Lạc Văn
Tôi không phải người nghiên cứu lý số để bói xem Trung Quốc sẽ như thế nào trong tương lai. Mà ngay cả các triết lý cơ bản của Kinh Dịch theo chủ quan của tôi thì cũng có những hạn chế trong việc diễn giải vũ trụ quan. Bỏ qua một bên những quan niệm cá nhân về lý số, tương lai không xa của Trung Quốc có thể dự đoán nếu đặt giả thiết Trung Quốc giữ tốc độ phát triển kinh tế 8-10% trên năm như hiện nay thì 20 năm sau, nền kinh tế Trung Quốc sẽ lớn gấp khoảng 4,7-6,7 lần ngày hôm nay, và Tổng sản phẩm quốc nội GDP của Trung Quốc sẽ là khoảng 20-30 ngàn tỷ USD.
Trong khi đó nếu Mỹ phát triển với tốc độ 3-4% trên năm thì sau 20 năm, GDP của Mỹ chỉ tăng khoảng 1,8-2,2 lần so với ngày nay. Vậy là nước Trung Quốc có thể tiến sát, thậm chí có thể vượt qua nước Mỹ sau 20 năm nữa nếu như giả thiết trên trở thành sự thật.
Nếu Trung Quốc có là nền kinh tế lớn nhất Thế giới thì đồng nghĩa với việc Trung Quốc là siêu cường số một trên Thế giới?
Cho dù Trung Quốc có là nền kinh tế lớn nhất, nhưng Trung Quốc sẽ chưa phải là siêu cường số một trên Thế giới bởi Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức:
- Nền kinh tế của Trung Quốc khi đó sẽ dựa nhiều hơn vào tiêu dùng nội địa so với ngày nay, nhưng chắc chắn xuất khẩu vẫn đóng vai trò chủ chốt trong nền kinh tế, bởi so sánh với những nền kinh tế của các nước phát triển cao, tỷ lệ chất xám trong giá trị gia tăng của nền kinh tế Trung Quốc khi đó vẫn sẽ thấp hơn khá nhiều. Đơn giản là năng xuất và hiệu quả công việc trong sản xuất và dịch vụ chưa thể so sánh với các nước phát triển nhìn qua GDP trên đầu người vào thời điểm đó. Những thị trường của các nước phát triển vẫn sẽ là thị trường chính cho sản phẩm, dịch vụ Trung Quốc. Như vậy Trung Quốc vẫn là người muốn bán sản phẩm cùng sự cạnh tranh đến từ nhiều nước khác chứ chưa phải là khách hàng - "thượng đế". Trung Quốc khi đó vẫn rất cần kỹ thuật, công nghệ của nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc.
- Một thách thức lớn đối với Trung Quốc và đồng hành với sự phát triển trong tương lai là sự chuyển đổi từ nền kinh tế sản xuất với tỷ lệ chất xám thấp trong giá trị gia tăng mà giá nhân công thấp và chi phí rẻ cùng với yếu tố "đánh cắp bản quyền" là động lực để phát triển trong quá khứ và ngày hôm nay với cái tên "công xưởng của Thế giới" sang một nền kinh tế dịch vụ và công nghệ cao. Sự chuyển đổi đó sẽ không hề đơn giản. Trung Quốc phải thay đổi công nghệ sử dụng năng lượng nhiều, chất lượng thấp sang công nghệ năng suất cao, chất lượng cao, hiệu quả cao. Bên cạnh đó yếu tố con người không kém phần quan trọng, đó là trí tuệ, trình độ cũng như kinh nghiệm. Với khoảng 20 năm, Trung Quốc cần phải nỗ lực rất lớn để thay đổi tư duy toàn xã hội, cải cách giáo dục và một trong những yếu tố chủ chốt là trình độ quản lý và hành chính phải nâng cao để đảm bảo phát triển. Trong sự chuyển đổi mô hình kinh tế đó, vấn đề đảm bảo việc làm cho gần tỷ rưỡi dân sẽ vô cùng khó. Khi sản xuất và dịch vụ đạt hiệu quả cao hơn, sử dụng tỷ lệ chất xám nhiều hơn sẽ đồng nghĩa với việc sử dụng ít nhân công hơn cho một đơn vị công việc so với trước.
- Cho dù 20 năm sau Trung Quốc có là nền kinh tế lớn nhất Thế giới thì Trung Quốc cũng khó có thể là trung tâm tài chính của Thế giới thay thế Mỹ, bởi nền tài chính Mỹ có mối liên hệ hữu cơ, sâu rộng và toàn diện với các trung tâm tài chính lớn trên Thế giới. Điều này Trung Quốc chưa thể có được, và bản thân cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng như trình độ tài chính Trung Quốc chưa đạt đến mức độ đảm bảo vai trò dẫn dắt thị trường tài chính Thế giới. Tất nhiên Mỹ cũng có những khó khăn phải vượt qua, đó là thâm hụt ngân sách khổng lồ có thể dẫn tới khả năng vỡ bong bóng trái phiếu Chính phủ, gây nên khủng hoảng tài chính toàn cầu ở mức độ khủng khiếp.
- Nước Trung Quốc khó có thể là siêu cường số một bởi Trung Quốc ở thế thụ động trong vấn đề năng lượng. Mỹ vẫn sẽ là tay chơi lớn nhất trong khai thác dầu khí, năng lượng trên Thế giới. Trung Quốc rất khó chen chân vào những nơi mà Mỹ đã cắm rễ. Ngoài ra Trung Quốc sẽ phụ thuộc khá nhiều vào năng lượng từ Nga.
- Có thể yếu tố Tây Tạng, Tân Cương, Đài Loan hay bất bình đẳng xã hội hoặc môi trường sẽ không phải yếu tố gây khủng hoảng xã hội lớn nhất tại Trung Quốc, mà chính là thay đổi chính trị. Nếu thay đổi chính trị xảy ra ở Trung Quốc, không ai có thể dự đoán được khủng hoảng xã hội Trung Quốc sẽ đi tới đâu. Với sự chuyển đổi của nền kinh tế, nâng cao trình độ, nhận thức người lao động, thay đổi tư duy xã hội sẽ ảnh hưởng tới chính trị của Trung Quốc.
Đối với Việt Nam, dù Trung Quốc có là siêu cường số một hay không thì Trung Quốc cũng vẫn là yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc hoạch định chiến lược, chính sách.
Nhưng dù Trung Quốc sẽ lớn mạnh hơn trong tương lai thì cũng không vượt được người hàng xóm phương Bắc của Việt Nam đã từng có trong lịch sử. Bất kể người nắm quyền tại phương Bắc là người Hán, Mông hay Mãn, họ là siêu cường duy nhất trong vũ trụ quan của ta dưới thời phong kiến, trước khi ta biết đến thực dân phương Tây. Nhưng cho dù khi đó họ có tự cho mình là "Thiên Triều" thì nước Việt ta vẫn đứng vững, độc lập. Ngày nay mối quan hệ Việt - Trung không chỉ là quan hệ song phương mà nó bị rằng buộc bởi vô vàn mối liên hệ hữu cơ, ở nhiều cấp độ, lĩnh vực khác nhau mang tính đa phương và toàn cầu. Những điều đó sẽ tạo nên môi trường cho mối quan hệ Việt - Trung hợp tác, hai bên cùng có lợi và hiểu rõ nhau.
Lạc Văn, 6/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét