Tưởng Năng Tiến
Bạn có thể tự do cầu nguyện
Nhưng chỉ để mình Đấng Tối cao nghe thấy mà thôi.
T.K.
Cái giá này – nói nào ngay – cũng không mắc mỏ gì cho lắm, nhất là vào những năm cuối thập niên 1930, ở Liên Xô. Vào thời điểm này – vẫn theo lời của tác giả cuốn Quần Đảo Ngục Tù [*] – có “cả một dòng sông người chẩy vào tù ngục,” và những bản án lẻ tẻ (cỡ năm ba năm, hoặc nhẹ hơn) chỉ dành cho những người bị... bắt lầm vì trùng tên, hay vì lộn địa chỉ mà thôi!
Nói cách khác thì đi tù là tình trạng chung của cả nước. Gia đình nào mà không có người đang nằm “trong chiến khu” nên mãi rồi không còn ai thắc mắc hay khiếu nại gì nữa. Thiên hạ chỉ phàn nàn là cái kiểu bắt người, cũng như cái cách lục xoát nhà cửa nạn nhân của công an, thời Stalin.
Coi:
“Thoạt đầu tiếng đập cửa rầm rầm nửa khuya hay một hồi chuông gắt gỏng. Những đôi bốt không thèm chùi của những ông Mật vụ không bao giờ ngủ đêm sẽ xông ào ào vô. Theo sau thế nào chẳng có ông phường, ông khóm rụt rằng đi vô để gọi là có đại diện hành chánh địa phương làm nhân chứng cho đúng luật…
“Cuốn phim bị bắt sẽ tiếp tục bằng một màn lục soát nhà cửa, sau khi nạn nhân bị xách cổ đi rồi. Phải nói là cả một màn lục lọi, phá phách, hành hạ chính chỗ ở của nạn nhân trong mấy giờ liền. Đã xét nhà thì mật vụ có tha cái gì… Như trường hợp nhà kỹ sư hoả xa Inoshin đó. Đứa con nhỏ mới chết vừa liệm xong, quan tài đã đóng chặt, để ở một góc nhà. Mấy ông mật vụ đã nhân danh luật pháp buộc phải mở hàn, nhấc xác đứa bé ra để lục lọi, khám xét bên trong...”
Thiệt là quá đáng!
Dù cũng theo chủ nghĩa cộng sản nhưng tình trạng xã hội ở Việt Nam hoàn toàn khác hẳn. Tử tế hơn nhiều. Ở xứ sở này, mọi người đều đồng lòng và nhất trí bước theo “con đường mà Bác kính yêu đã chọn” nên tuyệt đối không có ai bất đồng chính kiến. Theo lời bà Nguyễn Phương Nga (phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao nước CHXHCNVN) thì cũng chả có tù nhân lương tâm nào ráo trọi. Chuyện bắt bớ, tất nhiên, cũng... khỏi có luôn!
Thản hoặc, nếu Đảng và Nhà Nước thấy cần thảo luận với một công dân nào đó (về một vấn đề gì đó) thì công an sẽ mời nhân vật này vô quán cà phê nói chuyện chơi một lát. Trong trường hợp câu chuyện chưa ngã ngũ trong vòng vài tiếng thì sẽ được bàn thảo thêm – thêm (chừng) vài ngày – trong... khách sạn.
Thiệt không vậy, cha nội?
Thiệt chớ, không tin xin cứ cứ đọc thử vài đoạn trong bài tường thuật (Ôi Sài Gòn Giờ Giới Nghiêm) của ông Lái Gió:
“16 giờ 30 chiều ngày 2-6-2011, chuyến bay Hà Nội - Sài Gòn hạ cánh đúng giờ theo lịch trình, lễ mễ khoác túi bước ra khỏi sân bay. Thấy mấy người bên an ninh thành phố đứng sẵn, nhìn mình họ reo:
- A đây rồi
Chào hỏi, bắt tay nhau xong một chiếc xe ô tô biển xanh xuất hiện, các anh an ninh cất hộ đồ đạc vào cốp và nói:
- Lâu rồi không gặp, anh em gặp nhau cà-fe chút xíu..
Mình tưởng thật nhìn đồng hồ nói:
- Đến gần 6h tôi phải đến nhà thờ.”
“Trên xe có 4 người, mình nữa là 5. Còn mấy người an ninh nữa đi xe máy. Xe ô tô chạy đến công an phường trên đường Lê Văn Sĩ dừng lại, họ mời mình lên trên lầu làm việc, lúc này có đến trên dưới chục anh an ninh TP. Mình lại nghĩ không biết trong Sài Gòn đang có chuyện gì mà vui thế. Tất nhiên mình vẫn còn nghĩ chắc chuyện gì đó không liên quan đến mình lắm, họ chỉ muốn hỏi chút gì đó rồi để mình đi...”
“Mình ngồi ngay ngắn, bỏ thuốc lá ra. Một anh an ninh hỏi có uống cà fe không. Mình gật đầu, lát sau có cà fe.
Lý do đơn giản là vào dự sự kiện truyền thông của dòng Chúa Cứu Thế do linh mục Thanh mời, còn chương trình, nhân sự hay gì gì liên quan thì không biết lắm, vì Cha Thanh gọi qua điện thoại, chỉ nhớ ngày chứ chả nhớ cái gì hết.”
“Chỉ có thế, nhưng vặn đi, vặn lại mất mấy tiếng trừ đúng lúc mình ăn cơm. Trong khi đó thì các anh an ninh lục đồ tìm tòi đủ thứ, lôi máy tính, máy ảnh xem xét, giấy tờ nhoằng cái đã đến 9 giờ. Các anh dẫn sang cái khách sạn gần kế bên đồn công an. Có 2 an ninh ở cùng phòng với mình, khi vào phòng một anh xem xét phòng rồi đi mua thuốc đánh răng, trà, thuốc lá và bánh giò cho mình...”
“Sáng 7 giờ mình dậy, hai anh an ninh dậy theo, vệ sinh xong thì họ dẫn mình đi ăn sáng. Cháo, miến, phở, hủ tíu quanh đó cũng phong phú, ăn gì thì tự chọn, họ ăn cùng, xong họ trả tiền rồi ra quán cà fe. Đến giờ làm việc thì hai anh bàn giao mình cho cán bộ điều tra.”
“Hôm nay thì họ hỏi mình bài phát biểu của mình với tiêu đề ‘trách nhiệm người công dân’' đâu đưa họ xem. Họ lục máy tính, điện thoại, xem cả hai hộp thư của mình..”.
“Xong bài viết, nhưng giờ lại đến đoạn những tin nhắn dạng spam từ máy tính kêu gọi biểu tình Hoàng Sa, Trường Sa. Của ai? Tin spam thì biết là của ai, phần này qua nhanh để đến phần mình đoán thành phần nào sẽ tham gia biểu tình, mình điểm các khối đoàn thể trong mặt trận tổ quốc Việt Nam, lược công an, quân đội ra còn lại mình cho đó là những người sẽ tham gia biểu tình ngày mai.”
“Hết ngày 3-6, tính ra đã được 24 giờ. Mình đề nghị gửi giấy tạm giữ, lệnh bắt hoặc triệu tập gì gì đó. Các anh nghe thế cười hềnh hệch như là mình nói chuyện đùa, một anh bảo:
- Chú cứ nói bắt, ai bắt chú đâu, chú ở khách sạn chứ ở nhà giam đâu mà kêu bắt. Sao lại cứ nghĩ nặng nề thế.”
“Thời gian chính là ở khách sạn, đến bữa đi ăn có hai anh an ninh đi cùng. Các anh thay ca nhau để nói chuyện với mình. Không ai dùng từ canh gác, giám sát, mỗi lần thay ca họ lịch sự bảo lát nữa có 2 anh khác đến nói chuyện với anh cho vui...”
Nhân viên an ninh mà làm việc vui vẻ, tử tế, lịch sự, nhã nhặn, và chu đáo (tới) cỡ đó thì chỉ có ở một quốc gia Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc thôi chứ (chắc chắn) không thể tìm thấy tại bất cứ một đất nước (lộn xộn) nào khác. Điều đáng qúi, và đáng nói hơn hết là trong ngôn ngữ của ngành công an Việt Nam – như ông Lái Gió vừa tường thuật – không hề có những từ ngữ hạ cấp kiểu như “canh gác” hay “giám sát.” Nói chi đến những hạn từ bẩn thỉu như “canh chừng” hay “rình rập.”
Mà trường hợp của ông Lái Gió không phải là biệt lệ đâu nha. Công an thỉnh thoảng lại mời người dân tới đồn hay lên phường nói chuyện (chơi) là nét độc đáo của ngành an ninh Việt Nam đương đại. Điều này được áp dụng cho tất cả mọi người – và ở tất cả mọi nơi – không phân biệt sắc tộc, tuổi tác, thành phần xã hội, hay giới tính.
Cùng thời điểm mà ông Lái Gió đang bù khú với mấy anh công an trên đường Lê Văn Sĩ thì một công dân Việt Nam khác, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (bút danh Mẹ Nấm) cũng được công an mời vô phường Tân Thới Nhất, quận 12, Sài Gòn để nói chuyện (chơi) chút xíu. Trong bài tường thuật của bà (“Ghi Nhận & Cảm Xúc Ở Đồn Công An”) có một mẩu đối thoại ngăn ngắn, như sau:
“Trong đồn công an, hễ mỗi lần tôi nhắc đến chữ ‘tạm giữ’, ‘bắt giam’ là các anh, chị ấy có phản ứng quyết liệt lắm.
- Tại sao chị cứ nói quá lên thế, chúng tôi chỉ mời chị hợp tác làm việc chứ có tạm giam, tạm giữ gì đâu? Nếu giữ người phải có lệnh của Viện kiểm sát, và nếu thực sự tạm giữ chị thì chị không được phép đi ra đi vô, thoải mái trao đổi với bạn chị ở phòng bên như nãy giờ đâu.”
Thiệt là qúi hoá và tử tế hết sức!
Mẹ Nấm, chắc chắn, chưa bao giờ đọc cuốn Quần Đảo Ngục Tù nên mới có những phản ứng nông nổi đến thế. Coi: bà Tanya Khodkevich chỉ vì hai câu thơ có nhắc đến chuyện cầu nguyện mà phải lãnh án tới 10 năm tù, còn bà Mẹ Nấm thì rành rành là có liên lạc với qúi vị tu sĩ thuộc dòng Chúa Cứu Thế (và còn có âm mưu đi biểu tình chống Tầu nữa) mà không bị tù tội một ngày nào ráo. Công an chỉ mời bà vô đồn trao đổi vài chục tiếng đồng hồ (thôi) mà đã càm ràm, nói này nói nọ.
Mẹ Nấm, rõ ràng, không đủ tinh tế để cảm nhận được Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc (chan hoà) trên đất nước của mình. Ông Lái Gió, xem ra, nhậy cảm và biết chuyện (hơn) thấy rõ.
Sau mấy ngày sống chung (phòng) với mấy chục ông công an mà Lái Gió vẫn không thèm hỏi xem có luật lệ nào cho phép nhân viên an ninh đón một công dân từ phi trường về khách sạn (tâm sự chơi vài bữa) rồi sau đó chở thẳng con người ta ra sân bay – cho trở lại nguyên quán – hay không? Đã thế, phút chia tay – với hai cậu công an trẻ tuổi kè kè hai bên – cái giọng thằng chả (nghe) bùi ngùi thấy rõ:
- Anh nói thật, anh đi máy bay bao nhiêu lần, xa gần có cả. Lần nào cũng không ai tiễn anh, một mình cúi đầu mà đi, bây giờ mới là lần đầu tiên có người tiễn đấy.
Thiệt là xúc động (muốn) rớt nước mắt luôn, chớ không phải giỡn!
Chuyện khó tin này cũng chỉ có thể xẩy ra ở nước ta thôi, chớ ở mấy nơi (bậy bạ) khác làm gì có cảnh công an tiễn đưa lưu luyến và cảm động (tới) cỡ đó, đúng không?
Còn một chuyện khó tin hơn nữa, và khó tin hơn nhiều, mà nẫy giờ tui quên kể. Đó là chuyện của thằng Tí Hớn, con trai ông Lái Gió. Thằng bé 5 tuổi, và không được phép đi học – theo như lời phàn nàn của chính ông bố nó (“Tí Hớn Có Thể Không Được Đi Học”) đọc được trên Dân Luận, vào ngày 31 tháng 5 năm 2011.
Bên dưới bài viết này, có vị độc giả đã “bình luận” như sau:
“Sáng mắt chưa? Cái miệng hại cái thân, làm khổ lây cả đến con mình. Đời nó mà thất học, khốn khổ, khốn nạn tất cả mọi thứ đều từ bố nó mà ra cả. Tại sao cả xã hội không ai bị như vậy, lại chỉ có một mình anh? Tự nhìn lại mình đi. Ảo tưởng mãi mà được à? Tưởng mình là anh hùng chống cộng trên internet đấy chắc?”
Có lẽ đã đến lúc mà mọi mọi người dân Việt, chứ chả riêng gì ông Lái Gió, cần phải “tự nhìn lại mình” chứ không thể “ảo tưởng mãi được” nữa về Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc trên đất nước của họ. Có cái xứ sở nào mà một đứa bé 5 tuổi không được đến trường, “đời nó thất học, khốn khổ, khốn nạn tất cả mọi thứ” chỉ vì có ông bố là một nhân vật bất đồng chính kiến hay không?
Tưởng Năng Tiến
_________________________
[*] Quần đảo ngục tù (The Gulag Archipelago) của Solzhenitsyn. Bản dịch Ngọc Tú - Ngọc Thứ Lang. Cơ sở Văn Khoa Trí Dũng xuất bản lần thứ nhất tại Việt Nam. Bìa Nguyễn Hè. In tại Vân Long 68/12A Trần Quang Khải, Sài Gòn. Chủ trương xuất bản: ông Đỗ Đăng Đảng. Giấy phép cuốn 1: số 5122/BDVCH/PHBCNT/ALP/TP cấp 21.9.1974. Giấy phép cuốn 2: số 5240/74/BDVCH/PHBCNT/ALP/TP cấp ngày 1.10.1974. Số lượng 2.500 ấn bản – phát hành ngày 7.10.1974. Tổng phát hành Nam Cường, 185-187 Nguyễn Thái Học, Sài Gòn, ĐT: 23.867. Giá: 1.200đ. Bản điện tử do talawas thực hiện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét