Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

Vấn nạn trộm cắp tại các công ty trong khu công nghiệp và chế xuất

Trí Vũ

Vừa qua ngày 21/04, anh Nguyễn Công Nhựt là trưởng phòng Quản Lý kho thành phẩm của công ty Kumho, một công ty chuyên làm lốp xe ô tô của Hàn Quốc, bị bắt giam tại trụ sở công an huyện Bến Cát để điều tra vụ việc công ty mất 6,628 cái lốp không rõ lý do, chỉ sau đó khoảng 3 ngày thì người nhà hay tin anh đã bị chết tại nơi tạm giam.

Trong khuôn khổ bài viết này, xin không bàn đến chuyện công an có lạm dụng quyền lực, gạ tình, hay anh Nhựt có liên can gì đến chuyện mất cắp hay không... tôi chỉ nêu lên thực trạng về vấn nạn trộm cắp tại các công ty lớn nhỏ trong khu công nghiệp và chế xuất hiện nay.
Tình hình lao động tại Việt Nam, những người nào đi làm công ăn lương mà lo đầy đủ cho gia đình, có được xe cộ, nhà cửa tinh tươm ở thành phố là chuyện hiếm. Có chăng đó là những kỹ sư, chuyên gia làm việc lâu năm cho công ty nước ngoài. Tính một cách đại khái, một kỹ sư sau khi đi làm 2-3 năm, mức lương có thể được trả là 12 triệu đồng một tháng, sau khi trừ chi phí một tháng khoảng 5 triệu đồng, thì còn lại 7 triệu đồng để dành. Với số tiền tích lũy này thì phải mất khoảng 8 đến 10 năm sau mới có thể mua được 1 miếng đất ở ngoại thành và xây căn nhà cấp 4. Còn đối với công nhân, kỹ thuật viên bình thường, mức lương căn bản chỉ là 1,650,000 đồng/tháng tại vùng 1 (vùng được hưởng mức lương cao nhất - khu vực thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội), cộng với số tiền tăng ca hằng tháng, với thu nhập khoảng 2,500,000 đến 3,000,000 đồng thì chỉ đủ sống cho qua ngày mà thôi.
Tuy nhiên thực thế có những nhóm người cũng là đi làm thuê nhưng do biết cách “xoay sở” nên làm giàu rất nhanh.
Nếu bạn chỉ là một nhân viên bình thường, với thu nhập chỉ vài triệu đồng mỗi tháng, nhưng suốt ngày làm việc cho công ty để tạo ra các sản phẩm có giá trị rất cao, xuất khẩu đi nước ngoài… thì bạn sẽ nghĩ gì?
Một công nhân nữ làm ra nhiều món đồ lót thời thượng trong mỗi ca làm việc, giá vài chục USD một cái, họ bị cám dỗ như thế nào trước cuộc sống khó khăn hiện nay.
Một kỹ thuật viên bảo hành các máy SmartPhone (iPhone, BlackBerry) cho ATT, Verizon, T-Mobile tại Việt Nam… máy nhỏ gọn, giá trị của nó gấp nhiều lần một tháng lương, sự cám dỗ còn lớn hơn.
Một thực trạng không thể chối cãi là tình hình trộm cắp tài sản xảy ra rất phổ biến tại các nhà máy, phân xưởng, kho bãi… nhất là tại các công ty có đầu tư nước ngoài làm điên đầu các nhà quản lý và chủ công ty. Song song với điều đó, nó góp thêm phần cho sự bất ổn của xã hội.
Hiện nay ở các thành phố lớn, cụm từ “hàng xí nghiệp” giờ cũng trở nên thân quen với rất nhiều người và được ưa chuộng bởi chất lượng và giá cả hợp lý. Đa phần “hàng xí nghiệp” là sản phẩm của các công ty tại Việt Nam gia công cho các hãng nổi tiếng trên thế giới như Adidas, Nike, Samsonite, Puma, The North Face… những mặt hàng này về nguyên tắc phải bị tiêu hủy khi có lỗi, không được làm quá số lượng đặt hàng, được bảo vệ nghiêm ngặt… nhưng cuối cùng bằng nhiều cách, nó vẫn được đẩy ra bán trên thị trường.
Một anh quản lý phòng sạch của một công ty lớn chuyên ráp màn hình cảm ứng cho điện thoại di động cho biết “suốt ngày tôi không thể tập trung vô việc nào khác ngoài việc kiểm tra, giám sát nhân viên, theo dõi sổ giao nhận hàng hóa, số liệu hàng thành phẩm, phế phẩm, tồn kho… vì sơ sẩy một chút là hàng hóa thất thoát ngay lập tức, khi đó tôi phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước công ty”.
Anh kể rằng có nhiều hình thức trộm cắp tinh vi, không vụ nào giống vụ nào. Đối tượng có thể mang dép xốp, khoét rỗng ruột và bỏ linh kiện vào đó mang về (giống như cách người ta mang vàng đi vượt biên hồi xưa), hoặc họ có thể mang hàng bị hư ở ngoài vào công ty, đổi lấy hàng tốt rồi mang ra, rồi thì hàng tốt bỏ lẫn vào rác thải… đợi cơ hội để lấy. Họ tổ chức thành đường dây, liên kết với bảo vệ để tuồn hàng ra… bên ngoài công ty thì có nhiều đầu nậu sẵn sàng lấy hàng ngay lập tức và thanh toán tiền sòng phẳng. Cá biệt có những vị trí cao cấp trong công ty, được cấp laptop cho công việc, sau nhiều lần bị thất thoát tài sản mà không biết vì đâu, gắn camera, cho người theo dõi thì biết rằng các vị này đã dùng ngăn chứa pin và ổ cứng của laptop để chứa hàng, lâu lâu đánh quả mang ra khỏi công ty. Khi phát hiện ra thì đã muộn và đành ngậm ngùi sa thải chứ biết làm sao.
Về phương diện người quản lý, một luật bất thành văn là anh tổ chức, giám sát công việc thế nào thì tùy, nhưng nếu anh lộ mặt ra xử lý vi phạm, hoặc báo cho bảo vệ công ty bắt các hành vi trộm cắp thì chắc chắn rằng anh cũng chẳng được yên thân. Đối tượng bị sa thải, bị tạm giam vài ngày, rồi sau đó quay lại với xã hội, họ ở thế cùng đường cho nên dễ sinh ra thù oán, đã có người bị nhắn tin khủng bố ngày đêm, hoặc bị đe dọa đâm chém, làm hại đến người thân… chỉ cần như thế thì tinh thần luôn bất an và chẳng thể làm được gì rồi. Do đó, rất nhiều người quản lý đã phải chọn cách làm ngơ cho qua, hoặc phải hợp thức hóa sổ sách cho khỏi liên lụy, và nhiều khi, chính người quản lý cũng bị lôi kéo, tham gia vào các phi vụ làm ăn này.
Về phía công ty, khi một vụ trộm cắp được phát hiện, nếu giá trị tài sản không quá lớn thì rất ít khi họ nhờ đến chính quyền can thiệp. Thông thường chỉ lập biên bản sự việc để làm chứng cứ cho việc sa thải hợp pháp nhân viên đó mà thôi, khỏi phải rắc rối về sau. Lý do công ty không làm lớn chuyện, không ra công an, cũng có nhiều vấn đề tế nhị, theo cách hiểu “được vạ thì má đã sưng”, bị vòi vĩnh, hoặc có khi còn tốn kém nhiều kiểu khác nhau nữa. Vì thế, do lợi trước mắt mà tính nghiêm minh của pháp luật không được thực thi.
Giải pháp nào cho tình trạng nhức nhối này?
Việc mất cắp tại công ty không chỉ xảy ra riêng ở các nước đang phát triển mà còn xảy ra ở các nước văn minh. Nhưng đây là điều đặc biệt nghiệm trọng tại Việt Nam khi hình thức quản lý còn nhiều sơ hở, cuộc sống có quá nhiều khó khăn nên dễ xảy ra cảnh “bần cùng sinh đạo tặc”, hoạch định mức lương tối thiểu chưa đúng với thực tế cuộc sống, do đạo đức xã hội càng ngày càng xuống dốc… Qua báo chí, mọi người đều thấy nhiều công trình lớn nhỏ bị rút ruột, tình hình tham nhũng hoành hành tại các tổng công ty, tình trạng hối lộ xảy ra tại các cơ quan công quyền khi người dân làm các thủ tục hành chính, nạn đút lót cho công an giao thông, nạn chạy chức, chạy quyền, phóng viên báo chí làm tiền, bác sĩ đòi tiền của bệnh nhân trước khi phẫu thuật… điều này rất dẫn đến tâm lý “người khác làm được thì mình làm được”, từ đó lương tâm con người bị xói mòn lúc nào không hay.
Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn đề ở trên không hề dễ dàng và phải bắt đầu từ quyết tâm của những vị trí lãnh đạo cao nhất của đất nước.
Phần công ty, đã có nhiều lời khuyên cho các nhà quản lý để đối phó với tình trạng này (1), chẳng hạn như kiên quyết sa thải các nhân viên ăn cắp, thêm các qui trình kiểm soát, theo đuổi vụ việc đến cùng, đưa ra các chính sách thích hợp để phòng ngừa, cho nhân viên hiểu rằng họ đang được giám sát một cách chặt chẽ, giáo dục nhân viên thường xuyên… nhưng như thế vẫn chưa đủ và phù hợp với tình hình thực tế Việt Nam.
Năm 2010, công ty Foxconn – vốn là công ty sản xuất iPhone và iPad cho Apple – đã tăng lương 2 lần trong một tuần cho nhân viên tại các nhà máy ở Thâm Quyến, lần đầu là 30%, lần sau là 70% sau khi có nhiều vụ tự tử xảy ra trong giới công nhân. Ông Terry Gou, chủ tịch và đồng sáng lập của Foxconn phát biểu: “Việc tăng lương được đưa ra là để bảo đảm phẩm giá của người công nhân” (2).
Trên quan điểm của ông Terry Gou, đây cũng chính là vấn đề cốt yếu của người lao động tại Việt Nam hiện nay. Khi mức lương được trả không tương xứng, cuộc sống không bảo đảm, thì phẩm giá của con người bị mất đi, một khi người lao động cảm thấy sự bất công đang hiện diện thì hành vi trộm cắp là một điều tất yếu sẽ phải đến không sớm thì muộn.
Hạnh phúc khi thấy phẩm giá con người được nâng cao là niềm mong ước không của riêng ai!

Chú thích:

(1) http://hrvietnam.com/vi/cam-nang/doi-pho-voi-thoi-trom-cap-o-cong-ty.35A4FA73.html
(2) http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2010/06/100607_foxconn_wagerise.shtml

Phụ lục:

- Vụ mất trộm tại công ty Kumho:
http://danviet.vn/40923p1c24/mot-truong-phong-chet-tai-tru-so-cong-an.htm
- Trộm cắp tại công ty Doosung:
http://tintuc.xalo.vn/00-912678335/Hang_loat_vu_trom_cap_o_Cong_ty_Doosung.html?id=413554&o=1197
- Trộm cắp tại công ty Denso:
http://www.baomoi.com/Trom-cap-tai-san-cua-cong-ty/104/4665604.epi
- Trộm ốc vít tại công ty Aironware:
http://www.sggp.org.vn/anninhtrattu/2011/3/253191/
- Trộm cắp tại công ty Sumitomo Bakelite:
http://www.hanoimoi.com.vn/newsdetail/Phap-luat/329998/nhom-trom-vang-rac-tai-cong-ty-sumitomo-bakelite-linh-an.htm
- Trộm cắp tại công ty Yamaha Moto Việt Nam:
http://www.baomoi.com/Cau-ket-trom-cap-tai-san-cong-ty/104/5459049.epi
- Trộm cắp tại công ty Sonion:
http://hcm.24h.com.vn/an-ninh-hinh-su/ba-bau-sap-sinh-chom-tai-san-cua-cong-ty-c51a356236.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét