Thứ Ba, 5 tháng 7, 2011

Yêu cầu chính quyền công khai chuyện nước

Vào những ngày đầu tháng Bảy này, nhiều trang mạng nhật ký phổ biến các Tuyên cáo, Kiến nghị bày tỏ lòng dân quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải VN và yêu cầu nhà nước VN công khai nội dung mà Hà Nội đã thoả thuận với Bắc Kinh – trước đây cũng như bây giờ.

Chẳng hạn như Tuyên Cáo hôm mùng 3 tháng Bảy vừa rồi tại Nhà Hát Lớn Hà Nội phát xuất từ một thanh niên đi biểu tình gửi cho nhà cầm quyền TQ để phản đối hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ VN trên biển Đông, và khẳng định:

“Chúng tôi, những người dân yêu nước Việt Nam quyết tâm làm tất cả, nguyện đem tất cả sức mình để chống lại các hành động xâm lấn hiếu chiến của nhà cầm quyền Trung Quốc, bảo vệ vững chắc chủ quyền đất, biển, đảo của Việt Nam. 

Đất nước Việt Nam muôn năm! Dân tộc Việt Nam muôn năm!”


AFP photo - Một phụ nữ trong đoàn biểu tình với khẩu hiệu "Chống Trung Quốc" tại Hà Nội hôm 03/07/2011.

Ưu tư vận mệnh đất nước

Đặc biệt là những trí thức luôn ưu tư cho vận nước, như cựu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, các vị GS Hoàng Tuỵ, Nguyễn Huệ Chi, Chu Hảo, Phạm Duy Hiển, những TS Nguyễn Quang A, Ngô Đức Thọ, Nguyễn Xuân Diện, nhà văn Nguyên Ngọc, LS Trần Vũ Hải cùng nhiều nhà tâm huyết khác đã gởi Kiến Nghị yêu cầu Bộ Ngoại giao VN cung cấp thông tin liên quan thực chất của mối quan hệ giữa VN với TQ, nhất là nội dung thoả thuận Việt-Trung “không thấy đăng trên báo chí của VN”, kể cả cuộc gặp gỡ mới đây nhất giữa Thứ trưởng Ngoại giao VN Hồ Xuân Sơn và các quan chức tương nhiệm Bắc Kinh. Kiến nghị Bộ Ngoại giao VN như sau:

1) Yêu cầu ông Hồ Xuân Sơn cho biết thông tin do Tân Hoa Xã đưa ra, đó  là “Cả hai nước đều phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam và nguyện sẽ tích cực hướng dẫn công luận và ngăn ngừa những lời bình luận hoặc hành động làm tổn hại tới tình hữu nghị và sự tin cậy giữa nhân dân hai nước” ( theo ông Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc). Trong trường hợp những thông tin trên của Trung Quốc không chính xác, yêu cầu phía Trung Quốc phải cải chính và xin lỗi.

2) Cho biết quan điểm của Việt Nam về bức thư ngoại giao của Ông Phạm Văn Đồng năm 1958 ?

3) Thông tin chi tiết (toàn văn) thỏa thuận đã đạt được (nếu có) giữa Ông Hồ Xuân Sơn và đại diện Trung Quốc trong buổi gặp đó.


bieutinh070311-nhahatlon-250.jpg
Đoàn người biểu tình tập trung trước Nhà Hát Lớn Hà Nội hôm 03/7/2011. NguyenXuanDien's blog

Những Tuyên cáo, Kiến nghị ấy được phổ biến giữa lúc cuộc biểu tình chống TQ xâm lược của người dân VN diễn ra ở Hà Nội – dù luôn không suôn sẻ - và bị ngăn chận gắt gao ở Saigòn cùng một số nơi khác trong nước. Hành động yêu nước của người dân Việt trước hoạ Phương Bắc tiếp tục gặp khó khăn ra sao? Chúng ta hãy nghe blogger 


Cánh Cò mô tả qua bài “Giữ Lửa Trong Tim”:

“Lòng tôi đau đớn vô cùng trước thủ đoạn chỉ điểm của một cô gái len lỏi trong đoàn biểu tình để chỉ điểm cho công an bắt những người nhiệt huyết trong đoàn. Tôi lại bật khóc vì xúc động, khi một người trong đoàn biểu tình phát hiện ra một người anh em trong đoàn của mình đã bị “công an nhân dân” âm thầm dí roi điện rồi lén lút bắt đi.

Ngay lập tức, tất cả những người biểu tình tập trung lại bao vây trụ sở công an Tràng Tiền để đòi người. Qua đoạn video clip tôi nghe rất rõ, rất to, rất khí thế tiếng hô vang: “Thả người yêu nước. Thả người yêu nước. Thả người yêu nước... Đả đảo công an bắt người yêu nước, đả đảo, đả đảo...”.

Tiếng hô mỗi lúc một to như sấm dậy, rền vang. Lòng tôi phấn khởi và mừng vui trước sự đoàn kết của anh em mình. Tôi nhìn thấy rất nhiều công an nổi, lẫn công an chìm lúng túng, chưa biết nên xử lí ra sao trước làn sóng đấu tranh của những người biểu tình đang dương cao khẩu hiệu, đả đảo bọn xâm lược Trung Quốc, giờ đây chuyển sang đấu tranh, đả đảo công an bắt bớ người yêu nước.

Vậy là cùng lúc, đoàn biểu tình làm được hai việc: Vừa đấu tranh chống họa xâm lăng Trung Cộng lại vừa đấu tranh giành quyền tự do ngôn luận, quyền được yêu nước với bọn phản động, phản bội tổ quốc khi bắt bớ người yêu nước.”

Ứng xử của chính quyền VN

Qua bài “VN và Philippines”,  blogger Nguyễn Hưng Quốc lưu ý rằng trong vấn đề biển Đông, TQ không phải chỉ uy hiếp VN mà còn gây hấn đáng ngại với Philipines, từ việc đe doạ tàu thăm dò MV Venture của Phi ở khu vực bãi Cỏ Rong mà Manila tuyên bố thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình cho tới chuyện Bắc Kinh liên tục gây hấn thô bạo các tàu thăm dò của Philippines trong khu vực.

Nhưng, theo GS Nguyễn Hưng Quốc, Manila đã phản ứng cụ thể và cương quyết chứ “không phải chỉ nói suông. Họ làm thật”, như tung trên các phương tiện truyền thông một cách chi tiết những chính sách và phát biểu mạnh mẽ của giới lãnh đạo Manila, kể cả Tổng thống Benigno Aquino, về hành động đe doạ, ngạo mạn của TQ; “vạch mặt chỉ tên” Hoa Lục xâm phạm lãnh hải Manila; phổ biến những bài đề cập thẳng “Kẻ du côn trong khu vực”, “kẻ đáng sợ, chứ không phải là quốc gia hiền lành”, “sống chung hòa bình” như Bắc Kinh từng “giảng đạo”. Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc nhận định:

“Một nước yếu và không trực tiếp đối diện với nguy cơ xâm lược của Trung Quốc như vậy nhưng cách phản ứng của họ rõ ràng là mạnh mẽ, quyết liệt, nhất quán và có tầm chiến lược hơn Việt Nam nhiều. Đó là điều đáng cho chúng ta suy nghĩ.”


Bieu-tinh-HN-03072011-250.jpg
Đoàn thanh niên biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 3-7-2011. Hình: Blog-boxitvn7

Từ trước đến nay, lúc nào Việt Nam cũng tự hào là đi đầu trong các cuộc chống ngoại xâm và các cuộc bành trướng quốc tế: xưa, Việt Nam đi đầu trong việc chống lại đế quốc Mông Cổ đang dẫm nát gần trọn châu Á và một phần châu Âu; sau, Việt Nam đi đầu trong việc chống lại chủ nghĩa thực dân cả cũ lẫn mới.


Còn bây giờ? Đối diện với sự đe dọa trắng trợn từ Trung Quốc, Việt Nam lại chọn một thái độ nhịn nhục gần như bất động. Họ cố lừa dối dư luận trong nước là họ đang âm thầm giải quyết tranh chấp qua con đường đàm phán trực tiếp với Trung Quốc. Nhưng luận điệu ấy không thể dối gạt được ai cả. Người ta không thể ngồi vào bàn đàm phán mà không có một chiến lược rõ ràng và không có một sự hậu thuẫn nào hết, kể cả hậu thuẫn của dân chúng và quốc tế, hoặc ít nhất, trong khu vực. Sự im lặng và bất động của chính quyền Việt Nam, do đó, phải được hiểu như một sự đầu hàng.

Bài tựa đề “Hiểm hoạ TQ” của tác giả Huỳnh Trọng Hiếu được nhiều trang mạng nhật ký phổ biến nêu lên câu hỏi rằng trước thái độ bạo ngược, kẻ cả kiểu côn đồ của TQ, chính quyền VN đã làm gì? Tác giả Huỳnh Trọng Hiếu nhận xét:

“Một mặt, phát ngôn viên Bộ ngoại giao VN lên tiếng phản đối “mạnh mẽ” hành động của Hải quân TQ. Mặt khác, tại trong nước Chính quyền Hà Nội ra sức trấn áp thô bạo các cuộc biểu tình, tuần hành chống TQ của dân chúng VN tại Hà Nội và Sài Gòn.

Các phương tiện truyền thông quốc nội đưa tin về Hồ sơ Biển Đông với tất cả sự dè dặt và thận trọng khiến người dân VN không nhận thức hết được mối nguy hiểm đang đe dọa đến an nguy dân tộc.


Các nước có tranh chấp trong khu vực kêu gọi Hoa Kỳ tham gia đàm phán đa phương giải quyết hồ sơ biển đông. Philippins tập trận chung với HK và vận động Thế giới lên tiếng ủng hộ, chủ quyền biển đảo của Phi.
Ngược lại, VN và TQ đi đến thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng mối quan hệ song phương.Thứ trưởng bộ quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh từng lên tiếng từ chối việc tập trận chung với HK rằng VN chưa có ý định tham gia tập trận quốc tế.

Chúng ta nhận thấy hành động của chính quyền Hà Nội đang có sự mâu thuẫn, đối lập khó hiểu. Họ coi trọng mối quan hệ với Đảng CS TQ hơn cả quyền lợi và an ninh quốc gia... Qua những vụ việc trên người ta không ai biết điều gì đang thực sự xảy ra trong mối quan hệ “đồng chí, anh em “ giữa hai đảng CS, và quyền lợi quốc gia dân tộc VN đang ở vị trí nào trong mối quan hệ đó, tất cả là một sự mờ ám.”

"Ai xúi giục" yêu nước?

Có lẽ tình trạng như vậy là một lý do để công luận đồng cảm với nhận xét của blogger Phan Nguyễn Việt Đăng từ Saigòn qua bài tựa đề nghi vấn “ Im lặng mặc cả bằng tổ quốc?” với phân tích:

“Sống trên một đất nước, mà việc cầm lá cờ của tổ quốc mình, tung hô chủ quyền đất nước mình, có thể bị công an, mật vụ bắt giữ, thẩm tra, sách nhiễu... không khác gì sống trong vùng tô giới của người Việt, thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc, quả là một thách thức của lòng yêu nước.
 
Điều nực cười, là một khi các viên chức chính phủ, các nhà lãnh đạo vẫn lên truyền hình, lên mặt báo... kêu gọi phải yêu nước, phải biết tỏ thái độ nghĩa vụ của một công dân nhưng khi những người yêu nước bị bắt vì biểu tình chống xâm lược, công an lại thẩm vấn và luôn hỏi một câu “ai xúi giục”.

Ai sẽ còn dám yêu nước nữa khi thái độ của Đảng Cộng sản Việt Nam lại hai mặt đến kinh sợ như vậy? Và như vậy, có phải hiện trạng yêu nước tức là chống lại Đảng cộng sản Việt Nam?”

Nhắc đến công an thẩm vấn người yêu nước và luôn hỏi “ai xúi giục?” khiến thầy Nguyễn Thượng Long nêu lên câu hỏi “Sao lại đối xử với nhân dân như thế”, được nhiều trang blog, kể cả Dân Làm Báo, phổ biến:

“Việc cơ quan công an đã ngăn chặn thành công các kế hoạch xuống đường một cách ôn hoà của SV – HS ở Sài Gòn, Vinh, Đà Nẵng và nhiều thành phố khác trong những chủ nhật vừa qua và việc họ chủ động để có cuộc xuống đường ở quy mô kiểm soát được ở Hà Nội 4 chủ nhật vừa qua đã nói lên những gì?

Trước hết, không biết Công An làm thế thì hình ảnh họ sẽ thế nào trong con mắt của nhân dân Việt Nam? Họ đang tự giới thiệu họ đứng về phía nào giữa ranh giới Việt Nam và Trung Quốc? Với tình trạng như thế, lời dậy “Công An Nhân Dân vì nước quên thân vì dân phục vụ…” hỏi sẽ còn ý nghĩa gì?

Sau là… không chỉ ngăn cản, khống chế, xô đẩy người tuần hành mà còn cả những cú song phi, những cú Kung Fu rất hoàn hảo, những cú bẻ cổ, vặn sườn SV – HS ngay trên đường phố Sài Gòn. Hành xử như thế với những người dân biểu lộ lòng yêu nước một cách ôn hoà, họ đã chính thức phủ nhận vai trò của nhân dân, chính thức khai trừ nhân dân ra khỏi các yếu tố được gọi là tiềm năng, là nguồn lực để bảo vệ đất nước. Họ đã quên câu dân là “Biển Lớn”, dân có sức mạnh nâng thuyền và đẩy thuyền đi.”


Nhắc đến mối quan hệ Việt-Trung đang trong tình trạng “môi hở răng lạnh” dù hai bên, qua chuyến đi sứ sang Tàu mới đây của Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, vẫn cố “nạm vàng” cho “16 chữ ” và “4 tốt”, blogger Hiệu Minh bỗng liên tưởng tới “Đạo Khổng và tình hữu nghị”, với nhận xét rằng “ Trong các bài giảng của Khổng Tử, có một Qui tắc vàng nổi tiếng. Tử Cống hỏi: “Có một chữ nào có thể dẫn dắt hành xử trọn đời không?”. Thầy đáp: “Có lẽ là chữ Thứ (恕) chăng? Cái gì mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác?”.

Về tình hữu nghị thời nay, “ Xem lại tranh chấp biên giới, hải đảo, đánh bắt hải sản trên biển Đông thì hình như đạo Nho không được đám con cháu 60-70 đời của Khổng Tử nhớ cho lắm. Lẽ ra, bản thân không muốn thuyền đánh cá bị đâm, họ lại thích thú làm thuyền người khác chìm giữa biển khơi. Vì thế, những bài giảng về Luận Ngữ hay chữ Thứ (恕) dù có hay đến đâu cũng không thể xây dựng và củng cố cho tình hữu nghị”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét