Khoảng chục năm gần đây, “tục lệ” này ngày càng phổ biến, đến mức mà vào mùa thi năm nay cùng với lực lượng sinh viên tình nguyện, ban quản lý di tích phải lắp thêm rào chắn nhằm... bảo vệ đầu rùa!
Bình luận về hình ảnh thí sinh chen nhau cầu may này có rất nhiều luồng ý kiến, song không thể không thừa nhận có một “quan niệm” đương thời là “học tài thi phận”. Ngày càng có nhiều người tin rằng việc đánh giá kiến thức, kỹ năng của thí sinh (qua việc tổ chức kỳ thi) ít còn tùy thuộc vào các chuẩn mực giáo dục mà lại phụ thuộc phần lớn vào... may rủi!
Quả thế, cuối tuần trước nhiều phụ huynh đã hết sức tâm tư trước lời nhận lỗi của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận về thiếu sót xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long. “Tôi, với tư cách bộ trưởng cũng nhận trách nhiệm. Để xảy ra vụ việc ở các tỉnh như vậy mà Bộ không biết mà phải qua báo chí, đấy là cái yếu kém” - bộ trưởng nói. Bởi không phải phụ huynh lo rằng con mình sẽ trượt (nếu Bộ chấm lại các bài thi tốt nghiệp) mà họ thấy rằng các chuẩn mực giáo dục đã lung lay khi cấp bộ ra đáp áp một đằng, cấp sở ra đáp án một nẻo để rồi giờ đây bộ trưởng thì nhận trách nhiệm, cấp vụ thì rút kinh nghiệm, còn địa phương thì kiểm điểm, kỷ luật cán bộ. Hơn thế, qua việc “tha” cho thí sinh (vì cho rằng các em không có lỗi, các em cần được củng cố niềm tin trước khi thi đại học) thì thêm một lần nữa xã hội có cơ sở tin rằng việc “đỗ - trượt” của thí sinh chỉ là chuyện may rủi mà thôi.
Mặc dù sự cố của 11 tỉnh miền Tây “không gây ra ảnh hưởng lớn” (như cách nói của bộ trưởng) bởi thí sinh của 11 tỉnh chỉ chiếm 10,8% thí sinh cả nước và chỉ ba môn tự luận là có đáp án “ngoài luồng” nhưng những người sử dụng lao động sẽ xoay sở thế nào nếu nguồn nhân lực cung ứng cho họ sẽ là những con người đỗ đạt nhờ may rủi?
Và đất nước sẽ đi đến đâu, có sánh vai nổi với các cường quốc năm châu hay không nếu chủ nhân tương lai sẽ là những con người đi lên không phải bằng kiến thức và kỹ năng của chính mình?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét