Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

Người lính tương lai: bấm phím thay xiết cò

Chiến tranh không gian mạng đang trở thành một thách thức mang tính toàn cầu đối với an ninh kinh tế, chính trị, quân sự của mỗi quốc gia trên toàn thế giới.
Chiến tranh không gian mạng là gì?
Đây là những cuộc tấn công vào các mạng máy tính, hệ thống lưu trữ dữ liệu, hệ thống điều khiển và quản lý các hoạt động qua mạng, hệ thống ngân hàng, tài chính, chứng khoán, các hệ thống vũ khí được điều khiển từ xa qua mạng như vệ tinh, phương tiện bay không người lái...

Chiến tranh thế giới thứ 2 đã châm ngòi cho cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật bùng nổ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ thông tin và truyền thông. Internet ra đời trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hiện tại và cả tương lai. 


Internet làm cho thế giới xích lại gần nhau hơn. Gần như mọi hoạt động đều được đưa lên mạng internet khiến nó trở thành kho tàng quý báu của nhân loại. Chúng ta có thể tìm thấy gần như là tất cả mọi thứ từ internet, nhưng thế giới mạng cũng là môi trường có thể tạo ra các cuộc chiến tranh không khói súng.


Có thể tạo ra một cuộc tấn công nguy hiểm từ bất cứ nơi nào.

Tại sao chiến tranh không gian mạng lại là thách thức mới của nhân loại?
Sự phát triển không ngừng của internet đã mang lại những lợi ích to lớn, song cũng đặt ra nhiều thách thức nghiêm trọng đối với vấn đề an ninh mạng và bảo mật hệ thống.

Một thực tế là trên internet có gần như mọi thứ, và nó trở thành miếng mồi béo bở cho các hacker có mưu đồ bất chính hay tội phạm công nghệ cao. Sở dĩ chiến tranh không gian mạng trở nên nguy hiểm vì nó có thể thực hiện một cuộc tấn công vào hệ thống từ bất cứ nơi đâu. 

Chỉ cần sở hữu một chiếc máy tính nối mạng cùng một chút kiến thức về bảo mật và an ninh mạng, ai cũng có thể thực hiện một cuộc tấn công vào hệ thống gây ra những hiểm họa khôn lường. Vụ rò rỉ hàng trăm nghìn tài liệu mật về quân sự, chính trị được Wikileaks phát tán trên mạng đã gióng lên một hồi chuông báo động về chiến tranh không gian mạng.

Chiến tranh không gian mạng diễn ra như thế nào?
Có hai hình thức tấn công chính: thụ động và chủ động.

Tấn công thụ động: hacker sẽ viết một đoạn mã (virus) và phát tán nó lên mạng dưới dạng các mẫu quảng cáo, thông báo... Khi người dùng vô tình click vào đó, đoạn mã sẽ được thực thi. Nó xâm nhập vào máy, chiếm quyền điều khiển, lấy cắp thông tin hoặc dùng làm bàn đạp để tấn công các máy khác mà  người sử dụng không hề hay biết.

Tấn công chủ động
: các hacker sẽ tấn công trực tiếp vào các lỗ hỗng bảo mật trên hệ thống, chiếm quyền điều khiển máy chủ, gây xáo trộn thông tin, đánh cắp thông tin mật, cung cấp tin tức tình báo giả, gây xáo trộn các hệ thống vũ khí được điều khiển qua mạng,  thậm chí đánh sập làm tê liệt cả hệ thống. 

Trong tương lai, những người lính sẽ ngồi trong phòng thay vì xông pha ngoài mặt trận.

Các cuộc tấn công mạng ngày một gia tăng
Các mạng máy tính ở Mỹ, đặc biệt  là mạng máy tính của Lầu Năm Góc, là nơi hứng chịu nhiều cuộc tấn công của các hacker nhiều nhất trên thế giới. Mỗi năm có hàng trăm ngàn cuộc tấn công nhắm vào mạng này. 

Từ năm 2008, quy mô tấn công ngày càng gia tăng sau khi một ổ đĩa dữ liệu của quân đội Mỹ bị nhiễm virus tại Trung Đông. Các quan chức Trung Quốc đã khuyến cáo quân đội nên xem xét lại khả năng đối phó với thách thức mới từ chiến tranh không gian mạng đang trở nên ngày một nghiêm trọng hơn. 

Còn chính quyền Trung Quốc cho biết: chỉ trong vài ngày họ đã bắt giữ hơn 460 hacker, đóng cửa hàng loạt trang web hướng dẫn cho mọi người cách hack các website. Cảnh báo các cuộc tấn công mạng lan tràn trên toàn quốc, các trang web bị chặn vẫn dễ dàng truy cập lại dưới những tên miền khác. 

Một đại diện của Bộ Công an Trung Quốc cho biết: “Hiện nay, tình hình liên quan đến các cuộc tấn công mạng tại Trung Quốc diễn biến rất phúc tạp, trong đó tấn công từ tin tặc trong nước ngày càng phổ biến hơn".

Đối phó với chiến tranh không gian mạng
Bộ Quốc phòng Mỹ đã chính thức thành lập lực lượng tác chiến đặc biệt USCYBERCOM, chuyên thực hiện nhiệm vụ phát hiện, ngăn chặn, đáp trả các cuộc tấn công mạng, đảm bảo hoạt động thông suốt của các hệ thống máy tính, đảm bảo sự tự do hành động của Mỹ và các đồng minh trong không gian điều khiển học. 

Lầu Năm Góc đã từng tuyên bố chiến tranh không gian mạng là điều tất yếu. Trung Quốc tuy không công khai, song đã thành lập một đội ngũ “chiến binh không gian mạng” đông đảo để thực hiện và đối phó với chiến tranh không gian mạng.

Bộ Quốc phòng Anh liệt kê chiến tranh không gian mạng vào một trong những thách thức hàng đầu với an ninh quốc gia của nước này.

Các nước lớn khác như Nga, Pháp, Đức, Nhật Bản đều đặt chiến tranh không gian mạng vào một trong những mối quan tâm lớn nhất, và bắt đầu xúc tiến thành lập các lực lượng chuyên biệt để đối phó với chiến trang không gian mạng.

Chiến tranh không gian mạng đã được chấp nhận là cuộc chiến thứ 5, không có tiếng súng ngoài các cuộc chiến truyền thống của hải, lục, không quân, tình báo. Cuộc chiến này cũng không kém phần khốc liệt.
Quốc Việt (tổng hợp)
Tìm hiểu Bộ Tư lệnh Tác chiến mạng Quân đội Mỹ

Bộ Tư lệnh Tác chiến mạng quân đội Mỹ có sở chỉ huy đóng tại căn cứ Lục quân George G. Meade, tổng quân số 21.000 nhân viên, sỹ quan và binh lính.


Bộ Tư lệnh Tác chiến mạng quân đội Mỹ do Tướng Keith B. Alexander (*) làm chỉ huy. Bộ Tư lệnh được tổ chức thành 4 đơn vị, bao gồm: Tập đoàn Tác chiến mạng Lục quân số 2, Tập đoàn Tác chiến mạng Không quân số 24, Hạm đội Tác chiến mạng Hải quân số 10 và Lữ đoàn Tác chiến mạng của Hải quân đánh bộ.
Tướng Keith B. Alexander chỉ huy Bộ Tư lệnh Tác chiến mạng quân đội Mỹ.
Tập đoàn Tác chiến mạng Lục quân số 2
Tập đoàn Tác chiến mạng Lục quân số 2 được biên chế thành ba đơn vị lẻ, hoạt động độc lập đó là, Quân đoàn Công nghệ thông tin mạng số 9, Lữ đoàn Tác chiến thông tin mạng số 1, Quân đoàn An ninh và Tình báo mạng.

Quân đoàn Công nghệ thông tin mạng số 9 với biên chế khoảng 16.000 quân, Quân đoàn này có nhiệm vụ lập kế hoạch, thiết kế, lắp đặt, phối hợp, bảo vệ và tác chiến mạng của Lục quân.

Quân đoàn này tiếp tục được chia nhỏ thành các đầu mối đơn vị như, Sư đoàn Tác chiến thông tin mạng chiến lược số 5 đảm nhiệm tác chiến mạng cấp chiến lược toàn châu Âu.

Trong đó có, Lữ đoàn tín hiệu số 2 với biên chế 5 Tiểu đoàn và Cụm yểm trợ công nghệ thông tin dân sự 6981 đóng vai trò chủ đạo, bên cạnh đó còn có Lữ đoàn tín hiệu số 7 với biên chế 3 Tiểu đoàn.

Ngoài ra, trực thuộc quân đoàn còn có Sư đoàn thông tin số 7, Sư đoàn thông tin số 311 Thái Bình Dương, Sư đoàn thông tin số 335 Trung Đông. 

Sư đoàn thông tin số 7 được chia nhỏ thành các đơn vị viễn chinh, tác chiến mạng cấp chiến thuật, các đơn vị xâm nhập mạng và đánh chặn mạng, các đơn vị này được trang bị chủ yếu các  phương tiện như, máy tính, máy truyền số liệu, máy phát xung, đài vô tuyến và hệ thống cáp mạng.

Đối với Lữ đoàn Tác chiến thông tin mạng số 1 được biên chế các đơn vị như, phòng nhân sự S1, phòng tình báo S2, phòng tác chiến S3, phòng hậu cần S4, phòng tự động hóa S6, phòng quản lý các dự án.

Các tiểu đoàn số 1, số 2 đảm nhiệm chức năng phân tích, hỗ trợ và giải quyết các thách thức về môi trường thông tin mạng, quản lý thiệt hại mạng và hỗ trợ huấn luyện và lập kế hoạch tác chiến mạng máy tính. Ngoài ra, còn có Lực lượng dự bị và huấn luyện.

Đối với Quân đoàn An ninh và Tình báo mạng được biên chế gồm, Lữ đoàn tình báo mạng quân sự số 66, Lữ đoàn tình báo mạng quân sự số 300, Lữ đoàn tình báo mạng quân sự số 500, Lữ đoàn tình báo mạng quân sự số 501, Lữ tình báo mạng quân sự số 704.
Văn phòng tác chiến mạng của Bộ Tư lệnh Tác chiến mạng Quân đội Mỹ.

Tập đoàn Tác chiến mạng Không quân số 24
Tập đoàn Tác chiến mạng Không quân số 24 là đơn vị thứ hai trực thuộc Bộ Tư lệnh Tác chiến mạng quân đội Mỹ. Lực lượng này chủ yếu được biên chế các phi đội trinh sát và máy bay không người lái như:  Phi đội số 11, Phi đội số 12, Phi đội số 15, Phi đội số 30, Phi đội yểm trợ tác chiến mạng số 107 với trang bị máy bay RQ-4 Global Hawk, máy bay MQ-1 Predator, RQ-170 Sentinel, F-16C/D và A-10. Ngoài ra còn có máy bay C-130H Hercules, máy bay KC-135;

Hạm đội Tác chiến mạng Hải quân số 10 
Hạm đội này được biên chế khoảng 4.500 quân, Hạm đội này có nhiệm vụ, hỗ trợ tác chiến cho Hải quân trên toàn thế giới, hỗ trợ thông tin, máy tính, tác chiến điện tử và không gian mạng.

Các đơn vị trực thuộc gồm, Trung tâm Tác chiến mạng và không gian, Trung tâm Tác chiến mạng thông tin hạm đội, Trung tâm phòng thủ mạng và Cụm an ninh mạng hỗn hợp Hải quân.

Lữ đoàn Tác chiến mạng Hải quân Đánh bộ
Lữ đoàn Tác chiến mạng Hải quân Đánh bộ với biên chế khoảng 800 quân trực thuộc các đơn vị như, Trung tâm tác chiến an ninh mạng, Đại đội hỗ trợ kỹ thuật mật mã, Đại đội hỗ trợ hậu cần và kỹ thuật.
(*) Trung tướng Keith B. Alexander sinh năm 1952 ở Syracuse, New York, năm 1978 Ông tốt nghiệp Học viện Quân sự Mỹ tại Westpoint sau đó ông tốt nghiệp Trường học viện Hải quân với học vị thạc sĩ trong cả hai lĩnh vực Hệ thống Công nghệ và Vật lý. 

Ngoài ra, ông Alexander còn có bằng thạc sĩ về Quản trị Kinh doanh của ĐH Boston và bằng Chiến lược An ninh Quốc gia của Học viện Quốc phòng Mỹ.


Ông từng trải qua các lớp đào tạo cấp cao trong các lĩnh vực như: tình báo quân sự, chỉ huy tham mưu, 
đã từng giữ các chức vụ như Phó Chánh văn phòng Nhân viên trụ sở quân đội Mỹ; chỉ huy tình báo và an ninh tại Fort Belvoir thuộc quân đội Mỹ. 
Ngày 30/7/2005, Trung tướng Keith B. Alexander đã được chọn làm giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia, thay thế Trung tướng Michael V. Hayden.
Ngày 23/6/2009, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã chính thức tuyên bố thành lập lực lượng tác chiến mạng (USCYBERCOM) và bổ nhiệm chức vụ Tổng chỉ huy lực lượng này cho Trung tướng Keith B. Alexander.
Nam Hoàng (theo Arcyber, Publicintelligence)
 
Giải mã ký tự lạ trên logo Đặc nhiệm mạng Mỹ

Trên biểu trưng (logo) của USCYBERCOM ngoài những biểu tượng quen thuộc, còn có một cái gì đó mới mẻ và cực kỳ lạ.
Bộ chỉ huy Điều khiển học Mỹ USCYBERCOM (United States Cyber Command) là lực lượng đặc nhiệm mạng mới được thành lập của quân đội Mỹ.

Ngay khi biểu trưng của USCYBERCOM xuất hiện, giới chuyên gia mật mã, lập trình, các nhà phân tích máy tính, quân sự và chính trị thế giới đã náo nhiệt bàn nhau cách thức "công phá" biểu tượng bí ẩn mới của bộ máy Nhà nước Mỹ, vốn sùng bái chủ nghĩa biểu tượng bí ẩn. 

Người đầu tiên phát hiện ra điều bất thường có lẽ là chuyên gia về các hệ thống máy tính Bruce Karleton từ California. 

Ngày 27/6/2010, ông đã viết trên blog của mình: Trên logo mới của USCYBERCOM, trong không gian đầy ắp những biểu tượng có một điều gì đó mới mẻ, rất lạ. Trên vòng tròn bên trong, màu kim loại vàng của logo có một tập hợp 32 ký tự viết liền mà ai để ý một chút cũng có thể đọc được. 

Chuỗi ký tự đó là: 9EC4C12949A4F31474F299058CE2B22A 
Biểu trung của lực lượng USCYBERCOM.
Cận cảnh biểu trưng của USCYBERCOM và dòng chữ bố trí trên viền tròn vàng.

Tuy nhiên, đọc nó thì dễ, còn giải nghĩa nó thì khó hơn nhiều. Đến nay, có ý kiến cho rằng, đây là thông điệp hoặc là phương châm hành động được mã hóa của đơn vị này, có thể là dưới dạng hash code (tạm dịch là hàm băm mật mã). 

Xét tới thiên hướng của các cơ quan nhà nước Mỹ hay kịch tính hóa các nhiệm vụ của mình trên phạm vi toàn cầu, thậm chí rộng lớn hơn, cũng như các cách diễn đạt mù mờ cố ý, thì việc diễn dịch thông điệp này thật đáng thú vị. 

Với các chuyên gia cơ mật, thật không khó để lùng ra một ý nghĩa nào đó của chuỗi mật mã. Bằng cách sử dụng phần mềm hash MD5 (thậm chí, có sẵn trên internet), các chuyên gia tình báo quân sự đã diễn giải chuỗi ký tự trên ra một đoạn văn:

"USCYBERCOM plans, coordinates, integrates, synchronizes and conducts activities to: direct the operations and defense of specified Department of Defense information networks and; prepare to, and when directed, conduct full spectrum military cyberspace operations in order to enable actions in all domains, ensure US/Allied freedom of action in cyberspace and deny the same to our adversaries". 
Tạm dịch là: 

USCYBERCOM hoạch định, điều phối, liên kết, đồng bộ và tiến hành các hoạt động nhằm: chỉ đạo các chiến dịch và hoạt động phòng thủ các mạng thông tin xác định của Bộ Quốc phòng (Mỹ) chuẩn bị và khi được chỉ đạo, tiến hành đầy đủ các loại hoạt động không gian điều khiển học quân sự, tạo điều kiện cho các hành động trên tất cả các domain, bảo đảm sự tự do hành động của Mỹ và đồng minh trong không gian điều khiển học và ngăn chặn khả năng đó của các kẻ thù của chúng ta.
Đây có thể coi là thông điệp về sứ mệnh của USCYBERCOM. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một giả thiết. Hash code, nói một cách chặt chẽ, không phải là phương tiện độc nhất để nhận dạng một chuỗi ký tự cụ thể. Cũng một hash đó có thể có đem lại vô số đoạn văn bản. Hiện chẳng ai biết liệu logo USCYBERCOM có hàm chứa ý nghĩa ẩn nào hay không, thậm chí nó có vai trò thực sự hay chỉ là đòn hỏa mù, một trò đùa của Mỹ.

Song đoạn văn bản nêu sứ mệnh của USCYBERCOM cũng khiến người ta phải suy nghĩ. Lầu Năm góc đang mưu toan bảo đảm cho mình và các đồng minh ngoan ngoãn của họ toàn quyền tự do hành động trên không gian điều khiển học mà tước bỏ quyền tự do đó đối với toàn bộ phần còn lại của nhân loại. Sứ mệnh đó đã được tuyên bố. Chúng ta không nên quên điều đó.
Quá trình hình thành USCYBERCOM

Năm 2009, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Không gian AFSPC (Air Force Space Command) thuộc Không quân Mỹ, Tướng C. Robert Kehler đã đưa ra quan niệm về một không gian ưu thế toàn cầu mới là “không gian chiến trường hình cầu” (Spherical Battlespace) bắt nguồn từ những quan điểm nền tảng của nguyên tắc: Nắm bắt tình huống (Situational Awareness) và những phương pháp mới làm việc với thông tin bị cục bộ hóa trong không gian và thời gian. 

Hệ quả logic của chính khái niệm mới và cách đặt vấn đề mới là đề xuất đưa Bộ chỉ huy Điều khiển học vào cơ cấu AFSPC. 

Tháng 5/2009, Thượng viện Mỹ đã xem xét và chấp thuận ý tưởng của Tướng Kehler. Tháng 4/2010, việc đưa lực lượng đặc nhiệm mạng vào cơ cấu AFSPC lại được khẳng định tại Hội nghị Vũ trụ Quốc gia lần thứ 25 của Mỹ.
Sau đó, cũng trong tháng 4/2010, Tướng Norton A. Schwartz, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, đã phê chuẩn thiết kế logo mới của lực lượng điều khiển học Mỹ, cũng như quy định mang biểu trưng này đối với quân nhân. 

Tuy nhiên, một tháng sau, USCYBERCOM lại được chuyển thuộc một cơ quan mới là Bộ chỉ huy Chiến lược Mỹ USSTRATCOM (United States Strategic Command, sở chỉ huy tại căn cứ không quân Offutt, bang Nebraska). 

Không rõ đằng sau sự thay đổi nhanh chóng quy chế của lực lượng điều khiển học là gì. Đó có thể là việc xem xét lại các nhiệm vụ của nó hay trái lại là việc ngụy trang những mục tiêu mà Tướng Kehler đã công bố quá lộ liễu? 

Có thể mật mã dị thường trên logo USCYBERCOM sẽ giúp gỡ rối mớ bòng bong những hành động tưởng là phi logic của bộ máy nhà nước Mỹ. 
Nam Xương (tổng hợp)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét