Trong ngày đầu tháng 7 năm nay, tàu Giao Long chuyên nghiên cứu đại dương của Trung Quốc lại được cử ra Thái Bình Dương, theo báo chí nước này.
Rời căn cứ tại Giang Tây, phía Đông Trung Quốc hôm thứ Sáu 1/7/2011, con tàu mang tên "loài rồng trong thần thoại Trung Hoa", có sứ mệnh lặn xuống độ sâu 5 km ở khoảng giữa Đông Nam Hawaii và Bắc Mỹ.
Báo chí Trung Quốc, như tờ China Daily của nhà nước, khen ngợi bước tiến triển trong công nghệ nghiên cứu biển sâu.
Theo đó, Trung Quốc là nước thứ năm, sau Hoa Kỳ, Pháp, Nga và Nhật, nay làm chủ được công nghệ lặn sâu quá 3500 mét từ mặt nước biển.
Là loại có người điều khiển, tiềm thủy đỉnh Giao Long đã thực hiện 17 lần lặn sâu xuống nước ở Biển Đông trong giai đoạn từ 31/5 đến 13/7 năm 2010, theo báo Trung Quốc.
Truyền thông Trung Quốc cho hay trong chuyến hải hành đó, tàu Giao Long đã xuống tới độ sâu 3759 mét trong lúc có ba thủy thủ bên trong.
Nhưng báo chí chính thống Trung Quốc không nói rõ tọa độ tàu Giao Long đã lặn xuống năm ngoái ở Biển Đông.
Dài 8,2 mét và nặng 22 tấn, Giao Long sẽ ra biển lần này trong vòng 47 ngày và dự kiến sẽ lặn xuống bốn lần, theo quan chức cơ quan nghiên cứu hải dương của Trung Quốc.
Việc chế tạo tàu Giao Long là một phần của Kế hoạch Công nghệ cao mang mã số 863 của Trung Quốc được bắt đầu năm 2002.
Được biết một số nhà quan sát quốc tế tin rằng Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn phát triển các công nghệ nước sâu dùng cho khai thác đại dương.
Một lý do Trung Quốc phải mời các tập đoàn nước ngoài vào khai thác dầu khí, theo các ý kiến này, là vì Trung Quốc vẫn chưa tự làm chủ công nghệ khoan nước sâu.
Tuy nhiên, với việc đầu tư trọng điểm - 13 cơ quan và viện nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc đã dồn sức vào dự án thiết kế tàu Giao Long - và quyết tâm chinh phục đại dương, có thể chỉ là vấn đề thời gian trước khi Trung Quốc làm chủ công nghệ đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét