Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2011

Cảm xúc qua một cơn mưa

Giác Hạnh (danlambao) - Nếu mưa do trời, người ta dù có khó chịu hay không thì cũng có nhiều phương cách để đối phó. Thế nhưng mưa của mấy vị lãnh đạo rót xuống cho nhân dân thì người ta chỉ có thể cam chịu. Và cuối cùng, chuyện này cũng rất quen thuộc nên các vị lãnh đạo nhà ta cũng rất vô cảm...
Thói thường người ta vô cảm với những gì quá quen thuộc. Và mưa... cũng không ngoại lệ, giữa phố phường chộn rộn, tấp nập người và xe, mấy ai có được cảm xúc với mưa bao giờ. Thế nhưng mỗi cơn mưa cũng có ý nghĩa riêng cho sự tồn tại của nó.

Hôm trước, trên đường về nhà, mưa bỗng kéo tới. Tôi thấy rầu rầu vì lúc đi quên không mang theo áo mưa. Mọi người chung quanh mình thì cố sức tăng ga chạy thật nhanh một cách vô thức. Tôi bỗng bật cười (cười thầm thôi nhé ), mọi người chạy nhanh vậy để làm gì? Thật vô nghĩa! Nếu chạy nhanh để không bị ướt thì kết quả ngược lại...ướt nhiều hơn. Nếu biện minh rằng sợ lạnh thì sao không ghé vào chỗ nào đó trú mưa. Còn nếu bảo rằng nhà gần chạy nhanh cho kịp tránh mưa thì vô lí quá, chậm một chút về nhà thay đồ có sao đâu? Mưa có gì đâu phải sợ chỉ một chút nước đổ xuống thôi mà, bị ướt một chút đâu có chết đâu, chạy nhanh mới...chết. Nghĩ vậy, tôi thấy lòng mình vui vui. Tôi cho xe chạy thong thả để có dịp ngắm cảnh trời mưa, cũng như bảo đảm cho tính mạng trước những làn xe vùn vụt đi qua.

Hôm nay, trời quang mây tạnh, các bà ở xóm đi chợ về kháo nhau nào là thịt lên những mười ngàn một kí, cải lên năm bảy ngàn một bó, rồi thì mắm, muối, tiêu, hành món nào cũng lên giá. Nghe mà....choáng! Chưa hết, anh ba xe ôm ở đầu hẻm thì than xăng lên, chạy xe ôm mỗi ngày một vắng khách.

Thôi rồi, một cơn bão giá.

Mười cơn mưa có là so với một cơn bão. Ấy chỉ là so sánh mưa và bão của trời, còn so sánh mưa và bão của người thì sự chênh lệch còn gấp bao nhiêu lần.

Nhìn lại cơn mưa mà nhà nước nhỏ xuống cho một công chức ( cụ thể là một giáo viên) sau 26 năm, tính kể từ ngày thống nhất hai miền Nam Bắc (tức năm 2001 đến nay), ta thử làm một phép so sánh:

Năm 2001: Lương 408. 000đ xấp xỉ 100 lít xăng (4800 đ/lit) = 1/2 chỉ vàng (800.000đ / chỉ)

Năm 2003: Lương 706.000đ xấp xỉ 100 lít xăng (7500 đ/lit) = 1/2 chỉ vàng (1.400.000đ/ chỉ)

Năm 2005: Lương 1.200.000đ xấp xỉ 100 lít xăng ( 12.000 đ/lít) = 1/2 chỉ vàng ( 2.400.000đ /chỉ)

Năm nay : Lương 2.200.000đ xấp xỉ 100 lít xăng (22.000 đ/l) hơn 1/2 chỉ vàng ( 3.800.000đ/ chỉ, mức trội này nhờ có 10 năm thâm niên)

(Nghe nói tháng 7/2011 này mức lương sàn lên nhưng chưa biết có lên hay không?)

Vậy đó, ông nhà nước trả lương cho công chức căn cứ theo giá vàng và giá xăng. Đành rằng sau mỗi thời điểm số tiền có tăng lên nhưng chung quy cũng không vượt quá 100 lít xăng hay 1/2 chỉ vàng. Khổ nỗi mỗi thời điểm đó vàng, xăng đều tăng giá kéo theo hàng hóa cũng giá tăng không ngừng nghỉ. Cho nên mưa (lương) thì nhỏ giọt mà bão (giá) thì đến ào ào hỏi ai mà không rên xiết.

Rồi chuyện kể rằng có 1 ông bộ trưởng nào đó hứa hẹn đến 2010 thu nhập mỗi giáo viên không dưới 10 triệu /1 tháng. Hứa rồi để đó, đến nay 2011 vẫn chưa thấy thực hiện, thế mà ông bộ trưởng nọ bây giờ còn kiêm luôn cả chức phó thủ tướng. Nhiệm vụ này chưa làm nỗi lại còn gánh thêm trọng trách khác, kiểu này chắc tới tết công gô lương giáo viên mới có giá 10 triệu.

Cũng có chuyện như vầy, ở nước bạn có 1 ông thủ tướng cũng nhậm chức rồi hứa hẹn đủ thứ, rồi cũng không làm nổi nhưng được cái quý là ông ta công khai xin lỗi nhân dân và xin từ chức trước khi hết nhiệm kỳ. Nước ngoài, người ta minh bạch như thế đấy.

Chuyện tương tự, cũng 1 ông thủ tướng "chém gió từa lưa" rồi khi hết nhiệm kỳ thành quả của ông là đánh chìm một con tàu trị giá hơn 8000 tỷ đồng. Rồi thì lạm phát, rồi tệ nạn xã hội, rồi tham nhũng tràn lan, thế nhưng không thấy xin lỗi, cũng không thấy từ chức mà còn tại vị thêm một nhiệm kỳ với số phiếu tín nhiệm 99,9%. Nước ta, người ta công khai làm vậy đấy.

Trở lại chuyện mưa, nếu mưa do trời, người ta dù có khó chịu hay không thì cũng có nhiều phương cách để đối phó. Thế nhưng mưa của mấy vị lãnh đạo rót xuống cho nhân dân thì người ta chỉ có thể cam chịu. Và cuối cùng, chuyện này cũng rất quen thuộc nên các vị lãnh đạo nhà ta cũng rất vô cảm.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét