Sau biến cố 1-11-1963, dù bà Ngô Đình Nhu đã từ chối những cuộc phỏng vấn của báo chí qua câu nói khiêm nhường rằng “thời của tôi đã qua” và giữ im lặng suốt gần nửa thế kỷ, nhưng bọn VC và Việt gian vẫn không tha. Dĩ nhiên kẻ gian không bao giờ đội nón cối hay dép râu để nguyền rủa bà, nhưng chúng rất khôn khéo qua cái vỏ bọc tôn giáo, trí thức, hoặc nạn nhân của “gia đình trị” để có thể lăng nhục người đàn bà yếu đuối nầy.
Do đó, viết về bà Ngô Đình Nhu thật là khó. Khó là vì nếu ai dám nói lên tiếng nói công chính thì lập tức VC và kẻ gian sẽ sử dụng tất cả loại ngôn từ tàn độc nhất để tấn công người ta. Ai a tòng với VC và Việt gian để chửi rủa bà Nhu thì yên thân, nhưng nếu nhắc đến bà bằng lời lẽ kính trọng thì đương nhiên sẽ chạm nọc kẻ thù của bà. Văn hoá Việt Nam dạy con người Việt Nam rằng: “nghĩa tử, nghĩa tận”, thế nhưng, sau khi bà Nhu qua đời, tôi thấy kẻ gian vẫn không tha người đã khuất. Chúng tiếp tục có những bài viết xúc phạm người quá cố. Tôi thấy mình không thể giữ thái độ im lặng để được yên thân. Tôi quyết định viết đôi lời nhận xét về bà, như một hình thức trả ơn một người Quốc Gia chống cộng.Tôi có một ông bạn vong niên mà tôi có dịp quen biết từ năm 1982 tại Hoa Kỳ. Ông có thời gian làm việc cho Toà Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn. Ông là người thông thạo nhiều thứ tiếng, nhất là Anh và tiếng Pháp. Ông cho tôi biết bà Ngô Đình Nhu rất bản lãnh khi có những phản ứng, đối đáp với Mỹ và người ngoại quốc. Và ông kết luận rằng: “Đối với tôi, bà Nhu là một người đàn bà Việt Nam thật thông minh, hiếm có vào thời điểm đó…”
Lúc Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị sát hại, tôi, người viết bài nầy mới mười tuổi. Dù vậy, tôi còn nhớ hình ảnh người lớn reo hò vì họ mừng đã lật đổ “chế độ độc tài- gia đình trị”, dù là trước đó không lâu, hạt cơm của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà vẫn còn dính kẽ răng của họ. Tôi cũng có nghe những người nhận mình là trí thức cho rằng: “Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng đã có công lật đổ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm”. Họ nói nhờ lật đổ được hai ông Diệm- Nhu nên mới khám phá được bao nhiêu bí mật trong Dinh Độc Lập. Nào là đường hầm bí mật từ Dinh Độc Lập dẫn đến đại lộ Thống Nhất, và xa hơn nữa là Nhà Thờ Cha Tam cách Dinh Độc Lập gần mười cây số. Nào là nhờ tiến được vào Dinh Độc Lập nên họ mới khám phá ra “các quần lót của Bà Nhu”, mỗi cái trị giá trên 30 ngàn đồng, dù thời đó, ai cũng biết lương tháng của ông Trưởng Ấp Tân Sinh, hoặc anh lính Bảo An chỉ khoảng một ngàn, khá đủ để nuôi sống gia đình. (Xin những người thân yêu của Bà Nhu thông cảm cho tôi, khi tôi phải nhắc đến điều vô lý, thật đáng lợm giọng nầy). Ngày xưa, vì còn nhỏ nên tôi đã dại dột tin điều đó là thật. Sau nầy lớn lên tìm hiểu thêm, tôi mới thấy không phải chỉ riêng tôi, mà ngay cả nhiều người lớn cũng mơ hồ về thủ thuật tuyên truyền gian trá của VC.
Theo nhận xét của tôi từ các dữ kiện của cả hai phe thương và ghét, thì bà Ngô Đình Nhu là người phụ nữ Việt Nam đặc biệt của cuối Thập Niên 50 và đầu Thập Niên 60. Thay vì người ta gọi bà là Dân Biểu Trần Lệ Xuân thì họ gọi là bà Cố Vấn Ngô Đình Nhu. Riêng bọn VC và Việt gian lại “dán nhãn” bà theo kiểu xách mé để cố tình tầm thường hoá bà, qua danh hiệu “đệ nhất phu nhân”. Không ít người nhận mình là Quốc Gia nhưng lại không nhận ra điều đó nên cũng gọi bà là “đệ nhất phu nhân”.
Trong thời điểm của cái gọi là “Cách Mạng 1-11-63” thật sự tên tuổi và hình ảnh bà Ngô Đình Nhu được nhắc đến nhiều hơn cả ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu và Tổng Thống Diệm. Người ta mô tả bà như thể là một người đàn bà quỷ quyệt, lấn quyền chồng và “khống chế” được cả ông anh chồng là Tổng Thống.
Sau này, khi tìm hiểu về biến cố của ngày 1-11-63 và những tháng năm sau đó để tôi có thể kết luận một cách ngắn gọn như sau: Việt cộng có dốt, nhưng chúng nó không ngu. Việt cộng có dốt nhưng không thiếu gian manh. Và cho đến nay, đã gần nửa thế kỷ mà không ít người Quốc Gia vẫn còn trúng kế VC dài dài. Tiếc thật.
Trở lại chuyện bà Ngô Đình Nhu. Theo thói đời thì đám tang của phu nhân một Thủ Tướng thường to lớn hơn đám tang của ông Thủ Tướng. Ngày nay ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu không còn, Tổng Thống Diệm cũng đã thác; và mới đây bà Nhu cũng đã qua đời, gia đình nầy không còn chính phủ hay có uy quyền gì để có thể khiến cho những ai nói lên lòng ngưỡng mộ họ có thể “dựa hơi” hay “nịnh bợ” giống như những người từng hưởng bổng lộc của chính phủ, từng không dám đứng thẳng lưng trước gia đình họ Ngô nhưng sau đó đã phản lại họ. Qua biến cố 1-11-63 đã cho thấy, các anh em của Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã không chết dưới tay kẻ thù VC, nhưng họ đã chết dưới họng súng của những người từng hưởng bổng lộc của chính phủ hay của gia đình nhà Ngô.
Nếu phải viết bài phỉ báng chính quyền Ngô Đình Diệm theo kiểu trả thù giống như tụi VC và Việt gian đã làm, tôi cũng có lý do chính đáng lắm, bởi vì ông Cụ Thân Sinh ra tôi, từng là nạn nhân của mấy ông mật vụ của chế độ nầy. Thời đó vì bọn VC không thể triệt Ba tôi và những bạn hữu của Người nên chúng mượn tay người Quốc Gia thanh toán những người chống cộng. Trước khi Ba tôi qua đời, ông Cụ có nói với Má tôi và các anh tôi là tuy ông Cụ bị mật vụ chính quyền Ngô Đình Diệm bắt tra khảo để cho lòi “cái tội làm cộng sản”, nhưng thay vì thù mấy ông mật vụ thì ông Cụ thù VC, bởi VC mới chính là thủ phạm. Ba tôi chỉ trách mấy ông mật vụ của chế độ quá yếu kém nên đã trúng kế VC bằng cách thay cho tụi VC để triệt tiêu người chống cộng.
Tôi nhắc lại chuyện gia đình tôi để muốn nói rằng: Lỗi lầm của một số cá nhân trong chính quyền thời đó, hoặc sự lộng hành của một số cá nhân thiếu đạo đức trong chính quyền không phải là chủ trương hay chính sách của Quốc Gia. Nhiều bằng chứng cho thấy trong chiến tranh Việt Nam, VC luôn làm công việc “chuyện nhỏ xé cho to”. VC gây ra tội ác rồi đổ lên đầu người Quốc Gia. Rồi cũng chính một số người Quốc Gia vì không phân biệt đâu là bạn, đâu là thù nên đã mang đạn của VC tác xạ vào những người cùng chiến tuyến. Tôi nghĩ, ngày nay nếu người Quốc Gia muốn thắng VC, người Quốc Gia không thể gian manh như VC, nhưng dứt khoát phải khôn ngoan hơn cái gian manh của VC.
Những ai từng lên tiếng bày tỏ lòng ngưỡng mộ bà Ngô Đình Nhu và gia đình Tổng Thống Ngô Đình Diệm đều có một số nhận xét khá giống nhau mà tôi ghi nhận được trong thời gian qua tại Oregon, nơi gia đình tôi đang cư ngụ:
1. Đệ Nhất Cộng Hòa như Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu… cùng những người trong gia đình này bị hạ sát trong vụ đảo chánh 1-11-1963 là những người thật sự yêu nước.
2. Bà Nhu, tức Trần Lệ Xuân khi chồng mất, bà còn rất trẻ, bước thêm bước nữa với bà không là điều khó, nhưng bà chọn ở vậy thờ chồng cho đến ngày tạ thế. Với tư cách đó của bà cũng làm cho nhiều người kính phục.
3. Gần 50 năm cô đơn với sự yên lặng đó là một sức mạnh tâm linh của bà Ngô Đình Nhu mà mọi người cần trân trọng.
4. Bà Nhu là một Dân Biểu can trường của nền Đệ Nhất Cộng Hoà. Điển hình là thời điểm 1959, chế độ đa thê vẫn còn thịnh hành, mà bà đã dám đưa ra dự luật hôn nhân một vợ một chồng.
5. Những gì Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hoà đã làm, mặc dầu chỉ tồn tại ngắn ngủi trong 9 năm; nhưng đã đem lại một cuộc sống an bình và thịnh vượng cho miền Nam Việt Nam. Việc ổn định một xã hội có nhiều sứ quân do Pháp để lại, trợ giúp an cư hơn một triệu người tỵ nan Cộng Sản di cư vào Nam và đưa Nam Việt Nam lên hàng cường thịnh so với các quốc gia trong vùng không phải là việc ai cũng có thể làm được.
6. Những ai đã từng chỉ trích Việt Nam Cộng Hòa là độc tài, tham nhũng, đàn áp tôn giáo… thì xin hãy đặt các vấn đề đó với bạo quyền Cộng Sản Việt Nam ngày hôm nay. Những gì Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hoà và bà Nhu đã làm, họ không cần chúng ta cám ơn; nhưng chúng ta cần nói những điều công chính.
7. Người ta thật sự ngưỡng mộ người phụ nữ mang tên Trần Lệ Xuân, tức bà cố vấn Ngô Đình Nhu, vì bà là người phụ nữ Việt Nam dám nói, dám làm. Bà là một Dân Biểu có thực tài, bà từng thành lập Đoàn Thanh Nữ Cộng Hoà để đóng góp công sức xây dựng đất nước Việt Nam thời bấy giờ.
8. Mặc dù có người chưa bao giờ gặp mặt bà Ngô Đình Nhu, chưa từng là công thần của chế độ Ngô Đình Diệm, chưa hề nhận ơn huệ, bổng lộc từ họ, nhưng lại công khai bày tỏ tấm lòng biết ơn đối với nền Đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa đã tạo cho nhân dân Miền Nam một thời kỳ, tuy ngắn ngủi, nhưng thanh bình, no ấm. Chính quyền nầy đã bảo vệ một cách hữu hiệu nhân dân Miền Nam, trước sự xâm lăng bỉ ổi của giặc cộng phương Bắc.
9. Thời điểm năm 1963, người có công tâm phải biết rằng cụ Diệm chống việc chính quyền Kennedy muốn đưa quân Mỹ vào Việt Nam nên họ đã ngụy tạo những “tội lỗi” của Cụ và “khủng hoảng” này nọ và dùng bà Nhu như vật tế thần, mặc dù bà chỉ là phụ nữ, không giữ chức vụ gì chính thức trong chính quyền. Những điều đó ngày nay được xác quyết bởi những tài liệu giải mật. Cho nên dù ai nói đông nói tây, họ vẫn tin bà Nhu là một nữ lưu yêu nước, đạo đức, tiết hạnh… Và họ thương bà.
10. Riêng nhận xét của tôi (Huỳnh Quốc Bình): Đã sau nửa thế kỷ qua, người dân Việt Nam bị bọn VC lừa nhiều cú nhớ đời, vậy mà số người u mê về bọn VC không phải là ít. Tôi không phải là người Công Giáo, tôi hay gia đình tôi chưa từng hưởng một ân huệ nào của gia đình Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ngoại trừ ơn của chính quyền Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hoà đã cho chúng tôi có được những năm tháng thanh bình, tự do, và quyền con người thật sự được chính quyền ấy bảo vệ. Cho nên tôi không thể ngậm miệng để được yên thân mà lại không dám nói lên nhận xét độc lập của mình…
Kết luận: Bà Trần Lệ Xuân hay còn gọi là Bà Cố Vấn Ngô Đình Nhu, đối với tôi là một phụ nữ Việt Nam tuyệt vời. Một người phụ nữ có tài, có học, có nhan sắc, và dĩ nhiên cũng có nhiều cám dỗ của đời từng chờ đón bà, vậy mà bà đã ở vậy thủ tiết thờ chồng theo văn hoá của Á đông, không một lời nguyền rủa kẻ giết chồng bà, thì nếu không là người đàn bà thật sự có lòng nhân đức và tuyệt vời thì là gì? Tôi tin tưởng rằng linh hồn của bà và chồng bà, nhất là Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã ở Thiên Đàng dù xác thân của họ không toàn vẹn dưới trần gian. Riêng tư cách và lập trường chính trị của bà Nhu, theo tôi nó đã vượt xa những ai đội lốt tu sĩ của các tôn giáo đã là đang làm lợi cho bọn VC tham tàn, hay những ai chủ trương “không làm chính trị” khi mà có nhiều bằng chứng họ rất chính trị ngay trong những nơi được xem là thiêng liêng. Tôi bày lòng ngưỡng mộ của mình đối với bà Ngô Đình Nhu và nền Đệ Nhất Cộng Hoà, và cũng để lên án những ai tiếp tục làm tay sai cho VC, chuyên lăng nhục những người tử tế và những ai có công với đất nước Việt Nam.
Có một bài Thơ “Khát” do người trong nước sáng tác, đã được Nhạc Sĩ Phan Văn Hưng viết thành một nhạc phẩm đấu tranh. Tôi xin ghi lại vài câu để tặng quý độc giả và cũng để dặn lòng mình rằng: “Viết một câu cho một người. Viết một câu cho hai người. Viết nghìn câu cho bao người. Viết trường thiên cho muôn loài. Mà thề sẽ không viêt, một chữ cho kẻ gian…”
Huỳnh Quốc Bình
P.O. Box 20361, Salem, OR 97307. USA
(503) 568-8565
Email: huynhquocbinh@yahoo.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét