Quan, Trương thấy thế, hỏi rằng:
- Huynh trưởng sao không lưu tâm tới việc lớn thiên hạ, lại đi làm cái việc nhỏ mọn của kẻ tầm thường thế này?
Huyền Ðức chỉ trả lời vắn tắt:
- Việc này hai em không thể biết được.
Quan, Trương không dám hỏi nữa.
Một ngày kia, Quan Trương đi vắng cả, chỉ có Huyền Đức ở nhà, đang tưới rau ngoài vườn bỗng có Hứa Chử, Trương Liêu dẫn vài chục quân lại, báo rằng Tào Tháo mời Huyền Đức vào phủ có việc, Huyền Đức trong lòng kinh hãi, nhưng đành đi theo hai tướng vào phủ ra mắt Tào Tháo.
Vừa thấy mặt Huyền Ðức, Tháo đã cười, hỏi:
- Hừm! Ông ở nhà lo toan "việc lớn" ghê nhỉ?
Huyền Ðức nghe qua, mặt tái như gà cắt tiết! Nhưng Tháo đã nắm lấy tay dắt thẳng vào hậu viên, hỏi rằng:
- Huyền Ðức học làm vườn có khó không?
Bấy giờ Huyền Ðức mới hiểu ra, bèn ung dung đáp:
- Vì chẳng có việc gì làm, nên bày trò tiêu khiển đấy ạ.
Tháo trỏ tay lên những cây mai xanh tốt nói:
- Vừa rồi, nhân ngắm rặng mai, thấy đầu cành quả xanh đâm mơn mởn, bỗng xúc cảm nhớ lại năm qua, khi đem quân đi đánh Trương Tú. Hôm ấy giữa đường hết nước uống, tướng sĩ đều khát cháy cổ, ta bỗng nghĩ ra một kế, bèn lấy roi ngựa trỏ bừa về phía trước mà nói lớn: "Kìa! Trước mặt chúng ta có rừng mai đầy quả đấy!" Quân sĩ nghe nói tới quả mai, đều thèm ứa nước miếng. Thế là ai nấy đỡ khát. Nay thấy mai tươi phô quả ngọt, không thể không thưởng thức. Nhân lại mới cất được ít rượu, nên mời Sứ quân tới tiểu đình cùng uống cho vui.
Tâm thần Huyền Ðức đã yên định, bèn thong dong theo Tháo vào tiểu đình, thấy đã bày sẵn vò chén; những quả mai tươi mơn mởn đặt trong đĩa giữa mâm, bên cạnh là một vò rượu mới cất thơm tho.
Hai người ngồi xuống, cùng nhau nâng chén khề khà thưởng thức.
Rượu được nửa chừng, bỗng trên không mây kéo đen kịt, sắp đổ cơn mưa.
Người đứng hầu dưới thềm trỏ tay lên không nói:
- Có rồng lấy nước!
Tháo cùng Huyền Ðức ra vịn lan can nhìn xem.
Tháo hỏi:
- Sứ quân có rõ phép biến hóa của rồng chăng?
Huyền Ðức thưa:
- Bẩm, chưa hiểu thế nào cả!
Tháo đang sẵn hứng rượu, thao thao nói:
- Con Rồng biến hóa có khi to, khi nhỏ, lúc bay cao, lúc ẩn kín. Khi vươn mình to lớn thì cuộn mây, phun mù. Khi thu hình nhỏ bé để tàng hình ẩn tích. Lên cao thì bay lượn khắp vũ trụ. Tạm ẩn thì chìm lặng dưới ba đào. Nay đang tiết xuân, rồng thừa thời mà biến hóa, cũng như con người gặp khi đắc chí, tung hoành. Con rồng trong loài vật cũng ví như người anh hùng trong đám người. Sứ quân từng lịch duyệt hồ hải, chơi khắp bốn phương, ắt rõ những ai là anh hùng thời nay? Xin nói cho biết?
Huyền Ðức thong thả nói:
- Bị này mắt thịt, làm sao nhận biết anh hùng?
Tháo nói:
- Thôi! Xin đừng quá khiêm như thế!
Huyền Ðức nói:
- Bị vô tài thiển học, từ lâu sống trong tăm tối, nay nhờ ơn Thừa Tướng, Bị được vào triều làm quan. Quả thật chẳng biết những ai là anh hùng trong thiên hạ...
Tháo gặng hỏi:
- Dù không biết mặt đi nữa, cũng có nghe tiếng chứ?
Bấy giờ, Huyền Ðức mới làm bộ suy nghĩ, rồi kể ra:
- Kìa như Viên Thuật ở Hoài Nam, binh nhiều lương đủ, chiếm cứ một phương, có thể gọi là anh hùng?
Tháo cười nói:
- Hắn chỉ là bộ xương khô trong mả! Sớm tối rồi ta bắt sống cho mà xem!
Huyền Ðức lại nói:
- Thế thì Viên Thiệu ở Hà Bắc kia, nhà bốn đời làm đến Tam công, quan lại tay chân, cùng môn hạ đầy dẫy khắp nơi, nay chiếm Ký châu như hổ cứ nhất phương, văn quan võ tướng rất nhiều, có thể gọi là anh hùng?
Tháo lại cười nữa:
- Viên Thiệu mặt béo mà gan non, háo mưu mà vô đoán, gánh việc lớn thì tiếc thân, thấy lợi nhỏ lại quên mệnh, không phải là anh hùng!
Huyền Ðức lại suy nghĩ giây lát rồi nói:
- Có người kia nổi tiếng là một trong "Tám tay tài tuấn", uy trấn chín châu: đó là Lưu Cảnh Thăng, có thể gọi là anh hùng?
Tháo lắc đầu:
- Lưu Biểu chỉ có hư danh, không có thực tài. Ðâu phải là anh hùng!
Huyền Ðức nói:
- Thế thì có người này đang độ huyết khí hăng hái, trí dũng kiêm toàn, hiện làm lãnh tụ toàn cõi Giang Ðông: như Tôn Bá Phù đã đáng mặt anh hùng vậy.
Tháo vẫn chưa chịu:
- Tôn Sách nhờ tiếng của cha mà được thế. Chưa phải là anh hùng!
Huyền Ðức nói:
- Thế thì Lưu Quý Ngọc ở Ích châu có thể gọi là anh hùng chăng?
Tháo nói:
- Lưu Chương tuy là giòng Tôn Thất, nhưng chỉ làm con chó giữ nhà mà thôi! Anh hùng gì?
Huyền Ðức nói:
- Vậy còn những người như Trương Tú, Trương Lỗ, Hàn Toại... thì thế nào?
Tháo vỗ tay cười ha hả:
- Chao ôi! Cái lũ tiểu nhân lúc nhúc ấy, đếm xỉa đến làm gì!
Huyền Ðức kết thúc:
- Vậy thì ngoài những người vừa kể, Bị chẳng biết có ai nữa.
Tháo dõng dạc nói:
- Người anh hùng ấy à? Phải là người nuôi chí lớn trong tim óc, lại phải có mưu cao kế giỏi, có tài bao tàng cả máy vũ trụ trong lòng, có chí nuối trời mửa đất, ấy mới đáng mặt anh hùng chứ?
Huyền Ðức hỏi:
- Ai là người được như thế?
Tháo chẳng úp mở gì nữa, trỏ tay sang Huyền Ðức, rồi lại trỏ về ngực mình mà nói thẳng ra rằng:
- Anh hùng trong thiên hạ ngày nay, chỉ có Sứ quân với... Tháo này thôi!
Huyền Ðức nghe qua, giật nẩy mình lên! Ðôi đũa cầm trên tay bất giác rơi xuống đất!
May thay, lúc ấy trời sắp đổ mưa, vừa vặn có tiếng sấm nổ ran!...
Huyền Ðức mới từ từ cúi xuống, vừa lượm đôi đũa vừa nói rằng:
- Oai trời to thật! Vừa nghe một tiếng, đã đến nỗi này...
Tháo cười hỏi:
- Trượng phu mà cũng sợ sấm à?
Huyền Ðức nghiêm trang nói:
- Ðến Thánh nhân xưa kia, nghe sấm rền gió thét cũng còn biến sắc mặt nữa là tôi!
Thế là Huyền Ðức kịp thời thác ra chuyện "sợ sấm" mà che đậy được cái sợ thực của mình.
Tháo thì cho rằng Huyền Ðức còn tầm thường, từ đó không nghi ngờ nữa.
=>
Huyền Đức tuy trong lòng đều khinh thường lũ Viên Thuật, Viên Thiệu, Lưu Cảnh Thăng... nhưng vì sợ Tào Tháo nhìn thấu chí lớn của mình mà phải giả ngô giả ngọng, kể cũng đã là anh hùng, vì nghiệp lớn không câu nệ tiểu tiết. Nhưng Huyền Đức quá nhu nhược, vì thế sau này có trong tay cả Ngọa Long, Phượng Sồ, lại có Ngũ Hổ Tướng hết lòng giúp sức nhưng cũng không lấy nỏi thiên hạ.
Tào Tháo là kẻ gian hùng đa mưu túc trí, chí lớn nuốt trời mửu đất, kể cũng là anh hùng trong thiên hạ, nhưng lại quá kiêu căng, khing thường đối thủ, nên về sau thua đau trận Xích Bích, không tài nào phục hồi lại được như cũ. Hơn nữa, Tào Tháo lắm mưu nhiều mẹo, chỉ quen đi lừa người, không quen để người khác lừa mình, thế mà không nhận ra cái kế mọn của Huyền Đức, sau lại giao quân mã cho đi chặn đường Viên Thuật, có khác chi thả hổ về rừng, thả rồng ra biển. Kể đó cũng là chỗ yếu kém của Tháo.
Thầy Nguyên nói, anh hùng trong thiên hạ có hai loại anh hung, một là loại anh hùng do thời thế tạo nên, một là anh hùng tạo nên thời thế.
Ví dụ, anh hùng do thời thế tạo nên có thể kể đến nước ta là Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần. Ông có giỏi không? Phải nói là quá giỏi. Thời đó đế quốc Nguyên Mông cực kỳ hung hãn, vó ngựa tràn ngập khắp châu Âu châu Á. Thế mà quân dân nhà Trần dưới sự chỉ huy của Hưng Đạo Vương ba lần đánh tan quân Nguyên Mông. Nhưng ông vốn là dòng Tôn Thất, từ bé sống trong nhung lụa, ăn sung mặc sướng, suôt ngày học binh thư, luyện côn quyền. Gặp đúng thời nước nhà nguy nan, ông mang tài ra giúp nước, nên chỉ xét là anh hùng do thời thế tạo nên.
Thế còn anh hùng làm nên thời thế có ai, đầu tiên phải nói đến Hoàng Đế Quang Trung. Ông từ chỗ là nghĩa quân cướp của nhà giàu chia cho người nghèo, mà sau đánh đông dẹp bắc,đánh tan quân Xiêm La trận Rạch Gầm Xoài Mút, một trận quét sách 20 vạn quân Thanh khỏi bờ cõi. Thật xứng là "Anh Hùng Áo Vải". Thật là cao thủ gấp mấy trăm lần Tào Tháo khi xưa. Giả thử Tháo mà sinh vào thời Tây Sơn, chắc chỉ dừng đến cái chức Điểm Quân Hiệu Úy quèn đấy thôi!
Luận anh hùng
Tự ngàn xưa loạn thế xuất anh hùng
Dựng cơ đồ từ hai bàn tay trắng
Vung gươm chớp lóa vạn ngàn binh tướng
Ngoảnh đầu nhìn không một bóng thân nhân
Cõi hồng trần chinh phạt bấy nhiêu năm
Ôm giấc mộng một lần làm bá chủ
Trái tim đá chưa một lần nghe thổn thức
Bỗng ngập ngừng trước gọt lệ giai nhân
Bao mưu toan bao lường gạt dối gian
Vinh quang tột cùng , mà tột cùng cay đắng
Miệng thế gian ai khen chê trách oán
Ngạo danh cao bậc loạn thế xuất anh hùng
Lã Bất Vi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét