Huy Phương/Người Việt
“Buôn có bạn, bán có phường”, trong một cuộc biểu tình, có đông người mới có khí thế, thế mà Hoàng Sinh lại đi biểu tình có một mình, đứng biểu tình thì đúng hơn. Vào những cuối tuần, khách qua lại trên đường Bolsa, ở góc Western, trước cửa dịch vụ Insurance Center Little Saigon đều thấy một người lính Nhảy Dù đứng trước những tấm biểu ngữ lớn mà nội dung khi thì đòi tự do dân chủ cho Việt Nam, khi thì nhắc nhở đến Trường Sa-Hoàng Sa, khi thì hô hào yểm trợ cho chương trình giúp đỡ các thương phế binh.
“Biểu tình đứng” ở Bolsa. (Hình: Huy Phương) |
Là một người lính của Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù (Song Kiếm Trấn Ải) Hoàng Sinh đã có mặt trên các chiến trường sôi động miền Nam. Năm 1974, là Ðức Dục, Thường Ðức, tiểu đoàn lại được chuyển ra Ðà Nẵng, trấn giữ đèo Hải Vân và khu Bạch Mã. Về Saigon chưa được mấy ngày, tiểu đoàn lại được đưa ra Phan Rang. Sau đó là Biên Hòa, Tân Sơn Nhất. Những ngày cuối cùng của cuộc chiến, người lính Nhảy Dù ví như có thể hóa thân, chia năm, xẻ bảy để chặn địch, cứu nước trong những ngày dầu sôi lửa bỏng. Cuối cùng khi tiểu đoàn đang ở Tân Quy Ðông, cầu chữ Y thì lệnh đầu hàng được nghe trên đài phát thanh Saigon. Thế là người lính tức tưởi buông súng.
Từ đó, Sinh lăn lóc ngoài chợ trời, làm hãng xưởng để kiếm sống, mơ ước có ngày thoát ra khỏi quê hương. Năm 1984, Hoàng Sinh đến Pulau Bidong, Mã Lai và chỉ sau mấy tháng, một nhà thờ bảo lãnh cho anh đến Texas, rồi lần về Little Saigon. Thời gian này, sau một tuần làm việc, vào những ngày cuối tuần Sinh không thấy hứng thú rong chơi với bạn bè hay nằm nhà, và anh đã chọn một sở thích cho riêng, là kiếm một góc phố nào đó, đông người qua lại, tùy theo tình hình thời sự, “biểu tình đứng” với những biểu ngữ, quốc kỳ Việt-Mỹ của riêng anh đã bỏ tiền ra làm.
Ðể những biểu ngữ được nhiều người chú ý, Sinh phải chọn những địa điểm thích hợp, nhưng dù là cuối tuần, anh khó tìm ra một chủ tiệm cho anh sử dụng mặt tiền của họ để treo cờ và biểu ngữ của anh lên, cho đến lúc anh gặp anh Phạm Hiếu, chủ nhân của “The Insurance Center Little Saigon” vui lòng cho anh “chỗ đứng” cuối tuần từ 4 năm nay.
Có thể nói công việc của Hoàng Sinh toàn là việc “bao đồng”. Năm 2008, trong Ðại Nhạc Hội Cám Ơn Anh kỳ II tại sân vận động trường Grande High School, có sự tham dự của phi công F.18 Hoa Kỳ gốc Việt Elizabeth Phạm, và vì sự ngưỡng mộ của đồng bào tham dự muốn chụp hình chung với nữ phi công này, Hội H.O. Cứu Trợ TPB tổ chức chụp ảnh giúp cho đồng bào.
Nhưng những ngày sau đó, không thể nào có địa chỉ của tất cả mọi người để trao lại những bức ảnh lưu niệm nên Hoàng Sinh đã đảm nhận công việc này. Sau khi có thông báo trên báo chí, mỗi tuần 4 ngày, anh nhận nhiệm vụ tiếp đồng bào để phân phối những bức ảnh. Công việc này kéo dài trong 6 tuần, từ văn phòng Liên Hội CCS, đến nhà hàng Paracel, rồi văn phòng bảo hiểm, chỉ với một với một mục đích giữ lời hứa của hội là trao tận tay hơn 2,000 tấm ảnh cho những người đã chụp ảnh chung với Elizabeth Phạm.
Vợ chồng Hoàng Sinh biểu tình ở San Francisco trong dịp Trung Cộng rước đuốc Thế Vận Hội qua đây năm 2008. (Hình: Hoàng Sinh) |
Không phải chỉ biết “biểu tình đứng” một mình, Hoàng Sinh đã nhận những nhiệm vụ rất khó khăn và tế nhị trong những ngày cộng đồng vận động gây quỹ yểm trợ cho anh em thương binh VNCH vừa qua. Ðó là việc xuống đường mời đồng bào mua vé vào cửa cho đại nhạc hội, ở ngay trước cửa một ngôi chợ đông người. Nếu bạn có lòng yêu thương binh, mang vé đi bán giúp trong số thân hữu, bà con, bạn sẽ chọn lối bán như thế nào để hết 100 vé. Một mình Hoàng Sinh, đứng trước cửa chợ ABC trên đường Bolsa, chào mời những người qua lại, vào ra ngôi chợ, trước ngày Ðại Nhạc Hội “Cám Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH” kỳ 4 khai diễn, đã bán được 1,545 vé, mang về cho Hội $15,450.00, và $670.00 do đồng bào gửi giúp thương binh, một con số kỷ lục, hơn bất cứ một đoàn thể hay một địa điểm bán vé nào khác.
Nếu không có sự đồng tình và yểm trợ hết sức “tri kỷ” của vợ, gánh vác gia đình cho chồng rảnh tay, thì Hoàng Sinh không thể làm được những điều mình muốn, từ năm này qua tháng khác như thế. Người ta có thể hy sinh một hai ngày cho cộng đồng về những công việc đặc biệt có tính cách thời vụ, chứ không ai có thể miệt mài đeo đuổi như cuộc “biểu tình đứng” như của một người lính Nhảy Dù năm xưa qua một thời gian dài liên tục như thế, hay mặc quân phục, chịu khó đứng trước cửa chợ suốt ngày để bán vé giúp thương binh như Hoàng Sinh.
Năm nay, “Ðại Nhạc Hội Cám Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH” kỳ 5 sẽ khai diễn vào ngày Chủ Nhật 7 tháng 8 năm 2011 tại sân vận động trường Grande High School, Westminster, California, và Hoàng Sinh sẽ “xuống đường”, cũng trước cửa ngôi chợ ABC như năm ngoái, hy vọng số vé bán năm nay sẽ vượt qua kỷ lục 2010, sẽ lên đến 1,800 vé.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét