Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

Biển Hoa Nam [Biển Đông]: điệu nhảy mà các bên quay lưng lại với nhau

The Wall Street Journal

Trong lúc Trung Quốc ngày càng gia tăng các mối đe dọa thì châu Á dĩ nhiên phải tìm cách xích lại gần hơn với Mỹ

Việt Nam và Philippine đang tiếp tục bày tỏ sự tức giận ở mức vừa đủ trước việc tàu chiến và máy bay của Trung Quốc đe dọa các lực lượng của họ và các tàu đánh cá ở vùng biển tranh chấp ở Biển Hoa Nam. Hai nước này đang muốn Mỹ bày tỏ sự ủng hộ một cách dứt khoát hơn và một số chính trị gia Mỹ muốn Mỹ hãy giúp hai nước này. Thượng Viện Mỹ hôm thứ Hai đã thông qua một nghị quyết không mang tính ràng buộc tỏ ý lấy làm tiếc về những hành động của Trung Quốc. Song Trung Quốc hầu như không chùn bước. Thứ trưởng ngoại giao Trương Chí Quân [Cui Tiankai] tuần trước đã cảnh báo rằng “các quốc gia riêng rẽ đang đùa với lửa và tôi hi vọng Mỹ đừng để lửa bén vào mình.”


Ngoại trưởng Hillary Clinton đang duy trì đường lối mà bà đã xác nhận hồi tháng 7 năm ngoái tại Hà Nội: Mỹ không đứng về phe nào trong những tranh chấp lãnh thổ, song Mỹ muốn đóng một vai trò trong việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình do những lợi ích lớn hơn của Mỹ tại khu vực này và vì sự ủng hộ của Mỹ đối với tự do hàng hải. Vào thời điểm đó thì đây là một lập trường mạnh mẽ. Nhưng giờ đây khi Trung Quốc đang tiếp tục gia tăng căng thẳng thì có lẽ đã đến lúc phải có điều gì đó mạnh mẽ hơn nữa.
Ngoại trưởng của Philippine Albert del Rosario tuần trước đã có mặt tại Washington để làm rõ Hiệp ước Phòng thủ chung giữa hai nước. Theo câu chữ của bản hiệp ước này thì nếu Philippine bị tấn công thì Washington chỉ có trách nhiệm “tư vấn” và “hành động để đối phó với những mối nguy hiểm chung.” Trong mấy ngày qua báo chí của Philippine đã lùng sục tin tức để đoán xem bà Clinton và đại sứ Mỹ tại Harry Thomas có khẳng định chắc chắn hơn cam kết nói trên của Mỹ hay không.
Tin tức có thật ấy là Philippine đang quay trở lại quỹ đạo của Mỹ. Ngay từ hồi đầu năm nay, Manila có vẻ như đang ve vãn Bắc Kinh, chẳng hạn, bằng việc dẫn độ các công dân Đài Loan về Trung Hoa đại lục mà không hề tham vấn ý kiến của Đài Bắc, bằng cách đó gây ra một sự rạn nứt với một đối tác thương mại lớn của mình. Người tiền nhiệm của ông Aquino là Gloria Arroyo đã phá hỏng nỗ lực của các nước ASEAN muốn thương thuyết trên danh nghĩa một khối về Biển Hoa Nam với Trung Quốc, thay vì thế Philippine hồi cuối năm 2004 đã hoàn tất một thỏa thuận riêng [với Trung Quốc] và hi sinh một số tranh chấp để xúc tiến việc thăm dò dầu mỏ chung [với Trung Quốc]. Việc Philippine quay ngắt như hiện nay là hậu quả của việc Trung Quốc tỏ ra quá ư liều lĩnh. Điều đặc biệt đáng báo động là Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc dường như đang làm mưa làm gió ở Biển Hoa Nam. Tàu của hải quân Trung Quốc đã tham dự vào các cuộc đe dọa trong khi ấy thì các nhà ngoại giao Trung Quốc đưa ra những lời bình luận mang tính hòa giải. Mặc dù còn quá sớm để nói rằng Bắc Kinh đang giảm bớt biện pháp mang tính quân sự, song điều chắc chắn là Bắc Kinh tập trung vào những gì đang diễn ra ở thủ đô của các nước ASEAN.
Mỹ và các đồng minh trong khu vực này có hai mục tiêu chính. Thứ nhất là nâng cấp bản Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Hoa Nam mà Trung Quốc trước nay đều thường xuyên vi phạm, thành một bộ xứng xử nghiêm ngặt hơn thể hiện đúng hiện trạng và cách để tàu và máy bay phải ứng xử để tôn trọng bộ ứng xử đó. Bắc Kinh dường như đang khôi phục lại chính sách “khẳng định từ từ ” theo đó Trung Quốc sẽ biến vùng biển này thành cái hồ của Trung Quốc bằng sự đã rồi.
Mục tiêu thứ hai là thuyết phục Trung Quốc giải thích rõ cơ sở của những tuyên bố khẳng định chủ quyền của họ đối với những quần đảo và vùng nước lân cận. Singapore, nước không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, mới đây đã kêu gọi Bắc Kinh “làm rõ với mức độ chính xác hơn những tuyên bố chủ quyền bởi lẽ sự nhập nhằng hiện nay đã lên tới mức gây ra những nỗi lo lắng nghiêm trọng trong cộng đồng quốc tế các quốc gia có biển.”
Lời kêu gọi này có ý nghĩa quan trọng bởi vì Bắc Kinh lâu nay đều tuyên bố Biển Hoa Nam là “vùng nước lịch sử” của họ dường như dựa trên một tấm bản đồ năm 1947 cho thấy một đường đứt đoạn hình chữ U chiếm gần 90% Biển Hoa Nam, kể cả những vùng nước gần bờ của các quốc gia khác. Luật dựa vào phong tục tập quán [customary law] mà Trung Quốc đã ký kết thông qua hiệp ước về Luật Biển không công nhận những tuyên bố mang tính bành trướng như vậy. Thế nhưng lập trường của Trung Quốc chỉ có thể phải chịu phục tùng sự kiểm tra nghiêm ngặt khi mà Trung Quốc phát biểu lập trường của họ một cách dứt khoát.
Không nghi ngờ gì nữa Bắc Kinh sẽ muốn tránh điều đó. Từ trước đến nay Bắc Kinh đều ưu tiên đàm phán trên cơ sở song phương với từng nước láng giềng ở Đông Nam Á để có thể áp đặt bằng sức nặng kinh tế và quân sự trội hơn. Hiệp hội các nước Đông Nam Á đã từng có thành công ngắn ngủi trong việc đưa Trung Quốc ngồi vào đàm phán nghiêm túc hồi đầu những năm 2000, cho tới khi Philippine bỏ chạy.
Giờ đây khi mà ASEAN lại đang đoàn kết trở lại thì sự can thiệp của Mỹ trong vấn đề tranh chấp là yếu tố có tác dụng đòn bẩy cho các cuộc đàm phán. Nếu Trung Quốc cứ tiếp tục rao giảng hòa bình trong khi quân đội của họ quấy rối tàu của các nước khác, khi ấy các nước ASEAN sẽ buộc phải thắt chặt những thỏa thuận an ninh với Mỹ. Một số chỉ dấu tương đối rõ ràng từ Washington rằng Mỹ sẽ là một đối tác tự nguyện có lẽ sẽ khiến cho Bắc Kinh phải nghĩ lại để cho các nhà lãnh đạo dân sự của nước này cần phải kiềm chế giới quân sự và đưa sự tranh chấp trở lại con đường giải quyết bằng đàm phán.
Người dịch: Hiền Ba
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
Ảnh: Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét