Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Cô ơi, giả dối vẫn ngang nhiên ở trường...

Phạm Thị Mẫn
Bức thư của em học sinh Phạm Thị Mẫn không chỉ là những sự thật phũ phàng trong việc giảng dạy và học Văn, mà còn đưa ra câu hỏi nhức nhối trong môi trường sư phạm. VietNamNet xin giới thiệu tới độc giả phần 2 của bức thư “đặc biệt” này, đăng trên báo Văn nghệ Thái Nguyên, số 8/2011.
Cô kính mến!
(…) Thưa cô, cuộc vận động “Nói không với tiêu cực” liệu có trở thành một khẩu hiệu trống rỗng hay không, khi đã và đang có quá nhiều điều hoàn toàn không hay chút nào vây lấy chúng em, từ học hành đến thi cử, từ tiếp thu kiến thức đến sử dụng kiến thức?
Trường học lẽ ra phải là nơi chúng em được học những điều tốt đẹp nhất thì tại đây, sự giả dối vẫn ngang nhiên diễn ra, không biết bao giờ mới chấm dứt?
Giờ học ầm ầm như cái chợ vẫn được điểm 10 vì thày cô nể nhau. Một số thày cô thực tập lên lớp còn lúng ta lúng túng, thậm chí dạy sai cả kiến thức, nhưng nghe thày Hiệu trưởng công bố kết quả xếp loại thì vẫn thấy những thầy cô ấy đạt loại xuất sắc! Hàng ngày thày cô sa sả mắng học trò dốt nát, nhưng cuối năm vẫn cứ 70% học lực khá giỏi, 90% hạnh kiểm tốt, tốt nghiệp vẫn 100%.
Thày cô luôn dạy chúng em phải trung thực, nhưng trước khi thi tốt nghiệp, thày cô lại dặn phải gây thiện cảm với giám thị, nếu là bạn trường mình thì phải “giúp đỡ”, nhưng với trường ngoài thì tuyệt đối không để cho “người ta” nhìn bài. Tại sao lại thế hả cô?
Sau ba năm học và thi thoảng trở lại trường, em thấy càng ngày trường mình càng được xây dựng đàng hoàng, to đẹp. Nhưng em thấy đắng lòng khi cảm nhận được mỗi viên đá lát, mỗi vườn cây đều thấm đầy mồ hôi, nước mắt.(..) Đóng góp của phụ huynh thì nhiều thế, mà thật lạ lùng - em nói điều này mong cô đừng cho là em quá chi tiết - đến một cái nhà vệ sinh sạch sẽ một chút cho tụi học trò chúng em, nhà trường cũng không có nổi.
Để đến nỗi, cái việc cực chẳng đã là phải đi vệ sinh ở các khu WC không thể bẩn thỉu hơn, đã luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng của biết bao nhiêu thế hệ học trò…
Chúng em không biết nhiều, nhưng cô từng bảo rằng, tiền phụ huynh “giúp đỡ” nhà trường nào có đáng kể gì. Ban Giám hiệu phải sấp ngửa đi “xin” các doanh nghiệp, các nhà tài trợ. Và cũng vì thế nên năm nào lớp chọn cũng phải có vài suất “ngoại giao”, dù điểm “đầu vào” của các bạn ấy còn thua xa điểm chuẩn. Nhập lớp rồi, mấy bạn ấy được đi học mà không thèm học, bỏ học và trốn học đi chơi điện tử như cơm bữa. Trong khi bao nhiêu bạn khát khao được đến trường, chỉ vì điểm thi thấp mà đành rẽ cuộc đời sang ngả khác, chấm dứt ước mơ học hành.
Em còn nhớ trong buổi sinh hoạt lớp, bạn Thành đề nghị chuyển toàn bộ số tiền mua quà mừng ngày 20-11 cho đồng bào miền Trung, có bạn quát rất to: “Mày ngu thế!” Bạn Thành bảo: “Em xem ti vi, thấy người ta không có mì để ăn, không có nhà để ở, trường mình tổ chức 20-11 hoành tráng thế để làm gì?”
Cô lúng túng vài giây rồi từ tốn giải thích: “Việc nào ra việc ấy em ạ, em muốn ủng hộ bao nhiêu cũng được, còn đây là việc chung của trường, mình không bỏ được”. Cô đã tìm ra “chìa khóa” giải quyết vấn đề, vừa thỏa mãn ý kiến của học trò, vừa không làm hao hụt phần “quà 20-11” của các thày cô…
(…) Ở lớp 10A6, bạn Tú gan lì nhất, kiên quyết không theo lớp học thêm, thì trong buổi học cuối kì I, cô giáo chủ nhiệm đã đề nghị gặp riêng và không cần giấu giếm nữa: “Nếu em không theo được phong trào của lớp thì thôi, gia đình nên cho em chuyển sang lớp khác!”. Bạn ấy ngồi khóc.
Chúng em thương bạn lắm và bảo: Thôi, cần gì, đã thế thì chuyển đi! Nhưng rồi biết chuyển đi đâu hả cô? Lớp nào cũng thế thôi, cùng một gầm trời này... rồi trường nào cũng vậy! Bạn Tú đành chấp nhận nộp tiền oan chỉ đến lớp ngồi cho cô điểm danh. Bạn không vào đầu thêm được chữ nào, vì ở nhà đã có anh trai học ở trường chuyên dạy cho bạn rồi!
Có thày cô còn “hướng dẫn” chúng em rằng: “Sau ba năm học dưới mái trường này, các em như bầy chim đã đủ lông đủ cánh sắp bay xa, chúng ta phải thể hiện niềm biết ơn với các thày cô, biết ơn các bác bảo vệ, lao công, người phụ trách y tế học đường, thày dạy quân sự, cô dạy hướng nghiệp, các thày cô trong Ban Giám hiệu...”. Thế là số tiền “biết ơn” đó tăng lên biết bao nhiêu lần để mua thêm mấy chục suất quà!
Chưa kể, lớp nào cũng phải có thêm một thứ gì đó “to to” nữa để “kỉ niệm” nhà trường. Các thày cô đi đâu cũng khoe: “Học sinh trường mình chu đáo, hiếu nghĩa, có trước có sau!” Các cô chủ nhiệm thì mát mặt! Chỉ các bạn con nhà nghèo là phải cắn răng mà chịu đựng thôi cô ạ.
Cô của em thì không phải là người tham, em biết rõ như vậy. Nhưng dần dà em nhận thấy, những phẩm chất tốt đẹp mà em đã từng cảm nhận ở cô cũng ngày một hao mòn. Em nhớ hồi đầu, phát hiện thấy phong bì của phụ huynh khéo léo gài trong bó hoa, cô đỏ mặt và tìm cách trả lại. Sau rồi tình trạng không thay đổi, không thấy cô trả lại lần nào nữa.
Đã có lúc, em đau xót nghĩ đến đề văn mà cô đã ra cho lớp, tập quán xấu ban đầu là khách qua đường, sau nó ở chung nhà và trở thành chủ nhà khó tính… Cô có thấy là những bài học đó vô tình đã được “ứng dụng” vào cô rồi không?
(…) Em chưa một lần dám nói “hỗn” với cô, vì em không muốn làm cô buồn. Nhưng nếu không vượt qua mặc cảm để viết bức thư này, thì em lại vô cùng day dứt. Từ nơi xa xôi, em nhớ cô, nhớ nhà buồn đến khóc. Em thấy mình có lỗi thật nhiều. Nhưng, dù cô có mắng mỏ, hay không coi là “học trò cũ” đi nữa, em vẫn mãi mong muốn được là đứa con bé bỏng của cô, là công dân có trách nhiệm của nước Việt. Cô sẽ không bao giờ phải ân hận vì đã sinh ra em lần thứ hai.
Và em mong, một ngày nào đó về thăm trường, em sẽ được cô trìu mến nắm tay và bảo với em rằng: “Cô hiểu em. Cô chia sẻ với em. Cô sẽ cố gắng để những điều làm em phải dằn vặt sẽ không còn tồn tại trên đời này nữa!”.
Mãi là trò nhỏ của thày cô.
Phạm Thị Mẫn
______________________

Khen thưởng 12 cá nhân xuất sắc ngành Giáo Dục

(Dân trí) - Sáng nay 20/5, Bộ GD-ĐT đã tổ chức buổi lễ công bố quyết định khen thưởng của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ cho các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ.
Năm 2011, ngành giáo dục có 12 cá nhân xuất sắc được tặng thưởng Huân chương Lao động và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đến dự.
Theo đó, Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Huân chương Lao động hạng nhất cho GS.TS, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng Trần Quang Quý, Chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng, Trưởng Ban điều hành dự án phát triển giáo dục THPT Trần Như Tỉnh, Phó chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Phạm Văn Tại và Phó chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT Trần Quốc Tấn được tặng Huân chương Lao động hạng Ba. 5 cá nhân xuất sắc khác của Bộ GD-ĐT được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đánh giá cao sự đổi mới trong chương trình xây dựng, phát triển của ngành giáo dục và những đổi mới phương pháp dạy và học mà ngành đã tiến hành thành công trong thời gian qua, đặc biệt là phong trào "xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực".
Hồng Hạnh
Nguồn: Dân Trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét