Sông Kôn (danlambao) - Nhân dân kỳ vọng vào đại hội lần thứ 11 Đảng Cộng Sản sẽ có đổi mới là cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, tiến đến bãi bỏ hoàn toàn kinh tế Nhà nước. Nhưng sự kỳ vọng đó đã không thành hiện thực. Một lần nữa vì lợi ích cục bộ cho một nhóm người mà Đảng tiếp tục phát triển mạnh nền kinh tế Nhà nước. Nền kinh tế như vậy nó đã dẫn đến những huệ lụy sau:
1. Thu ngân sách: nửa dơi nửa chuột nửa kỳ đà
Ai cũng biết vai trò của Nhà nước là thu ngân sách từ thuế của người dân để chi tiêu cho các hoạt động của Nhà nước. Nhưng khi Nhà nước làm kinh tế thì việc thu ngân sách từ các doanh nghiệp nhà nước nó không còn mang tính chất là khoản thu thuế nữa, cho dù các khoản thu này có tuân thủ theo theo luật thuế. Bởi vì người thu thuế cũng là người nộp thuế, cùng là một chủ thể là Nhà nước
Một lần đến thăm người bạn quen làm ngành thuế ở một tỉnh Tâây Nguyên tôi nghe câu chuyện: có một năm ngành thuế tỉnh thu thuế không đạt chỉ tiêu theo kế hoạch, khổ nỗi năm đó UBND tỉnh đã chi không những đạt mà còn vượt kế hoạch chi nữa, vậy thì tiền đâu mà UBND tỉnh bù đắp cho khoản chi đã chi vượt khi mà UBND tỉnh không được phép tự in ra tiền. Câu trả lời mà tôi được biết là là tỉnh đã tăng thu từ các doanh nghiệp nhà nước đứng chân trên địa bàn tỉnh để bổ sung cho việc thiếu hụt thu thuế trên. Việc tăng thu có thể là thu từ lợi nhuận doanh nghiệp một khi Nhà nước cũng là ông chủ sở hữu của doanh nghiệp.
Như vậy thì thu ngân sách nước ta hiện tại là vừa thu thuế Nhà nước từ dân, vừa thu theo luật thuế các doanh nghiệp nhà nước và vừa thu lợi nhuận sau thuế từ các doanh nghiệp nhà nước nữa. Một kiểu thu nửa dơi, nửa chuột nửa kỳ đà.
2. Lợi nhuận doanh nghiệp nhà nước - quỹ dự phòng để ngoài ngân sách quốc gia
Bao nhiêu năm nay kế hoạch thu chi ngân sách Nhà nước các cấp được nói đến chỉ là phần thu thuế, chứ có nói đến phần thu từ lợi nhuận hoạt động của doanh nghiệp nhà nước bao giờ. Vậy thì lợi nhuận từ hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước nằm ở đâu ? Nó nằm ở bên trong doanh nghiệp Nhà nước và bên ngoài ngân sách Nhà nước như một khoản dự phòng.
Việc thiếu minh bạch về tài chính doanh nghiệp, biến lãi thành lỗ một cách dễ dàng nên chẳng mấy khi quỹ dự phòng của nhà nước để ngoài ngân sách này được các quan chức nhà nước đưa vào chính thức là khoản thu cho ngân sách nhà nước mà công bố với nhân dân.
3.Tiêu chí nhân dân làm chủ bị đảo ngược
Nhà nước XHCN luôn miệng nói là nhân dân làm chủ, Nhà nước là đầy tớ của dân. Nhưng khi nhà nước nắm lấy trong tay các tập đoàn kinh tế lớn thì đông đảo người dân lại làm đầy tớ ngược lại cho ông chủ Nhà nước kia để có cơm ăn áo mặt. Với một đại bộ phận nhân dân đang làm thuê cho Nhà nước, Nhà nước chẳng cần khổ công sử dụng đến cái quyền tối thượng của Nhà nước mà chỉ cần dùng cái quyền của ông chủ là đuổi việc thì người dân cũng đã sợ lắm rồi. Vì thế cũng dễ hiểu vì sao chẳng có ai trong số hàng triệu công nhân ngành điện lực, ngân hàng, viễn thông dám có mặt trong đoàn biểu tình chống Trung Quốc mấy tuần vừa qua ở Sài Gòn và Hà Nội cả.
4. Làm hẹp thị phần kinh doanh của nhân dân
Với mấy chục tập đoàn, tổng công ty, Nhà nước hiện tại đang nắm hầu hết các ngành kinh tế quan trọng, vừa độc quyền và vừa có đặc quyền nên những ngành nào Nhà nước có kinh doanh thì người dân chỉ còn cách bỏ chạy sang kinh doanh những ngành nghề khác.
Ban đầu thì Nhà nước nói là chỉ kinh doanh những ngành chủ đạo, nhưng sau đó các tập đoàn Nhà nước cứ thấy ngành nào có lợi thì làm chứ chẳng còn là chủ đạo nữa, cứ thế nhảy ào ào sang các lĩnh vực khác như: địa ốc, chứng khoán.
Tám mươi triệu dân Việt Nam ai không muốn đi làm thuê thì nhảy ra kinh doanh cạnh tranh với nhau trong những cái ngành kinh tế mà tập đoàn nhà nước không làm, đó là: sản xuất nước mắm và làm bánh mì. Chỉ có mấy ngành đó mà hàng triệu người làm, ai làm giỏi thì ồn tại được. Đến khi Nhà nước thổi cơn gió nhẹ lạm phát, thì những người làm giỏi cũng phải tiêu tan, chỉ còn lại những người siêu giỏi. Những doanh nghiệp hiện nay tồn tại được là siêu giỏi rồi.
5. Nhà nước chiếm đoạt đại bộ phận lợi nhuận xã hội, phân chia lợi ích xã hội không đồng đều, làm cho đại bộ phận nhân dân bị bần cùng hóa
Nhà nước ta hiện tại cái đuôi là chủ nghĩa tư bản nên công nhận lợi nhuận làm ra từ nhà máy là của nhà tư bản sở hữu nhà máy, chứ không phải là của công nhân như chủ nghĩa Max.
Thế nhưng cái đầu định hướng XHCN làm cho Nhà nước chiếm lấy phần lớn các ngành kinh tế quan trọng và vì thế lợi nhuận từ các ngành này chui vào túi Nhà nước, còn lại lợi nhuận các ngành khác là phần nhỏ dành cho tám mươi triệu dân, cơ hội chiếm lấy lợi nhuận kinh doanh của người dân là rất nhỏ nên đại bộ phận dân chúng chỉ làm công ăn lương nên bị bần cùng hóa.
Nhà nước chiếm lấy lợi nhuận độc quyền từ các ngành và phân phối lại một phần cho công nhân các ngành đó đa phần là Đảng viên và là con ông cháu cha các quan chức thông qua việc trả lương cao, họ đặc quyền mà hưởng lương cao vì không có cạnh tranh về lao động như những ngành khác. Từ đó Nhà nước được họ mang ân huệ, sẵn sàng đi theo mà bảo vệ Nhà nước tới cùng.
Tóm lại: những huệ lụy từ nền kinh tế Nhà nước nó kiềm hãm phát triển kinh tế xã hội, làm cho bần cùng hóa người dân, chỉ đem lại quyền lợi cho nhóm người là viên chức Nhà nước là Đảng Cộng Sản mà thôi.
Để đưa đất nước phát triển trở nên giàu mạnh, không còn cách nào khác là Đảng Cộng sản bãi bỏ thành phần kinh tế Nhà nước, cắt bỏ cái định hướng xã hội chủ nghĩa, chỉ còn lại đơn thuần là kinh tế thị trường không thôi. Rốt ráo nữa là bãi bỏ hệ thống chính trị độc đảng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét