Tác giả: CHRISTINA LIN - WASHINGTON INSTITUTE
Nỗ lực tăng cường đầu tư năng lượng của Trung Quốc đã mở rộng tới mọi ngóc ngách của Trung Đông Lớn, đặc biệt ở Lòng chảo Caspi và những giao điểm quan trọng như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.
Trong nhiều trường hợp, vị thế kinh tế đang trỗi dậy đã chuyển thành một địa vị quân sự, dẫn tới sự tham gia với mức độ lớn của giới quân sự Trung Quốc trong các dự án năng lượng và những "quan hệ đối tác chiến lược" mà Bắc Kinh hình thành với các quốc gia quan trọng.
Biển Caspi
Ở lòng chảo Biển Caspi, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào Kazakhstan, Turkmenistan, và Iran, đồng thời gia tăng quan hệ với Azerbaijan.
Các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng chủ chốt của họ trong khu vực là hệ thống dẫn dầu Kazakhstan - Trung Quốc (hoàn thành tháng 7/2009 với công suất tối đa là 20 triệu tấn/năm) và hệ thống dẫn khí Turkmenistan - Trung Quốc (hoàn thành tháng 12/2009 với công suất tối đa là 40 tỉ mét khối/năm hay còn lại hệ thống ống dẫn Trung Á - Trung Quốc).
Bắc Kinh cũng đầu tư vào mỏ dầu Bắc Azadegan của Iran và mỏ khí Nam Pars; giữa năm 2005 và 2010, các hãng Trung Quốc ký kết nhiều hợp đồng trị giá 120 tỉ USD với ngành khai thác hydrocarbon của Iran. Thêm vào đó, Bắc Kinh còn đang xem xét những dự án cơ sở hạ tầng để cuối cùng nối kết Trung Quốc và Iran thông qua hệ thống ống dẫn, đường sắt, đường bộ, cho phép Trung Quốc nhập khẩu nguồn năng lượng Iran trên đất liền trong trường hợp các lộ trình hàng hải ở khu vực vùng Vịnh bất ổn hoặc bị đe dọa.
Và như đề cập ở trước, Tổng thống Turkmenia Berdimuhamedov đã tuyên bố dự án trị giá 2 tỉ USD vào tháng 6/2010 nối hệ thống ống dẫn phía đông Trung Quốc với nguồn tài nguyên phía tây của Turkmenistan, từng được đánh dấu bởi hệ thống ống dẫn Nabucco do EU hỗ trợ.
Giao điểm vùng Vịnh
Iran có ý nghĩa đặc biệt với Trung Quốc vì có biên giới giáp ranh với cả Biển Caspi và Vịnh Ba Tư. Tại vùng Vịnh, Bắc Kinh coi Iran như là "đối trọng" với các quốc gia Ảrập được Mỹ ủng hộ như Ảrập Xêút và những vương quốc láng giềng. Đặc biệt hơn, nhiều người còn tin rằng Hải quân Mỹ không có khả năng phong tỏa hoàn toàn vùng Vịnh chừng nào Iran còn kiểm soát sườn phía đông. Tehran còn là một giao điểm chủ chốt trong Con đường Tơ lụa trên biển và đất liền của Trung Quốc. Vì thế, Bắc Kinh đang tìm cách kết nối các tuyến đường sắt với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu, thậm chí có thể thiết lập một căn cứ hải quân trên một trong các đảo của Iran.
Trong một số trường hợp, tính chất bất ổn của quan hệ năng lượng giữa Trung Quốc và Iran dường như trái ngược vào tầm quan trọng chiến lược của quan hệ song phương ở tầm lớn hơn. Phần lớn quan hệ năng lượng vùng Vịnh của Trung Quốc là với Iran, Ảrập Xêút và Iraq. Theo nhà phân tích Erica Downs, trong khi Bắc Kinh xem Ảrập Xêút là đối tác đáng tin cậy và Iraq là một mảnh đất cơ hội cho Công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), thì họ coi Iran như một nơi khá khó khăn để kinh doanh.
Mặc dù người ta chứng kiến các hợp đồng trị giá nhiều tỉ USD giữa Trung Quốc và Iran, nhưng trên thực tế, đầu tư của Trung Quốc lại thấp hơn. Downs cho rằng, các phương tiện truyền thông Iran đã cố tình phóng đại con số nhằm khẳng định rằng, nước này không bị cô lập, ngược lại báo chí Trung Quốc lại cố giảm bớt vì những mục tiêu "mập mờ". Ví dụ, một số hạng mục đầu tư được "cam kết" trong các bản ghi nhớ giữa Tehran và Bắc Kinh nhưng không nhất thiết phải hoàn thành. Và chi tiết của bất kỳ "thỏa thuận" nào trong số ấy thường không được rõ ràng.
Hơn thế nữa, các công ty dầu khí Trung Quốc "có lịch sử ký kết các thỏa thuận mà họ không có ý định giành khoản đầu tư đáng kể cho tới khi các biện pháp cấm vận được dỡ bỏ và những rủi ro địa chính trị giảm bớt. Ví dụ, CNPC đã ký một hợp đồng với chính phủ của Saddam Hussein về mỏ dầu al-Ahdab trong năm 1997, nhưng trì hoãn đầu tư vì lệnh cấm vận của LHQ, và sau đó ký thỏa thuận mới với chính quyền thời hậu chiến năm 2008". Đúng như nhà phân tích Afshin Molavi chỉ ra rằng, về nhu cầu năng lượng và kinh tế, Iran cần Trung Quốc như một đối tác hơn là Trung Quốc cần Iran.
Tuy nhiên, về mặt địa chính trị, Iran vẫn là một đối tác chiến lược với Trung Quốc trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Và Bắc Kinh xem các đồng minh vùng Vịnh quan trọng hơn các đồng minh Địa Trung Hải vì họ gần biển Ảrập, vịnh Aden, Biển Đỏ, Đông Phi và Ấn Độ Dương cũng như cảng Gwadar của Pakistan, nơi Trung Quốc đã xây dựng được một vị trí chắc chắn và hy vọng cuối cùng có thể thiết lập một căn cứ hải quân.
Đặt nền móng với Ảrập Xêút
Bắc Kinh cũng cố gắng để cân bằng các lợi ích của Iran trong môi quan hệ giữa họ với Ảrập Xêút. Kể từ năm 2005, khi Quốc vương Abdullah lên ngôi, Riyadh đã thông qua một chính sách "hướng đông" và xem Trung Quốc như một thị trường ổn định cho xuất khẩu dầu. Hơn một nửa lượng dầu của Ảrập Xêút giờ đây tuôn chảy tới châu Á so với 14% tới Mỹ. Hãng Saudi Aramco là chủ một cơ sở lọc dầu ở tỉnh Thanh Đảo, Trung Quốc và một nhà máy lọc dầu khác tại Phúc Kiến, trong khi các công ty Trung Quốc đã bắt đầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghiệp tại Ảrập Xêút, bao gồm một tuyến đường sắt vận chuyển vừa hoàn thành gần đây để đưa người hành hương Mecca.
Trong khi đó, thương mại song phương đạt 40 tỉ USD năm 2010. và vương quốc này vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại Trung Đông. Dĩ nhiên, hợp tác Trung Quốc - Ảrập Xê út còn vượt qua cả các lợi ích dầu mỏ và thương mại. Trung Quốc đã cung cấp cho Ảrập Xêút các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân CSS-2 mà Washington giờ đây lo ngại rằng, Riyadh có thể tìm kiếm khả năng ngăn chặn chống lại Iran bằng cách tậu nhiều tên lửa thiết kế của Trung Quốc cũng như các đầu đạn hạt nhân từ Pakistan.
Cả hai nước cũng tăng cường hợp tác quân sự, đặc biệt trong lĩnh vực hải quân. Ngày 27/11/ 2010, một đội tàu hộ tống hải quân Trung Quốc đã tới cảng Jeddah, trong chuyến viếng thăm đầu tiên tới Ảrập Xêút. Thiếu tướng Hải quân Abdullah al- Sultan, chỉ huy một hạm đội của Ảrập Xêút đã đón tiếp đội tàu, và bày tỏ hy vọng rằng, chuyến thăm sẽ thúc đẩy hợp tác quân sự song phương. Điểm dừng Jeddah nằm trong lịch trình cập cảng của hải quân quân đội Trung Quốc trong năm 2010 tới Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất, Ai Cập, Hy Lạp và Italy khi Trung Quốc gia tăng sự hiện diện hải quân ở vịnh Aden và Địa Trung Hải.
Mặc dù Mỹ vẫn là nước đảm bảo an ninh chủ chốt của Ảrập Xêút (ví như gói vũ khí trị giá 60 tỉ USD gần đây), nhưng vương quốc này vẫn nỗ lực tự "bảo hiểm rủi ro" khi đối mặt với nguy cơ hạt nhân Iran.
- Nguyễn Huy (Theo thecuttingedgenews)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét