Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

Khi người lớn tập cho trẻ ăn thịt thú rừng

SGTT.VN - Kết quả của cuộc khảo sát hơn 4.000 người dân và gần 3.600 học sinh THCS trên địa bàn TP.HCM từ tháng 8.2010 đến tháng 4.2011 do tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WAR) và khoa sinh học, trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM phối hợp thực hiện, đã đưa ra những con số đáng suy ngẫm.
Nhóm người có chức vụ, học vấn cao là nhóm người tiêu thụ thịt động vật hoang dã nhiều nhất. Ảnh mang tính minh họa.
Hơn một nửa người dân được khảo sát thừa nhận từng sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã. Trong số họ 48,4% số người sử dụng từ 3 lần trở lên/năm và hành vi tiêu dùng xuất phát từ nhiều nguyên nhân: được mời, để thử cho biết hoặc thấy thịt động vật hoang dã ngon hơn.

Đáng chú ý, nhóm người ở độ tuổi trung niên, người có chức vụ, học vấn cao, theo khảo sát, sử dụng nhiều hơn…
Trong tương lai gần, động vật hoang dã vẫn tiếp tục lên bàn ăn nếu không có tác động nào nhằm thay đổi hành vi. Số liệu khảo sát ở đối tương học sinh cho thấy, đa số nuôi động vật hoang dã để ăn thịt, rất ít người nuôi để làm cảnh. 28,2% học sinh thừa nhận có ăn thịt động vật rừng. Trong đó, gần 1/3 ăn từ ba lần trở lên. Điều đáng nói là học sinh ăn thịt rừng ở thể bị động, khi họ được cha mẹ, người thân trong gia đình chiêu đãi dịp sinh nhật, thôi nôi, đi chơi xa.
Thói quen ăn thịt động vật rừng, bất chấp con vật đó nằm trong danh sách bảo tồn, của các bậc cha mẹ, những người không chỉ ăn mà còn tạo cho con em thói quen không đúng. Bên cạnh đó, với một xã hội tiêu thụ nặng về vật chất, đôi khi, ăn thịt thú rừng giữa bàn thiên hạ là dịp để chứng tỏ đẳng cấp!
Trong quá trình thực hiện loạt bài Những “thám tử” của động vật hoang dã (đã đăng tải trên báo Sài Gòn Tiếp Thị), người viết nghe kể đại gia sẵn sàng chi gần 100 triệu để sở hữu một con nhím trắng bởi đó là “hàng độc”. Hay, có những đầu nậu sẵn sàng cắm trại ở bìa rừng, sục sạo mua động vật hoang dã vì đây là món hàng đang được giá…
Động vật rừng vẫn bày bán gần như công khai, phần phục vụ cho nhu cầu lên đẳng cấp, phần đáp ứng lối ăn cho biết. Khi thế hệ đi trước không chỉ trực tiếp tiêu thụ mà còn tạo đà cho thế hệ sau, thì bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm chỉ có ý nghĩa phong trào trên giấy.
Cũng chính vì vậy, không chỉ động vật hoang dã trong nước là đối tượng bị săn lùng cho nhu cầu trong nước mà xa tận châu Phi, các chú tê giác cũng không thoát tay người Việt.
Trong các cuộc hội thảo bảo vệ động vật hoang dã, nhiều chuyên gia đã chỉ ra, mặc dù pháp luật Việt Nam đã có nhiều quy định về bảo tồn động thực vật hoang dã và được thể hiện trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên, trong thực tế việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và hệ thống tổ chức quản lý nhà nước cũng như việc xử phạt chưa nghiêm minh.
TRUNG DŨNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét