Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

Cơn bão trong tách trà - Sự Hoang Tàn (Wabi)

Đặng Thanh Chi (danlambao) - Trong sự không vẹn toàn, chưa vươn đến tiềm năng phát triển mà lẽ ra đất nước ta phải có, chúng ta đã đến lúc cần tỉnh thức, để chiêm nghiệm sự thật và ý nghĩa tích cực của sự hiện hữu của cá nhân mình trong cùng một nước.  Trước sự mất mát lãnh thổ, lãnh hải, sự tàn phá môi trường, sự tồn vong của dân tộc, sự bất xứng của những người lãnh đạo, và trong sự khiếm khuyết, chưa hoàn hảo của phong trào đấu tranh chung, và sự bất toàn của chính mình, chúng ta cần nhận thức được những gì đang chờ đợi mình góp phần xây dựng trong những ngày trước mặt...

*

Trà đạo, Chanoyu/Chado, có lúc đã được xem là sự tôn vinh những gì chưa hoàn hảo.  Ngay chính kiến trúc của trà thất, và những vật dụng dùng nấu trà, tất cả đều cốt ý để thiếu một sự hoàn hảo trong vẻ đẹp đối xứng.  Trong trà đạo, giá trị tích cực của sự không hoàn hảo là sự quan trọng của tiến trình “hoàn hảo hoá”.  Quá trình và nỗ lực để hoàn hảo còn quan trọng gấp mươi lần hơn chính sự hoàn hảo cuối cùng, nếu có.  Theo Lão, hay Thiền, đều tin rằng sinh lực dũng mãnh của đời sống và nghệ thuật nằm ở tiềm năng có thể phát triển thêm hơn nữa.  Trong sự thiếu vắng của màu sắc bốn mùa, của tuyết trắng, lá vàng, của những đóa hoa đầu xuân chớm nở, và trong sự tĩnh lặng một mình, người thực hành trà đạo lại chiêm ngưỡng được cái đẹp không vẹn toàn của vạn vật, của muôn người quanh ta; vì đấy mới chính là môi trường thiên nhiên đúng nghĩa.

Trong trà đạo, còn có từ “wabi”, nói lên không khí của sự tàn phá, của sự thê lương cô độc, của hiu quạnh vắng vẻ, nghèo nàn.  Và chính từ không khí hoang tàn ấy, từ môi trường của sự thiếu thốn, chưa vẹn toàn ấy, mà sự tỉnh thức được khơi dậy.  Tỉnh thức để góp phần tích cực cho quá trình làm hoàn hảo hơn môi trường ấy.  Trong sinh hoạt đấu tranh còn nhiều tranh chấp, chúng ta cần phải làm gì để công cuộc chung được sớm thành công ? để đất nước chúng ta không rơi vào tình trạng hoang tàn, trống vắng, mất dần từng tấc đất tấc biển ? và để dân tộc ta ngày càng vững mạnh hơn, hầu góp mặt sánh vai cùng thế giới ?

Hôm nay trong sự không vẹn toàn, chưa vươn đến tiềm năng phát triển mà lẽ ra đất nước ta phải có, chúng ta đã đến lúc cần tỉnh thức, để chiêm nghiệm sự thật và ý nghĩa tích cực của sự hiện hữu của cá nhân mình trong cùng một nước.  Trước sự mất mát lãnh thổ, lãnh hải, sự tàn phá môi trường, sự tồn vong của dân tộc, sự bất xứng của những người lãnh đạo, và trong sự khiếm khuyết, chưa hoàn hảo của phong trào đấu tranh chung, và sự bất toàn của chính mình, chúng ta cần nhận thức được những gì đang chờ đợi mình góp phần xây dựng trong những ngày trước mặt.

Ngài Okakura từng nhắc nhở: “những ai không biết ghi nhận những việc nhỏ bé trong những điều lớn lao, sẽ dễ bỏ sót sự lớn lao trong những cái nhỏ bé”.  Trong tinh thần đó, chúng ta sẽ ghi nhận và tôn trọng những cố gắng, dù lớn hay nhỏ của nhau.  Bài học quan trọng và cơ bản nhất mà chúng ta có thể rút ra từ trà đạo, đó là tinh thần sống hòa đồng và biết tôn trọng những nỗ lực, những thành công lẫn thất bại của tất cả mọi người quanh ta, trong tinh thần không gượng ép hay áp đặt.

Trở về với thế giới trà đạo lần này, tôi biết ơn sâu sa những gì đã xẩy ra cho chính tôi trong hai năm vừa qua.  Mỗi một kinh nghiệm đều đã cho tôi những bài học cần thiết.  Mỗi một vết thương đều giúp tôi nhìn mọi việc, mọi sự một cách rõ ràng hơn.  Tâm tôi giờ tĩnh lặng không buồn phiền, không hối tiếc, không oán hận.  Tổ chức nào cũng có những bất toàn không tránh khỏi. Cá nhân ai cũng có điều chưa phải.  Trong đó, có chính tôi.  Tôi mong rằng rời trà viên đêm nay, đêm thứ sáu trong thế giới trà đạo,  tôi sẽ mang theo mình hành trang cần thiết cho đời sống thường nhật của mình:  trà đạo là một dạng của “văn hóa tinh thần”, một sự kỷ luật tự thay đổi chính mình để theo đuổi “nghệ thuật của đời sống”.  Tinh yếu của trà đạo là tinh thần hòa đồng, tôn trọng, tinh khiết, tĩnh lặng.  Tôi sẽ nỗ lực tự luyện mình để tự chế, diệt ngã, và trong sự thực tập lâu dài, tôi mong sẽ tự rèn luyện mình để có thể đương đầu với tất cả mọi tình huống trong sự điềm tĩnh và an cư của tâm.

Tạm Kết

Khi tìm hiểu về trà đạo, tôi nhận ra một sự khác biệt: người Tây phương đảm bảo tinh thần dân chủ dựa trên cơ chế bên ngoài; ở Đông phương, tính dân chủ khởi nguồn từ sự tu thân, diệt ngã trước nhất là ở chính mình.  Khi ta rèn tâm, thu nhỏ bản ngã, dẹp bỏ thành kiến, thay vì phê phán, chỉ trích người, ta tìm cái hay cái đẹp nơi người khác.  Khi phát huy được cái tâm vô phân biệt giữa ta và người, ta và người sẽ bình đẳng như nhau giữa quyền hạn và trách nhiệm, trong cái xấu lẫn cái tốt; lúc ấy tính dân chủ sẽ được thể hiện qua hành xử khiêm tốn và hoà đồng đúng nghĩa. 

Để thực thi và bảo đảm tính dân chủ thiết nghĩ ta cần phối hợp cả hai phương thức của Tây lẫn Đông phương:  tu thân là bước khởi đầu không thể thiếu tự mỗi cá thể nhưng xã hội vẫn cần những cơ chế được thiết lập để bổ sung và hạn chế những bất toàn không thể tránh khỏi của con người.  Mọi tổ chức, đảng phái đều thường có những cơ chế giám sát để giúp phát hiện những biến chất, lỗi lầm của cấp lãnh đạo, tuy nhiên dân chủ thực sự hay dân chủ phường chèo khác nhau ở chỗ cơ chế này có thực quyền “giám sát” hay chăng ? Sự phân quyền và tính độc lập giữa Hành Pháp, Tư Pháp, và Lập Pháp trong cơ chế là cần thiết để có sự kiểm tra và cân bằng hầu tránh nạn “absolute power corrupts absolutely”, quyền lực tuyệt đối thì đồi bại, hủ hóa là điều khó tránh khỏi.

Đêm dần trôi. Tôi rời trà thất.  Ánh trăng non soi những hạt sương lấp lánh cỏ ướt.  Cơn bão trong tách trà hai năm trước giúp tôi hiểu thêm đời, hiểu thêm người và chính mình.  Tôi tôn trọng động cơ hành động của mỗi người.  Sự thật không phải ai cũng bỏ công tìm.  Vết thương rồi cũng lành.  Vết sẹo đã dần phai.  Còn lại đêm nay là sự tĩnh lặng tâm hồn.  Với ngày mai là những nỗ lực không ngừng nghỉ cho một đất nước dân chủ, tự do đích thực !!!

Tháng 6-7 năm 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét