Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

Báo Washington Post: Mỹ nên gây sức ép với Trung Quốc

SGTT.VN - Báo Washington Post của Mỹ ngày thứ hai 27.6 có bài xã luận nhận định vai trò của Mỹ tại Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng hiện nay, bài xã luận khẳng định: Washington nên gây áp lực với Trung Quốc để chính thức hóa một "quy tắc ứng xử" với các nước ASEAN trong việc xử lý các tranh chấp lãnh thổ. SGTT lược dịch để bạn đọc tham khảo.
Tại cuộc họp với ngoại trưởng Philippines, Albert del Rosario ngày 23.6, bà Hillary Clinton tái khẳng định Mỹ có lợi ích ở khu vực biển Đông. Ảnh: AP
Ngoại trưởng Philippines, Albert del Rosario viếng thăm Washington D.C vào tuần trước nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ trong các tranh chấp lãnh thổ ngày càng gia tăng giữa Philippines với Trung Quốc trên Biển Đông. Ông del Rosario nói rằng ông tìm kiếm một hiện thực "rõ ràng" của hiệp ước phòng thủ hỗ tương giữa Philippines và Mỹ, muốn có một tuyên bố của Mỹ về khu vực giàu dầu khí dưới biển mà Philippines và Trung Quốc đang tranh chấp. Chính phủ Philippines cũng muốn được giúp đỡ trong việc tăng cường khả năng hải quân, có lẽ thông qua việc cho thuê tàu tuần tra.

Đây là những yêu cầu khó khăn cho chính quyền Obama, vốn đang cố gắng tránh đứng về bên nào trong các vụ căng thẳng ngày càng nguy hiểm giữa Trung Quốc và các nước láng giềng châu Á tại Biển Đông - một tuyến đường thủy rất lớn và quan trọng - mà Bắc Kinh - trái ngược rõ ràng của luật pháp quốc tế - tuyên bố là hoàn toàn thuộc về mình. Trung Quốc muốn Mỹ tránh xa các tranh chấp giữa Trung Quốc với Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei, để Trung Quốc có thể đối phó lần lượt với từng nước này, vốn dĩ yếu thế hơn. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải hôm thứ tư 22.6 còn tuyên bố rằng: "Tôi tin rằng các nước này đang thực sự đùa với lửa, và tôi hy vọng ngọn lửa sẽ không bén sang Mỹ".
Những ngôn từ đe dọa như vậy đã làm sáng tỏ lý do tại sao Mỹ cần phải sử dụng ảnh hưởng của mình. Hơn một phần ba thương mại toàn cầu đi ngang qua Biển Đông, vì vậy duy trì sự tự do hàng hải trên biển Đông là một "lợi ích quốc gia" (của Mỹ), như Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton nhấn mạnh vào năm ngoái.
Biển Đông, tuyến đường thủy rất lớn và quan trọng, cũng như giàu có về tài nguyên biển. Ảnh: Minh Đức
Chính quyền Obama đã có những hành động theo hướng này. Ngoài tuyên bố của bà Clinton về “lợi ích quốc gia”, đã được lặp lại vào tuần trước, thì bộ trưởng Quốc phòng Robert M. Gates gần đây cũng cam kết rằng "5 năm nữa ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á sẽ mạnh, nếu không muốn nói là mạnh hơn ngày nay". Sau cuộc họp với ngoại trưởng del Rosario, bà Clinton cho biết Mỹ đã cam kết hỗ trợ quốc phòng cho Philippines và cung cấp vũ khí cho nước này, mặc dù bà không bình luận về phản ứng của Mỹ trước một cuộc tấn công tiềm năng của Trung Quốc trên biển Đông .
Những lời hùng biện như vậy nên đi kèm với các sáng kiến. Bà Clinton đã đề nghị Mỹ đóng một vai trò trong việc thúc đẩy các cuộc thảo luận đa phương về vấn đề Biển Đông; Washington nên gây áp lực với Trung Quốc để chính thức hóa một "quy tắc ứng xử" với các nước ASEAN trong việc xử lý các tranh chấp lãnh thổ. Mặc dù đứng trung lập trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, chính quyền Obama có thể vạch ra những cách thức mà Trung Quốc tuyên bố là khách quan nhưng lại mâu thuẫn với các công ước Liên Hiệp Quốc. Và nếu chính phủ Philippines muốn thay đổi sự hợp tác quốc phòng lâu dài với Mỹ từ chống khủng bố đến tuần tra và bảo vệ vùng lãnh hải của họ, Lầu Năm Góc phải sẵn sàng để hợp tác.
H.S (THEO WASHINGTON POST, 27.6.2011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét