Thứ Ba, 5 tháng 7, 2011

Một lựa chọn khôn ngoan và cần thiết

Nguyễn Hưng Quốc

Rõ ràng là chính quyền Việt Nam không muốn có chiến tranh với Trung Quốc. Điều đó rất dễ hiểu và cũng rất dễ được đồng tình. Chính quyền Việt Nam thậm chí cũng không muốn công khai và trực tiếp đương đầu với Trung Quốc một cách bất bạo động. Điều đó cũng có thể hiểu được dù không phải ai cũng đồng tình. Nhưng riêng việc Việt Nam vẫn tiếp tục xem Trung Quốc là một đồng minh và là một đồng chí thì không thể nào giải thích được.

Không thể giải thích được vì nó hoàn toàn trái ngược hẳn với thực tế. Trung Quốc rõ ràng không xem Việt Nam là một người bạn. Họ không tin Việt Nam; không kính trọng Việt Nam, thậm chí, không hề tôn trọng chủ quyền của Việt Nam. Bất kể họ nói gì đi nữa thì trên thực tế, bằng những hành động cụ thể, rất thô bạo và trắng trợn, họ luôn luôn tìm cách uy hiếp và xâm lấn Việt Nam. Xâm lấn từng chút, từng chút trên các cột mốc biên giới giữa hai nước. Xâm lấn Hoàng Sa xong lại xâm lấn tiếp Trường Sa. Xâm lấn vùng biển Việt Nam bằng con đường lưỡi bò đầy ngang ngược. Chưa hết. Họ còn cấm ngư dân Việt Nam đánh cá ngay trên vùng biển Việt Nam: ai tiếp tục đánh cá thì họ tịch thu hải sản, bắt bớ rồi đòi tiền chuộc, thậm chí, đánh đắm cả thuyền để mặc ngư dân chết đuối trên biển. Họ còn ngang nhiên đi sâu vào hải phận Việt Nam cắt cáp của tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam.
Chắc chắn những hành vi uy hiếp và xâm phạm của Trung Quốc không hề dừng lại ở đó. Bất cứ ai theo dõi chính trị một chút cũng đều biết không dễ gì Trung Quốc từ bỏ tham vọng thôn tính Biển Đông, và nếu cần, thôn tính cả Việt Nam để mở đường cho các cuộc bành trướng về kinh tế lẫn về chính trị của họ hầu trở thành cường quốc số một của thế giới, cạnh tranh với uy thế độc tôn của Mỹ hiện nay.
Không những trái với thực tế, quyết định tiếp tục xem Trung Quốc là đồng minh và đồng chí cũng không thể giải thích được vì nó nguy hiểm.
Có mấy nguy hiểm chính:
Thứ nhất, nó chứng tỏ chính quyền không nhạy bén và cũng không can đảm trước những thay đổi trong tình hình chính trị thế giới cũng như trong quan hệ song phương giữa hai nước. Chính quyền có thể lý luận là họ không muốn trầm trọng hóa mối quan hệ đã có chiều gay cấn giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đồng ý. Nhưng không muốn trầm trọng hóa không có nghĩa là vẫn tiếp tục lải nhải nói những điều không có thật, hơn nữa, cái điều không có thật ấy lại xuất phát từ, và chỉ nhắm làm lợi cho, Trung Quốc, với cái gọi là 16 “chữ vàng” do Giang Trạch Dân đưa ra vào năm 2000: "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Việc làm ấy chỉ khiến cho dân chúng nghĩ là chính quyền đã, đang và vẫn tiếp tục bị Trung Quốc lừa gạt. Nhà văn Tạ Duy Anh, trong một cuộc phỏng vấn mới đây, nhận xét một cách chính xác: "Chúng ta tự dối lòng mình quá lâu bằng những ảo tưởng về lòng tốt của những người cùng chung một ý thức hệ! Trung Quốc trước sau là một đế quốc Đại Hán! Chủ nghĩa xã hội chỉ là phương tiện tạm thời hữu hiệu cho mục tiêu không thay đổi của họ. Chúng ta phải thấy rõ điều đó. Đáng lẽ chúng ta phải đưa vấn đề Hoàng Sa ra toà án quốc tế từ lâu. Khi họ ru chúng ta bằng 16 chữ vàng, thì họ lén lút thực hiện 16 chữ đen: “Kiên trì rình rập, phá hoại mọi mặt, gặm nhấm từng phần, vừa cướp vừa la”. Đừng lầm lẫn giữa tình hữu nghị và chủ quyền quốc gia, nhất là khi tình hữu nghị đó chỉ là giả vờ từ phía Trung Quốc."
Thứ hai, việc né tránh thực tế và ngủ vùi trong ảo tưởng cũ kỹ về mối quan hệ đồng minh và đồng chí như thế chỉ làm cho mọi người, từ chính quyền đến dân chúng, mất cảnh giác trước các tham vọng bành trướng và âm mưu đen tối của Trung Quốc. Cứ nhìn lại những gì đã xảy ra lâu nay ở Việt Nam cũng đủ thấy: trong khi mâu thuẫn giữa hai nước càng ngày càng tăng, chính quyền Việt Nam vẫn an tâm giao hẳn trang web thương mại bằng tiếng Việt cho Trung Quốc tha hồ tuyên truyền; vẫn gọi việc tuần tiễu của hải quân Trung Quốc trên Biển Đông là để bảo vệ “tổ quốc” và “lãnh thổ’ của họ; vẫn đưa các phim lịch sử nhân lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long sang Trung Quốc thực hiện và dù bị phản đối, vẫn có ý định chiếu trên đài truyền hình Việt Nam; vẫn cho Trung Quốc khai thác bauxite ở Tây nguyên và thuê dài hạn nhiều khu rừng đầu nguồn và có vị trí chiến lược quan trọng của Việt Nam; vẫn làm ngơ trước việc Trung Quốc thao túng nền kinh tế Việt Nam, kể cả việc mang bạc giả tràn vào Việt Nam, v.v...
Nguyên nhân của tất cả những chuyện đáng tiếc và đáng buồn như vậy có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân: sự ngu dốt hay sự tham nhũng; nhưng có lẽ nguyên nhân trực tiếp chính là vì thiếu cảnh giác. Mà dân chúng cũng như cán bộ không thể cảnh giác khi mọi người cứ tiếp tục bị ru ngủ bởi cái huyền thoại đồng minh và đồng chí như vậy. Họ mất cảnh giác vì chính phủ không hề có một chính sách rõ ràng.
Bởi vậy, tôi nghĩ đã đến lúc chính quyền Việt Nam nên nói thẳng và nói thật là Trung Quốc không còn là đồng chí và đồng minh, đừng nói đến chuyện đồng minh chiến lược, của Việt Nam.
Một số người sẽ cãi: Nói vậy là gây chiến với Trung Quốc, là dẫn Việt Nam đi vào con đường chiến tranh. Nhưng đó chỉ là ngụy biện. Là hù dọa một cách dốt nát và hèn nhát. Trên thế giới, không phải không còn là đồng chí hay đồng minh thì nhất thiết phải là kẻ thù sinh tử của nhau. Mối quan hệ giữa hai quốc gia vô cùng đa dạng. Điều chỉnh mối quan hệ ấy lại cho đúng thực tế là điều mà mọi quốc gia sáng suốt đều làm.
Không có lý do gì để Việt Nam không làm được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét