Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

Đô thị cảng Hiệp Phước chờ luồng Soài Rạp

SGTT.VN - Ngày 24.6, trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Phan Hồng Quân, tổng giám đốc công ty TNHH phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), chủ đầu tư dự án khu đô thị cảng Hiệp Phước, cho biết, theo quy hoạch, khu đô thị cảng Hiệp Phước có diện tích 3.600ha, gồm khu công nghiệp, đô thị và cảng.
Phần diện tích khu đô thị Hiệp Phước rộng 1.240ha (bao gồm hai khu tái định cư) với dân số khoảng 250.000 người. Tuy nhiên, khu đô thị này chưa biết khi nào mới hình thành vì luồng Soài Rạp chưa thông.
Khi nào hệ thống cảng trên sông Sài Gòn dời ra Hiệp Phước thì khu đô thị cảng Hiệp Phước mới có điều kiện phát triển.Ảnh: Lê Hồng Thái
Đô thị đợi cảng!
Theo định hướng, khu đô thị cảng Hiệp Phước sẽ có vai trò, chức năng quan trọng không chỉ đối với TP.HCM mà còn với miền Đông và Tây Nam bộ bởi khu đô thị này có hệ thống cảng biển hiện đại, quy mô lớn. Đây là đầu mối trung chuyển phục vụ cho nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hoá của TP.HCM, vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Nơi đây còn có khu công nghiệp, chú trọng phát triển các ngành công nghệ kỹ thuật cao và các ngành liên quan đến lĩnh vực hàng hải. Khu đô thị sẽ phát triển đa dạng các ngành dịch vụ cảng phục vụ hoạt động của tàu, thuỷ thủ và hành khách. Một khu liên hợp các trường cao đẳng – dạy nghề, trung cấp kỹ thuật cũng sẽ hình thành phục vụ nhu cầu phát triển của TP.HCM và miền Đông, miền Tây Nam bộ, đặc biệt là các chuyên ngành đào tạo về cảng và hàng hải.
Tuy đóng vai trò quan trọng như vậy, nhưng sau nhiều năm triển khai dự án, việc xây dựng khu đô thị này đang bế tắc vì chưa có đường giao thông và những thủ tục liên quan.
Về quy hoạch, hiện TP.HCM mới phê duyệt quy hoạch chung cho toàn khu đô thị này, chưa biết khi nào mới phê duyệt xong quy hoạch 1/2000. Về đền bù giải toả, để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, IPC đề xuất giải pháp nông dân được góp cổ phần bằng chính giá trị miếng đất bị thu hồi. Tuy nhiên, đây là đề xuất mới, chưa có trong luật hiện hành nên không có cơ chế để thực hiện.
Ngoài ra, theo ông Quân, một vướng mắc lớn là luồng Soài Rạp chưa thông. Đô thị Hiệp Phước chỉ phát triển khi cụm cảng Hiệp Phước hoàn thành với công suất khoảng 200 triệu tấn/năm. Muốn đạt được mục tiêu trên thì phải nạo vét luồng Soài Rạp. Tuy nhiên, mong muốn này chưa thực hiện được vì việc điều chỉnh tỷ giá đã làm tăng giá nhiều gói thầu so với giá dự toán được duyệt (1.470 tỉ đồng) khiến chủ đầu tư cũ là IPC không đáp ứng được nguồn vốn. Hiện UBND TP.HCM đã giao trách nhiệm nạo vét luồng Soài Rạp cho sở Giao thông vận tải TP.HCM.
Theo ông Quân, khi luồng Soài Rạp chưa thông thì mọi việc liên quan đến xây dựng khu đô thị Hiệp Phước cũng không thể thực hiện. Mặt khác, cũng chẳng có nhà đầu tư nào dám bỏ tiền đầu tư vào một khu đô thị mà chưa thông đường.
Trả lời câu hỏi bao giờ nạo vét luồng Soài Rạp, ông Trần Thế Kỷ, phó giám đốc sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, mới đây Thủ tướng đã giao bộ Tài chính phối hợp cùng TP.HCM tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, chưa rõ hướng tháo gỡ ra sao!
Cảng đợi đường
Liên quan đến việc mở đường D3 dẫn từ khu công nghiệp Hiệp Phước vào cảng Sài Gòn – Hiệp Phước, ngày 26.6, ông Bùi Xuân Cường, phó giám đốc sở Giao thông vận tải TP.HCM, báo một tin vui: “Đường D3 đã có lối ra”.
Theo ông Cường, sở dĩ chậm xây dựng đường D3 là do trước đây khó khăn về vốn nên UBND TP.HCM đã thống nhất với đề nghị của sở Kế hoạch và đầu tư là giao cho chủ đầu tư dự án (IPC) tự huy động vốn để làm đường. TP.HCM sẽ kiến nghị bộ Tài chính ứng vốn cho mượn hoặc cho phép sử dụng trái phiếu chính phủ để hoàn trả lại vốn đầu tư cho chủ đầu tư. Khi việc chuyển đổi công năng mặt bằng nằm trong khu vực trung tâm TP.HCM của các cảng biển phải di dời hoàn tất, một phần chi phí thu được từ hoạt động này sẽ được dùng để trả lại cho bộ Tài chính.
Trong khi các đề nghị trên vẫn chỉ là... đề nghị thì mới đây, cảng Sài Gòn vừa được ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) cho vay 2.000 tỉ đồng để đầu tư xây dựng cảng Sài Gòn – Hiệp Phước tại khu công nghiệp Hiệp Phước. Cả Cảng Sài Gòn và IPC đã thống nhất bỏ một phần vốn ra làm tuyến đường D3 dẫn vào cảng!
Gần đây nhất, Thủ tướng Chính Phủ đã chỉ đạo đến hết tháng 6.2011 TP.HCM phải hoàn thành phê duyệt quy hoạch 1/2000 khu đất cảng di dời và triển khai các dự án chuyển đổi công năng để tạo nguồn vốn thực hiện di dời cảng biển. UBND TP.HCM cũng phải hoàn thành các dự án giao thông kết nối các cảng tại khu vực Cát Lái (tỉnh lộ 25B), Hiệp Phước (đường và cầu vào cảng, nạo vét luồng tàu trên sông Soài Rạp vào cảng Hiệp Phước). Hy vọng lối ra cho đường vào cảng và cảng Sài Gòn – Hiệp Phước, từ nay sẽ thênh thang!
ĐÀO LÊ – TÙNG QUANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét