Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

"RAO HÀNG" CHO BẤT ĐỘNG SẢN ĐÀ NẴNG

truongvankhoa
            alt
“Khi một người có thể kiếm tiền môt cách dễ dàng từ địa ốc, thì những người khác nên chuẩn bị tâm thế đón nhận khủng hoảng trong một tương lai gần"
            Một bài bài báo chất lượng thường nêu vấn đề, sau đó phân tích và đưa ra những dự đoán tương đối khoa học nhằm thuyết phục người đọc. Thế nhưng, gần đây trên một vài tờ báo có số lượng phát hành lớn, xuất hiện một số bài viết kinh tế mang dáng dấp PR cho một tổ chức, tập đoàn kinh tế nào đó ? Có thể, trong giờ phút chót này, các đại gia bất động sản đang “bắt tay” với các phương tiện truyền thông cố tung vài chiêu “tẩu vi thượng sách” để rút vốn ra khỏi thị trường, nhường “chổ ngồi” cho những “tay mơ” đang cố ôm mộng làm giàu từ giá đất ảo bấy lâu nay. Động tác này, không những định hướng dư luận theo kiểu “tung hoả mù” mà còn đem đến cho công chúng những luận cứ chủ quan, thiếu cơ sở, kém hiếu biết và gây bất lợi cho người dân.
            Trước hết phải nói đến những bài viết về bất động sản ở Đà Nẵng. Nào là “Bất động sản ở Đà Nẵng vẫn sôi động”, “Đà Nẵng lại sốt đất”, “Đất Đà Nẵng ào ạt tăng giá”, cách giật tít kiểu rao hàng “Sơn Đông mãi võ” đã làm không ít bạn đọc phải phì cười về cách “làm ăn” của một vài tờ báo chính thống hiện nay.
            Trong những ngày gần đây, dưới tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất cho vay tiêu dùng (chủ yếu là mua đất để kiếm lời) đã vọt lên trên 25%. Thậm chí, các ngân hàng đã không dám cho vay hoặc đưa ra những điều kiện ngặt nghèo để ép tỉ trọng  dư nợ cho vay tiêu dùng xuống dưới 20%. Thời hạn cuối cùng của tỉ lệ này là 30/6/2011. Chính vì thế, các ngân hàng thương mại đang muốn “tống khứ” các khoản dư nợ bất động sản càng sớm, càng tốt. Trước tình hình như vậy, các chuyên gia trong và ngoài nước xác định chắc rằng, “quả bóng” bất động sản của Việt Nam sẽ vỡ trong một thời điểm không xa lắm.
            Theo các số liệu do Tổng cục Thống kê công bố hôm 24/5, CPI tháng 5/2011  tăng 2,21%, trượt lên mức tăng 19,78% so với cùng kỳ năm 2010. Nói một cách khác chỉ số giá tiêu dùng tháng này đã tiến sát con số lạm phát hồi cuối năm 2008. Chỉ số này thuộc loại cao nhất Châu Á. Điều này có nghĩa rằng, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục “bóp chặt” thêm một lần nữa cho đến khi CPI giảm dần đều như mong muốn của Chính phủ. “Bóp” bằng cách nào, đó là tăng dư trữ bắt buộc, nâng lãi suất chiết khấu, tái chiết khấu, sử dụng các công cụ tài chính để chặn tốc độ tăng trưởng tín dụng. Nói một cách nôm na, dễ hiểu là không “bơm” tiền ra lưu thông nữa, các giám đốc ngân hàng thương mại hạn chế hoặc không ký duyệt để cho vay để buôn đất và nhà ở nữa.   
            Nhận thức về vấn đề đó, các nhà đầu tư ở Tp HCM và Hà Nội đã nhanh chân rao bán giảm giá kèm theo các chiêu thức khuyến mãi chưa từng có trong lịch sử thị trường bất động sản ở Việt Nam: Tặng xe hơi, máy lạnh, móng nhà, lệ phí làm sổ đỏ, các chuyến du lịch nước ngoài,…Chung quy là các chủ đầu tư cố gắng “dụ khỉ” càng nhiều, càng tốt. Đất nền tại TP HCM ế ẩm, ảm đạm. Nhà đầu tư Tây Hà Nội thi nhau rút vốn, tháo chạy khỏi thị trường. Từ đầu tháng 5/2011 đến nay,  nhiều nhà đầu tư Hà Nội đã có dấu hiệu giảm giá bán đất nền tại một số dự án “nóng” trước đây để bán hàng. Theo số liệu khảo sát, tại khu đô thị Kim Chung – Di Trạch, giá giảm khoảng 7-9 triệu đồng/m2, Tân Tây Đô giảm khoảng 5-7 triệu đồng/m2, Thanh Hà từ 3-4 triệu đồng/m2, Geleximco Lê Trọng Tấn khoảng từ 4-5 triệu đồng/m2… Các dự án khác nằm trong chuỗi dự án phía tây cũng gặp tình trạng tương tự.
            Theo thống kê của CBRE Việt Nam, khách hàng từ Hà Nội mua các dự án biệt thự, căn hộ cao cấp tại Đà Nẵng chiếm tỉ trọng cao nhất, gần 80%, trong khi TPHCM chỉ khoảng 13%, số còn lại là nhóm nước ngoài, Việt kiều và những người từ các tỉnh, thành khác. Thật ra, dân Đà Nẵng làm gì có tiền mua nhà, đất để đầu cơ. May chăng, một số ít vay vốn ngân hàng mua vài lô đất nền chờ thời, đến nay lo bán tháo để lấy tiền trả nợ  ngân hàng đang đến kỳ đáo hạn với lãi suất cao ngất ngưỡng.
            alt
            Theo nhận định của một nhà đầu tư cá nhân, giới đầu tư đất ở Hà Nội “quái quỷ” và có nhiều thủ thuật rất tinh vi. Họ có thể bỏ tiền thuê người, giả về hỏi mua đất nền tại các khu vực như người có nhu cầu thật: Đất ven biển Đà Nẵng kéo từ bán đảo Sơn Trà đến núi Ngũ Hành Sơn, đất ở Hoà Xuân bên kia cầu Cầm Lệ, đất ven sông phía Nam cầu Tuyên Sơn, đất khu vực Miếu Bông lên Hoà Tiến,… Tất cả đều do bọn cò đất, đội quân “mồi giá” từ Hà Nội và TP HCM “làm xiếc” hàng ngày. Qua mỗi lần như vậy, người bán lại “hét” lên vài giá, thế là giá đất bị “thổi lên” chứ người dân bản địa sống ở Đà Nẵng lấy đâu nhiều tiền để mua với giá ‘cắt cổ’ như vậy ?
            Vì thế, một phần nguyên nhân dẫn tới việc nhà đầu tư tháo chạy khỏi khu vực này là bởi phần lớn giao dịch đất đai ở những vùng quy hoạch chỉ là giao dịch tạo nhu cầu giả, tức là đầu cơ tích trữ, tự mua đi bán lại với nhau, thậm chí có hiện tượng bố trí giao dịch giả để kích giá đất lên. Ngay tại thời điểm bây giờ, các nhà đầu tư tại Đà Nẵng đã “xả hàng”. Tuy nhiên, họ không dễ gì bán được đất vì không có người mua. Đất ven biển Đà Nẵng, khu vực Hoà Xuân rớt giá liên tục, các trung tâm dịch vụ bất động sản bắt đầu đóng cửa. Thị trường bất động tai Đà Nẵng lâm vô cảnh chợ chiều, ế ẩm.
            Người Mỹ có một từ rất chính xác khi dặt tên cho thị trường bất động sản tăng giá nhanh, đó là hiện tượng “bubble”. Hay nói cách khác đó là “bong bóng”. Tăng nhanh, ảo, dễ vỡ ! Tại một cuộc hội thảo tại Đại học Jamia Millia Islamia - Ấn Độ, giáo sư Naushad Ali Azad đã nhận định: “Khi một người có thể kiếm tiền một cách dễ dàng từ địa ốc, thì những người khác nên chuẩn bị tâm thế đón nhận khủng hoảng trong một tương lai gần”.
            Chúng ta đang bắt đầu trả giá cho việc hình thành một thị trường không thật về bất đông sản trong thời gian qua. Một quan hệ cung cầu ảo mà bất cứ ai vào cái thời cách đây không lâu đều cũng muốn kiếm thật nhiều tiền với một mảnh đất “trên giấy” được mua bán với nhau. Tiền gởi tiết kiệm của dân gần như dồn hết vào để mua bất động sản, rồi đền ngân hàng nhập cuộc cho vay tiêu dùng mua nhà, mua đất (thực chất là mua để đó nằm chờ giá lên !). Cách hành xử không đúng với quy luật kinh tế đã gây ra một hệ luỵ là giá bất động sản tại Việt Nam hiện nay ở một mức quá cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Một người dân bình thường hoặc một công chức làm công ăn lương cố dành dụm tiền cả một đời cũng không thể nào với tới ! Nói thế để thấy rằng, giá bất động sản đã leo thang quá cao và không kiểm soát được. Để lý giải cho thực trạng này, ông Yip Hoong Mun, trưởng đại diện con ty Capitaland Holding Pte Ltd. cho rằng: “Vì khoảng cách cung, cầu quá xa nên giá trị bất động sản tại Việt Nam thường cao hơn so với các nước khác”.
            Kịch bản “Giá thị trường chứng khoán tăng điểm đẩy kênh bất động sản tăng theo, dòng tiền bán chốt lời từ cổ phiếu chảy qua nhà đất” đã thật sự phá sản. Chỉ số Vn-Index rơi tự do 10 phiên liên tục, phá thủng đáy 400 điểm khiến giới đầu tư ngỡ ngàng trong làn sóng bán tháo để thoát thân ở cả 2 thị trường Tp.HCM và Hà Nôi. Dường như biết trước quy luật “tồn tại hay không tồn tại” của cuộc chơi kinh tế, Fiachra MacCana, Giám đốc nghiên cứu tại Công ty môi giới Chứng khoán Tp HCM được Financial Times trích dẫn nói giới đầu tư đã tới ngưỡng buông cổ phiếu: "Thị trường đang rơi tự do vì chúng ta đang trong giai đoạn cuối cùng của thị trường bị tụt dốc (bear market), khi tất cả mọi người phủi tay và quăng mọi thứ qua cửa sổ"
            Chứng khoán - Bất động sản – Ngân hàng là một tam giác kinh tế - tài chính, có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Bất cứ một sự tháo chạy nào đểu ảnh hưởng nghiêm trọng đến những thị trường còn lại. Và như thế, việc thổi phồng giá nhà đất tại Đà Nẵng của một vài tờ báo, trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua là một động tác “cò mồi”, không đúng với bản chất kinh tế hiện tại. Có thể nói rằng, việc làm này giống như sự toa rập, kích giá, hùa với một số công ty bất động sản thổi “bong bóng” bất động sản ở Đà Nẵng lên quá ngưỡng kiểm soát. Đây có thể xem như một tác nhân chính gây nên cơn lạm phát tồi tệ ở Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét