”, Liên, vợ Đào góp lời. “Hồi ảnh bị thu hải sản, khi máy ảnh gọi về, tôi sợ run lên. May mà ảnh và con tàu cuối cùng cũng về được".
Thực ra, nỗi lo của vợ chồng thuyền trưởng Đào bị nước ngoài bắt cũng dễ hiểu. Bởi nơi anh ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu này, có nhiều trường hợp bị tàu nước ngoài bắt, đã trở thành trắng tay, cuộc sống gia đình rơi vào cảnh khốn cùng.
Trường hợp của anh Tiêu Viết Là chẳng hạn, bốn lần bị tàu nước ngoài bắt, đã đẩy gia đình anh từ một gia đình làm ăn có "máu mặt" trong xã đến khánh kiệt. Tiếp xúc với chúng tôi, chị Phạm Thị Lành, vợ anh Là cho biết: hiện nay, gia đình chị nợ ngân hàng nhà nước 120 triệu đồng, nợ bà con xung quanh và các đầu nậu mấy trăm triệu đồng nữa.
Ở thôn Châu Thuận Biển, ngày trước vốn có một đoàn tàu đánh bắt xa bờ, trong đó phần lớn đánh ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa. Vậy mà đến nay, do bão biển, do bị tàu nước ngoài bắt, đoàn tàu ấy đã giảm dần, nay còn đếm trên đầu ngón tay.
Với ngư dân Bình Châu, biển là quê hương, là lẽ sống của họ. Nhưng mỗi ngày, vầng trán ngư dân trên những chuyến ra khơi hằn thêm nét ưu tư. Dường như nghề biển mỗi ngày một nhọc nhằn... 
PHẠM ANH
Thống kê (chưa đầy đủ) của tỉnh Quảng Ngãi cho biết, từ năm 2005 – 2009, toàn tỉnh có 81 tàu cá với 929 ngư dân bị tàu nước ngoài bắt. Trong đó năm 2005 tàu thuyền bị bắt ít nhất: 7 tàu, 75 ngư dân và nhiều nhất là năm 2008: 26 tàu/227 ngư dân. Riêng từ đầu năm 2010 đến nay, có gần 20 tàu thuyền với trên 200 ngư dân bị các nước bắt giữ, tịch thu phương tiện và bắt nộp phạt hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng mới cho về nước.
Điều đáng nói là phần lớn tàu thuyền bị bắt là của ngư dân huyện Bình Sơn và đảo Lý Sơn, chuyên hành nghề ở ngư trường truyền thống tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét