Tôi quan tâm đến chuyện dioxin ở Việt Nam, nên khó có thể bỏ qua thông tin trong bài này. Tôi từng viết một cuốn sách về vấn đề này. Thành ra, chỉ cái tựa đề cũng đủ làm cho tôi phải tiêu ra vài phút để đọc. Nhưng đọc xong thì tôi phải nói là hơi thất vọng.
Xác định ai nhiễm hay không nhiễm chất độc da cam không phải là điều dễ. Nhưng để bạn đọc hiểu câu chuyện, tôi phải có vài dòng về vấn đề này. Trong thời gian 10 năm, tính từ 1962 đến 1971, quân đội Mĩ đã rải xuống Việt Nam gần 77 triệu lít hóa chất để [theo họ] diệt cây cỏ, khai quang và phát hiện đối phương (tức là bộ đội Việt Nam). Biên Hòa là một trong những nơi bị rải AO nhiều nhất trong thời chiến.
Số hóa chất sử dụng trong thời chiến đó được xem là qui mô lớn nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới. Trong số 77 triệu lít hóa chất đó, 64% (tức 49 triệu lít) là Agent Orange (AO hay chất màu da cam). AO chứa doxin, một độc chất nguy hiểm. Với 49 triệu lít AO, người ta ước tính rằng Mĩ đã rải xuống Việt Nam một lượng 366 kg dioxin. Đó là một lượng lớn. Muốn biết ai nhiễm dioxin thì phải làm xét nghiệm máu xem nồng độ dioxin trong máu là bao nhiêu. Trên thế giới chỉ có vài lab có thể làm xét nghiệm này (Mĩ, Nhật, Tân Tây Lan, Thụy Điển). Việt Nam không có phương tiện và chuyên gia làm xét nghiệm dioxin. Mỗi xét nghiệm tốn khoảng 1000 USD (giá năm 1990s). Không có xét nghiệm thì không thể nói nhiễm hay không nhiễm dioxin.
Có một khó khăn trong khi diễn giải kết quả xét nghiệm. Thời gian bán hủy của dioxin là khoảng 7-10 năm. Nói cách khác, sau 7-10 năm, chỉ còn 50% dioxin trong lòng đất. Thời gian từ 1960 đến nay gần 50 năm. Không ai biết còn bao nhiêu dioxin trong lòng đất Việt Nam. Do đó, tôi rất ngạc nhiên khi đọc câu “Thống kê ở các địa phương quanh sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) gần đây cho thấy có khoảng 40 em dưới 18 tuổi bị nhiễm chất độc da cam.” Ai làm xét nghiệm để có thống kê như thế? Càng ngạc nhiên hơn với loại nghiên cứu mà trong đó người ta hỏi: “Có hơn 150 người dân (gần 38% người được hỏi) nghĩ rằng nguồn nước, đất, không khí, kể cả thực phẩm nơi họ sinh sống ‘không bị nhiễm dioxin’.” Làm sao mà người dân có thể biết mình bị nhiễm dioxin hay không.
Dioxin có liên quan đến nhiều bệnh. Những bệnh được xem là có bằng chứng thuyết phục bao gồm spinal bifida, ung thư máu mãn tính (CLL), ung thư mô mềm phi Hodgkin, ban chlor, và có thể cả ung thư tiền liệt tuyến và tiểu đường. Chưa thấy bằng chứng nào nói dioxin có liên quan đến teo cơ. Dĩ nhiên, có thể mối liên quan giữ dioxin và teo cơ là thật, nhưng trước khi phát biểu thì phải có bằng chứng khoa học, và bằng chứng đó phải được công bố trên một tập san khoa học. Không thể nói “khơi khơi” trên báo là thuyết phục được người ta.
Tôi nghĩ nghiên cứu về dioxin và tác động của nó đến sức khỏe là rất cần thiết ở Việt Nam. Đã bao nhiêu năm qua, Việt Nam không có một nghiên cứu có hệ thống để công bố quốc tế. Trong suốt 40 năm qua, chỉ có 5 hay 6 bài báo khoa học, nhưng tất cả đều do người Mĩ làm. Và, cả 5-6 bài đó chỉ là những nghiên cứu mô tả, chứ chẳng có gì đáng chú ý. Hệ quả thiếu bằng chứng khoa học từ Việt Nam. Do đó, khi ra tòa, Việt Nam bị thiệt thòi, vì tòa phán rằng phía nguyên đơn không có bằng chứng. Họ còn nói những gì nguyên đơn trình bày như bài báo phổ thông, hình ảnh, v.v. là chuyện anecdote (tức chuyện tào lao). Nghe đau thật, nhưng với khoa học thì đúng như thế. Có thời Việt Nam “trình làng” những trẻ em Down Syndrome trên tivi Nhật và nói rằng đó là nạn nhân AO, nhưng ngay sau đó có người viết trên một tập san y khoa rằng cách trình bày như thế là xem thường kiến thức y học (vì Down Syndrome chẳng dính dáng gì đến AO). Không nên cảm tính hóa vấn đề bằng những hình ảnh chẳng liên quan hay những bài báo thiếu cơ sở khoa học.
NVT
____________________
Nhiều nguy cơ từ cá nhiễm dioxin
Nhiệt độ đun nấu bình thường không làm mất dioxin nhiễm trong thức ăn. Thực phẩm rất dễ phơi nhiễm dioxin, vì vậy người dân cần chấm dứt việc nuôi cá, gia súc, gia cầm ở khu vực sân bay Biên Hòa.“Thống kê ở các địa phương quanh sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) gần đây cho thấy có khoảng 40 em dưới 18 tuổi bị nhiễm chất độc da cam. Đa số tập trung ở xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu) và các phường Hòa Bình, Trung Dũng, Tân Phong (TP Biên Hòa)”- bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đồng Nai, cho biết.
Teo cơ, bại não…
Em Hồ Quang Thái (phường Hòa Bình, TP Biên Hòa) đã 16 tuổi nhưng nhỏ thó, đầu to lại liệt hai chân, tay phải co quắp, luôn đau nhức, phát âm không tròn tiếng… Do sinh non (mới bảy tháng) nên lúc sinh ra Thái chỉ nặng 1,4 kg. Sáu năm sau Thái mới bật ra tiếng nhưng chỉ ú ớ. Sau đó, em thường xuyên khó thở, ho liên tục…Ông Hồ Minh Quang, cha em Thái, cho biết lúc nhỏ ông thường vào sân bay Biên Hòa nhặt phế liệu, bắt ốc, bắt cá… về ăn; lúc khát thì uống luôn nước ở hố bom, hố đạn. “Thái đã nhiễm dioxin từ tôi. Trước Thái, tôi từng bị mất một đứa con trai khi mới bảy ngày tuổi. Hiện tôi luôn nhức đầu, mỏi tay” - ông Quang kể.
Cùng tuổi với Thái, em Lê Hữu Nghị (xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu) cũng bị ảnh hưởng dioxin nặng. Nghị hiện không nói được, không di chuyển được do teo cơ tay chân, thường xuyên co giật. Theo bà Nguyễn Thị Kim Yến, mẹ của Nghị, bà từng cùng chồng vào sân bay Biên Hòa nhặt phế liệu và ăn nhiều cá, ếch bắt trong sân bay. Lúc mang thai Nghị, bà bị sốt liên tục. “Em trai của Nghị bị thiểu năng trí tuệ do chất độc da cam. Tôi hiện luôn đau nhức, chồng thì đau lưng, suy thận…” - bà Yến thở dài.
Do sống gần sân bay Biên Hòa từ nhỏ, lại thường xuyên sử dụng thực phẩm được nuôi trồng cạnh khu vực sân bay nên ông Võ Hồng Sơn, phường Trung Dũng, TP Biên Hòa và vợ đều bị nhiễm dioxin. Con trai ông tên Võ Vũ Hồng Hải, 16 tuổi do ảnh hưởng dioxin nên bị bại não, liệt, co giật thường xuyên…
Nhận thức sai, hậu quả lớn
Theo ông Thomas Boivin, đại diện Công ty Hatfield (công ty làm việc theo chỉ đạo của cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai và Bộ Quốc phòng), kết quả kiểm tra trong năm 2010 và 2011, cho thấy nồng độ dioxin tại sân bay Biên Hòa vượt tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế. Nồng độ dioxin trong môi trường và ở người tại khu vực sân bay cao hơn tiêu chuẩn quốc tế.Ông Thomas Boivin cho biết dioxin tồn tại trong môi trường sẽ tiếp tục thâm nhập vào các hệ sinh thái thủy sinh và chuỗi thực phẩm. Trong đó, cá nuôi và cá tự nhiên trong khu vực sân bay Biên Hòa bị nhiễm dioxin nặng nề. Thực phẩm rất dễ phơi nhiễm dioxin, vì vậy người dân cần chấm dứt việc nuôi cá, gia súc, gia cầm ở khu vực sân bay Biên Hòa” - ông Thomas Boivin khuyến cáo.
Trong khi đó khảo sát của ThS Trần Tuyết Hạnh (Trường ĐH Y tế công cộng Hà Nội), lại cho thấy: Có hơn 150 người dân (gần 38% người được hỏi) nghĩ rằng nguồn nước, đất, không khí, kể cả thực phẩm nơi họ sinh sống “không bị nhiễm dioxin”. Khảo sát này được thực hiện trên 400 người 16-65 tuổi tại phường Trung Dũng và Tân Phong (TP Biên Hòa). Khảo sát trên còn cho thấy hơn 170 người (43%) cho rằng đun nấu kỹ thức ăn sẽ không bị nhiễm dioxin. Tuy nhiên, theo khoa học, dioxin tinh khiết chỉ bị phân hủy ở nhiệt độ trên 800OC, dioxin trong thực phẩm muốn phân hủy phải ở nhiệt độ cao hơn. “Do nhận thức không đúng nên nhiều người vô tư sử dụng cá, gia cầm… nuôi bắt tại khu vực sân bay dẫn tới việc họ và con cái bị ảnh hưởng chất độc dioxin rất nặng nề” - bà Tuyết Hạnh nói.
Bà Tuyết Hạnh phân tích: “Một người lớn nặng 50 kg ăn 100 gr thịt vịt/tuần hoặc trẻ em nặng 25 kg ăn 50 gr thịt vịt/tuần trong vòng 50 năm với mức nhiễm dioxin trong thịt vịt là 276 pg/g thì nguy cơ bị ung thư gần 8%. Trên thực tế có 10% dân số (gần 5.730/57.300 người) tại hai phường Trung Dũng và Tân Phong sử dụng thịt vịt hằng tuần. Nếu chỉ tính riêng thịt vịt như nguồn nhiễm dioxin duy nhất thì sẽ có hơn 440 người có nguy cơ bị ung thư”.
Cũng theo bà Tuyết Hạnh, nếu dioxin trong cá lóc (66 pg/g) là nguồn phơi nhiễm duy nhất thì nguy cơ ung thư cho một người lớn nặng 50 kg (ăn 100 gr/tuần) và một trẻ nặng 25 kg (ăn 50 gr/tuần) trong suốt cuộc đời là trên 2%. Qua khảo sát, 80% (trên 45.800 người) dân số hai phường nói trên dùng cá lóc hằng tuần, như vậy ước tính sẽ có gần 870 người có nguy cơ bị ung thư.
Để giảm thiểu số người bị phơi nhiễm dioxin trong tương lai, yêu cầu đặt ra là cần làm sạch sân bay Biên Hòa (bao gồm tiêu hủy chất dioxin tại bãi Z1). Song song đó, chúng ta cần nâng cao nhận thức của người dân về con đường phơi nhiễm dioxin qua thực phẩm, khuyên họ không ăn cá, gia súc, gia cầm từ khu vực sân bay. Ông THOMAS BOIVIN, đại diện Công ty Hatfield
Nguồn: http://phapluattp.vn/20110623120429981p1060c1104/nhieu-nguy-co-tu-ca-nhiem-dioxin.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét