Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Chứng khoán và chó Nhật

Hiệu Minh

VN Index lao dốc. Ảnh minh họa
Tin tức về bất ổn kinh tế vĩ mô ở mức nghiêm trọng khiến lạm phát tiếp tục tăng và chỉ số chứng khoán tụt xuống mức thấp nhất trong hai năm. Bloomberg đưa tin, chỉ số chứng khoán VN Index sụt giảm tới mức thấp nhất kể từ tháng 07/2009.
Chợt nhớ ra bài về chứng khoán và nuôi chó Nhật viết hồi tháng 4-2007  từ lúc mới tập tọe viết báo.  Bài đăng trên VNN nhưng bị mất tiêu do VNN bị đánh phá gần đây.
Xin đăng lại hầu bạn đọc trong lúc đợi bài mới.
Câu chuyện nuôi chó Nhật hôm qua
Viết bài báo này tôi nhớ lại hơn chục năm trước đây về phong trào nuôi chó Nhật. Vợ chồng bác hàng xóm gần nhà tôi ngoại ô Hà Nội, tuy đã về hưu nhưng vẫn cần cù kiếm tiền. Có bao nhiêu tiền tiết kiệm hai bác rút hết đầu tư mở cửa hàng bán lặt vặt, lại mở thêm dịch vụ trò chơi điện tử nên cũng dư dật đồng ra đồng vào. Lúc rỗi việc tôi sang chơi, làm chục phút điện tử thư giãn, mắt không rời cô con gái út xinh xinh bán hàng.
Bẵng đi vài tuần, tôi đến chơi thấy hàng đóng cửa. Tivi và trò chơi điện tử đã bán hết, cửa đóng kín. Tôi vỡ lẽ, nhà bác chuyển sang kinh doanh chó Nhật theo phong trào với hy vọng đổi đời.
Tin vui về chuyện nuôi chó Nhật lãi lớn đã về đến làng tôi. Nhà bác mua hai “cô chó”, giá 5 triệu một “cô”, rất xinh, lông trắng muốt, mặt gẫy, đầu rẽ ngôi, đầu bảng lúc bấy giờ.
Nhớ lúc đó 5 triệu là một cây vàng và có thể mua mảnh đất 200 mét vuông ven đô với khoảng 4-5 cây vàng. Bác trai phải nhờ chuyên gia đi mua rất khó khăn mới được đôi này vừa ý. Vừa được vài hôm đã có người hỏi mua lại với giá 6,5 triệu một con, nhưng hai bác nhất quyết không bán.
Các bác còn hỏi vay tôi thêm cây vàng để mua một “cô” nữa. Cả cơ nghiệp của tôi có hơn một cây, nhưng vì nể lại đang muốn tán cô con gái út xinh đẹp nên tôi nghiến răng đồng ý, tuy trong lòng rất phân vân chỉ sợ họ lỗ nặng. Bác gái còn rủ tôi mua một con nuôi cùng “để hai bác ở nhà trông cho, cháu không phải lo gì hết”.

Cún cưng. Ảnh minh họa
Thôi thì đủ các loại cao lương mỹ vị dành cho các “cô” chó. Chó uống sữa tươi Mộc châu, xơi trứng vịt lộn rồi ăn thịt bò sào chín trong khi gia chủ chỉ ăn rau muống luộc chấm mắm. Lấy giống cho chó đắt hơn cả mua vé máy bay vào Sài gòn.
Thế rồi hai “cô” đầu có thai. Dân buôn nghe tin lại đến đòi mua 10 triệu một con. Nếu bán thì đã lãi gấp hai lần trong vòng mấy tháng. Hai bác tính toán nếu để chúng đẻ con sẽ lãi gấp năm, gấp  mười, cầm trăm triệu như chơi.
Thấy “tính cua trong giỏ” lãi quá, tôi cũng phát sốt. Tuy nhiên, vốn tính “ăn non” nên  ngày nào sang chơi tôi cũng khuyên bán đi. Đơn giản là tôi sang tán cô con gái bị chó sủa ầm ỹ, cả làng biết nên ghét bọn chó Nhật, bé tý mà sủa rất to. Thỉnh thoảng cô chủ yêu chó quá nên đưa tôi bế, các “cô” chó lại cho tôi thưởng thức một “bãi nước” vào cái quần ximili diện nhất của tôi.
Nhưng rồi tin xấu về thị trường chó đang có nguy cơ “cung” cao hơn “cầu” đã đến với làng tôi. Đúng lúc ấy, hai “cô” chó lại sinh hạ cho 8 cún con xinh đẹp như trong mộng, bán cả mớ có thể đựợc hai chục triệu. Cả nhà nghe tin chó xuống giá nhờ tôi phóng xe babeta cà tàng lên phố tìm người mua chó. Nhưng ai cũng lắc đầu và khuyên “mang cho đi là vừa, bên Tầu họ không tiêu thụ nữa”.
Không nói bạn đọc cũng biết là kết quả thế nào rồi. Chỉ biết sau đó tôi không dám sang hàng xóm nữa vì cô gái út nhìn tôi là lạ như thủ phạm gây nên nạn buôn chó Nhật. Và vì bấy giờ nhà ấy có 11 con chó Nhật, tất cả đồng thanh sủa lúc tôi bấm chuông.
Câu chuyện chứng khoán hôm nay
Vào đầu tháng 2/2007, tôi đi công tác ở Jakarta, gặp mấy anh bạn từ Hà nội đến. Lâu lắm mới gặp nhau, tay bắt mặt mừng, rủ nhau đi ăn uống. Chọn một chỗ khá sang trọng, các anh ấy bảo:”Hôm nay để chúng tớ chiêu đãi Việt kiều “dởm” nhé vì bọn tớ vừa trúng chứng khoán”.
Các anh còn hỏi thăm lương bổng của tôi bên Mỹ. Tôi nói ngắn gọn ở Mỹ không ai tiết kiệm được, có bao nhiêu lương chuyển vào ngân hàng, sau đó chuyển khoản trả tiền thuê nhà và phần còn lại ra thẳng shopping mall luôn, chả thấy tờ “xanh” nào vào ví mình.
Họ cười khuyên tôi bỏ việc về Hà nội tham gia chứng khoán với các anh “lãi vô cùng tận” và “say như chơi ma túy”. Sáng sáng trong khách sạn, các anh vẫn dậy sớm vào mạng internet, mặt mũi đăm chiêu, lẩm nhẩm tính toán và thỉng thoảng lại mỉm cười một mình. Đầu năm ngoái, một anh bỏ vào chứng khoán 200 triệu nay đã là hơn một tỷ. Không ngành kinh doanh nào sánh được.
Tôi đưa tờ báo Asian Times về tin sụp đổ của thị trường Thượng Hải, một anh cười và bảo:”Việt nam mình hay lắm, chứng khoán quốc tế xuống nhưng Việt nam mình vẫn lên. Cứ mua là thắng”. Nhà nhà chứng khoán, người người cổ phiếu. Ngồi nói chuyện một lúc là quay sang chuyện lên sàn. Không làm ăn gì sao mà tiền đẻ ra lắm thế. Hôm trước mua vào, hôm sau bán ra đã có lãi. Ai cũng thắng, chưa thấy ai thua. Các cô, các bà thi nhau ra chợ chứng khoán, cười nói vui như đi xem biểu diễn ca nhạc.
Kể chuyện cho vợ tôi nghe, cô ấy trách mãi:”Năm ngoái, anh nghe em mua chứng khoán của VP Bank thì lãi to rồi. Người đâu mà chán thế, chả dám làm ăn gì lớn, nghèo là phải rồi. Mã anh chỉ biết viết bài “lá cải” cho mấy tờ báo tường thôi”. Tôi nhớ câu chuyện chó Nhật ngày xưa – không dám kể cho cô ấy nghe một phần vì sợ cô ấy hay ghen – và kinh nghiệm cho tôi biết rằng, dịch vụ làm ăn nào mà lãi lớn, lan rộng đến các bà bán hàng xén hay về đến làng quê nghĩa là sắp đến hồi kết.
Ông Robert Kiyosaki, chuyên gia kinh tế nổi tiếng chuyên viết các lời khuyên về đầu tư kể là một lần ông đến cửa hàng mua thực phẩm, thấy bà bán hàng khi thanh toán tiền xong, đưa cạc-vi-sít và nói:”Nếu ông mua nhà hãy gọi điện cho tôi”. Ông hiểu ngay là thị trường bất động sản đang có chiều hướng chững lại và giảm giá. Ông về lập tức viết bài cảnh báo các nhà đầu tư thì bị lên án và chửi bới không thương tiếc.
Nhưng chỉ gần tháng sau, dự đoán của ông rất đúng vì ông biết “người không biết gì về bất động sản mà cũng mối lái kinh doanh nhà nghĩa thị trường đó đang bão hòa”. Điều đó khá đúng với hiện trạng chứng khoán Việt nam hiện nay.

Người nghèo chịu thiệt nhất. Ảnh: Reuters.
Đã có nhiều chuyện vui buồn quanh thị trường chứng khoán trên thế giới cũng như ở Việt nam. Kinh doanh thì có người thắng kẻ thua. Đó là lẽ đương nhiên.
Nhưng kinh doanh theo phong trào thì Việt nam ta mang yếu tố điển hình. Người tham gia không hiểu gì về “điện” cũng cứ làm:”họ làm được, mình cũng làm được”. Tâm lý ấy giống như ta đợi đèn đỏ chỗ ngã tư. Không thấy công an đứng gác, một người phóng xe vượt ẩu, y như rằng cũng nhiều người lao theo sau và không biết như thế là sai.
Các bạn tôi chơi chứng khoán nhưng không hiểu gì về chứng khoán, không có thông tin về công ty có cổ phiếu nhưng  “có người quen nên biết chính xác khi nào công ty đó lên sàn” hoặc “ông chú em làm ở ủy ban chứng khoán mà”. Theo lời kể, họ trúng liên tục. Nhưng người dân thường thì sao đây? Họ mua bán cổ phiếu theo tin đồn, không có phân tích hay luận chứng khoa học. Lên lớp học về chứng khoán, không để ý đến các bài giảng – vì thật ra rất khó với các khái niệm trừu tượng về kinh tế, chỉ có học hành nghiêm chỉnh mới có thể hiểu được – họ chỉ hỏi giáo viên “hôm nay mua gì thầy ơi”.
Câu chuyện vui về cổ phiếu sau đây khá điển hình nếu người chơi không biết thông tin hoặc không gặp may: nếu anh mua 1.000$ cổ phiếu của Nortel năm ngoái thì năm nay chỉ còn 49$. Với cổ phiếu của Enron thi giá chỉ còn 16$ và WorldCom từ 1.000$ giá trị nay chỉ còn 5$. Tuy nhiên, nếu bạn mua 1.000$ tiền bia Heineken và uống thỏa thích cả năm và chỉ cần trả đủ vỏ bia, nhà phân phối sẽ thối lại cho bạn 214$.
Bạn chơi cổ phiếu nên tính là uống bia và trả lại vỏ hay đi mua cổ phiếu đây? Lời khuyên chân thành là hãy mua sách, đến lớp học, nghiên cứu kỹ về quy luật thị trường, thông tin về giá trị cổ phiếu và chứng khoán trước khi bắt tay vào mua bán cổ phiếu. Nếu không hiểu lắm nên để tiền đi uống bia tốt hơn.
Câu chuyện buôn chó Nhật của mười lăm năm trước và phương cách dân ta kinh doanh chứng khoán hôm nay, tôi thấy na ná giống nhau. Những người có hiểu  biết và đầu tư bài bản, tôi tin họ sẽ thắng nhưng không lọai trừ có kẻ thua.
Tôi chỉ lo nhất cho những người nghèo, nhất là các bác về hưu hay cán bộ với đồng lương còm cõi. Nếu họ dồn tất cả vốn liếng vào buôn chứng khoán mà không có hiểu biết thì thảm họa sẽ rơi trên đầu. Giống như người ta vượt đèn đỏ không sao, nhưng mình chỉ cần lấn vạch cũng bị đưa vào đồn công an. Mấy hôm nay thị trường chứng khoán Việt nam ảm đạm, khi bài báo này lên khung chắc cũng có người khóc mếu rồi.
Bây giờ thỉnh thoảng về làng, tôi rón rén đi qua nhà bác hàng xóm nuôi chó Nhật ngày xưa. Nhớ chuyện cũ và cố khuyên bảo vợ mỗi khi nàng nổi cơn buôn cổ phiếu:”Để anh viết bài báo về chứng khoán, may ra tòa soạn đăng và trả nhuận bút, sẽ tặng em đi mua cổ phiếu FPT”…
Washington DC, 4-2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét