Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

Giằng co chuyện bồi thường

SGTT.VN - Ông Võ Luỹ, trưởng ban quản lý dự án thuỷ điện 7 – chủ đầu tư công trình thuỷ điện An Khê – Ka Nak – cho biết đơn vị này đang đề nghị sở Tài chính Gia Lai tiếp tục thẩm định lại giá trị thiệt hại tài sản của người dân do công trình thuỷ điện An Khê – Ka Nak xả lũ gây ngập lụt. Theo ông Luỹ, hiện nay ban quản lý dự án thuỷ điện 7 chưa chấp nhận mức bồi thường do chính quyền huyện Kbang (Gia Lai) đưa ra vì quá cao so với thực tế.
Thuỷ điện An Khê – Kanak (Gia Lai) ồ ạt xả lũ ngày 25.5 gây thiệt hại lớn đối với người dân. Ảnh: Tấn Lộc
Trước đó, các cơ quan chức năng huyện Kbang thống kê tổng giá trị thiệt hại hơn 14 tỉ đồng nhưng ban quản lý dự án thuỷ điện 7 không chấp nhận. Do đó, trong những ngày qua, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai, UBND huyện Kbang, ban quản lý dự án thuỷ điện 7 đã trực tiếp tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành xác minh, thẩm định lại mức độ thiệt hại tài sản của nhân dân do công trình thuỷ điện An Khê – Ka Nak xả lũ đêm 24 và sáng 25.5 gây ra. Kết thúc đợt phúc tra này, các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai xác định giá trị thiệt hại là 4,5 tỉ đồng.
Tuy nhiên, ông Võ Luỹ khẳng định: “Tổng giá trị thiệt hại thực tế chỉ gần 1 tỉ đồng. Việc chính quyền địa phương yêu cầu ban quản lý dự án thuỷ điện 7 phải khắc phục những hư hỏng về giao thông, nhà cửa do xả lũ gây ra là không có cơ sở vì việc xả nước vừa qua không gây ảnh hưởng đến các công trình này”.
Đã gần một tháng sau khi thuỷ điện An Khê – Ka Nak xả lũ đột ngột đêm 24, sáng 25.5, khung cảnh dọc sông Ba đoạn các xã Đông, Nghĩa An, thị trấn Ka Nak (huyện Kbang); phường An Phước (thị xã An Khê) vẫn còn hoang tàn, xơ xác. Đây là những địa phương nằm ngay bên dưới hồ chứa nước Ka Nak có dung tích đến 285 triệu mét khối. Hồ An Khê nằm ngay giữa khu dân cư rộng lớn, vốn là vùng đất trù phú, quanh năm xanh mướt các ruộng vườn hoa màu. Đứng trên một ngọn đồi chỉ xuống khung cảnh xác xơ xung quanh hồ An Khê, ông Đinh Thân, ở thôn 5, xã Đông, nói: “Lâu nay đất vùng này tốt lắm, trồng đủ các loại hoa màu. Chỉ cần một mảnh đất vài sào, một gia đình cũng sống được quanh năm. Thế nhưng, từ khi có hồ tích nước này, ruộng vườn thành bãi đất hoang. Trận xả lũ vừa qua đã quét trôi hết, ngay cả những ruộng mía, vườn chuối giờ chỉ còn trơ gốc”. Bên bờ hồ thuộc xã Nghĩa An, nhiều vườn ớt bị cuốn sạch, giờ chỉ còn lại những vũng bùn khô, đỏ ối. Cũng từ trận lũ bất ngờ trên, hàng vạn gia đình ở huyện Kbang, thị xã An Khê đang rơi cảnh nơm nớp lo sợ. Nhiều người dân huyện Kbang nói rằng bây giờ họ như sống dưới “túi nước” khổng lồ, không biết nó xả lũ lúc nào. Ông Lê Phú Yên thì rầu rĩ: “Sống mà cứ thấp thỏm lo sợ thế này, chắc tụi tui tìm nơi khác định cư”.
Theo ông Trần Vĩnh Hương, chủ tịch UBND huyện Kbang, đợt xả lũ cuối tháng 5 vừa qua cho thấy hiểm hoạ đang hiển hiện. Tuy vậy, khi đã gây thiệt hại nặng nề, ban đầu ban quản lý dự án thuỷ điện 7 vẫn thiếu hợp tác để giải quyết bồi thường. Đến nay, chủ đầu tư công trình thuỷ điện này vẫn chưa thống nhất bồi thường thiệt hại của người dân vì cho rằng mức bồi thường quá cao.
Trong khi đó, vào mùa khô thì người dân thấp thỏm trông chờ từng giọt nước từ tháng 1.2011, khi công trình thuỷ điện An Khê – Ka Nak bắt đầu tích nước, cuộc sống của hàng vạn người dân bên dưới hồ thuỷ điện này đã hoàn toàn thay đổi. Hàng vạn gia đình vốn bao đời gắn bó với dòng sông này, nay đành phải từ bỏ nó.
UYÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét