Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

Tại sao Trung Cộng lấn chiếm tại Biển Ðông?

THIEN

Vụ tàu hải giám của Trung Cộng cắt dây cáp của tầu Bình Minh 2 của PetroVietnam không phải là một biến cố lẻ loi, đơn giản, mà có thể là một bước nằm trong một chiến lược lâu dài của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh.
Có những lý do chiến lược khiến Bắc Kinh muốn bảo đảm quyền hành động tự do của họ trong vùng Biển Ðông nước ta. Họ có thể đạt được mục đích này bằng nhiều cách, nhưng đứng trước những phản ứng yếu ớt của chính quyền Việt Nam từ hàng chục năm qua mỗi lần phải đương đầu với nước láng giềng thì họ đã chọn chiến thuật lấn chiếm từng bước một, để đặt thế giới trước những sự đã rồi.

Vụ Bình Minh 2 tuy không đổ máu, không giết người, nhưng quan trọng hơn hẳn những vụ cướp, chiếm tầu đánh cá trước đây. Bằng cớ là Hoàn Cầu Thời báo, một cơ quan ngôn luận của Cộng Sản Trung Hoa đã lên tiếng về biến cố này với những lời lẽ đe dọa nặng nề, một hiện tượng trước đây chưa bao giờ thấy. Nhật báo Asahi, Nhật Bản, cũng nói rằng Trung Quốc ngày càng cứng rắn trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Ðông; vì Cục Quản Lý Ðại Dương của Bắc Kinh mới đây đưa ra một phúc trình khuyến cáo sử dụng vũ lực quân sự để đạt mục tiêu trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng.
Tạp chí Hoàn Cầu Thời báo ở Bắc Kinh ngày 30 Tháng Năm 2011 đã viết bài bình luận nói đến vụ cắt dây cáp tầu Bình Minh 2. Bài viết không ký tên tác giả nào, cho thấy đây là lập trường chung của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Họ nhấn mạnh rằng vụ này là biến cố “nghiêm trọng nhất trong những năm gần đây.” Hoàn Cầu Thời báo, thuộc nhật báo Nhân Dân, Bắc Kinh, là cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Ðiều đáng chú ý là bài báo này không hề nhắc đến những khẩu hiệu êm ái như “đồng chí, anh em, hợp tác toàn diện, 16 chữ vàng,” vân vân mà các ông Nông Ðức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng gần đây đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Trái lại, tờ báo cảnh cáo bằng những lời đe dọa rất cứng rắn. Thí dụ, họ viết rằng việc tầu Bình Minh 2 đi khảo sát địa chấn là “thách thức lòng kiên nhẫn của Trung Quốc… Nếu như Việt Nam cứ tiếp tục hoạt động trong vùng biển chủ quyền của Trung Quốc, thì sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.”
Chúng ta biết rằng Bình Minh 2 chỉ hoạt động trong khu vực thuộc phạm vi “đặc quyền kinh tế” của nước ta, mà mỗi quốc gia đều có quyền đó trên vùng ven biển của mình. Khu vực này nằm hoàn toàn bên ngoài, ở về phía Tây của “đường chín đoạn” mà Trung Cộng đã vẽ trên bản đồ, coi Biển Ðông nước ta như là “ao nhà” của họ. Cả thế giới phủ nhận “vùng lưỡi bò” của Trung Cộng. Cho nên họ gây xung đột với Việt Nam, là để nhân cơ hội đó xác nhận “vùng biển chủ quyền của Trung Quốc,” đặt thế giới trước một sự đã rồi nếu mỗi lần bị họ lấn áp Việt Nam không phản đối mạnh mẽ, công khai, ra trước các cơ quan tài phán quốc tế.
Hoàn Cầu Thời báo đã đe dọa rằng “tình trạng tự kiềm chế của Trung Quốc không phải là không có giới hạn,” sau khi tố cáo tầu Bình Minh 2 vi phạm vùng chủ quyền của họ. Và họ còn nhắc nhở, “Trung Quốc là nước lớn, sức mạnh hơn hẳn Việt Nam!” Báo này đã đăng thêm những lời “góp ý kiến” của độc giả, và tất cả biểu lộ tinh thần đề cao Hán tộc, khinh thường người Việt Nam.
Liệu Trung Cộng có sẵn sàng tấn công Việt Nam để thực hiện quyền làm chủ vùng Biển Ðông hay không? Chắc họ sẽ không gây chiến tranh nếu có thể đạt được cùng một mục tiêu một cách hòa bình, theo lối tầm ăn dâu.
Nhưng đối với Trung Quốc, hoạt động tự do trong vùng Biển Ðông nước ta là một điều kiện thiết yếu về cả kinh tế lẫn quân sự. Chiếm được vùng này là bảo đảm an ninh cho Trung Quốc nếu xẩy ra chiến tranh với các cường quốc khác. Liệu những người cầm quyền ở Bắc Kinh có trù liệu sẽ có ngày lâm chiến với Mỹ, hay Ấn Ðộ, hoặc Nhật Bản hay không? Trong một tương lai gần thì chắc chiến tranh khó xẩy ra vì Trung Quốc còn quá yếu. Nhưng không ai tiên đoán được 50 năm đến 70 năm nữa thế giới sẽ như thế nào. Ðối với Bắc Kinh thì tốt nhất là hãy chuẩn bị sẵn sàng để nếu có chiến tranh thì Trung Quốc không bị phong tỏa kinh tế trên mặt biển, như Nhật Bản thời Ðại Chiến Thứ Hai.
Các nhà chỉ huy quân sự ở Trung Quốc chắc hẳn đã nghiên cứu lịch sử để thấy bài học Nhật Bản thất trận. Hiện nay hơn ba phần tư số nhập cảng về dầu khí, nguyên liệu của Trung Quốc đang phải chuyển qua eo biển Malacca giữa Indonesia và Mã Lai Á, rồi đi qua ngang vùng Biển Ðông của nước ta để tiếp tế cho các nhà máy hoạt động trong lục địa. Tình trạng này không khác gì Nhật Bản trước cuộc Ðại Chiến Thứ Hai.
Quân đội Thiên Hoàng thua năm 1945 không phải vì những người lính Nhật và cấp chỉ huy của họ yếu kém. Lý do khiến Nhật gây chiến với Mỹ, rồi thua trận, đều vì kinh tế bị phong tỏa.
Trước chiến tranh, Nhật Bản là quốc gia xuất cảng đứng hàng thứ tư trên thế giới; hàng hải thương thuyền có trọng tải đứng hàng thứ ba; trong thập niên 1930 kinh tế Nhật phát triển nhanh chóng, bành trướng sang Mãn Châu, Cao Ly, rồi vào Trung Quốc trong khi cả thế giới lâm vào cảnh đại khủng hoảng. Số sản xuất công nghiệp Nhật lớn hơn tất cả các nước Á Châu khác cộng lại. Số công nhân trong các công nghiệp tăng từ 5.8 triệu năm 1930 lên tới 9.5 triệu năm 1944.
Sau khi quân Nhật tiến vào Việt Nam với sự thỏa thuận của chính quyền thuộc địa Pháp, năm 1941 Hải Quân Mỹ đã bắt đầu ngăn cản các tầu chở dầu lửa của Nhật đi qua vùng biển Ðông Nam Á. Nhật đã tấn công Pearl Harbor vì nghĩ rằng có thể làm tê liệt lực lượng Hải Quân Mỹ ở Thái Bình Dương, để buộc Mỹ phải đứng ngoài. Giới tướng lãnh Nhật đã tính lầm vì hoàn toàn không biết gì về tiềm năng kinh tế của Mỹ. Trong những năm từ 1942 đến 1945, Mỹ sản xuất hơn 2,000 triệu tấn than đá, Nhật chỉ có dưới 200 triệu tấn; Mỹ sản xuất 6,660 triệu thùng dầu, Nhật dưới 30 triệu; Mỹ chế tạo 280,000 máy bay, Nhật chỉ có 65,000. Những năm sau cùng 1944, 45, sức mạnh của quân đội Nhật tàn dần vì kinh tế suy yếu, càng ngày càng yếu, khi lực lượng tầu ngầm, Không Quân và Hải Quân Mỹ tấn công các tầu chở hàng của Nhật trong Ðông Nam Á, trong đó có vùng Biển Ðông nước ta.
Nên nhớ đến năm 1945 Nhật vẫn chiếm đóng Mãn Châu, Hàn Quốc, Ðài Loan, các vùng duyên hải Trung Quốc, cùng Miến Ðiện, Việt Nam, chính phủ Nhật tự do bóc lột tài nguyên các nước này, phục vụ guồng máy chiến tranh. Nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đủ. Nhật Bản cần ít nhất mỗi năm 6 triệu tấn dầu mua từ Miến Ðiện, từ Borneo và các đảo thuộc Indonesia bây giờ, vì trong nước chỉ sản xuất được 250,000 tấn. Dầu nhập cảng về Nhật phải đi qua vùng Biển Ðông nước ta, cũng như tình trạng Trung Quốc bây giờ.
Chỉ tới Tháng Ba năm 1945 máy bay Mỹ mới đánh bom vào các thành phố Nhật một cách quy mô; nhưng kinh tế Nhật đã co cụm vì bị phong tỏa trên mặt biển khi tầu ngầm Mỹ bắt đầu tấn công các thương thuyền chở hàng hóa, nguyên liệu và dầu lửa từ năm 1944. Năm đó, Nhật Bản tiêu thụ gần 20 triệu thùng dầu nhưng chỉ nhập cảng được 5 triệu vì bị tầu ngầm Mỹ ngăn cản. Riêng tầu ngầm Flasher đã đánh đắm 21 chiếc tầu thủy Nhật, trong đó có 4 tầu chở dầu chở mỗi chiếc 100,000 thùng dầu; trong Tháng Mười Hai năm 1944 tầu ngầm này đã làm cho số dầu lửa về đến nước Nhật giảm bớt 2 phần ba. Trong năm đó, tầu ngầm Mỹ đánh hư hơn 600 thương thuyền Nhật tổng cộng trọng tải 2.7 triệu tấn. Số hàng nhập cảng vào nước Nhật giảm 40%. Vào lúc cuối cuộc chiến, kinh tế Nhật chỉ bằng 10% của Mỹ, mà một lý do chính là không đủ nguyên liệu và dầu lửa, nhiều nhà máy bỏ trống không dùng đến. Từ đầu năm 1945 Nhật Bản không còn sức tiếp tế cho các đạo quân viễn chinh, vũ khí không sản xuất đủ, trang bị kỹ thuật cho quân sĩ như máy radar, máy truyền tin, không tân tiến bằng quân Ðồng minh vì các ngành khoa học, kỹ thuật và việc sản xuất trong nước bị tê liệt.
Thua kém vì kỹ thuật tiến chậm là một yếu tố thua trận. Ở Miến Ðiện, quân Nhật đã bị quân Anh đánh lừa bằng kế dương Ðông kích Tây; đánh vào hai địa điểm ở phía Tây Mandalay để nhử quân Nhật, nhưng cuối cùng tấn công vào yếu điểm ở phía Nam để chặn đường tiếp tế từ Rangoon lên. Quân Nhật bị lừa vì hệ thống truyền tin quá cổ lỗ! Tháng Ba 1945, Tướng Masaki Honda tại mặt trận Meiktila, Miến Ðiện báo cáo lên cấp chỉ huy: “Trong 2 sư đoàn của tôi, không tới 20 khẩu súng còn hoạt động bình thường… Súng chống xe tăng của chúng ta bắn trúng xe địch nhưng đạn bị văng ra!” Tháng Năm năm 1945, phi công Nhật Masashiko Ando bay thám thính khám phá một tầu ngầm Mỹ ở ngoài khơi Cam Ranh. Ando bay trên cao 2000 mét, quay đầu để đuổi theo phía sau chiếc tầu ngầm, xuống thấp, tới 200 mét thì thả loại bom chìm sâu chống tầu ngầm xuống mục tiêu, nơi chiếc tầu mới lặn. Ando về Cam Ranh, báo cáo đã thành công. Nhưng chiếc tầu ngầm Mỹ đã thoát nạn, vì kỹ thuật “lặn nhanh” của tầu Mỹ đã tiến xa hơn Nhật. Chỉ trong 35 giây đồng hồ là tầu đã lặn rất sâu, trong khi bom Nhật không xuống được sâu như vậy!
Không một quốc gia nào có thể nhắm mắt không nhìn thấy bài học thất trận của Nhật Bản trong cuộc Ðại Chiến Thứ Hai, sau khi kinh tế bị phong tỏa. Nếu những người lãnh đạo Trung Quốc lo xa có ngày nước họ phải lâm chiến, thì họ sẽ phải lo bảo đảm các con đường tiếp liệu. Trên đất liền, Trung Quốc đang thiết lập những ống dẫn dầu từ các nước vùng Trung Á, từ Iran, vân vân, qua miền Tây nước họ; và cả dự án ống dẫn dầu từ bờ biển Miến Ðiện đi lên Vân Nam. Ðồng thời, họ thiết lập đầu cầu cho các căn cứ hải quân ở bờ biển Miến Ðiện, trong khi nhòm ngó cả Campuchia. Bộ tham mưu chiến lược của họ chắc phải đặt câu hỏi: Tại sao không nhắm tới bờ biển Việt Nam? Năm 1945, máy bay diệt tầu ngầm của Nhật đã xuất phát từ phi trường Cam Ranh đi tìm bắn các tầu ngầm Mỹ.
Trung Cộng có cần phải chiếm để sử dụng các hải cảng của Việt Nam hay không? Chắc họ không cần. Vì các hòn đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa cũng đủ để thiết lập các phi trường và căn cứ bảo vệ con đường hàng hải trong vùng Ðông Nam Á. Nhưng Trung Cộng nhất thiết phải được tự do hoạt động, nếu có thể thì làm chủ cả vùng Biển Ðông, để bảo đảm con đường tiếp liệu này. Hiện nay Phi Luật Tân, Indonesia và Singapore đều thân Mỹ, eo biển Malacca bị Mỹ kiểm soát. Chỉ còn có một nước Việt Nam có thể là nơi Trung Cộng có thể dùng để củng cố thêm cho hàng rào bảo vệ đường tiếp tế cho họ.
Giờ đây Trung Cộng không thể gây chiến rồi chiếm Việt Nam, vì cả thế giới sẽ ngăn cản. Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đang tới dự một Hội nghị Shangri-La về an ninh vùng ở Singapore; từ năm ngoái các nước Ðông Nam Á đã yên tâm vì chính phủ Mỹ không bỏ rơi vùng này. Nhưng dù không gây chiến, Trung Quốc vẫn có thể tìm lý do để “cho Việt Nam một bài học” rồi lại rút về ngay, như Ðặng Tiểu Bình đã làm trước đây. Nói cho cùng thì ngày nay một cường quốc cũng không cần chiếm đóng một nước khác mà vẫn thiết lập được một chính quyền hoàn toàn nghe theo lời của họ, bằng những phương pháp mua chuộc, dọa nạt!
Vì vậy, chúng ta cần phải chứng tỏ cho cả thế giới thấy nhân dân Việt Nam không chấp nhận quyền bá chủ của Trung Quốc bằng cách phản đối mạnh mẽ những vụ xâm phạm hải phận nước ta. Chính quyền Việt Nam phải bày tỏ thái độ một cách cứng rắn hơn, không khiếp nhược trước những lời đe dọa của Hoàn Cầu Thời báo. Một cách cụ thể, Ðảng Cộng Sản Việt Nam phải chính thức rút lại một lá thư mà ông Phạm Văn Ðồng đã ký năm 1958, trong đó ông nhân danh một chính phủ Việt Nam tỏ ý hoàn toàn ủng hộ bản “Tuyên bố của Chính phủ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải” ngày 4 Tháng Chín năm 1958. Vì bản Tuyên bố này công nhiên nói Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Trung Quốc. Lá thư trên là một hành động phản quốc, mà hậu quả là từ đó Bắc Kinh coi Việt Nam như một nước do họ bảo hộ. Phải chấm dứt tình trạng đó!
Chú thích: Các con số và chi tiết về Ðại Chiến Thứ Hai trong bài này dẫn từ sách Retribution: The Battle for Japan 1944-45, của Max Hastings, in năm 2009.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét