(Toquoc)-Hàn Quốc dự kiến tuyên bố chủ quyền phần thềm lục địa mở rộng của bán đảo Triều Tiên trên biển Hoa Đông trong năm nay. Trung Quốc phản đối tàu cá Nhật Bản hoạt động ở phía ngoài quần đảo tranh chấp Điếu Ngư (Nhật gọi là Senkaku). Biển Hoa Đông dậy lên đợt sóng mới.
Trung-Nhật khẩu chiến
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 4/7 cho biết, Bắc Kinh đã gửi công hàm phản đối chính thức cho phía Nhật Bản về việc các tàu cá của họ hoạt động tại khu vực biển này. Tuyên bố nêu rõ Bắc Kinh yêu cầu Tokyo “lập tức rút các thuyền đánh cá ra khỏi vùng lãnh hải quanh các hòn đảo đang tranh chấp ở biển Hoa Đông”. Vị phát ngôn viên này nhấn mạnh mọi hoạt động của Nhật trong vùng biển xung quanh đảo Điếu Ngư đều là "bất hợp pháp".
Từ lâu nay, căng thẳng giữa hai cường quốc láng giềng này thỉnh thoảng lại bùng lên, do các tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông, liên quan đến quần đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản thì gọi là Senkaku. Hôm 3/7, 9 tàu đánh cá của Nhật Bản đã hoạt động xung quanh các đảo tranh chấp nói trên và ngay sau đó đã trở về Okinawa, một hòn đảo nằm ở phía nam Nhật Bản.
Biển Hoa Đông vốn là khu vực tranh chấp lâu đời giữa Trung Quốc - Nhật Bản
Những tàu đánh cá này thuộc nghiệp đoàn đánh cá Yaeyama ở thành phố Ishigaki (Okinawa ). Nghiệp đoàn này còn cho biết sẽ gửi hình ảnh về hoạt động đánh bắt cá của họ đi khắp thế giới để chứng minh đó là vùng lãnh hải Nhật Bản.
Trước đó, sớm ngày 3/7, lực lượng bảo vệ trên biển của Nhật đã phát hiện tàu Ngư chính 201 của Trung Quốc tại vùng biển cách Senkaku 31 km. Đây là lần đầu tiên kể từ trận động đất hồi tháng 3, Nhật phát hiện tàu Trung Quốc gần quần đảo tranh chấp.
Phía Nhật đã yêu cầu tàu Ngư chính 201 rời khỏi khu vực, nhưng tàu Trung Quốc đáp lại rằng đây là vùng biển thuộc quyền quản lý của Trung Quốc. Đến 10 giờ sáng cùng ngày, tàu Trung Quốc mới rời vùng biển này. Nghiệp đoàn đánh cá Yaeyama cho rằng, tàu Ngư chính Trung Quốc xuất hiện ở khu vực này nhằm kiềm chế hoạt động đó của họ.
Căng thẳng mới trong tranh chấp chủ quyền trên biển giữa hai nước lại nổi lên vào thời điểm hôm qua, Ngoại trưởng Nhật Bản Takeaki Matsumoto tới Bắc Kinh để thảo luận về việc cải thiện quan hệ giữa hai nước láng giềng châu Á.
Ngoại trưởng Matsumoto nói rằng về mặt lịch sử và cũng về mặt luật quốc tế, quần đảo là một phần quan trọng của Nhật Bản và không có vấn đề lãnh thổ nào cần phải giải quyết.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản Hidenobu Sobashima sau đó khẳng định quan chức hai bên đã thảo luận về lãnh thổ bị tranh chấp, nhưng với lời lẽ tổng quát. Người phát ngôn tỏ ý lạc quan rằng hai bên có thể xúc tiến việc thảo luận các hiệp định có tính ràng buộc về pháp lý về vấn đề cùng khai thác các giếng dầu trong khu vực.
Bang giao Trung-Nhật đã trở nên tồi tệ năm ngoái, sau khi một thuyền đánh cá của Trung Quốc đụng phải một tàu tuần duyên Nhật Bản gần vùng đảo này.
Nhật Bản vẫn tỏ ra lo ngại việc Trung Quốc không ngừng tăng ngân sách quốc phòng. Giờ đây, Tokyo lại càng cảnh giác đề phòng với Bắc Kinh, nhất là trong mấy tuần gần đây căng thẳng trên Biển Đông giữa Trung Quốc, Việt Nam và Philippines gia tăng do Bắc Kinh càng ngày càng tỏ thái độ cứng rắn trong việc đòi hỏi chủ quyền tại khu vực này.
Hàn Quốc cũng tham gia tranh chấp biển Hoa Đông
Cũng trong ngày 3/7, một quan chức giấu tên của chính phủ Hàn Quốc cho biết Seoul dự kiến tuyên bố chủ quyền phần thềm lục địa mở rộng của bán đảo Triều Tiên trên biển Hoa Đông trong năm nay.
Theo quan chức nói trên, chính phủ Hàn Quốc đang xử lý các dữ liệu liên quan trước khi trình văn kiện chính thức tuyên bố chủ quyền phần thềm lục địa kéo dài ra bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này ở biển Hoa Đông lên Ủy ban Liên Hiệp Quốc về giới hạn thềm lục địa (CLCS) vào cuối năm 2011.
Trong văn kiện này, Hàn Quốc dự kiến tuyên bố chủ quyền phần thềm lục địa mở rộng tự nhiên của bán đảo Triều Tiên kéo dài tới tận Hõm Okinawa trên biển Hoa Đông. Điều này có nghĩa là EEZ của Hàn Quốc sẽ mở rộng ra ngoài phạm vi 200 hải lý. Vào năm 2009, Hàn Quốc đã trình lên CLCS một văn kiện tương tự nhưng chỉ mới chứa thông tin sơ bộ.
Quan chức Hàn Quốc nói trên thừa nhận việc đệ trình văn kiện lần này, nếu diễn ra, có thể khiến Trung Quốc và Nhật Bản có những động thái tương tự, khơi mào lại các cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa 3 nước này ở biển Hoa Đông, vùng biển tranh chấp được cho là chứa nhiều tài nguyên thiên nhiên.
PV (Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét