Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

Bỗng dưng muốn văng tục …

Cuadong2010

Sống ở quê mình, vào cái thời kỳ quá độ, tức là thời kỳ chẳng phải thế này mà cũng chẳng phải thế kia, nên đã trở thành một nơi có quá nhiều đặc thù, đặc điểm, đặc tính, đặc cách, đặc biệt … đến mức không còn giống ai nữa, thì dường như mọi người đã quá quen với chữ nhẫn, trừ khi tự mình nhắm mắt bịt tai, “thôi đành ru lòng mình vậy/ Vờ như mùa đông đã về …”

Thế mà hôm nay, vô tình đọc được một mẩu tin mà tự nhiên nổi điên không nhịn được. Mẩu tin ấy như thế này:
“Phát sinh 39 sân golf ngoài quy hoạch
TT – “Hiện nay có 39 dự án sân golf phát sinh ngoài quy hoạch. UBND các tỉnh liên quan sẽ phải rà soát, đối chiếu lại quy định, điều kiện hình thành sân golf để xử lý” – ông Hoàng Ngọc Phong, phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch – đầu tư, cho biết ngày 23-5.
Với tình hình đó, một trong các phương án mà Bộ Kế hoạch – đầu tư kiến nghị lên Thủ tướng là chấp thuận số lượng sân golf lên số 118 để làm quy hoạch cứng. “Khi đưa vào quy hoạch cứng thì hằng năm các tỉnh sẽ không xin bổ sung nữa và giữ nguyên như vậy cho đến năm 2020” – ông Phong giải thích”.
Có lẽ cũng phải nói thêm cho công bằng, khách quan, rằng trong những thứ tôi ghét nhất trên đời này không hiểu tại sao lại có cái môn đánh gôn, hay nói một cách sành điệu hiện nay là đánh góp(?!). Có thể vì cái vẻ điệu đà, khệnh khạng của những kẻ đang cố ý hoặc vô tình thể hiện đẳng cấp trong một môn thể thao được (hay tự) mệnh danh là quý tộc, với một lô những người phục vụ lóc cóc đi theo một kẻ đang nhởn nhơ đút tay túi quần và gọi đó là chơi thể thao. Có thể vì những lời tán dương quá mức về thú chơi, kỹ thuật chơi … mà người ta đã dành cho một trò chơi để tâng bốc nó lên, chỉ vì nó dành cho những kẻ lắm tiền. Có thể vì môn chơi này, như ở quê ta, bằng những cách nào đó để tranh thủ sự cho phép của chính quyền địa phương, đã lấy đi quá nhiều lợi ích của số đông để phục vụ cho một số ít người, vốn đã từng được hưởng quá nhiều so với những gì họ xứng đáng được hưởng.
Chẳng phải khó khăn gì mới nhận ra được mục đích thật sự của việc làm một sân gôn nhưng lại nằm giữa đồng bằng, kèm theo rất nhiều diện tích xây khách sạn, biệt thự hay khu nghỉ dưỡng (!) , và lý do thật sự của việc các địa phương thi nhau ồ ạt cấp phép cho các dự án sân gôn đang nở rộ như một bệnh dịch thời kỳ vừa qua, khi người ta lấy bao nhiêu đất canh tác màu mỡ của nông dân (và cũng là của toàn dân) mà chỉ đền bù bằng một cái giá rẻ mạt gần như cướp không, và sau đó, chỉ bằng vài chữ ký là đã có thể bán lại với giá cao ngất ngưởng.
Tưởng chừng cái bệnh dịch đó đã được chặn lại sau khá nhiều nhượng bộ của phía Nhà nước cho những ông trùm BĐS. Vậy nhưng tới nay, chỉ sau chừng 1 năm đã lại có tới 39 dự án sân golf “phát sinh ngoài quy hoạch” (!), một cách gọi rất sáng tạo như thể hàng chục cái dự án đó tự nhiên sinh ra trên một mảnh vườn hoang, chứ không phải là chúng phải được rất nhiều lãnh đạo các cấp đồng ý, và là kết quả của một quy trình phức tạp với một rừng thủ tục mà bất cứ người dân nào cũng đã từng được nếm trải mỗi khi có việc qua cửa quan. Và cơ quan quản lý Nhà nước, thay vì làm đúng chức năng quản lý với tinh thần thượng tôn pháp luật thì lại làm một việc giống như tiếp tay cho chuyện phạm luật bằng “một trong các phương án mà Bộ Kế hoạch – đầu tư kiến nghị lên Thủ tướng là chấp thuận số lượng sân golf lên số 118 để làm quy hoạch cứng”.
Tại sao có những chuyện đó trong khi có nơi người ta kiên quyết bảo vệ tính nghiêm minh của luật pháp, tuân thủ quy hoạch bằng cách huy động rất nhiều lực lượng mạnh để đập bỏ hàng chục, hàng trăm ngôi nhà mới xây sai quy hoạch, hay cưỡng chế cả những ngôi nhà chưa kịp nằm trong diện phải di dời?
Chợt nhớ tới “lời nguyền tài nguyên” mà Đối thoại chống tham nhũng lần thứ 9 tổ chức ngày 25/5 với chủ đề “Tham nhũng trong ngành khai khoáng ở Việt Nam” mong tìm được cách hóa giải.
Ông Salomon, cố vấn cao cấp của của tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), trong cuộc họp báo sáng 24/5 trước thềm Đối thoại, đã lấy ví dụ về Indonesia, nơi mà những tỉnh giàu tài nguyên nhất cũng là những tỉnh có tỉ lệ nghèo đói cao nhất, chính trị không ổn định và hay xảy ra xung đột xã hội. Ngược lại, Na Uy, qua chia sẻ của bà Thea Martine Ottmann, Bí thư thứ nhất ĐSQ Na Uy, lại là một ví dụ thành công trong việc chuyển sự giàu có về tài nguyên thành sự thịnh vượng của quốc gia bằng các cam kết chính trị, hệ thống quản trị tốt và quan tâm đến phúc lợi xã hội cho người dân.
Nghĩa là ở các nước TB giãy chết, ví dụ như Na uy kể trên, sự giàu có về tài nguyên đã được biến thành sự thịnh vượng của quốc gia, mà một trong những nguyên nhân là do họ có sự minh bạch, nói đúng cái họ làm và làm đúng cái họ nói.
Trong cuộc đối thoại, Đại sứ Thụy Điển nhấn mạnh sự minh bạch đã và đang được nhiều quốc gia áp dụng và tỏ ra hiệu quả, chẳng hạn Sáng kiến Minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng (EITI) mà các đối tác phát triển khuyến nghị Việt Nam tham gia. Còn việc VN có tham gia hay không đương nhiên là phải do lãnh đạo Đảng ta xem xét.
Phần lớn đại diện các đối tác phát triển của Việt Nam đều nhận định “chưa thấy nhiều tiến triển trong việc đưa pháp luật phòng chống tham nhũng vào đời sống”.
Tương tự, Đại sứ Anh nhận định: “Thay đổi chỉ đến khi có quyết tâm chính trị cao”.
Tất nhiên là việc gì khó cũng phải cần đến quyết tâm chính trị cao, và may mắn là cái đó ở VN lại không thiếu. Nhưng có một điều chắc, là quê mình sẽ không áp dụng những gợi ý của những nước kể trên, dù đã có tới 8 lần đối thoại chống tham nhũng trước đó và bây giờ là lần thứ 9, vì những lý do thế này: thứ nhất, đó là bọn TB giãy chết, và thứ hai, quê mình đang ở thời kỳ quá độ.
Lại nhớ tới ngày xưa đi học đã được nghe các thầy giáo nói rằng chúng ta (hồi đó) đang ở giai đoạn CNXH, là giai đoạn quá độ để tiến lên CNCS. Sau rất nhiều năm, giờ đây hóa ra quê minh lại đang ở giai đoạn quá độ tiến lên CNXH. Chưa biết chừng sau này, cái giai đoạn quá độ mà mình đang trải qua sẽ được đặt tên lại, ví dụ như giai đoạn tiền quá độ tới CNXH, để con cháu mình sẽ đặt tên cho cái thời kỳ của chúng đang sống là giai đoạn quá độ tiến lên tiền quá độ tới CNXH, chẳng hạn.
Trong khi đó lại có một bọn khác, chẳng có quá độ đ’. gì thì hiện tại đang giàu có sung sướng hơn mình, đang tài trợ nhiều thứ cho mình và có lẽ nó sẽ được sống trong một XH rất văn minh, rất giống với XH mà CNCS mong muốn đạt tới, trước mình nhiều. Thế thì đẻ ra lắm các loại quá độ để làm cái đ. gì?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét