Phương Bích (danlambao) - Lẽ ra những việc như thế phải để cho những người có trách nhiệm với đất nước lo, vậy mà một chàng thanh niên 36 tuổi trưởng thành từ vùng quê nghèo Hà Tĩnh lại đang miệt mài với công việc gieo mầm ấy. Tôi hoàn toàn thành thật khi nói rằng tôi vô cùng ngưỡng mộ công việc mà cậu ấy đang làm. Hy vọng sẽ có nhiều người làm công việc gieo mầm cùng với Phạm Quang Thạch, và hy vọng người dân ta hiểu rõ được lợi ích từ việc đọc sách như thế nào...
*
Cách đây dăm bẩy năm, tôi nghe lỏm được câu chuyện mấy vị trong phòng tôi đang lúng túng khi dịch một tài liệu tiếng Anh sang tiếng Việt, có một từ gọi là “life school” thì dịch thế nào cho sát nghĩa nhỉ. Tranh cãi một hồi, may quá có một cô cũng thuộc diện siêu ngoại ngữ đang làm việc cho một hãng tư vấn nước ngoài sang làm việc, cô ấy bảo: thì dịch là “trường học cuộc sống”. Mọi người nhao nhao cãi: mẹ, dịch thế thì hỏi làm đách gì. Dịch phải nghe nó Việt Việt một tý chứ, ở ta làm gì có cái từ trường học cuộc sống, nói thế bố ai mà hiểu được.
Nhưng mà sự đời nó thế, ở ta không có nhưng ở nước ngoài nó có. Có người bảo hay đấy là trường dạy nghề? Cô kia bảo: không phải, cái trường này nó dạy tất cả những kỹ năng để người ta có thể tồn tại, dạy nghề chỉ là một trong những kỹ năng ấy thôi.
Chuyện đấy mênh mông lắm, tôi là tôi chỉ kể lại có cái trường hợp như thế nó đã xảy ra mà rõ ràng ở ta là chưa có cái khái niệm về một trường học như vậy.
Điều tôi muốn nói ở đây là về vấn đề khác, về việc làm mới thoạt nghe thì tưởng chừng giống như “dã tràng xe cát”, đó là chủ đề: Lập tủ sách dòng họ nhằm mục đích đưa sách về nông thôn của một chàng trai 36 tuổi tên là Phạm Quang Thạch. (đối với tôi thì cậu ấy vẫn còn quá trẻ).
Trong cái thời buổi mà người ta chỉ chăm chăm đầu tư cho những gì sớm được thu hoạch, có kết quả ngay, tiền tươi thóc thật thì ý nghĩa của câu nói “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” dường như xa xưa quá rồi.
Ngày nay, các bậc phụ huynh có hiểu biết một chút thì vô cùng lo lắng trước những gì con cái họ học được từ nhà trường. Kể cả các thầy cô giáo có con cũng không ngoại lệ. Kêu ca, phản ánh, kiến nghị hình như chả có kết quả gì, và có lẽ cả xã hội đã buông xuôi. Một cô bạn tôi than thở, nếu cứ dạy dỗ con cái mình như thế này thì nó sẽ ngu đi mất, cái gì cũng học theo mẫu, làm theo mẫu, chệch ra là hỏng, không còn một chút sáng tạo nào trong suy nghĩ của chúng cả…
Không ngoài việc đọc sách, việc ăn uống, việc xây dựng nhà cửa, đường xá cũng không thoát khỏi cái tư duy “tiền tươi thóc thật” này. Tiền tươi thóc thật là lợi ích đem lại cho người tham gia vào việc làm ra nó chứ không phải cho người sử dụng nó. Hãy thử kiểm chứng lại xem:
* Để phục vụ cho như cầu cuộc sống ngày càng tăng của xã hội, người ta sẵn sàng dùng hóa chất để sản xuất ra từ đồ ăn thức uống, rau quả, thịt thà cá mú… tất tật đến mức ra chợ, người tiêu dùng không biết làm cách nào để tránh được những loại sản phẩm mà họ biết chắc là chẳng hề an toàn kể cả thứ còn đang bơi ngoay ngoảy trước mắt họ.
* Trong việc xây dựng cầu cống, đường xá, người ta sẵn sàng bớt xén nên rất nhiều công trình hư hỏng ngay trong giai đoạn đang bảo hành (báo chí đăng khá nhiều). Chả thế mà công việc xây xướng chả bao giờ “thất nghiệp”.
* Nhà cửa thì người ta mang danh chỉnh trang lại bộ mặt đô thị, cải thiện đời sống cho người dân nhưng lại chỉ chăm chăm vào những vị trí đắc địa ở mặt đường để có thể thu lợi nhanh, bất chấp việc quy hoạch để phát triển lâu dài. Họ nóng lòng thu lời nhanh đến mức muốn đập phá ngay cả những ngôi nhà còn vững chãi ở mặt đường trong khi bỏ mặc những khu nhà xập xệ rách nát bên trong.
Trở lại việc đọc sách, không nói đâu xa, ngay đối với chính bản thân tôi thôi, cách đây cũng dăm năm là ít, tôi có mua một cuốn sách khổ 19x13 dày cỡ trên 600 trang. Mới để trên bàn chưa kịp đọc thì ông anh tôi vô tình nhìn thấy, ông ấy kêu lên vẻ thảng thốt lắm:
- Ôi trời, bây giờ ai mà có thời gian đọc những cuốn sách dày như thế này cơ chứ?
Tôi ngượng ngịu như thể mình đúng là một kẻ vô công rồi nghề, giết thời gian bằng cách đọc sách. Đấy là ông anh tôi vốn cũng làm công tác nghiên cứu, nhưng mà là nghiên cứu ra tiền. Tôi chẳng biết ông ấy có bao giờ cầm đến cuốn sách nào ngoài công việc của ông ấy không. Còn tôi thì quả là đọc cũng chỉ để khỏi quên mất cái cảm giác thèm đọc từ ngày còn bé tí. Bây giờ tôi chẳng thể đọc theo kiểu nghiền ngẫm mà chỉ lướt qua như đi xem hàng trong siêu thị, thấy đoạn nào hay hay, gay cấn một tí, hồi hộp một tí hoặc hài hước một tý thì còn đọc chậm lại và sau khi gấp lại rồi cũng chỉ nhớ láng máng cốt chuyện. Bây giờ thời gian là để vào mạng xem hoặc đọc những cái gì nóng hổi xảy ra hàng ngày kia kìa.
Khi tiếp xúc với nhiều người thuộc nhiều tầng lớp trong xã hội, tôi thấy rất nhiều người trong số họ không có một tý kiến thức nào để tự bảo vệ mình trong những hoàn cảnh bất lợi hoặc bị xâm hại. Họ không biết tự vệ bằng lý lẽ đơn giản nhất mà cứ ngoan ngoãn nhẫn nhục chịu đựng như một con cừu, họ tự đưa mình vào những tình huống nguy hiểm để rồi khi xảy ra sự cố thì: chờ được vạ má đã sưng. Vì thiếu hiểu biết, họ chấp nhận bị bóc lột tàn bạo. Thậm chí khi xảy ra tranh chấp thì họ bao giờ cũng là kẻ phải chịu thiệt thòi nhất.
Tôi chưa một ngày ngồi trên giảng đường của bất cứ một trường đại học nào đơn giản là vì tôi thi trượt đại học và không hề thi lại lần thứ hai.Thế nhưng trong thực tế tôi thấy vô cùng nhiều, những người có trình độ cao hơn tôi mà không thể viết nổi một lá đơn đơn giản nhất, không chỉ là về thể thức trình bầy mà họ còn lúng túng không biết mở đầu, thân bài, kết luận như thế nào. Có người biết đúng hay sai nhưng lại chỉ có thể trình bầy ở dạng nói chứ viết thì loay hoay hơn “gà nhảy ổ”. Tại sao vậy? Ngay cả khi mình làm một cái gì đó, người ta bảo được hay không được thì ít ra cũng phải hỏi tại sao, vì lý do gì, có quy định nào bằng văn bản không hay là cá nhân ông (bà) nói thế, nghĩa là phải đưa ra bằng chứng chứ không phải “cấm bằng mồm”. Đến ngay như các cơ quan nhà nước mà hàng năm còn ra khối văn bản trái luật, mà đã là trái luật thì ít nhiều đều gây thiệt hại cho xã hội về thời gian và tiền bạc cả.
Bởi vậy tôi mới nói công việc của Phạm Quang Thạch nó tựa như “dã tràng xe cát” trong cái thời buổi “ăn xổi ở thì” này. Một công việc hoàn toàn mang tính xã hội, không vì tiền bạc mà chỉ vì mục đích nâng cao sự hiểu biết của người dân qua việc đọc sách. Sách là tinh hoa của xã hội, là đúc kết những kinh nghiệm từ cuộc sống dù chỉ là bằng việc kể lại sự việc. Mưa lâu thấm đất, người đọc từ việc nhớ đến việc áp dụng nó vào cuộc sống của chính mình. Vì cái điều tưởng chừng như không tưởng ấy, tôi muốn ví công việc cần mẫn và cao cả của anh Thạch là “gieo mầm” kiến thức cho xã hội. Lẽ ra những việc như thế phải để cho những người có trách nhiệm với đất nước lo, vậy mà một chàng thanh niên 36 tuổi trưởng thành từ vùng quê nghèo Hà Tĩnh lại đang miệt mài với công việc gieo mầm ấy. Tôi hoàn toàn thành thật khi nói rằng tôi vô cùng ngưỡng mộ công việc mà cậu ấy đang làm. Hy vọng sẽ có nhiều người làm công việc gieo mầm cùng với Phạm Quang Thạch, và hy vọng người dân ta hiểu rõ được lợi ích từ việc đọc sách như thế nào.
Hà Nội ngày 2/7/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét