Dưới vỏ bọc dân sự, nhưng lực lượng tàu hải giám của Trung Quốc lại có nhiều tính năng không kém các tàu hải quân.
Tàu hải giám 84 - Ảnh: sina.com |
Theo Tân Hoa xã, vào ngày 8.5.2011, tàu hải giám 84 với mẫu mã mới đã chính thức gia nhập vào biên chế của Tổng đội tàu hải giám Nam Hải (tức Tổng đội tàu giám sát khu vực biển Đông).
Đây là 1 trong 7 con tàu hải giám thuộc giai đoạn 2 của chương trình đóng tàu hải giám và máy bay của Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc (CHDQGTQ). Tàu hải giám 84 là thiết kế của Công ty Tập đoàn công nghiệp tàu thủy TQ, do Công ty công nghiệp tàu Võ Xương bắt đầu đóng từ tháng 9.2009 và hạ thủy vào tháng 9.2010. Tàu hải giám 84 dài 88m, rộng 12m, trọng tải 1.740 tấn. Độ dài hành trình lớn nhất trong 1 lần nạp nhiên liệu của tàu này là 5.000 hải lý.
TQ hiện có nhiều lực lượng khác nhau nhằm phục vụ mưu đồ vươn ra biển. Trước hết là hải quân với tàu ngầm, tàu nổi, và đang rục rịch chuẩn bị trình làng tàu sân bay cùng một số lượng khá nhiều máy bay. Bên cạnh hải quân, họ còn có lực lượng tàu chuyên dụng trên biển với ít nhất 7 loại khác nhau như ngư chính, hải giám, hải cảnh, hải sự, hải tuần... Trong đó lực lượng tàu ngư chính rất đông đảo. Tàu ngư chính Lôi Châu từng xâm phạm chủ quyền VN. Tàu ngư chính 311 là một trong số những tàu thuộc diện lớn với trọng tải 4.600 tấn. Nhiều thông tin cho biết các loại tàu “dân sự” này được trang bị như tàu hải quân. |
Tàu hải giám 12 mới nhất trong 3 tàu vi phạm chủ quyền Việt Nam, mới hạ thủy vào ngày 1.4.2011, được trang bị máy móc hiện đại nhất như hệ thống điều khiển qua vệ tinh GPS, radar lái tàu, điện thoại không dây, máy dò độ sâu...
Tàu hải giám 72 cũ nhất trong 3 tàu trên, dài 70m, rộng 9,40m, sâu 4,50m, trọng tải 898 tấn, có thể đi tới 2.500 hải lý mới cần nạp nguyên liệu, lực chống gió tới cấp 11, gồm 33 thuyền viên, 45 giường nằm... Trên rất nhiều diễn đàn trên mạng TQ, có không ít ngờ vực của cư dân mạng về việc tàu hải giám TQ có trang bị vũ khí. Có cư dân mạng cho rằng ít nhất các tàu này cũng được trang bị súng lớn.
Theo trang web của Cục Hải dương quốc gia TQ, Tổng đội tàu hải giám Nam Hải tính tới nay đã có 12 năm lịch sử (được thành lập vào ngày 14.6.1999). Theo ông Lý Lập Tân - Cục trưởng CHDQGTQ, tính tới nay, tổng đội trên đã có 13 con tàu, 3 máy bay, 25 xe hơi chuyên dụng. Ông Lý cũng thừa nhận việc gia nhập của tàu hải giám 84 đã đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của trình độ trang bị hải giám khu vực biển Đông.
Nguyễn Lệ Chi(Tổng hợp từ các báo TQ)
Nếu như trước đây, tàu của ngư dân VN bị tấn công giữa biển hoặc bị bắt giữ để đòi tiền chuộc, chúng ta còn bán tín bán nghi hay ngại ngần để đặt cho nó một cái tên là “tàu lạ” thì sự việc xảy ra trên biển Đông, trong vùng lãnh hải của VN rạng sáng ngày 26.5, thì đã có thể gọi đích danh đó là tàu hải giám Trung Quốc mang số hiệu 84.
Trong buổi tiếp xúc với các cơ quan truyền thông ngày 27.5 tại Hà Nội, ông Đỗ Văn Hậu, Phó tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia (PVN) đã nói thẳng đó là hành động xâm phạm lãnh hải VN trắng trợn và ngang ngược của Trung Quốc, vừa đe dọa an ninh chủ quyền quốc gia vừa làm thiệt hại về kinh tế cho PVN. Vậy là, cái gọi là “đường lưỡi bò” mà phía Trung Quốc từng rao giảng lâu nay để khẳng định “biên giới” của họ trên biển Đông không còn là chuyện “nói lấy được” nữa mà họ đã cụ thể hóa lời tuyên bố đó bằng hành động cụ thể.
Việc xâm phạm lãnh hải của một quốc gia có chủ quyền bằng những con tàu “hùng hổ”, mang số hiệu và treo cờ một cách công khai như thế, điều đó nói lên rằng, Trung Quốc đã coi biển Đông như là “nhà” của họ, vừa thể hiện tính kẻ cả nước lớn, lại vừa thách thức công luận quốc tế. Nó cũng nói lên rằng, tất cả những văn bản mà họ đã ký kết với các nước ASEAN năm 2002 về ứng xử giữa các bên trên biển Đông cũng chỉ có ý nghĩa trên giấy mà thôi.
Cũng cần nhắc lại rằng, trong nhiều năm qua, hàng chục con tàu đánh cá của ngư dân VN, chủ yếu là ngư dân Quảng Ngãi đi đánh cá một cách hòa bình trên biển Đông thuộc lãnh hải VN nhưng đã bị phía Trung Quốc, hoặc là tấn công cho chìm tàu, hoặc là bắt giữ để đòi tiền chuộc khiến cho nhiều gia đình ngư dân trắng tay và tan nát. Và, chúng ta đã phải tự kiềm chế vì không muốn làm phức tạp thêm tình hình.
Nhưng người ta đã biến sự kiềm chế ấy của chúng ta thành mảnh đất màu mỡ cho sự ngang ngược và lộng hành. Rất nhiều lần, tàu của Trung Quốc đã vào sâu trong vùng lãnh hải của VN, cách đảo Lý Sơn chỉ 5 hải lý; thậm chí, có những hôm, tàu của họ đột ngột xuất hiện trên vùng biển thuộc vịnh Việt Thanh, nơi chỉ cách Dung Quất một tầm nhìn! Nhưng đó mới chỉ là những chuyến “thăm dò” chứ chưa manh động, còn hôm 26.5 vừa qua, tàu hải giám mang số hiệu 84 đã không còn mang tính “thăm dò” nữa mà họ đã càn quấy trực diện vào tàu của PVN. Đó không còn là “tàu lạ” nữa.
Bất cứ người VN nào cũng đều phẫn nộ trước hành động ngang ngược này. Vì vậy, chúng ta cần có một tiếng nói chính thức và quyết liệt ở những cấp cao hơn. Bởi vì, những thiệt hại về kinh tế của PVN tuy rất lớn, song mất mát lớn hơn cả là lòng tự tôn của dân tộc bị tổn thương.
Trà Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét